Xưa có một người ăn xin ngày ngày nhọc nhằn đi khất thực. Xin được chút đồ ăn anh ta chỉ dám dùng một nửa, còn một nửa cho vào túi cất đi. Nhưng không rõ vì nguyên cớ gì mà số lương thực tích trữ cứ vơi dần vơi dần, dẫu có tích cóp bao nhiêu năm mà chẳng thể nào đầy miệng túi.
Người ăn xin cảm thấy rất kỳ lạ, một đêm nọ anh lặng lẽ trở dậy để tìm hiểu nguyên nhân. Quả nhiên đến nửa đêm có một con chuột lớn đến ăn trộm lương thực trong túi.
Người ăn xin tức giận quát: “Những kẻ phú hộ đại gia có cơ man nào là đồ ăn thức uống, tại sao ngươi không đến đó mà lại ăn lương thực mà ta đã nhọc nhằn tích cóp?”.
Chuột trả lời: “Trong mệnh của anh chỉ có 8 phân gạo thôi, anh có đi xin khắp thiên hạ cũng không được một thăng”.
Anh tò mò hỏi lại: “Tại sao lại như thế?”.
Chuột nói: “Tôi không thể trả lời cho anh được, anh hãy đi hỏi Thần linh mà xem”.
Người ăn xin bèn quyết tâm đi tìm Thần linh, muốn hỏi rõ rốt cuộc là nguyên nhân gì khiến anh có vận mệnh như thế.
Đi mãi từ sáng sớm đến tối mịt anh mới gặp một dinh thự. Người ăn xin vừa đói vừa khát, đành gõ cửa xin chút cơm ăn.
Đúng lúc viên ngoại đi ra trông thấy người ăn xin liền hỏi vì sao muộn thế này rồi mà còn đến gõ cửa? Anh bèn đem chuyện của mình ra kể lại một lượt, nói rằng muốn tìm Thần linh để hỏi rõ nguyên nhân.
Viên ngoại nghe xong liền nắm tay anh dẫn vào trong nhà, lấy ra rất nhiều lương khô cho anh ta. Người ăn xin không hiểu, viên ngoại giải thích rằng bởi ông có cô con gái 16 tuổi vẫn chưa biết nói, do đó muốn nhờ anh nhân tiện hỏi Thần linh đó là nguyên nhân gì.
Người ăn xin cảm thấy dù sao cũng là thuận đường nên đồng ý.
Anh lại lội suối trèo đèo, đi men theo những con đường quanh co nơi sườn núi. Đến khi thấy một ngôi miếu anh bèn bước vào xin nước uống, chỉ thấy một lão đạo sỹ chống gậy, tuy đã cao tuổi nhưng vẫn rất tinh tường. Lão đạo sỹ đem nước cho anh uống, đồng thời hỏi anh đi đâu.
Người ăn xin nói rõ đầu đuôi, lão đạo sỹ vội vàng nắm tay anh và nói: “Nhờ cậu hỏi Thần linh giúp, tôi đã tu hành hơn 500 năm, lẽ ra phải bạch nhật phi thăng từ lâu rồi, sao đến giờ vẫn chưa phi thăng được?”. (chú thích: bạch nhật phi thăng tức là bay lên trời giữa ban ngày, là một trạng thái viên mãn của người tu Đạo)
Người ăn xin lại nhận lời.
Đi tiếp, đi tiếp, qua rất nhiều suối khe, rừng núi, anh đến bên một con sông lớn, trên sông tuyệt nhiên không có một con thuyền. Người ăn xin lo lắng không biết làm thế nào qua sông.
Anh ngước mắt than trời: “Lẽ nào mệnh của ta lại khổ thế này sao?”.
Đột nhiên một con rùa lớn nổi lên mặt nước hỏi người ăn xin vì sao lại khóc. Anh bèn kể rõ ngọn ngành.
Rùa nói: “Tôi đã tu hành trên 1000 năm rồi, lẽ ra phải hóa thành rồng bay đi, nhưng tại sao đến giờ vẫn là một con rùa già? Nếu anh có thể giúp tôi hỏi Thần linh, tôi sẽ cõng anh qua sông”.
Người ăn xin vui mừng nhận lời. Anh lại đi không biết bao nhiêu ngày bao tháng, nhưng vẫn không thể gặp được Thần. Trong lòng anh rất thương tâm, và vì quá mệt mỏi anh mơ màng ngủ thiếp đi.
Trong mộng Thần xuất hiện hỏi anh: “Con vất vả đi khắp chốn tìm ta, nhất định là có việc gì quan trọng?”.
Anh đáp: “Vâng, thưa Thần linh, con có mấy câu hỏi xin thỉnh giáo”.
Thần nói: “Được, nhưng con chỉ được phép hỏi nhiều nhất 3 câu hỏi thôi”.
Trong lòng anh thầm nghĩ: “Mình nên hỏi những câu nào đây? Rùa già đã tu hành trên 1000 năm thật không dễ dàng gì, vấn đề của rùa nên hỏi trước”. Nghĩ rồi anh bèn hỏi: “Thưa Thần linh, rùa già tu hành trên 1000 năm, tại sao vẫn chưa biến thành rồng?”.
Thần đáp: “Vì rùa già không bỏ được cái mai trên lưng”.
Người ăn xin lại cân nhắc: “Lão đạo sỹ tu hành trên 500 năm cũng không dễ dàng gì, vấn đề của ông ấy cũng nên hỏi”. Thế là anh lại hỏi: “Thưa Thần linh, lão đạo sỹ tu hành trên 500 năm, tại sao vẫn chưa bạch nhật phi thăng?”.
Thần linh nói: “Lão đạo sỹ trong lòng vẫn quyến luyến chiếc gậy của mình”.
Người ăn xin nghĩ: “Cô con gái của viên ngoại thật đáng thương, không thể nói được thì sao có thể lấy chồng được đây? Câu hỏi của viên ngoại cũng nên hỏi”. Thế là anh xin hỏi câu thứ ba: “Thưa Thần linh, cô con gái của viên ngoại tại sao không nói được?”.
Thần linh nói: “Chỉ cần gặp được ý trung nhân thì cô gái sẽ biết nói”.
Dứt lời Thần linh liền biến mất.
Người ăn xin tỉnh dậy mới phát hiện ra là vấn đề của mình vẫn chưa hỏi. Anh buồn bã cam lòng: “Nếu vận mệnh không thể nào thay đổi, thôi thì ta vẫn cứ đi xin ăn sống qua ngày vậy”.
Và anh quay trở về.
Đến bờ sông gặp rùa già, rùa già vừa cõng anh qua sông vừa hỏi. Người ăn xin nói với rùa rằng: “Có phải rùa không muốn bỏ cái mai trên lưng không?”.
Rùa già bừng tỉnh ngộ, liền tháo cái mai ra tặng người ăn xin và nói: “Bên trong chiếc mai này có 24 viên dạ minh châu, nay xin tặng ân nhân”.
Nói rồi, rùa biến thành rồng bay đi.
Người ăn xin cất 24 viên dạ minh châu vào túi rồi lại tiếp tục trở về. Đến ngọn núi kia gặp lão đạo sỹ, anh nói: “Có phải ông vẫn còn luyến tiếc chiếc gậy của mình không?”.
Lão đạo sỹ bừng tỉnh ngộ, đem chiếc gậy bảo bối ra tặng người ăn xin rồi vọt lên mây bay đi.
Người ăn xin về đến nhà viên ngoại, vừa mới thuật lại những lời của Thần cho viên ngoại xong thì cô gái cũng từ trong phòng bước ra, lớn tiếng reo lên rằng: “Người đi hỏi Thần linh đã trở về rồi!”.
Viên ngoại vừa kinh ngạc vừa vui mừng, cô con gái của ông nay đã nói được rồi. Ông theo lời Thần linh, quyết định gả cô con gái rượu cho người ăn xin may mắn.
Người ăn xin nghèo rớt không có gì trong tay, tuy không hỏi được Thần linh về vận mệnh của mình, nhưng tất cả đáp án đều ở trong quá trình anh đi tìm câu hỏi.
Cuộc đời con người cũng như vậy: Yêu thương người thì mãi mãi được mọi người yêu thương, kính trọng người thì luôn luôn được mọi người kính trọng.
Đạo lý ở đây rất đơn giản: Có cho đi thì mới có báo đáp, mới có nhận về. Không phải có được rồi thì mới cho đi, mà là khi cho đi một cách vô tư không suy tính, thì cuộc đời ắt sẽ tri ân lại cho ta.
Vision Times / dkn.tv