Sau khi có hệ thống phân loại phim, những bộ phim ra rạp đã không còn sợ bị cắt hết cảnh nóng. Người ta bắt đầu lo lắng rằng, liệu việc phân loại phim có thật sự giúp bảo vệ người xem phim, hay là chỉ là sự giải phóng cho các nhà làm phim thỏa sức “sáng tạo nghệ thuật” theo hướng ngày càng dung tục hơn. Và nỗi băn khoăn của không ít người là, liệu các tác phẩm nghệ thuật có cần thiết phải đưa vào những cảnh quá “nóng bỏng” hay không?
Mới đây, bộ phim “Mẹ chồng” của Việt Nam chuẩn bị ra rạp đã tung một đoạn trailer (một đoạn video tập hợp các cảnh quay trong phim dùng để quảng bá cho bộ phim hoặc các sản phẩm nghe nhìn sắp ra mắt) có cảnh nhạy cảm rất táo bạo. Điều đáng nói là bộ phim dù đã được gắn mác C16 (cấm trẻ em dưới 16 tuổi) nhưng trailer thì lại quảng bá rộng rãi khiến mọi lứa tuổi đều có thể tiếp cận. Bởi việc phân loại phim chỉ áp dụng cho phim chiếu ở rạp. Việc dùng chiến thuật quảng bá thiếu trách nhiệm với cộng đồng đã ngay lập tức phải đối diện với sự phê phán mạnh mẽ.
Đây chỉ là ví dụ về một việc làm kinh doanh bất chấp cách thức để thu được lợi nhiều nhất có thể. Trước đó cũng có những bộ phim như “Lạc giới”, “Hương Ga”, “Tình + tình”, “Mất xác”… sử dụng cách thức tung trailer, hay teaser (clip quảng cáo đầu tiên của bộ phim, thường rất ngắn, có những cảnh ấn tượng nhất trong phim) hay ảnh lấy từ phim ra gây tò mò, kích động dục vọng khi cắt những cảnh quay không đầu không đuôi, không có liên kết gì với nội dung, hay dẫn dắt.
Rõ ràng, chẳng có ý đồ nghệ thuật nào ở đây có thể truyền tải được qua những cảnh nóng rời rạc, mà chỉ là một sự dung tục, đẩy ham muốn, dục vọng của con người lên cao khiến họ chú ý và muốn tới xem phim. Và khi những bộ phim được phân loại, được gắn mác thì nó lại càng dễ dàng, ngang nhiên đưa vào những phân cảnh nhạy cảm nhất, táo bạo nhất. Nên việc cắt các thước phim ra làm teaser hay trailer một cách vụn vặt, đầy tính kích động, không liên quan gì tới nội dung của phim có thể dễ dàng thực hiện và chúng chắc chắn tác động rất lớn tới giới trẻ và những người không thể kiểm soát được cảm xúc, hành vi liên quan.
Từ ngày 1/1/2017, hệ thống phân loại phim Việt ra rạp đã có 4 cấp độ khác nhau: Phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng (P), phim cấm phổ biến đến khán giả dưới 13 tuổi (C13), phim cấm phổ biến đến khán giả dưới 16 tuổi (C16), phim cấm phổ biến đến khán giả dưới 18 tuổi (C18). Nhiều người cho rằng, sự phân loại phim sẽ giúp khán giả được xem trọn vẹn một bộ phim mà không bị kiểm duyệt, cắt xén, nhưng cũng làm tăng thêm những nguy cơ sử dụng cảnh nóng một cách không cần thiết để quảng cáo, câu khách.
Việc phân loại độ tuổi theo những tiêu chí như trên sẽ giúp các nhà sản xuất định dạng được đối tượng khán giả ngay từ đầu. Nên việc làm phim cho đối tượng C16, C18 không bị áp lực khi phải tính tới chuyện bị kiểm duyệt, cắt bỏ nhiều phân đoạn, nhất là các cảnh “nóng”, bạo lực. Đó như một lời khẳng định về sự hợp pháp và đường đường chính chính để đưa những cảnh nhạy cảm lên màn ảnh rộng. Trong khi đó, việc phân loại cũng chỉ là dựa trên các tiêu chí cố định, việc xác định độ tuổi người xem cũng không mấy dễ dàng, việc kiểm tra và từ chối người xem không đủ tuổi ở các rạp khó có thể triệt để, và khả năng kiểm soát việc tò mò tìm xem lại của khán giả chưa đủ tuổi ở ngoài rạp chiếu phim như trên mạng Internet hoặc hàng băng đĩa là điều bất khả thi.
Nhà sản xuất phim sẽ như được tháo bỏ những giới hạn để gia tăng những sản phẩm gắn mác cho người trên 16 hay 18. Ngoài việc lách luật để quảng bá một cách vô trách nhiệm với xã hội của các nhà sản xuất, thị trường sẽ có ngày càng nhiều những sản phẩm văn hóa lệch lạc, kinh doanh trên dục vọng của con người. Khả năng tiếp cận những sản phẩm đó sẽ ngày một dễ dàng hơn dù bạn là người không đủ điều kiện, khi Internet cái gì cũng có và rất khó kiểm soát.
Điều đó để nói lên rằng, dù có hệ thống quy định nghiêm ngặt, chặt chẽ tới đâu như các nước Âu, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… chừng nào những điều nhạy cảm, vốn chỉ nên dừng lại ở chốn phòng the còn được mang ra phơi bày thì sự kiểm soát những hệ lụy sau đó sẽ vẫn còn phức tạp và khó khăn.
Nhiều người làm nghệ thuật đều cho rằng, cảnh “nóng” cũng có nhiều loại. Có loại thật sự rất “đẹp”, giàu tính “nhân văn”, làm tăng thêm tính nghệ thuật, khả năng miêu tả, truyền tải ý nghĩa nào đó của bộ phim… nếu nó ở đúng hoàn cảnh và được dẫn dắt hợp lý. Chỉ có khi làm không khéo thì mới biến nó thành sự dung tục đầy nhục dục. Cũng nhiều người cho rằng nhu cầu xem phim có cảnh nóng là điều đương nhiên của khán giả, thậm chí ngày càng nhiều, đặc biệt là với những khán giả trên 18 tuổi. Họ đã ở tuổi trưởng thành thì tại sao lại cấm họ xem những cảnh nóng hay bạo lực?
Nhưng chúng ta cũng thử tự hỏi xem, vì sao vấn đề mà con người cho là đương nhiên và tự nhiên này lại luôn có một giới hạn vô hình từ cổ chí kim, khiến con người luôn coi đó là việc tế nhị dù đã có nhiều phong trào đòi giải phóng tình dục. Văn hóa phương Đông hay phương Tây cũng vậy, các nền văn hóa cổ truyền và thuần hậu nhất đều chú trọng tu dưỡng đạo đức, đặc biệt là yêu cầu về quan hệ giữa hai giới đều rất nghiêm ngặt. Không chỉ là với trẻ em chưa đủ tuổi trưởng thành, mà ngay cả người lớn đã hoàn thiện về mặt tâm sinh lý. Đây thật ra không phải là một sự ép buộc, cực đoan, cổ hủ, mà là để bảo hộ con người.
Con người từ nhỏ tới lớn, từ xã hội cổ xưa cho tới hiện đại, lớn lên, hình thành tính cách ra sao đều là có những tiêu chuẩn đạo đức chung của xã hội và gia đình ước thúc mà hình thành. Nếu không có sự tiết chế sắc dục, thân tâm thanh tịnh, tôn trọng đối với người khác giới kể cả từ suy nghĩ cho tới hành động thì có khi bởi cái mà con người vẫn gọi là bản năng sẽ không biết là dẫn con người còn đi tới đâu nữa?
Ngày nay, trên ti vi, trên mạng, trên đường phố, trong giao tiếp giữa mọi người không đâu là không tỏa ra những ý tứ của tình sắc, mà con người còn coi đó là chuyện bình thường, cho rằng tiền bạc mỹ nữ là nên để hưởng thụ, cho nên xã hội ngày càng có xu hướng theo đuổi tiền bạc, truy cầu mỹ sắc.
Những phương pháp như phân loại phim, cảnh báo về nội dung nhạy cảm có thể cấm được một số trẻ vị thành niên tiếp cận được những vấn đề chưa phù hợp với lứa tuổi, nhưng có cấm được sự tò mò, kích động muốn tìm hiểu của chúng? Ngay cả với người lớn, nếu cứ trưởng thành là được phép tiếp cận không giới hạn với những cảnh nóng bỏng, không chút ngượng nghịu e ấp, sỗ sàng, táo bạo, thì liệu có phải mọi người lớn đều có năng lực nhận thức và cảm thụ như nhau?
Con người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ và tính cách, dù có khả năng tiết chế thế nào, nếu cứ được chứng kiến, va chạm liên tục với những điều vốn bộc lộ phần “con” nhiều nhất, dù có là những cảnh mà chuyên gia cho là đầy tính “nghệ thuật” và “nhân văn”, thì họ sẽ dần mất đi sự ước thúc và thấy nó “tự nhiên”. Sẽ không còn gì ngăn cản được họ “hiện thực hóa” dục vọng ngày càng nhiều và mạnh mẽ. Và khi không thể tiết chế được nữa thì vi phạm đạo đức hay pháp luật là điều có thể xảy ra.
Tiết nghĩa đạo đức luôn là thiện tâm vốn có trong mỗi con người. Từ xưa những bậc nhân sĩ có đạo đức đều lấy thanh tịnh làm gốc, luôn giữ tâm thành kính, dùng đức hạnh trong sạch để bồi dưỡng bản thân và dùng tâm chính khí hạo nhiên để kiềm chế ác dục.
Vì “háo sắc tham dục” được cho là việc làm trái với thiên lý nhân luân, họa loạn thường đạo, Trời đất không dung, Thần Phật phẫn nộ. Nên con người đều biết đó là việc xấu, tránh phạm phải, nuôi dưỡng tinh thần thuần tịnh, tránh xa những suy nghĩ, hành động có thể khởi cái dục vọng kia lên.
Văn Xương Đế có câu: “Thiên đạo họa dâm, kỳ báo thậm tốc. Nhân chi bất úy, mộng mộng vô tri. Cẩu hành kiểm chi bất tu, tức tai ương chi lập chí. Ta nhĩ hữu chúng, thính dữ huấn ngôn. Duy huệ địch cát, tự cổ vân nhiên. Bất thiện giáng ương, thác nhân minh giới”.
Ý nghĩa là: Thiên thượng thường giáng họa vào những kẻ háo sắc tham dâm, hơn nữa báo ứng đến rất nhanh. Có một số kẻ ngốc coi đó như giấc mộng mà điên đảo vô tri, không biết sợ hãi, nếu phóng túng hành vi bản thân, không biết kiểm điểm thì sẽ tự chuốc lấy tai ương. Các bậc sỹ tử hãy nghe lời khuyên của ta: Từ xưa đến nay thuận trời thì mới đạt được cát khánh; trái ý trời chính là tội ác, tất sẽ gặp tai họa, đây cũng là lời răn dạy của các bậc thánh hiền xưa nay.
Trong dân gian cũng lưu truyền câu nói “vạn ác dâm vi thủ” (tạm dịch: trong vạn điều ác thì dâm đứng đầu), vì suy nghĩ tà dâm vừa nảy ra thì cũng kéo theo các loại suy nghĩ xấu xa khác tới, đầu óc mụ mị, mơ hồ, còn có thể suy nghĩ được điều gì tốt đẹp đây?
Trong vạn điều ác, dâm đứng đầu cũng vì quả báo cho việc này là nặng nề nhất. Người thời xưa cho rằn g, khởi tâm sắc dục đã là có tội, huống hồ là kẻ phạm tội tà dâm thì ác nghiệp càng nặng, không thể chạy thoát khỏi báo ứng. Kẻ đó không chỉ gặp tai họa vào thân mà còn ảnh hưởng đến con cháu, quả báo không chỉ ở đời này mà còn bao nhiêu kiếp về sau. Đã có rất nhiều câu chuyện lịch sử về báo ứng tội tà dâm thậm chí chỉ là một ý nghĩ bất chính thôi cũng chạy không thoát. Thế nên người xưa rất tin vào nhân quả báo ứng đối với những suy nghĩ và hành động phạm phải giới sắc, và chính vì thế họ có cái để ước thúc bản thân mình.
Khi ngay từ suy nghĩ đã được kiểm soát thì chắc chắn hành động không đúng sẽ giảm bớt theo. Còn ngày nay, những cảnh phim nóng bỏng, ảnh quảng cáo đồ lót ngang nhiên treo trên phố, các cuộc thi người đẹp đường đường chính chính để phụ nữ mặc bikini trình diễn, những bộ đồ thời trang táo bạo của các ngôi sao… đang đập vào mắt con người hàng ngày. Làm sao có thể kiểm soát nổi những suy nghĩ bị dẫn động bởi môi trường xung quanh của chúng ta đây?
Con người hiện đại chỉ coi trọng kết quả và hành động, cốt là anh không làm ra việc gì tổn hại người khác thì tôi không quản anh. Thế nên mới cần Pháp luật, các quy định kèm chế tài để trừng phạt, răn đe hành động xấu, thu dọn hậu quả của những suy nghĩ tà ác, sai lầm. Nhưng hành động vốn được dẫn khởi bởi suy nghĩ. Để kiểm soát hành động tốt nhất thì chẳng phải triệt để nhất chính là không để những suy nghĩ lệch lạc khởi phát lên hay sao? Và cách đơn giản nhất, đã hiệu quả từ bao đời, chính là thực hành tu thân, tiết dục theo những lời răn dạy của cổ nhân mà ngày nay chúng ta cho là cổ hủ, ấu trĩ, không còn thức thời.
Tiêu chuẩn đạo đức về phương diện này tại phương Đông, phương Tây đều rất nghiêm khắc. Như Chúa Jesus đã nói: “Các con nghe thấy có lời rằng ‘bất khả gian dâm’, chỉ là ta muốn nói cho các con biết, phàm mà thấy phụ nữ liền động niệm dâm dục, người này trong tâm đã phạm tội gian dâm với cô ta rồi”. Năm điều cấm kỵ lớn của Phật Thích Ca Mâu Ni trong đó cũng có một điều là “giới tà dâm” (cấm tà dâm). Tất cả những lời răn dạy, cảnh tỉnh đều nhằm mục đích là bảo hộ con người mà thôi.
Các kiến thức y học Đông Tây kim cổ đều khẳng định rằng việc phóng túng, sinh hoạt không lành mạnh, vô độ có thể ảnh hưởng tới tinh khí hay thể lực của con người. Vì thế, tiết chế sắc dục là để con người dưỡng sinh khí. Hơn nữa là để tu đức, duy trì lối sống và tư duy lành mạnh, trong sáng. Từ đó giúp giữ gìn xã hội trật tự, có quy củ, trong đó con người đối với nhau có lễ tiết, trước sau, ít những chuyện tệ nạn ảnh hưởng tới đời sống gia đình và những câu chuyện thương tâm chỉ vì một chữ dục.
Vậy chúng ta thử so sánh xem, một xã hội đề cao và thực hành theo tiêu chuẩn đạo đức truyền thống một cách thực chất và từ bi, không có những sự kích động và kiếm lời từ dục vọng. Mọi người đều có trách nhiệm với từng lời ăn tiếng nói, hành vi của mình, tránh khởi tâm sắc dục cho cả bản thân và người khác. Và một xã hội có rất nhiều những quy định, phân loại, giới hạn những nhóm người nhất định được tiếp cận những vấn đề nhạy cảm. Nhưng thực chất lại là sự “tháo xích” cho dục vọng tăng cao dưới chính sự bảo trợ của các quy định. Với việc kiểm soát và xử lý hậu quả còn rất nhiều bất cập và mông lung, thiếu chặt chẽ. Đâu sẽ là một xã hội có vẻ an toàn hơn?
Thu Hiền / Theo DKN
- Vì sao chim phượng hoàng là biểu tượng sự tái sinh từ đống tro tàn và là một trong bốn linh vật quyền quý nhất?
- Hàm nghĩa sâu xa của việc ‘tôn sư trọng đạo’ trong quan niệm của người xưa