Trên thế gian này, đôi khi những gì nghe tận tai, nhìn tận mắt không hẳn đã đáng tin. Duy chỉ có dùng tâm mà cảm nhận, lĩnh hội mới mong thấu hiểu được điều huyền diệu phía sau. Bởi không phải chuyện gì cũng thể hiện ra bên ngoài. Lời không nói ra mới là lời đáng nói nhất.
Nhiều năm trước, tại một hội trường lớn có vị học giả tuyên bố với mọi người rằng Phật là tuyệt đối không tồn tại. Lúc mọi người muốn ông chứng minh lời mình nói là đúng, học giả nọ liền cao giọng nói như thách thức Đức Phật: “Đức Phật quả thực người có linh thì hãy xuống đây, trước mặt rất đông mọi người hãy giết chết ta đi. Khi ấy chúng tôi sẽ tin là người thực sự tồn tại”.
Ông ta yên lặng trong mấy phút như có ý chờ đợi. Đương nhiên là Đức Phật không hiển linh để giết chết ông ta. Học giả nọ liền bước đi quanh sân khấu một vòng, đưa mắt nhìn khán phòng một lượt rồi nói: “Mọi người thấy rồi đấy, Đức Phật vốn dĩ là không tồn tại”.
Cả khán phòng ban đầu lặng yên, rồi râm ran những tiếng xì xào, bàn tán. Vào đúng lúc ấy, có một người phụ nữ đứng dậy giữa đám đông, trông bộ dạng có vẻ như là người vùng quê. Bà tiến gần lên sân khấu, ngước nhìn học giả nọ và nói:
“Tiên sinh, lý luận của ông rất cao minh, ông là một học giả uyên bác. Còn tôi chỉ là một phụ nữ quê mùa, không thể phản bác lại ông. Tôi chỉ muốn nói là từ trước đến nay tôi vẫn luôn luôn tin vào Thần Phật, tin vào những lời dạy bảo của Ngài và cảm thấy vô cùng thoải mái. Tôi đã có được một cuộc sống thực sự bình yên và hạnh phúc. Tôi muốn hỏi ông, nếu khi chết đi tôi phát hiện rằng những gì mình tin vào Đức Phật trước đây hết thảy đều không tồn tại, vậy tôi sẽ mất đi cái gì đây?”.
Vị học giả suy nghĩ một hồi lâu, cả hội trường yên lặng, người nghe rất đồng tình với suy luận này. Ngay cả vị học giả nọ cũng thán phục trong lòng. Ông thấp giọng trả lời “Khi đã chết đi rồi thì mọi thứ đều là hư vô cả, còn được mất gì đây. Phu nhân, ta nghĩ bà không bị tổn thất gì cả”.
Người phụ nữ nọ mỉm cười, lại nói: “Cảm ơn ông! Nhưng tôi vẫn còn một câu nữa muốn nói. Thưa ông, nếu khi chết đi và thấy những gì Đức Phật răn dạy là đúng sự thật, lục đạo luân hồi là có tồn tại thật, khi ấy ông sẽ mất những gì?”. Vị học giả suy nghĩ một hồi lâu mà chẳng nói được lời nào.
Bất kể là con người có tin vào Thần Phật hay không thì Thần Phật vẫn luôn tồn tại, từ bi bảo hộ chúng sinh. Thần Phật là những sinh mệnh cao cấp, siêu nhiên, lẽ nào chỉ một câu nói của con người là có thể quyết định họ có thật hay không? Đó chỉ là con người đang vọng tưởng vậy thôi. Con người cho rằng ý chí của mình có thể quyết định được tất cả. Kỳ thực, sinh mệnh người ta quá ư nhỏ bé, yếu ớt, khác nào hạt bụi của vũ trụ.
Người tin Thần Phật cũng chính là làm theo giáo huấn của Thần Phật, sống lương thiện, chân thành, nhẫn chịu, khoan dung. Trong tâm bao chứa đầy từ bi, hỉ xả thì khi gặp nạn đều sẽ được Thần Phật ra tay cứu giúp. Còn người không tin Phật thì chính là cũng phủ nhận luôn những điều như luân hồi quả báo, thiện ác hữu báo. Họ sẽ hành ác mà chẳng đắn đo, dằn vặt, dùng đủ cách để hại người, trục lợi. Chẳng phải họ đang tự mình hủy hoại chính mình hay sao?
Con mắt thịt chỉ có khả năng hạn hữu và nó dẫn người ta đến một cực đoan: Phủ nhận tất cả những gì không nhìn thấy, không thấy không tin. Ngày nay, do ảnh hưởng của thuyết vô thần, nhiều người cũng nghi hoặc sự tồn tại của Thần Phật, Sáng Thế Chủ. Họ cho rằng không có Sáng Thế Chủ tạo ra vũ trụ này, mọi sự đều là kết quả của tác động ngẫu nhiên nào đó. Họ chỉ tin vào khoa học.
Nhưng đến lượt mình, khoa học lại cũng có những hạn chế riêng, cũng có những cái “lồng” riêng tự nhốt mình vào. Chỉ là cái lồng của khoa học so với cái lồng của mắt người thì to hơn một chút, rộng rãi hơn một chút. Người ta đều đang ở trong cái lồng hạn hẹp ấy mà vẫn tự cho là thỏa mãn, là nắm được nhiều tri thức lắm. Thực ra tri thức khoa học của nhân loại thật đáng thương, nhỏ bé vô cùng so với trí tuệ của các sinh mệnh vô số trong vũ trụ.
Bản tính của con người là thuần thiện, lương thiện và tin vào Thần Phật. Người cổ đại tin vào luân lý của Trời, nhân quả luân hồi, thiện ác hữu báo. Nhưng xã hội càng phát triển, con người lại càng coi trọng vật chất và hiện thực trước mắt hơn, bỏ quên đức tin của mình. Họ lên chùa không phải vì tôn kính Phật nữa mà là vãn cảnh, du ngoạn. Họ bỏ tiền vào hòm công đức để cầu tiêu tai giải hạn, phát tài nổi danh, chứ không còn là cúng dường đảnh lễ tôn nghiêm như xưa. Mọi thứ đều đã thay đổi.
Vì tất cả đều hỗn loạn như vậy nên Thần Phật cũng không hiển hiện trước mắt người ta nữa. Họ không tin Thần thì cớ gì Thần phải triển hiện thần thông trước mặt họ? Người cổ đại tiếp xúc với Thần Phật rất nhiều, rất dễ, chỉ cần thành tâm là như có thể nghe thấy lời răn của Thần linh. Nhưng người hiện đại không như thế. Họ không tin Thần, phủ nhận Thần thì Thần cũng không bảo hộ họ.
Khi kiếp nạn xảy đến, sự cố chấp sẽ khiến rất nhiều người phải gánh chịu đau thương. Sức mạnh của khoa học kỹ thuật tuy đã lớn dần theo năm tháng nhưng so với Tạo hóa, với thần thông của Thần Phật thì nó chẳng là gì cả. Khi kiếp nạn ập đến, nền văn minh tân tiến nhất cũng phải chịu diệt vong huống chi một vài cá thể nhỏ bé. Nếu không quay trở về truyền thống, phục hưng đạo đức, luân lý, kiếp nạn của người ta là không thể tránh khỏi.
Xem video để cảm nhận bài viết:
Văn Nhược / Theo Daikynguyen