Giá trị của sáng tạo không chỉ là mới mẻ mà còn là những món quà ý nghĩa gửi đến những người cần giúp đỡ. Theresa Dankovic là một Tiến sĩ Hóa học, là người đã phát mình ra cuốn sách mang tên Drinkable Book – Sách có thể uống, một cuốn sách đã thay đổi số phận cho hơn 600 triệu người.
Sau chuyến công tác đến châu Phi, vì quá kinh ngạc và đau lòng trước cảnh nhiều em nhỏ phải uống nước bẩn và không đảm bảo vệ sinh, Theresa đã ấp ủ trong mình giấc mơ mang nguồn nước sạch đến cho những người dân nghèo khó.
Chính những điều đó đã thôi thúc Theresa sáng tạo, mặc dù là một tiến sĩ hóa học tài năng, nhưng cô không bị kiến thức khô cứng tách rời cuộc sống. Cô bắt đầu đem những kiến thức mình học được ứng dụng vào đời sống thực tế của người dân.
Tại châu Phi, nguồn nước sạch được xem là một vấn nạn nghiêm trọng, đây cũng chính là nguyên nhân đang khiến cho rất nhiều dịch bệnh xảy ra khắp nơi khi không có đủ nguồn nước sinh hoạt, nhất là những quốc gia đang phát triển.
Trở về từ chuyến đi, Theresa làm việc miệt mài trong phòng thí nghiệm trong suốt 8 năm với hy vọng tìm ra giải pháp cải thiện nguồn nước sạch. Những cố gắng không mỏi mệt ấy đã đem đến cho cô một kết quả thật sự ngoài sức tưởng tượng. Đó là ion nano bạc có tác dụng diệt khuẩn cực hiệu quả! Theresa nảy ra ý tưởng dùng ion bạc nano bỏ vào nguyên liệu làm giấy, nhằm tạo ra loại giấy có độ lọc khuẩn. Trong nhiều tháng, cô làm việc miệt mài tại phòng thí nghiệm, tiến hành hàng ngàn lần kiểm tra. Và cô đã thành công.
Kết quả nghiên cứu, loại giấy này có thể loại bỏ 99% vi khuẩn trong nước, giúp nguồn nước uống sạch hơn tiêu chuẩn nước sạch của Mỹ. Cuốn sách Drinkable Book đã được xuất bản thành công và được đánh giá là một trong 25 thiết kế tốt nhất năm 2015 do tạp chí Time bình chọn.
Mỗi cuốn sách đều có ghi dòng chữ ấm áp: “Nguồn nước ở nông thôn ẩn chứa nhiều loại vi khuẩn gây chết người. Tuy nhiên, những tờ giấy trong cuốn sách này đều là giấy lọc nước, đảm bảo an toàn cho người uống”.
Điều tuyệt vời bên trong cuốn sách đó là nó được thiết kế rất tiện lợi, mỗi khi dùng chỉ cần mở hộp và đóng hộp, lấy ra tờ giấy và đổ nước vào lọc, nước bẩn sẽ trở thành nước sạch. Một trang sách nhỏ có thể lọc được 100 lít nước. Mỗi cuốn có thể dùng lọc nước uống cho 1 người trong 4 năm.
Cô ngay lập tức đem theo loại giấy mới mà mình vừa nghiên cứu này đi đến Nam Phi, Kenya, Haiti, Ấn Độ và các nước khác để làm thử nghiệm với 25 loại nước bị ô nhiễm nặng.
Theresa chia sẻ sáng kiến hữu dụng của mình với người dân địa phương và hướng dẫn họ cách dùng thử. Sự hài lòng của mọi người đã làm cô cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Điều này cũng đem đến cho cô điều ngạc nhiên thú vị. Cô thật sự hạnh phúc khi nghĩ đến trẻ em ở châu Phi sẽ không phải uống nguồn nước màu đen nữa.
Trong quá trình trò chuyện khi làm việc cùng mọi người cô phát hiện rằng: “Điều đáng sợ nhất không phải là nguồn nước bị ô nhiễm mà là ý thức về uống nước sạch của người dân địa phương”.
Thành quả này giúp cô nhận ra sáng tạo và đam mê cộng hưởng cùng lòng thương mới mang đến niềm hạnh phúc thật sự. Niềm hạnh phúc khi biết rằng mình có thể bằng công sức và năng lực của mình để đem niềm vui đến cho nhiều người.
Một người có đầu óc sáng tạo là người biết kết nối vấn đề và mọi thứ trở nên rõ ràng hơn theo thời gian. Đó là bởi vì họ có thể kết nối những kinh nghiệm mình có và tổng hợp thành những thứ mới. Lý do khiến họ có thể làm điều đó là họ có nhiều kinh nghiệm hơn hoặc họ đã suy nghĩ nhiều về kinh nghiệm của mình hơn người khác.
Mỗi người chúng ta ai cũng có một sợi dây vô hình nào đó tự buộc lại những sáng tạo của bản thân mình, chúng sẽ ngăn cản và phá hủy đi nhiều cơ hội mới. Và nếu thế mãi mãi bạn sẽ ở trong cái khung cũ kỹ của cuộc đời mình. Bạn nhớ rằng, trên đường đua sáng tạo hay nghệ thuật, điều kỳ diệu chỉ thực sự xuất hiện khi bạn nắm bắt cơ hội, sẵn sàng cho mình thật nhiều trải nghiệm mới.
Nguồn: ĐKN.TV