Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sinh thời đã là bậc thái tử tôn quý, có trong tay tất cả hạnh phúc thế gian mà người đời ngưỡng mộ. Vậy tại sao Ngài lại vứt bỏ ngôi báu, vứt bỏ giàu sang và quyền uy tột đỉnh để khắc khổ tu hành?
Phần 1
Vừa mới chào đời đã biết nói, không ai đỡ mà tự bước đi
Hơn 2500 năm trước ở Ấn Độ cổ, tại vùng đất thuộc Nepal ngày nay có một quốc gia là Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu). Quốc vương là dòng tộc Thích Ca, họ Kiều Đạt Ma (Gautama), tên là Thủ Đồ Đà Na (Suddhodana), ý nghĩa là ‘thóc lúa thuần tịnh’, do đó cũng được gọi là Tịnh Phạn Vương.
Vua Tịnh Phạn đã luống tuổi nên luôn cầu có được một đứa con trai kế nghiệp. Một hôm trong giấc mộng, vương hậu Ma Da (Maya) thấy một con voi trắng sáu ngà, miệng ngậm đóa sen từ trên không bay đến rồi tiến vào thân thể bà từ phía sườn bên phải. Không lâu sau bà có mang và sinh hạ thái tử vào năm 565 TCN. Tiểu thái tử được đặt tên là Tất Đạt Đa (Siddhārtha), cái tên mang ý nghĩa là “Cát tường”, là “Thành tựu hết thảy”.
Tương truyền, Thái tử mới sinh ra đã biết đi, biết nói, trên thân tỏa ánh hào quang, dưới mỗi bước chân là một đóa hoa sen khai nở. Thiên thượng mừng vui vì Thái tử giáng sinh mà rải xuống thiên hoa, hương thơm theo gió lan tỏa khắp không gian, tiếng nhạc trời cũng đồng thời vang lên, giữa đất trời xuất hiện một cảnh tượng tốt lành may mắn.
Bảy ngày sau khi hạ sinh Thái tử, vương hậu Ma Da qua đời. Em gái của vương hậu là Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Mahaprajapati) đã thay chị nuôi dưỡng Thái tử nên người.
Vua Tịnh Phạn hơn 50 tuổi mới có con trai nên vô cùng yêu quý Thái tử. Ông mời thầy tướng đến xem vận mệnh, thầy tướng nói: “Thái tử có 32 tướng đại trượng phu, mang trên thân đại uy đức, sau này trưởng thành sẽ hưởng hết phú quý vinh hoa ở thế gian. Nhưng nếu từ bỏ ngôi vua xuất gia thì nhất định Ngài sẽ thành tựu Đại Giác Thế Tôn, danh tiếng truyền xa bốn cõi”.
Đương thời có vị tiên nhân tên là A Tư Đà (Asita) cũng vào cung thăm Thái tử. Vừa gặp Thái tử, A Tư Đà đã tỏ ra vui mừng khôn xiết, nhưng ngay sau đó ông lại buồn rầu đến mức nước mắt giàn giụa.
Vua Tịnh Phạn thấy kỳ lạ bèn hỏi A Tư Đà. A Tư Đà nói, Thái tử sau này nhất định sẽ xuất gia tu Đạo, thành tựu nên bậc Chính đẳng Chính giác vô thượng, những người có duyên nghe Thái tử giảng Pháp sẽ được giải thoát. Nhưng vì sao A Tư Đà lại khóc? Bởi ông đã quá tuổi rồi, e rằng sẽ không thể đợi được đến ngày Thái tử truyền giảng chính Pháp. Phải bỏ lỡ cơ duyên vạn cổ như thế, nên ông đã đau buồn rơi lệ.
Vua Tịnh Phạn hy vọng Thái tử sẽ kế thừa ngôi báu, trở thành bậc quân vương nhất thống thiên hạ. Do đó ông đã vắt kiệt tâm tư để tìm cách ngăn con mình xuất gia.
Dạo chơi quan sát khắp cổng thành
Ngay từ thuở ấu thơ Thái tử Tất Đạt Đa đã tỏ ra là một cậu bé phi thường. Thấy côn trùng bị nông phu đào lên rồi lại phải làm mồi cho chim chóc, Thái tử đau buồn trước cảnh chúng sinh tương tàn. Những khổ ải chốn thế gian luôn khiến Ngài lo nghĩ suy tư.
Năm 7 tuổi, Thái tử bắt đầu tiếp thu giáo dục chính quy Bà La Môn, đã học tất cả tri thức và kỹ thuật mà thành viên hoàng tộc cần phải có.
Năm 12 tuổi, Thái tử đã nắm được học vấn rất cao trong xã hội đương thời, hơn nữa còn học võ thuật, trở thành cao thủ cưỡi ngựa, bắn cung, múa kiếm, tài năng vượt xa vương tử của các quốc gia láng giềng.
Năm 16 tuổi, Thái tử kết hôn với đệ nhất mỹ nữ Da Du Đà La (Yasodharā). Vua Tịnh Phạn đã cưới cho thái tử ba phu nhân, trong đó Da Du Đà La là đệ nhất. Nhà vua còn lựa chọn 3000 cung nữ, đêm ngày thay nhau hầu hạ. Họ có thể biểu diễn những nhạc phẩm mỹ diệu, nhảy múa những vũ điệu tươi đẹp, bất cứ lúc nào họ cũng làm hết sức để Thái tử vui lòng.
Vua Tịnh Phạn lo sợ Thái tử vì suy tư quá nhiều mà chán ghét thế tục, từ đó nảy sinh ý niệm xuất gia. Do đó nhà vua đã xây cho Thái tử ba cung điện nguy nga tráng lệ gọi là Tam Thời Điện, nghĩa là ‘cung điện ba mùa’ (ở miền trung Ấn Độ, một năm chỉ có 3 mùa). Trong đó một tòa là Noãn Cung để chống giá lạnh mùa đông, một tòa là Lương Cung để tránh nóng nực mùa hè, còn một tòa là để tránh ẩm ướt vào mùa mưa. Bên ngoài Tam Thời Điện lại có ba vòng tường thành, mỗi vòng đều lắp cửa sắt, cần phải có 500 người hợp lực mới có thể đóng mở được. Mỗi khi đóng mở, tiếng cửa vang lên ầm ầm, cách xa 20 dặm đều có thể nghe rõ. Trong ngoài mỗi tầng cửa sắt đều có tráng sỹ canh phòng nghiêm ngặt, ngăn không cho thái tử vượt ra ngoài.
Kinh Trung Bộ có đoạn kể về cuộc sống thời niên thiếu của Thái tử như sau:
Lần lượt cư trú ở 3 cung điện, bất kể là ban ngày hay ban đêm Thái tử đều được bảo hộ bởi lọng hoa lệ màu trắng để đoạn tuyệt sự xâm phạm nhiễu loạn của bụi đất, nóng lạnh và sương gió, hưởng thụ hết mọi xa hoa của cuộc sống hoàng tộc.
Một lần Thái tử muốn ra ngoài dạo chơi. Vì để ngăn không cho Thái tử trông thấy khổ nạn chốn nhân gian, vua Tịnh Phạn đã sai người đi dọn sạch tất cả những thứ rác rưởi ô uế trên đường. Những người già cả ốm đau bệnh tật hay tử vong, những người khuyết tật hay tàn tật… tất cả đều bị xua đuổi, không được phép để Thái tử trông thấy. Sau khi bố trí xong, nhà vua mới cho xe châu báu chở Thái tử đi du ngoạn ở khu vực các cổng thành Đông, Nam và Tây, Bắc.
Đương thời có một vị Thần, vì lo sợ Thái tử mải mê hưởng lạc chốn nhân gian nên đã biến hóa ra mọi hình tượng, mục đích là để thôi thúc Ngài buông bỏ ham dục mà xuất gia.
Khi du ngoạn ở cổng thành Đông, Thái tử trông thấy một cụ già tóc bạc răng rụng, lưng còng lọm khọm, tay chống gậy tre, bước đi khó nhọc.
Khi du ngoạn ở cổng thành Nam, Thái tử thấy một người bị bệnh tật giày vò, khổ đau đầy mình, thân nằm trong đống phân bẩn thỉu, hơi thở yếu ớt, sinh mệnh chỉ còn trong chốc lát.
Khi du ngoạn ở cổng thành Tây, Thái tử thấy một thi thể yểu mệnh. Gia quyến của người đã khuất đang vây xung quanh khóc lóc thảm thiết. Thái tử đau buồn cảm thán: “Ta là Thái tử, cứ cho rằng tuổi thanh xuân mạnh khỏe, nhưng lẽ nào ta có thể trốn thoát khỏi tương lai già cả, bệnh tật, và tử vong? Cõi thế gian này, liệu ai có thể siêu thoát khỏi sinh tử?”.
Cuối cùng khi du ngoạn ở cổng thành Bắc, Thái tử thấy một người tu hành từ tâm thái đến cử chỉ đều toát lên vẻ khoan thai tĩnh tại. Thần thái tiêu diêu thoát tục ấy khiến Thái tử chấn động sâu sắc.
Thái tử bèn hỏi: “Con người làm thế nào mới không già, không bệnh, không chết?”.
Người tu hành trả lời rằng: “Hết thảy sự vật trên thế gian đều vô thường, chỉ có từ bỏ người thân, từ bỏ những niềm say mê yêu thích để xuất gia thì mới là phép giải thoát”.
Thái tử nghe xong liền nảy sinh ý định xuất gia. Nhưng khi xin phép vua cha, Tịnh Phạn vương đã rơi lệ không đồng ý. Thái tử lại thỉnh cầu và nói: “Nếu phụ vương có thể đáp ứng bốn nguyện vọng này thì con sẽ không xuất gia nữa: Thứ nhất, không già; Thứ hai, không bệnh; Thứ ba, không chết; Thứ tư, tất cả đồ vật không tổn hại không hủy diệt”.
Vua Tịnh Phạn biết là không thể thay đổi được Thái tử, vì thế càng thêm lo lắng buồn rầu.
Năm 595 TCN Thái tử 29 tuổi, khi đang ở trong vườn hoa suy nghĩ sâu xa, Ngài nhận được tin tiểu vương tử chào đời. Con trai chào đời đã tạo thêm cho Thái tử một cản trở về tình cảm. Ngài thở dài: “Gông cùm sinh ra rồi!”.
Sau này Tiểu vương tử được đặt tên là La Hầu La (Rāhula), có nghĩa là gông cùm, trở ngại.
Nửa đêm bỏ hoàng cung ra đi
Công danh lợi lộc dẫu nhiều đến đâu cũng không chống lại được già nua, bệnh tật, khổ đau và cái chết. Thế gian dẫu tươi đẹp thế nào cũng không thể mãi mãi ở bên người mình yêu thương. Thái tử thể ngộ được những điều này, lòng quyết tâm cầu Đạo của Ngài không tình cảm thế gian nào có thể ngăn cản được.
Ngày mùng 8 tháng 2 năm 595 TCN, vào một đêm trăng sáng vằng vặc, Thái tử đã lặng lẽ trở dậy, chuẩn bị ra đi.
Trước tiên, ngài đến phòng ngủ của Thái tử phi, chăm chú ngắm nhìn nàng Da Du Đà La và con trai đang say sưa giấc nồng. Sau đó, ngài lặng lẽ cáo biệt.
Ra khỏi phòng, Thái tử thấy các cung nữ đang nằm ngủ, tóc xõa rũ rượi, phấn son tàn tạ, miệng mê sảng nói những lời trong mộng. Có người rỏ nước rãi, có người ngáy o o, những dung nhan mỹ miều và lời ca điệu múa tươi đẹp ngày thường giờ chỉ như khói thoảng. Thái tử cảm thán rằng: “Nơi nhân thế này, rất nhiều sự vật đều là hư ảo không thực. Ta nhất định phải tìm cầu con đường giải thoát, không được chần chừ do dự nữa”.
Ngài quay người cưỡi lên con bạch mã. Tiểu đồng coi ngựa của Thái tử là Xa Nặc (Channa) theo sát phía sau, ra sức nắm chặt đuôi ngựa để ngăn Ngài xuất cung. Nhưng Thái tử dũng mãnh nhảy lên lưng ngựa phóng đi, đem theo cả Xa Nặc bay vọt qua tường thành cổng Bắc. Khi đó mặt đất rung động, các Thiên Thần cầm cờ phướn dẫn đường, trợ giúp Thái tử chạy thoát. Quả đúng là: “Phật tính nhất xuất, chấn động thập phương thế giới” (Phật tính xuất hiện, chấn động mười phương thế giới).
Khi đã rời xa cung điện hào hoa thì cũng là lúc trời tảng sáng. Thái tử phi ngựa đến khu rừng cách xa kinh thành hơn trăm dặm. Ngài tháo hết châu ngọc trên búi tóc xuống để dâng kính phụ vương, tháo những chuỗi ngọc trên thân để dâng kính cho dì Ma Ha Ba Xà Ba Đề, tháo những trang sức còn lại để dâng tặng nàng Da Du Đà La. Ngài đưa tất cả cho Xa Nặc để mang tín vật trở về.
Để bày tỏ nguyện vọng đoạn tuyệt với cuộc sống thế tục, thái tử rút kiếm cắt tóc trên đầu, đồng thời phát thệ rằng: “Nếu tôi không thoát khỏi vòng sinh tử thì sẽ không trở về hoàng cung. Nếu tôi không tu thành Phật Đạo thì sẽ không gặp lại Phụ vương. Nếu tôi không đoạn tuyệt hết tình cảm ân ái thì sẽ không quay về gặp dì và vợ con”.
Xa Nặc rơi lệ khuyên can: “Ngài ở trong cung hưởng vinh hoa tôn quý, còn núi rừng này nơi đâu cũng là gai góc, trùng độc, dã thú. Ngài sao có thể chịu được những khổ nạn hiểm nguy ở nơi này được?”.
Thái tử trả lời: “Ở trong cung, phụ vương tuy đã loại trừ hết thảy những gai góc trùng độc dã thú, nhưng không thể trừ bỏ được những khổ ải đau buồn. Ta vì muốn giải thoát khỏi vòng trói buộc của già cả, bệnh tật, khổ đau và cái chết, nên mới quyết chí đi tìm niềm an lạc vĩnh hằng”.
Biết rằng không thể níu kéo được bước chân Thái tử, Xa Nặc đành phải quay về.
Xa Nặc dắt con ngựa cùng châu báu và trang sức của Thái tử trở về hoàng cung, khiến cả vương triều Ca Tỳ La Vệ chấn động như trời sập. Vua Tịnh Phạn đau buồn vô cùng, Da Du Đà La cũng buồn đau không kém. Nàng không thể nào hiểu được: Tại sao Thái tử lại từ bỏ cuộc sống hạnh phúc tươi đẹp, không nói một câu nào mà đã vội bỏ đi?
Phần 2
Thế Tôn nói: “Này La Hầu La, con muốn ta cho con của cải thế gian ư? Đó là vật hư ảo nhất định sẽ mất đi, ta không thể cho con được. Nhưng ta có thể cho con kho báu xuất thế gian, đó mới là báu vật vĩnh viễn không bị mất đi”…Thích Tôn về nướcSau khi xuất gia, thái tử Tất Đạt Đa đã học tập các loại giáo thuyết và thiền định, khổ hạnh… Trải qua 6 năm, khi 36 tuổi Ngài đã khai ngộ dưới gốc cây bồ đề, sau đó được gọi là Thích Tôn. Đến năm thứ 5 sau khi khai ngộ, theo lời mời của vua Tịnh Phạn, Ngài dẫn một đoàn các đệ tử xuất gia trở về tổ quốc sau mười mấy năm cách biệt.Vua Tịnh Phạn cùng với vương hậu Ba Xà Ba Đề dẫn theo hoàng tộc ra ngoài thành nghênh đón. Nhân dân bách tính cũng đốt hương dâng hoa, nghênh đón trên đường. Vua Tịnh Phạn đã chuẩn bị cho Thích Tôn trang phục và đồ ăn chỗ ở thượng hạng, nhưng Thích Tôn vẫn chiểu theo chế độ nhà Phật, tự ra ngoài ở, vẫn sống cuộc sống thanh tịnh khổ hạnh, hàng ngày bưng bát đến từng nhà khất thực.
Vua Tịnh Phạn trách Thích Tôn rằng: “Tất Đạt Đa, con trước kia ra ngoài cung đều ngồi xe vàng, bây giờ con khất thực trên phố, đó chẳng phải làm tổn hại danh dự hoàng tộc Thích Ca đó sao?”.
Thích Tôn mỉm cười đáp: “Thưa vua Tịnh Phạn, con ngày nay không phải là Tất Đạt Đa nữa rồi, con đã cắt đứt hết thảy tình thế gian. Điều con suy nghĩ là làm thế nào để độ chúng sinh thoát khỏi khổ não. Con chỉ có thể dùng Phật Pháp để báo đáp ân dưỡng dục của phụ vương. Lễ vật con đem đến cho phụ vương cũng chỉ có Phật Pháp”.
Sau đó, Thích Tôn giảng Pháp cho vua Tịnh Phạn. Vua Tịnh Phạn đã thành kính quy y Tam Bảo.
Thích Tôn và Da Du Đà La trùng phùng
Khi vua Tịnh Phạn và thân quyến thành kính ra ngoài thành nghênh đón Thích Tôn, duy chỉ có Da Du Đà La ngồi một mình trong cung, không đi nghênh đón chồng. Cô không muốn gặp chồng. Cô vốn có thể sống cực kỳ vui vẻ hạnh phúc, nhưng vì chồng bỏ đi nên tuổi thanh xuân của cô chìm trong tịch mịch và đau khổ.
Cuối cùng, Thích Tôn vào cung gặp Da Du Đà La. Da Du Đà La vốn có ngàn vạn lời muốn nói với chồng, nhưng vừa trông thấy sự uy nghi của Thích Tôn, cô bỗng chẳng có lời nào có thể nói nữa.
Thích Tôn lúc này đã diệt trừ hết ái tình cõi trần thế, nhưng cũng vô cùng hiểu được tâm trạng Da Du Đà La, Ngài nói: “Tôi biết trong lòng công chúa oán hận tôi, nhưng công chúa hãy xem”.
Thích Tôn thi triển thần thông, trên lòng bàn tay của Ngài hiển hiện một duyên khởi của nhân duyên đời trước giữa Ngài và Da Du Đà La:
Một cô gái áo xanh tay cầm 7 bông hoa sen xanh. Cô gái tên là Cừ Di (Gopi), gặp Thiện Huệ 16 tuổi. Thiện Huệ là một người tu hành, muốn mua hoa của cô để cúng Phật. Cừ Di nói: “Tôi cũng muốn dùng những bông hoa này để cúng dường Phật Đà”.
Thiện Huệ khẩn khoản dùng 500 đồng tiền vàng xin mua 5 bông hoa để cầu sau này thành tựu Phật quả vô thượng. Thấy người tu hành phát tâm thành kính, Cừ Di vô cùng cảm động, cho rằng anh ta nhất định sẽ thành tựu quả vị lớn.
Cừ Di nói với Thiện Huệ rằng: “Nếu anh đồng ý với tôi rằng sau này trước khi anh đắc Đạo thì đời đời kiếp kiếp lấy tôi làm vợ, sau khi anh đắc Đạo thì cho phép tôi xuất gia làm đệ tử của anh thì tôi sẽ tặng hoa cho anh”.
Thiện Huệ nói: “Để đắc Đạo tôi sẽ xả bỏ tất cả phú quý vinh hoa và hết thảy của bản thân mình, bao gồm cả vợ con. Lẽ nào cô lại nguyện ý hủy bỏ thanh xuân của cô, bỏ ra cái giá là một đời cô độc khổ đau để lấy tôi? Lẽ nào cô có thể nhẫn chịu đau thương tình cảm hơn nửa cuộc đời, một mạch đợi tôi hóa độ? Nếu cô có thể phát nguyện, sau này tuyệt đối không được cản trở tất cả xả bỏ bố thí mà tôi làm, thế thì tôi đồng ý với cô, đời sau sẽ lấy cô làm vợ”.
Cặp đôi thiếu nam thiếu nữ này đều có cái tâm cầu Đạo kiên định nên lúc đó đã cam kết với nhau. Sau đó, Thiện Huệ lấy hoa sen xanh của Cừ Di đi cúng dường Phật Đà.
Thiện Huệ đời đó chính là Thích Tôn – thái tử Tất Đạt Đa đời này, còn Cừ Di chính là công chúa Da Du Đà La. Trải qua luân hồi nhiều đời, đời này họ đã kết nhân duyên vợ chồng.
Trông thấy chuyện xưa giữa cô và Thích Tôn, ký ức của Da Du Đà La đã được đả khai, cô bỗng nhiên thấy rất rõ ràng.
Thích Tôn nói: Lúc đó cô đã biết rất rõ rằng cô muốn kết Pháp duyên cùng tôi – một người đã xả bỏ hết thảy như thế này để cùng độ nhân sinh thì mới trở thành vợ của tôi. Giờ đây cô lại quên mất lời thệ ước xưa, khiến bản thân bị chấp trước vào tình trói buộc, chìm đắm trong ai oán sầu khổ.
Cô nên hiểu rõ: Ân ái vô thường, tụ hợp ắt có biệt ly, hết thảy đều là duyên đến duyên đi, duyên sinh duyên diệt. Vốn không có những thứ mà chúng ta mãi mãi sở hữu, điều cô hy vọng mong chờ chẳng qua chỉ là một ảo mộng đẹp mà ngắn ngủi mà thôi.
Da Du Đà La nghe xong liền nảy sinh tâm xuất ly, có nguyện vọng thoát ly cái khổ đắc được niềm vui.
Món quà Thích Tôn tặng con trai
Thích Tôn lại đi gặp con trai La Hầu La.
La Hầu La nói: “Thưa cha, con vừa mới sinh ra cha đã bỏ đi rồi, chỉ sợ cha không trở lại. Xin cha để lại di sản cho con có được không?”.
Thích Tôn nói: “La Hầu La, con muốn ta cho con của cải thế gian ư? Đó là vật hư ảo nhất định sẽ mất đi, ta không thể cho con được. Nhưng ta có thể cho con kho báu xuất thế gian, đó mới là báu vật vĩnh viễn không bị mất đi”.
Thế là Thích Tôn đem La Hầu La ra khỏi hoàng cung. La Hầu La trở thành sa di đầu tiên của tăng đoàn.
Thích Tôn trở về nước 7 ngày, số người theo Ngài xuất gia lên đến mấy trăm người, bao gồm cả con trai Ngài là La Hầu La và người em trai cùng cha khác mẹ là A Nan (Ānanda), em họ A Na Luật (Aniruddha) và Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), còn có cả thợ cắt tóc của hoàng gia là Ưu Bà Ly (Upali)…
Sau này, vua Tịnh Phạn mắc bệnh nguy kịch, Thích Tôn lại trở về hoàng cung, giảng Pháp cho vua Tịnh Phạn đang cận kề cái chết. Vua Tịnh Phạn nhờ thế mà chứng ngộ quả vị A La Hán, rời xa cõi đời trong niềm hoan hỷ Phật Pháp.
La Hầu La, A Nan, Ưu Bà Ly sau này đều trong hàng ngũ 10 đại đệ tử của Phật Đà, tu thành quả vị A La Hán. Con trai ngài là La Hầu La được hiệu danh là “Mật hạnh đệ nhất”; A Nan được xưng là “Đa văn đệ nhất”; Ưu Bà Ly là “Trì giới đệ nhất”.
Người dì là Ba Xà Ba Đề dẫn theo Da Du Đà La và một vị phi tử nữa cùng 500 phụ nữ gia tộc Thích Ca theo Thích Tôn xuất gia, trở thành những tỳ kheo ni sớm nhất, sau này đều chứng được quả vị. Da Du Đà La nổi tiếng về thần thông, đã nhập diệt trước Thích Tôn, chứng đắc được quả vị A La Hán. Bà được thọ ký, tương lai sẽ thành Phật với danh hiệu là “Cụ Túc Thiên Vạn Quang Tướng Như Lai”.
Khi Thích Tôn niết bàn, mẫu thân đã qua đời là Ma Da phu nhân từ trên không hạ xuống, đến trước quan tài Thích Tôn, vô cùng đau buồn. Thích Tôn dùng Pháp lực thần thông khiến quan tài tự động mở ra, Ngài từ trong chiếc quan tài bằng vàng ngồi dậy hợp chưởng, giảng Pháp cho mẫu thân: “Cảm phiền mẫu thân đã từ xa xôi trên Trời xuống đây, mẫu thân nên ngộ ra thế gian chư hạnh vô thường, mong mẫu thân không nên khóc lóc đau buồn”.
Sau khi Thích Tôn nói bài kệ từ biệt mẫu thân, Ngài lại vào trong quan tài, nắp quan tài lại tự đóng lại. Lúc này tam thiên đại thiên thế giới đều chấn động.
(Hết)
Tài liệu tham khảo:
1. Thích Ca Thị phổ
2. Phật thuyết vị tằng hữu nhân duyên kinh
3. Diệu Pháp liên hoa kinh
4. Phật thuyết thái tử thụy ứng bản khởi kinh – Quyển thượng
5. Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ Nại Da Phá tăng sự
6. Phật thuyết Chúng Hứa Ma Ha Đế kinh
7. Phật thuyết thập nhị du kinh
8. Ma Da kinh
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung / dkn.tv