Kết lòng dân tựa như xây bức tường thành kiên cố, mà keo gắn kết đó chính là lắng nghe, thấu hiểu và trưng dụng hiền tài.
Là con trai trưởng của nhà vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông đã được truyền ngôi vua vào tháng 11 năm 1278 khi ông chưa đầy hai mươi tuổi. Vị Hoàng đế trẻ tuổi sớm phải đương đầu với hiểm họa xâm lược từ đế quốc Mông – Nguyên hùng mạnh ở phương Bắc.
Đứng trước nguy cơ mất nước, vị vua trẻ băn khoăn,suy nghĩ, trăn trở canh cánh trong lòng nếu đánh e rằng không có sức chống lại, lo sợ dân chúng vì cuộc chiến này mà đau khổ lầm than.
Nhưng Ông đã nhìn thấy một viên ngọc sáng trong chính hàng ngũ quần thần, một vị đại tướng quân sẽ cùng ông chống lại quân xâm lăng hùng bạo. Người đó chính là Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông gạt bỏ đi rào cản về suy nghĩ rằng, Trần Quốc Tuấn sẽ tạo phản mà dành lại ngôi báu, đặt trọn niềm tin ở vị tướng này.
Ông nhìn thấy tận sâu trong tư tưởng của Trần Quốc Tuấn là tinh thần trung quân ái quốc, nhà vua đã không ngại ngần tin tưởng và sủng ái Trần Quốc Tuấn, giao phó toàn bộ quân binh cho vị tướng này bởi ông tin vào tài năng dụng binh của Trần Quốc Tuấn.
Đây thể hiện được con mắt nhìn người thâm sâu, gạt bỏ tình riêng vì quốc gia đại sự, vì lợi ích của muôn dân.
Ông nhận thấy rằng nếu bá tính Đại Việt cùng chung một lòng, thì đây là sức mạnh mà bất kỳ một nhà thao lược tài ba nào cũng cần tới, Trần Nhân Tông huy động sức mạnh của cả dân tộc.
Nhà vua cho rằng sức mạnh quân dân nằm ở tinh thần yêu nước của mọi người, không phân biệt giai tầng, tuổi tác, tôn giáo, nguồn gốc dân tộc.
Ngài chiêu mời nhân tài kiệt xuất khắp nơi, lấy tâm đức mà thu phục lòng người. Chính điều này làm nên sức mạnh vô bờ bến của đội quân tiên phong đánh đuổi quân xâm lược Nguyên-Mông.
Trong hàng ngũ quân binh có những người thuộc dòng dõi thân vương như Trần Quang Khải, Trần Hưng Đạo,… có những người xuất phát từ dân thường như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái… nhưng cũng có những người ở vị trí thấp như Yết Kiêu, Dã Tượng, có những người còn rất trẻ như Trần Quốc Toản.
Nhưng cũng có những người rất già như các vị bô lão tham gia hội nghị Diên Hồng với tiếng hô “quyết chiến” hùng mạnh, có những người thuộc các dân tộc thiểu số, như Hà Đặc, Hà Chương, có những đạo sĩ ngoại quốc như Hứa Tông Đạo, thậm chí có những người là tướng tá của kẻ thù như Trương Hiển.
Sự tập hợp rộng rãi các thành phần dân tộc khác nhau này đã thành công nhờ xuất phát từ một chính sách gắn kết rộng lớn.
Trong lời Hịch gửi tướng lĩnh, sĩ quan và binh sĩ, Trần Hưng Đạo đã thay lời Trần Nhân Tông nói rõ điểm này:
“Các ngươi ở lâu dưới trướng, nắm giữ binh quyền, không có áo mặc thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho cơm, quan thấp thì ta thăng tước, lộc ít thì ta cấp lương, đi thủy thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa, lúc ra quân thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà thì cùng nhau vui cười. So với Công Kiên đãi đám tỳ tướng, Ngột Lang đãi kẻ phụ tá, nào có kém gì? Nay các ngươi ngồi nhìn chúa nhục mà không biết lo, thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn, làm tướng triều đình đứng hầu quân mọi mà không biết tức, nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết giận.
Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui. Có kẻ lấy việc đánh bạc làm thú. Có kẻ chăm lo vườn ruộng, cung phụng gia đình. Có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước việc quân. Có kẻ ham trò săn bắn mà nhác tập công tập thủ. Có kẻ thích rượu ngon. Có kẻ mê hát nhảm. Nếu bất chợt giặc Mông tràn sang, thì cựa gà trống không đủ đâm thủng giáp giặc, mẹo cờ bạc không đủ làm mưu nhà binh, vườn ruộng giàu không đủ chuộc tấm thân ngàn vàng, vợ con lắm không đủ sung dụng việc nước, của cải nhiều không đủ mua được đầu giặc, chó săn khỏe không đủ đuổi được bọn thù. Rượu ngon không đủ để làm giặc say chết, hát hay không đủ để giặc điếc tai.
Lúc bấy giờ, chúa tôi nhà ta đều cùng bị bắt, đau xót biết chừng nào. Không chỉ thái ấp của ta bị mất, mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về kẻ khác; không chỉ gia quyến ta bị đuổi, mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi; không chỉ xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác dày xéo, mà phần mộ cha mẹ các ngươi bị kẻ khác bới đào; không chỉ thân ta kiếp này bị nhục dù đến trăm năm sau tiếng nhơ không rửa tên xấu còn lưu, mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi thỏa thích, phỏng có được chăng”.
Dân là ân gia chứ không phải nô bộc.
Thời bình triều đình của Trần Nhân Tông luôn thực hiện chính sách một lòng biết ơn, kính phụng với những công thần, binh sĩ đã tham gia vào cuộc chiến chống quân xâm lăng, bảo vệ bờ cõi nước nhà.
Đây là triều đại đầu tiên được ghi nhận là đối đãi một lòng trước sau như một với công thần, công sĩ, chính vì vậy mà mặc dù không trong thời chiến binh loạn lạc, nhưng hễ triều đình kêu gọi, là họ lại lần lượt lên đường vì giang sơn, dám xả cả xương máu vì đại nghiệp nước nhà.
Lòng trung với nước sắt son của quân dân trong chiều là viên ngọc quý của vương triều nhà Trần.
Lấy dân làm gốc, đặt mình vào hoàn cảnh của người dân để ra chiếu thư trị vì hợp lòng người
Sau chinh chiến làng mạc, đền chùa miếu mạo bị tàn phá nặng nề, dân mất nhà, vua mất cung, thành trì tan hoang, ruộng vườn trống rỗng, nhà vua đau lòng thốt lên:
“đốt phá hết chùa miếu trong nước, khai quật phần mộ tổ tiên, cướp bóc dân gian, phá phách sản nghiệp trăm họ, mọi tàn ác không việc nào trừ …”.
Ông đã ra chiếu dụ miễn hết sưu thuế ở những vùng bị tàn phá nặng nề trong nhiều năm liên tiếp, thực hiện cứu tế cho dân, đảm bảo dân bình ổn cuộc sống trước khi lo tu sửa lại cung điện, thành trì.
Ông liên tiếp thực hiện việc cải tổ lại hệ thống quan bộc, nhằm giảm đi gánh nặng về thuế cho dân, cắt bớt những chức trách làm cồng kềnh bộ máy thống trị.
Trước một bộ máy quá lớn và quá nặng nề từ Thượng thư sảnh, Môn hạ sảnh, Nội mật viện, đến các quan, cac lục bộ, các cục (Nội thư hoả cục, Chi hậu cục..), các đài (Ngự sử đài), các viện (Khu mật viện, Hàn lâm viện, Thẩm hình viện, Quốc sử viện, Thái y viện,..), các ty .. khiến Trần Nhân Tông phải thốt lên :
“Sao một nước bé bằng bàn tay mà phong nhiều quan thế!“.
Việc làm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng làm giảm đi biết bao nhiêu gánh nặng sưu thuế trên vai người dân. Lòng dân càng tin tưởng và một lòng trung với Vua và triều đình.
Trần Nhân Tông là vị vua đầu tiên trong lịch sử nước ta khi ban chiếu chỉ mà không chỉ có chữ Hán, bên cạnh có cả bằng chữ Nôm, thứ tiếng dùng trong sinh hoạt trong xã hội thời bấy giờ để ai ai trong dân chúng, bất luận giai tầng nào đều hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của chính bản thân mình.
Trần Nhân Tông luôn đưa ra chế tài pháp lý phù hợp lòng dân để khống chế tệ nạn, tội phạm xã hội, chế tài luôn được thay đổi để kịp thời cho từng thời kỳ phát triển, mặt khác nhà Vua chú trọng tới gắn kết toàn dân, nên Ông luôn luôn giải quyết thỏa đáng những mâu thuẫn nội bộ trong dân.
Vừa là vua trị vì, vừa là một nhà hiền triết
Trong lịch sử trên thế giới rất hiếm người tài vừa là vua trị vì vừa là một hiền triết.
Văn minh La Mã có Marcus Aurelus, hoàng đế triết gia, vừa minh trị an độ nhân dân, độ lượng với mọi người và để lại tác phẩm triết học nổi tiếng “Meditations”.
Ở phương đông hơn mười hai thế kỷ sau có Trần Nhân Tông, cũng một minh quân, sáng lập trường phái thiền Trúc Lâm Việt Nam với các tác phẩm thiền “Khoá Hư lục”, “Thiền lâm thiết chủy ngữ lục”, “Tăng già toái sự” không kém sâu xa.
Ngày viên tịch ông người ta kể rằng có một ngôi sao sáng vụt bay lên bầu trời, hài cốt của ông là những xá lị long lanh như ngọc sáng. Tâm hồn ông mãi lưu danh sử sách, con cháu Đại Việt mãi nhớ về ông như một vị vua tài năng xuất thế, đạo hạnh của con người Trần Nhân Tông tỏa sáng như viên ngọc dạ minh châu.
Nguồn: ĐKN.TV