Khoan dung là cái đức của người xử thế độ lượng, không cưỡng cầu, hợp tan tùy duyên, vui buồn tùy duyên, được mất tùy duyên, vạn sự đều tùy duyên.
1. Người tùy duyên là người khoan dung
Tùy duyên là một loại tâm thái lạc quan, cởi mở, mọi sự thuận theo tự nhiên, không đi quá phận, không tranh tranh đấu đấu, tuân theo quy luật khách quan, không cứng nhắc, không cưỡng cầu, mà trong viên dung, hòa hợp chiểu theo sự phát triển tự nhiên.
Tùy duyên không đâu không có mặt, hợp tan, vui buồn, được mất đều tùy duyên. Có những lúc rất nhiều sự tình quả thật không thể thuận theo chính mình. Trong sinh mệnh, ngoài nỗ lực, lập trường, nguyên tắc ra thì tùy duyên chính là luôn luôn hiện hữu vậy.
2. Người sống tùy duyên, không chi phải ân hận hổ thẹn
Không suy tính thiệt hơn, cố gắng hết khả năng của mình, những gì bản thân có thể làm được thì cứ hết lòng hết dạ mà làm, còn không làm được thì hãy để thời gian xử lý. Tâm thái như vậy sẽ không khiến bản thân quá mệt mỏi, cũng sẽ không khiến tâm trí của mình uể oải, phiền muộn.
Khi hiểu ra thế giới này có quá nhiều phương diện không hoàn mỹ, thì người tùy duyên sẽ biết cho đi mà xem nhẹ những gì bản thân nhận lại được. Khi chính tay ta gieo xuống một hạt giống giản đơn, trong tâm sẽ chỉ có hy vọng mà không còn mong cầu quá nhiều. Như thế không phải hao tâm tận lực, trái lại sẽ có nhiều thu hoạch hơn, giảm bớt gánh nặng mà có thêm được niềm vui.
3. Tùy duyên không phải tùy tiện và trốn tránh
Tùy duyên không phải không hành động, không cầu tiến, không gánh trách nhiệm, mà là với người, với sự việc ta so sánh ít mà lý giải nhiều. Không phải trốn tránh mà là bình tĩnh lựa chọn, là có thể đối đãi lấy bỏ được mất, có được và từ bỏ một cách độ lượng.
Tùy duyên không phải tùy tiện, mà là phán đoán một cách lý tính, biết được điều gì nên làm, điều gì không nên làm. Giữ vững kiên định trong tâm, mà hành sự không chủ quan, không trái đạo lý, không trái với lương tâm.
4. Thư thái cũng là một loại tùy duyên
Thế giới chúng ta sinh sống biến đổi từng giây từng phút, chỉ trong nháy mắt sẽ diễn ra rất nhiều điều không xác định. Những lúc chúng ta không đủ khả năng gánh vác, chi bằng hãy thoải mái. Mà kết quả của sự thoải mái chính là giảm thiểu phiền não và lo âu. Thực ra, thoải mái cũng là một loại tùy duyên, là một loại tự do của tâm linh sau khi đã trút bỏ gánh nặng và ràng buộc.
Trong cuộc sống của chúng ta, việc đời phức tạp, thế sự xoay vần, cảnh còn người mất, đây là điều mà ai cũng không kiểm soát được. Khi chúng ta cảm khái những điều vô tình, chi bằng hãy giữ lấy một loại tâm trạng điềm tĩnh, bình thản tiếp nhận, bình thản từ bỏ, đây cũng là biểu hiện tùy duyên. Như vậy, cũng có thể bồi dưỡng ra một loại thái độ nhân sinh lạc quan của mình.
Thế sự vô thường, đời người sẽ có lúc lên lúc xuống, chạy theo danh lợi giàu sang, khiến tim ta nhiều lần khắc khoải. Những lúc bất đắc dĩ, chỉ cần có thể giữ vững nguyên tắc đối nhân xử thế của mình, những cái khác đều có thể xem nhẹ. Bảo trì một loại thư thái ngồi nhìn mây cuộn mây tan, cũng là tùy duyên, và cũng có thể mở ra gông xiềng của tâm hồn, dùng một thân tâm nhẹ nhàng thư thái đối mặt với các sự tình rối ren phức tạp.
5. Thuận theo tự nhiên, thản đãng tùy duyên
Trên thế giới này, duyên phận không đâu là không có mặt. Trên đường đời của con người, nếu như có thể hiểu được tùy duyên, thái độ nhân sinh của chúng ta tất nhiên là ung dung và độ lượng.
Trên con đường nhân sinh đầy những biến động, nếu như chúng ta hiểu được tùy duyên, tâm tình của chúng ta tất nhiên là thoải mái và tự do. Chúng ta có thể vui vẻ, bình thản và cũng sẽ ít chịu dày vò của đau khổ mà hòa mình cùng tự nhiên.
Tùy duyên là hành sự không trái với tự nhiên, phàm là việc gì cũng đều là thái độ nhân sinh có quy củ, mọi nhân duyên đều có sinh có diệt, nếu có thể thuận theo tự nhiên, sẽ có niềm vui bất ngờ trong sinh mệnh chúng ta. Vậy nên, đừng nói đời người quá vô thường, đừng nói cuộc sống quá vô tình, chỉ là bởi chúng ta đã thiếu một phần tùy duyên trong sáng vô tư.
6. Tấm lòng bao dung rộng lớn
Khoan dung là tu dưỡng tốt nhất của đời người, trong một đời của con người ta, nhẫn một lúc sóng yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời trong. Trong một đời của con người, khoan dung là chỉ con người ta sống có độ lượng, không quá khắt khe, có tấm lòng thông cảm, khắc chế, bao dung. Tục ngữ giảng: “Nhớ lấy cái tốt của người, quên đi cái dở của người“.
Điều được nói đến chính là khoan dung. Nhưng khoan dung vốn không phải đến từ bẩm sinh, mà nó là thuận theo tri thức của con người ta không ngừng phong phú, trí tuệ và năng lực không ngừng tăng thêm, tu dưỡng không ngừng để cao, mới có thể cảm ngộ ra được đạo lý của nhân sinh. Cũng chính là nói, nó là có liên quan chặt chẽ với phẩm chất tư tưởng, cuộc đời từng trải, nguyện vọng nhân sinh và tu dưỡng văn hóa của con người.
Người có tấm lòng khoan dung có thể lý giải được khó nạn của con người, tu bổ khuyết điểm của người, nâng cao sở trường của người, thông cảm sai lầm của người, từ đó sinh ra lực ngưng tụ và lực tương tác mạnh mẽ. Trái lại, những người mà chỉ biết đố kỵ, xem thường tài cán năng lực của người, chê bai khuyết điểm của người, chỉ trích sai lầm của người, thì chỉ khiến người ta cảm thấy chán ghét, sợ hãi và tránh xa. Trong một đời của con người, khoan dung là một loại tu dưỡng nhân sinh.
Với tư cách là tu dưỡng, khoan dung chính là khẳng định bản thân, cũng là thừa nhận người khác, chính là khiêm tốn chân thành với người, cư xử khiêm nhường độ lượng, chính là có thể bỏ qua tha thứ cho những tổn thương mà người khác vô tình gây ra cho mình. Nói cách khác, khoan dung là một loại cảnh giới thiện đãi cuộc sống, thiện đãi người khác. Đằng sau sự khoan dung, ẩn chứa tình thương và sự kiên cường, là tấm lòng rộng mở.
Theo Sound of Hope
Phi Long biên dịch
- Phép màu của tình yêu: Vợ từ cõi chết trở về nhờ niềm tin kiên định của chồng
- Chiêm ngưỡng tác phẩm hội họa thời kì Phục hưng: Điều gì con người có thể mang theo được khi rời thế gian?