1. Chỉ vì một món ăn mà cả nhà mất mạng
Sau khi Nam Đường diệt vong, đại tướng Hồ Tắc cố thủ vùng Giang Châu (nay thuộc Cửu Giang tỉnh Giang Tây). Tướng lĩnh Bắc Tống là Tào Hàn dẫn quân tiến đánh suốt ba năm, nhưng do thành trì kiên cố nên vẫn chưa công phá được.
Một hôm, đầu bếp của Hồ Tắc làm món cá mực, vì đầu bếp làm không được ngon lắm, Hồ Tắc tức giận định giết ông, nhưng bị vợ cực lực ngăn lại.
Đầu bếp trong tâm đầy oán hận, nửa đêm lén dùng dây thừng trèo tường trốn thoát sang bên phía địch, ông ta báo cáo hết cho Tào Hàn nội tình trong thành, lại đích thân thống lĩnh quân Tống, tấn công từ phía tây nam thành nơi có địa hình hiểm trở việc phòng ngự bị nơi lỏng. Ngay trong đêm đó, thành Giang Châu đã thất thủ, cả nhà Hồ Tắc (trừ vợ Hồ Tắc) bị giết hết.
(Trích “Mộng Khê Bút Đàm”)
2. Cơn bão như có mắt
Lý Sĩ Hành thời nhà Tống một lần đi sứ sang Cao Lệ (Triều Tiên), mang theo một quan võ làm trợ thủ. Khi về nước, người Cao Lệ tặng Lý Sĩ Hành rất nhiều tiền tài lễ vật, nhưng Lý Sĩ Hành đều không quan tâm, giao toàn bộ cho vị trợ thủ kia trông nom. Trên đường đi thuyền trở về, đáy thuyền hơi bị rò nước, vị trợ thủ này bèn dùng những tấm vải và vật phẩm mà người Cao Lệ tặng cho Lý Sĩ Hành để lót vào đáy thuyền, sau đó mới đặt các đồ vật của mình lên trên, để tránh bị ẩm ướt.
Thuyền đến giữa biển thì gặp mưa bão lớn, con thuyền gần như sắp lật, người chèo thuyền rất sợ hãi liền khẩn cầu ném tất cả đồ đạc trên thuyền xuống biển để giảm trọng lượng cho thuyền, nếu không cả người và thuyền đều sẽ đắm.
Vị trợ thủ trong lúc hốt hoảng vội vứt các vật phẩm trên thuyền xuống biển, không kịp lựa chọn. Khi gần một nửa số vật phẩm trên thuyền đã bị ném xuống biển thì gió mưa dần dần lắng xuống. Lúc kiểm tra lại thì thấy hầu hết những đồ vật bị quẳng đi đều là của vị quan trợ thủ kia. Những đồ của Lý Sĩ Hành thì còn nguyên vì chúng được đặt ở đáy thuyền.
Tất cả tai họa trên thế giới đều không phải ngẫu nhiên. Cơn bão lớn này như có mắt, dường như hữu ý trừng phạt vị quan trợ thủ ích kỷ kia vậy.
(Trích “Mộng Khê Bút Đàm”)
3. Vị cử nhân đi cửa sau
Thời Bắc Tống, Hứa Hoài Đức nhậm chức Điện Tiền Chỉ Huy Sứ. Có một vị cử nhân thông qua vú nuôi của ông ngỏ ý muốn đến thăm ông. Hứa Hoài Đức đồng ý. Vị cử nhân quỳ ngoài sân hành đại lễ, Hứa Hoài Đức không khách khí ngồi trên ghế tiếp lễ. Có người cho rằng ông là võ tướng nên không hiểu lễ nghi, liền nói sau lưng ông: “Cử nhân hành đại lễ, ông nên đứng dậy tiếp lễ mới đúng”.
Hứa Hoài Đức trả lời: “Một tú tài mà lại nhờ qua vú nuôi để được gặp tôi thì chỉ xứng đáng được đối đãi như vậy thôi”.
(Trích “Mộng Khê Bút Đàm”)
4. Tri Phủ bị bệnh vẫn lo trừ ác
Vào thời Bắc Tống, Bác Sỹ Quốc Tử Giám là Lý Dư Khánh nhậm chức Tri Phủ Thường Châu. Ông xử lý sự vụ rất tốt, quả cảm đả kích những thế lực xấu, những kẻ xấu và quan lại không tuân theo pháp luật rất kính sợ ông, coi ông như Thần.
Những năm cuối đời, Lý Dư Khánh mắc trọng bệnh, ở Thường Châu có một Bác Sỹ đã làm không ít việc xấu. Ông ta vẫn luôn sợ rằng Lý Dư Khánh sẽ vạch trần và trừng phạt mình, do đó đã thừa cơ bỏ độc vào thuốc, Lý Dư Khánh uống xong nôn thốc tháo, bệnh tình trở lên nguy cấp. Lý Dư Khánh cảm thấy có gì đó mờ ám, liền bảo người đỡ ông dậy, lên công đường xử lý việc này, sau khi xử tội và hành hình tên Bác Sĩ kia xong, ông mới trở về nhà. Mục đích của ông là trừ hại cho xã hội, để ông ta không còn làm hại người tốt được nữa.
Về đến nhà, Tri Phủ Thường Châu còn chưa kịp nằm lên giường thì đã qua đời. Sau khi chết ông được chôn cất tại Hoành Sơn. Đến nay, người dân đều tôn kính ông! Những người đi qua nơi này đều xuống ngựa để tỏ lòng cung kính ông.
Nghe nói những người mắc bệnh sốt rét chỉ cần lấy một nắm đất trên lăng mộ của Lý Dư Khánh ở Hoành Sơn, đặt bên giường thì bệnh sẽ khỏi. Tri phủ Thường Châu Lý Dư Khánh sau khi qua đời vẫn còn quan tâm tới nỗi khổ của muôn dân.
(Trích “Mộng Khê Bút Đàm”)
5. Âu Dương Tu chỉnh đốn lại văn phong
Trong những năm Gia Hữu thời Bắc Tống, học giả Lưu Cơ tham gia kỳ thi Quốc Tử Giám và đứng đầu bảng. Nhưng khi viết văn ông thường dùng ngôn ngữ kỳ quặc và nham hiểm, các học giả mới đều bắt chước văn phong của ông, khiến lối văn phong này trở thành thời thượng vào thời ấy.
Âu Dương Tu ghét cay ghét đắng việc này. Đúng lúc ông được chủ trì bình chọn bài văn trong kỳ thi khoa cử, phàm những ai có lối văn phong thời thượng như của Lưu Cơ đều không đỗ, lối viết thời thượng nhưng không thuần chính mới là thứ phải thay đổi. Đây chính là công lao của Âu Dương Tu.
(Trích “Mộng Khê Bút Đàm”)
6. Địch Thanh khiêm tốn, chân thành, không mạo danh là hậu duệ của người nổi tiếng
Danh tướng triều Bắc Tống là Địch Thanh làm Khu Mật Sử, có một người tự xưng là hậu nhân của danh tướng Địch Nhân Kiệt đời Đường, người này mang dâng cho ông bức tranh vẽ Địch Nhân Kiệt và hơn mười giấy ủy dụ nhậm chức của Địch Nhân Kiệt, bảo Địch Thanh hãy nhận là họ hàng xa của Địch Nhân Kiệt.
Địch Thanh khiêm tốn và chân thành nói: “Ta chỉ là nhất thời gặp may! Làm sao bì được với lương quốc công Địch Nhân Kiệt chứ?” Ông bèn ban cho người này rất nhiều tiền và gấm vóc, rồi đuổi người này đi.
(Trích “Mộng Khê Bút Đàm”)
7. Vương Đãn khoan dung, độ lượng
Thời Bắc Tống, Thái Úy Vương Đãn là người rất khoan dung, độ lượng, chưa ai từng thấy ông tức giận. Khi thủ hạ làm đồ ăn không sạch sẽ lắm thì ông không ăn là xong. Gia nhân muốn thử lòng độ lượng của ông lớn đến đâu, bèn cố ý bỏ thêm ít tro bếp vào món canh thịt trong bữa ăn của ông, ông liền chỉ ăn cơm. Khi hỏi ông tại sao không ăn canh thịt, ông nói: “Ta tự dưng không thích ăn canh thịt”.
Một hôm, họ lại bỏ một ít tro bếp vào cơm của ông, ông nhìn thấy liền nói: “Hôm nay ta không muốn ăn cơm, hãy nấu cho ta một ít cháo”.
Con cái trách móc ông rằng đầu bếp cắt xén lượng thịt, mỗi người được một cân thịt mà chỉ được ăn có nửa cân, nửa cân còn lại bị đầu bếp ăn bớt. Ông liền căn dặn lần sau cho mỗi người một cân rưỡi thịt, trừ nửa cân thịt đầu bếp ăn bớt ra, bảo đảm mỗi người đều được ăn đủ một cân thịt.
Ông không muốn phơi bày lỗi lầm của người khác, tình huống đại khái đều giống như trên.
(Trích “Mộng Khê Bút Đàm”)
8. Con dâu họ Thịnh hiếu thảo với mẹ chồng.
Triều Tống, ở Hàng Châu có một cô con dâu hiếu thuận họ Thịnh. Cô phụng dưỡng cha mẹ chồng rất tận tâm. Cô không chỉ cẩn thận pha trà, nấu cơm cho mẹ chồng mà còn tự mình dệt vải, may áo cho mẹ chồng. Mẹ chồng cô tính tình vô cùng nóng nảy nhưng cô Thịnh vẫn luôn vui vẻ, hòa nhã, cô thường ở bên cạnh chăm sóc mẹ chồng, chưa từng lạnh nhạt với bà. Cô cũng rất hòa thuận với các chị em dâu, do vậy họ đều được cô cảm hóa.
Sau đó, mẹ chồng cô bệnh nặng, gia đình cô nghèo khó không có tiền chữa bệnh, cô bèn không do dự đem bán đồ trang sức và quần áo của mình, lấy tiền mua thuốc chữa cho mẹ chồng.
(Trích “Mộng Lương Lục”)
chanhkien.org