Cổ nhân cho rằng làm việc thiện, hướng thiện là phù hợp với đạo Trời, cho nên đạo Trời đối với những người hành thiện đều có sự quan tâm chiếu cố, giúp đỡ người thiện lương, khiến cho quá trình làm việc của họ giống như có Thần trợ giúp vậy.
Triệu Hùng từ lúc sinh ra đã chất phác phúc hậu, nhưng không được thông minh lanh lợi cho lắm. Cha mẹ ông cho rằng người như ông chắc chỉ biết một ít chữ nghĩa mà thôi. Đối với những điển cố mà các vị tiên sinh giảng nói, Triệu Hùng không nhớ bao nhiêu, chỉ nhớ mỗi điển cố Khổng Tử nói với Vương Tằng:“Ông cả đời kính trọng con chữ, tích đức làm việc thiện, âm đức to lớn, nay ban cho ông một đứa quý tử”.
Thếnên Triệu Hùng luôn tâm niệm:“Mình cả đời ngu dốt, hơn nữa cha mẹ mình cũng không quý trọng con chữ, không làm việc thiện tích Đức. Từ nay về sau mình nhất định cần phải làm nhiều việc thiện”. Quả nhiên thiện niệm thành kính sẽ có báo ứng, văn chương của ông càng lúc càng hay, hoàn toàn khác hẳn trước kia. Một ngày, Triệu Hùng muốn tới Lâm An thi cử, xung quanh có người cười nhạo, ông cũng không tranh luận gì.
Một ngày nọ trên đường đi thi, ông gặp trong rừng một bộ hài cốt nằm phơi trên mặt đất không ai chôn cất. Ông động lòng trắc ẩn, liền gọi người hầu mượn một cái cuốc, 2 người chủ tớ chôn cất bộ hài cốt ấy. Sau khi thi xong, lúc yết bảng, Triệu Hùng đỗ cử nhân. Đến lúc thi Hội, Triệu Hùng nghĩ:“Trình độ của mình như thế đỗ cử nhân đã là may rồi, tham gia thi Hội làm gì?”.
Muốn trở về mà không thi tiếp, nhờ có người hầu một lòng khuyến khích mới miễn cưỡng đi thi. Trong quá trình thi, bất ngờ người thí sinh ở sát vách đột nhiên phát bệnh, Triệu Hùng vội vàng tới trấn an và chăm sóc. Xong rồi vội vã trở về làm bài, vào ngày yết bảng thì kết quả đỗ khá cao. Vào ngày thi Đình, Triệu Hùng tự nhiên nhớ lại mấy bài văn sách trước kia từng đọc, văn chương cũng tuôn trào lai láng, cuối cùng thi đỗ thứ 5. Mọi người đều biết quan coi thi đều tuyển chọn người làm bài tốt, nhưng chẳng phải đã có Thần linh quyết định, đó đều là do vận mệnh và đức hạnh của người thí sinh mà ra.
Triệu Hùng đầu tiên nhậm chức Huyện úy, sau này thăng lên tới Thái thú Tây Thục. Biết quan tước của mình đều là từ Đức mà có được, ông chẳng hề dám làm một việc xấu ác nào, không ăn hối lộ, sử dụng hiền tài chăm lo xây dựng đê điều, khiến cho trăm họ được an vui. Ông ở quận Thục 5 năm, làm không biết bao nhiêu việc tốt cho trăm họ.
Khi đó Hoàng đế Hiếu Tông trọng người có đức có tài, nhưng bất kể là người nhờ khoa cử hay nhờ Đức hạnh mà được tiến cử, Hiếu Tông đều muốn thử tài đối đáp, hoặc là hỏi chuyện Thánh hiền, hoặc hỏi những sự việc về học vấn từ cổ chí kim, nếu trả lời được mới cho nhậm chức. Triệu Hùng nhậm chức mãn hạn về kinh đô, nghe thấy Hoàng đế triệu hồi quả thực lo lắng, vì biết mình ít học kém tài, ăn nói lại không linh lợi, sẽ không biết đối đáp với Hiếu Tông ra sao. Mặc xong y phục chỉnh tề, thấy còn sớm quá, thế là nằm gục trên bàn ngủ thiếp đi.
Trong cơn mơ một vị Thần hạ xuống, trên người choàng long bào, dây lưng bằng bạch ngọc, eo mang ngọc ấn, còn có hai tùy tùng theo sau. Vị Thần xưng là Văn Xương Đế Quân, nói:“Thượng Đế thấy ngươi kính trọng chữ viết, làm việc thiện tích Đức, làm quan thương dân, từ bi với loài vật, ngày hôm nay đặc biệt phù hộ cho ngươi. Ngươi vào triều, Hoàng đế sẽ hỏi: “Khanh từ Hiệp Trung đến ư? Phong cảnh như thế nào?”, ngươi chỉ cần đáp: “lưỡng biên sơn mộc hợp, chung nhật tử quy đề” (Tạm dịch: Cây cối hai bên núi chụm lại, chim Cuốc kêu hót suốt ngày).
Nói xong, cùng với 2 đồng tử cưỡi mây bay đi. Triệu Hùng bừng tỉnh, nhìn trời bái lạy, mơ hồ tưởng như là thật. Lúc vào triều, Triệu Hùng bái kiến, Hiếu Tông quả nhiên hỏi:“Khanh từ Hiệp Trung đến ư? Phong cảnh như thế nào?”. Triệu Hùng vội vàng đáp: “Lưỡng biên sơn mộc hợp,chung nhật tử quy đề”. Hiếu Tông nghe xong quả thực rất hài lòng.
Sau đó, tể tướng Uông Ngọc Sơn ra khỏi triều đến nói với Triệu Hùng:“Ông đối 2 câu thơ Đỗ ấy thật là hay, thật sự là tài trí thông minh linh lợi”. Triệu Hùng thế là đem chuyện vì mình trân trọng dân chúng, tích Đức làm việc thiện khiến Văn Xương Đế Quân cảm động và phù hộ nói hết cả ra. Uông Ngọc Sơn nói:“Thì ra sự việc là như thế! Hôm nay Thánh thượng muốn cho ông làm quan Tự thừa, Tự bộ. Nếu ông làm chức quan ấy, thỉnh thoảng được triệu vào gặp Vua, nếu lại bị hỏi đối đáp, ông làm sao đối lại được. Hay là trở về quận Thục vậy”. Triệu Hùng đồng ý.
Ngày hôm sau, Uông Ngọc Sơn vào triều tâu:“Thần hôm qua đã truyền lời của Hoàng thượng, ông ta không muốn ở lại triều đình”.Hiếu Tông nói:“Người này điềm đạm từ chối như thế, chắc chắn là người có khả năng. Có thể cho ông ta làm quan Tiết hiến sứ”. Thế là hạ lệnh phê chuẩn cho Triệu Hùng làm Tiết hiến sứ. Vài năm sau ông dần dần được thăng đến chức Tể tướng thay thế Uông Ngọc Sơn, Triệu Hùng vẫn nghĩ mình ít học kém tài, cứ liên tục từ chức Tể tướng. Hiếu Tông thấy thế càng không cho ông ta từ chức.
Từ đó về sau, những khi đối đáp, hoặc là có điều gì quan trọng, thì đều có những sự việc báo trước, không hề sai lệch. Triệu Hùng nhậm chức Tể tướng, thường xuyên nhắc nhở Hiếu Tông chớ quên chuyện nhục Tĩnh Khang và chuyện các phụ lão của Trung Nguyên bị chà đạp, chủ trương thu phục vùng đất Trung Nguyên, trọng dụng phái chủ chiến, bảo vệ trung thần. Ông đối xử khoan dung nhân hậu, rất hay tiến cử người tài đức, được người đời ngợi ca. Sau này lúc về già, từ quan rồi lâm chung, mọi người luôn cho rằng ông là người may mắn và hạnh phúc nhất thế gian.
Từ xưa tới nay những người hiểu rõ luật nhân quả, nhận thức được chân lý của mọi sự, luôn tin tưởng xem trọng hàng đầu Đức hạnh và việc Thiện, điều chỉnh cách hành xử của mình cho phù hợp với Đạo Trời. Vì thế cho nên, từ xưa tới nay việc người ta khuyên nhau làm việc thiện,coi trọng nghĩa mà xem thường lợi ích, khi người khác cần giúp đỡ thì giúp đỡ họ, dùng lòng từ bi mà đối đãi với tất cả sự vật, kết quả được đền bù, phúc đức quảng đại, người lương thiện được Trời phù hộ, Thần luôn giúp đỡ vậy.
Chân Tâm / Theo DKN