Nhà văn Aldous Huxley từng nói một câu rất hay rằng: “Hạnh phúc là người thầy hà khắc, đặc biệt là hạnh phúc của người khác”. Vì sao lại như thế? Đó là bởi trong sâu thẳm mỗi người đều có lòng đố kỵ.
Lòng đố kỵ thể hiện qua mọi mặt của đời sống, dễ nhận thấy nhất là khi có ai đó giàu sang và thành đạt hơn mình. Thông thường con người sẽ không để lộ sự ganh ghét của bản thân mà chôn sâu giấu kín ở trong lòng.
Khi thấy đồng nghiệp hay bạn bè thật xuất sắc, chúng ta vui mừng cho họ hay trong lòng khó chịu không yên?
Một anh bạn thân kể với tôi rằng, chỉ vì anh ấy viết chữ đẹp hơn người mà cũng bị người khác đố kỵ. Khi nhìn thấy ai đó có điểm tốt hoặc đạt được thành tựu gì đó, liệu trong lòng ta có cảm thấy khó chịu hay không?
Cũng có người chia sẻ với tôi rằng, mẹ chồng chị đối xử rất tốt với con gái, nhưng đối với chị lại lãnh đạm vô tình. Từ lời nói của chị tôi cảm nhận được sự khó chịu mất cân bằng trong tâm. Suy xét sâu hơn, đó chẳng phải là tâm đố kỵ đang khởi tác dụng sao?
Mẹ chồng thương yêu con gái và lạnh nhạt với con dâu vốn là lẽ thường tình trong xã hội. Bởi con dâu là con người khác sinh ra, con gái mới là cốt nhục của mình, nên đối xử khác biệt cũng có gì là lạ? Đạo lý ngược lại cũng như thế, chẳng phải con dâu vẫn thường kính yêu mẹ đẻ hơn mẹ chồng đó sao?
Vị tư là bản tính vốn có của con người, khiến mối quan hệ giữa người với người ngày càng trở nên căng thẳng. Cộng thêm lòng đố kỵ, thì bản tính vị tư ấy sẽ làm cho mối quan hệ ngày càng thêm xấu đi. Từ xưa đến nay, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu luôn là ngòi châm cho mọi lời ong tiếng ve trong gia đình, mẹ chồng thì oán trách con dâu bất hiếu, con dâu lại oán hận mẹ chồng không công bằng…
Để thay đổi cục diện bế tắc này chỉ có thể bắt đầu từ bản thân mỗi người, từ thái độ nhìn nhận của chính chúng ta.
Hãy coi mẹ chồng như thân mẫu để hiếu thuận, và hãy coi con dâu cũng như con gái để yêu thương đối đãi, bạn sẽ thấy sức mạnh chuyển biến kỳ diệu đến từ việc thay đổi bản thân hơn là thay đổi ngoại cảnh.
Đạo lý là như vậy, nhưng thực hiện lại chẳng dễ dàng chút nào. Đây là vấn đề khó giải quyết nhất, nhưng bí quyết lại rất đơn giản, đó là bất kể việc gì đều nghĩ tới điểm tốt của đối phương, nếu không, mối quan hệ sẽ càng ngày càng khó có thể khắc phục.
Có một câu chuyện như thế này: Trước đây có một nàng dâu, không biết vì duyên cớ gì mà cô luôn bị mẹ chồng chê trách, luôn khiến bà khó chịu mỗi khi cô xuất hiện. Một ngày nọ, cô đến gặp vị thầy thôi miên, nhờ ông xem giúp rốt cuộc giữa mình và mẹ chồng có ân oán gì? Vị thầy thôi miên đã giúp cô con dâu nhớ lại tiền kiếp, cô từng là một thiên kim tiểu thư sống vào thời loạn lạc, còn mẹ chồng cô khi đó là một người phụ nữ tị nạn. Một ngày nọ, bà lỡ đường đói rét tới trước cửa nhà cô để cầu xin giúp đỡ. Nhưng nàng tiểu thư kia lại lạnh lùng quay lưng, đến ngày hôm sau thì thấy người phụ nữ tị nạn đã qua đời ngay trước cửa nhà mình.
Bạn có tin câu chuyện này không? Còn tôi, tôi tin vào nhân quả, tin rằng mọi việc đều có nguyên do. Trước đây tôi là một người yêu bản thân hơn bất cứ ai khác, bởi vậy tôi thường phải nếm mùi thất bại trong cuộc sống. Sau nhiều lần vấp ngã, tôi nhận ra phải thay đổi bản thân mình, nếu không, những va vấp trắc trở sẽ còn tiếp diễn, quan hệ người với người sẽ thêm căng thẳng, có việc gì tốt người ta sẽ không nói, có việc gì xấu người ta cũng không nhắc nhở mình.
Dù muốn hay không, chúng ta phải thừa nhận rằng ta đã từng ganh tị với ai đó trước đây. Cạnh tranh và đố kỵ là một bản năng sinh tồn. Con người hay so sánh với người khác là vì họ muốn vượt trội hơn để có cảm giác mình đang tồn tại. Dẫu biết rằng ghen tỵ là một loại cảm xúc tự nhiên, nhưng nếu không kiềm chế sẽ gây ra rất nhiều hậu quả tệ hại.
Lòng đố kỵ làm ảnh hưởng khả năng suy nghĩ và hành động của chúng ta. Thay vì tập trung hướng đến thành công, nó lại khiến ta lầm bước đâm vào ngõ cụt.
Khi cứ mải miết ghen ghét người khác, ganh đua với người khác, chúng ta còn tâm trí đâu để phát triển khả năng? Một người hay ghen ghét sẽ không nhìn được sự tiến bộ của bản thân vì họ chỉ chăm chăm đạt được những gì giống như người khác. Khi không biết mình đang ở đâu, họ sẽ dễ dàng đánh mất động lực để tiến lên.
Người chỉ quan tâm đến thành quả của người khác thường sẽ bỏ qua câu chuyện đằng sau những thành tựu đó. Người đố kỵ với người khác không thấy được điểm mạnh của mình và càng mù mờ trước điểm yếu của đối phương.
Nếu dành cả đời ghen tị với người khác vì họ làm việc hiệu quả hơn, thăng tiến nhanh hơn, hay giải quyết vấn đề tốt hơn, thì ta sẽ chẳng bao giờ tiến bộ. Một người chỉ phí thời gian lo cho thành công của người khác sẽ không nhận ra được tiềm năng của chính mình. Ngay cả khi thành công, người đó cũng lại nhìn vào người khác thay vì dành thời gian để chúc mừng bản thân. Vòng luẩn quẩn lại tiếp tục, và người này sẽ không bao giờ thỏa mãn.
Những hạt giống thành công sẽ cho ra kết quả tốt đẹp hơn nhiều hạt giống đố kỵ. Sự thật là luôn có ai đó thông minh hơn, giỏi giang hơn hay mạnh hơn bạn. Sự ghen ghét buộc con người ta phải không ngừng chạy theo ham muốn, do đó sự thèm muốn bên trong sẽ không bao giờ được thỏa mãn.
Giải phóng bản thân khỏi đố kỵ giúp chúng ta thoát khỏi những ham muốn phi thực tế và phi hiệu quả. Bạn có thể nhìn được tiến bộ của bản thân cũng như các lĩnh vực mình cần hoàn thiện, đồng thời đánh giá đúng mức thành tựu của mình thay vì cứ phải đi so sánh với người.
Việc thoát khỏi thói ghen ghét không chỉ giúp bạn tập trung vào chỉ những điều quan trọng, mà còn giúp cuộc sống của bạn dễ dàng hơn. Chân thành chúc mừng cho thành công của người khác sẽ mở ra nhiều cơ hội và hợp tác hơn là các phản ứng tiêu cực hay các quan hệ cạnh tranh.
Bình Nhi / Theo ĐKN
- Sự khác nhau giữa người cảm ơn và người oán hận
- Trên đời có những thứ bạn chỉ có thể gặp mà không thể cầu