Đời nhà Đường có một người tên là Vi Cố, nhà ở vùng Đỗ Lăng. Thời niên thiếu anh mồ côi cha mẹ. Sau khi thành niên, anh muốn lập gia thất sớm nên nhờ người cầu hôn khắp nơi nhưng đều không thành. Năm Nguyên Hòa thứ 2 (806-820), nhân chuyến du ngoạn vùng Thanh Hà, anh dừng chân tại khách điếm phía Nam Tống Thành. Một khách trọ kiến nghị anh cầu hôn với ái nữ của Tư Mã Phan Phưởng, người vùng Tống Thành. Và rồi họ hẹn xem mắt vào ngày hôm sau tại cửa vào Long Hưng Tự.
Để biểu thị sự chân thành của mình, Vi Cố đến nơi hẹn từ rạng sớm khi trăng vẫn còn tỏ. Khi đến nơi, anh bắt gặp một ông lão lưng mang túi vải ngồi ở bậc thềm của tự viện, đang xem sách dưới bóng trăng. Vi Cố lặng lẽ xem nhưng sách không phải chữ Triện cũng không phải chữ Phạn, nên anh không nhận biết được một chữ nào.
Vi Cố hỏi ông lão: “Cho ta hỏi sách mà lão đang muốn tìm là sách gì? Ta từ nhỏ chăm chỉ học tập, hầu như không có chữ nào trên thế gian con người là ta không biết, ngay cả chữ Phạn của Tây phương ta cũng đã đọc qua. Thật là chỉ có sách mà lão xem thì ta chưa thấy bao giờ. Cho ta hỏi đó là sách gì vậy?”
Ông lão cười và nói: “Đây là sách u minh không phải của thế gian con người, nên tự nhiên anh sẽ không thể thấy được. Ta là người quản cõi u minh và những sự vụ nơi đó. Ta và anh vốn là âm dương tương khắc, nhưng hôm nay chúng ta lại gặp nhau. Là anh đến sớm, chứ không phải là ta đến không đúng lúc.”
Vi Cố lại hỏi ông lão: “Cho ta hỏi lão quản sự vụ gì?”
Ông lão nói: “Ta chủ quản hôn sự trong thiên hạ.”
Vi Cố mừng thầm trong tâm, nói với ông lão: “Ta từ nhỏ đã là cô nhi. Sau khi trưởng thành, ta muốn sớm kết hôn để có con cháu nối dõi. Hơn mười năm nay, ta đi khắp nơi cầu hôn nhưng đều không thể như ý. Hôm nay, vừa lúc ta hẹn xem mắt ái nữ của Tư Mã Phan Phưởng vùng Tống Thành. Không biết là việc này có thành công hay không?”
Ông lão nói với Vi Cố: “Không thành. Mệnh không hợp, dù anh cầu hôn ái nữ của nhà có địa vị thấp trong xã hội thì cũng không thành được. Thê tử của anh chỉ vừa lên 3 thôi. Cô ấy sẽ được gả vào nhà anh lúc 17 tuổi.”
Vi Cố hỏi: “Túi của lão có gì trong đó vậy?”
Ông lão đáp lại: “Là dây tơ hồng dùng để buộc vào chân những ai sẽ nên vợ nên chồng. Con người khi vừa mới sinh thì đã bị buộc dây rồi. Bất luận hai người là thù địch, hay là một bên giàu một bên nghèo, hay là ở chân trời góc bể; một khi tơ hồng đã buộc thì không thể không tuân theo. Chân của anh đã được buộc với người khác rồi, anh có đi cầu khắp nơi cũng không ích gì.”
Vi Cố nói: “Vậy thê tử của ta hiện giờ đang ở nơi đâu?” Người nhà của cô ấy làm việc gì?”
Ông lão đáp: “Thê tử của anh là con gái của lão họ Trần bán rau ở phía Bắc khách điếm.”
Vi Cố nói: “Ta có thể gặp cô ấy được không?”
Ông lão đáp: “Bà Trần hay mang cô bé theo ra chợ bán rau. Anh theo ta, ta có thể chỉ cho anh.”
Chờ đến bình minh, người mà Vi Cố hẹn xem mắt vẫn không đến, ông lão cũng cuộn sách lại mang túi rời đi. Vi Cố theo chân ông lão ra chợ. Vừa đúng lúc gặp một phụ nữ bị mù một con mắt mang theo bé gái 3 tuổi đi đến, quần áo rách rưới, bộ dạng xấu xí. Ông lão chỉ vào cô bé và nói đó là thê tử của anh đấy.
Vi Cố rất tức giận nói: “Ta có thể giết cô bé không?”
Ông lão nói: “Người này mệnh trời cho phú quý, tuyệt không thể giết được.”
Sau khi nói xong thì ông lão biến mất.
Vi Cố rất tức giận: “Lão yêu quái dám nói những lời thật nực cười! Ta xuất thân gia giáo, hôn sự phải môn đăng hộ đối. Ngay cả khi ta không thể kết hôn được thì ta cũng có thể tìm đến nhiều mỹ nữ. Cớ gì ta lại kết hôn với con gái của một người mù chứ?”
Vi Cố mài một con dao nhỏ, đưa nó cho một người hầu cận và nói: “Ngươi là người có năng lực, nếu ngươi có thể giúp ta giết cô bé đó thì ta thưởng ngươi 1 vạn tiền.”
Ngày hôm sau, người hầu cận giấu dao trong tay áo đi đến chợ rau để giết cô bé. Một lúc khu chợ rơi vào hỗn loạn, Vi Cố và người hầu cận tẩu thoát. Sau khi rời khỏi khu chợ, Vi Cố hốt hoảng hỏi người hầu cận: “Ngươi đã giết được chưa?”
Người hầu cận đáp: “Thoạt tiên tôi nhắm đâm vào tim cô bé nhưng bị trượt, tôi chỉ đâm vào giữa chân mày thôi.”
Về sau, Vi Cố nhiều lần cầu hôn nhưng đều không như ý nguyện.
Và 14 năm trôi qua, Vi Cố giúp cha làm việc tại quận Tương Châu. Thứ sử Tương Châu là Vương Thái để Vi Cố làm chức quản luật lệ hộ tịch. Vì ngưỡng mộ tài năng của Vi Cố nên Vương thứ sử đã gả ái nữ 17 tuổi cho Vi Cố.
Ái nữ của Vương thứ sử là người hiền đức, hòa thuận, trầm tĩnh và thiện lương; nhan sắc mỹ lệ. Tuy nhiên, cô thường vẽ một đóa hoa giữa chân mày; ngay cả khi đi tắm thì cô cũng không xóa nó đi. Sau một năm dài trôi qua, Vi Cố cảm thấy rất ngạc nhiên, hồi tưởng lại sự việc hành sát cô bé nơi khu chợ năm xưa và bắt đầu hỏi rõ nguyên do sự tình. Thê tử của anh rơi lệ và nói: “Kỳ thực thiếp chỉ là con gái nuôi của Thứ sử. Cha thiếp là huyện lệnh Tống Thành. Cha qua đời khi thiếp còn rất nhỏ. Mẹ và huynh trưởng cũng lần lượt qua đời, chỉ còn lại thiếp và Trần bảo mẫu sống cùng nhau tại gia trang phía Nam Tống Thành. Do cách chợ cũng không xa nên cả hai đi bán rau để kiếm sống. Khi thiếp 3 tuổi, trong lúc bảo mẫu bế thiếp ra chợ thì bị cướp đâm, để lại vết sẹo giữa chân mày nên thiếp dùng hoa để che lại. Bảy tám năm trước, dưỡng phụ (cha nuôi) nhậm chức Tiết độ sứ Lư Long, nhận thiếp làm con gái nuôi và sau là gả thiếp cho chàng.”
Vi Cố hỏi: “Nàng nói có phải là họ Trần bị mù không?”
Thê tử của Vi Cố đáp lại: “Vâng, làm thế nào chàng biết được?”
Vi Cố nói: “Người đâm nàng chính là ta.”
Sau khi nói rõ ngọn nguồn toàn bộ sự việc, phu thê hai người càng tôn trọng nhau hơn. Về sau nàng sinh con đặt tên là Côn, làm quan đến Thái thú Nhạn Môn. Thê tử của Vi Cố cũng được biết đến là Phu nhân quận Thái Nguyên. Sau khi Tống Thành biết được sự việc thì đã đặt tên cho khách điếm này là “Đính Hôn Điếm”.
Cố sự này nói với chúng ta rằng hôn nhân nhân duyên là nghiệp quả Thần đã định, không thể không tuân theo. Vi Cố không thừa nhận nhân quả, cũng không cách nào biết được thê tử đã được định sẵn là cô bé xấu xí mà bà họ Trần ôm trong lòng, lớn lên trở nên xinh đẹp, hiền đức. Vì truy cầu nhan sắc bên ngoài môn đăng hộ đối, Vi Cố thuê người làm hại người khác. Ngoài việc để lại vết sẹo trên khuôn mặt xinh đẹp của thê tử mình, Vi Cố tuyệt không thể thay đổi sự thật hai người kết nên vợ chồng. Đương nhiên, Vi Cố hành sát người khác là làm việc xấu, cần bồi hoàn cho thê tử; cũng nói là để kết thúc nhân duyên uẩn khuất sâu xa ở trong đó.
Nghĩ đến xã hội ngày nay, thế đạo suy đồi, quan hệ nam nữ hỗn loạn. Bỏ nhau, người tranh người đấu, việc ly hôn trở nên bình thường. Có người còn quá hơn nữa, chồng thì tầm hoa vấn liễu, vợ thì ngoại tình. Có lẽ đây cũng là ý nghĩa hiện thực mà Lý Phục Ngôn ở đời Đường muốn lưu lại cho chúng ta qua cố sự “Đính Hôn Điếm” trong “Tục Huyền Quái Lục”
(Theo Tục Huyền Quái Lục của Lý Phục Ngôn)
vn.minghui.org