Báo ứng hành thiện như hình với bóng
Tôn Tư Mạc là ngôi sao sáng rực rỡ chói lọi trong những người tiên phong phát triển y học Trung Hoa, ông đã để lại những công tích không thể xóa nhòa trong lịch sử y học Trung Hoa. Hơn nghìn năm nay ông vẫn luôn được mọi người đáng giá cao và sùng bái. Đường Thái Tông Lý Thế Dân ca ngợi Tôn Tư Mạc là: “Đại y sư danh tiếng, người mở ra con đường, là người phụ giúp Tam Thánh (Phục Hy, Văn Vương và Khổng Tử – ND), điều hòa tứ thời, hàng long phục hổ, cứu khổ cứu nguy. Ông là người vỹ đại, là người thầy của trăm đời”.
Tôn Tư Mạc dùng đức dưỡng thân, lòng canh cánh cứu đời bằng y dược, không màng công danh lợi lộc. Trong tác phẩm “Thiên kim yếu phương”, ông đã quy phạm y đức “bậc đại y tinh thông y thuật và chân thành” đặt ở vị trí cực kỳ trọng yếu. Là người có y đức cao thượng, ông xứng danh được người đời ca ngợi là “Thiên cổ dược vương”.
Một hôm Tôn Tư Mạc đang đi trên một con đường mòn duy nhất trên núi cao, ngẩng đầu lên, ông thấy một con hổ chắn đường. Muốn bỏ chạy cũng đã không kịp rồi, chỉ biết đứng ngây ra đó không biết làm gì. Không ngờ con hổ không lao về phía ông mà quỳ hai chân trước, liên tiếp khấu đầu Tôn Tư Mạc, sau đó lại há to miệng để ông xem.
Tôn Tư Mạc thấy thân hình gầy giơ xương của con hổ, lại thấy những cử động lạ thường này của nó, ông đoán hổ mắc bệnh đến tìm ông chữa bệnh.
Tôn Tư Mạc lấy can đảm bước tới xem, chỉ thấy cổ họng hổ sưng phù rất ghê. Nhìn kỹ ông thấy có một khúc xương cắm ngang phía trên và phía dưới cổ họng. Ông không quản hiểm nguy dùng một cái gậy sắt chống miệng hổ, ngăn ngừa trong quá trình chữa trị, hổ đau quá cắn răng gây thương tổn. Sau đó ông nhổ khúc xương ra, cắt bỏ thịt thối nát, đắp thuốc rồi lấy gậy sắt ra. Hổ quay đầu chạy đi. Tôn Tư Mạc cũng chẳng để ý đến hành động thất lễ của nó, chỉ cười như trút được gánh nặng.
Ngọn núi này quá lớn, đi nửa ngày mà chưa đến chân núi. Đang đi, ông lại thấy từ phía trước có một con hổ chạy đến. Ông còn chưa kịp định thần thì con hổ đã chạy đến trước mặt ông, nhả thứ nó ngậm trong miệng ra rồi liên tiếp gật đầu với ông. Sau đó nó lùi mấy bước rồi quay đầu chạy đi. Ông cầm vật con hổ để lại xem, thì ra là “Lộc thai cao” (cao thai hươu), đây có thể nói là báu vật trong các loại thuốc, là báu vật chữa bệnh mà có đốt đèn đi tìm cũng khó gặp. Ông tin rằng hổ là động vật biết tính người, cũng biết báo ân như thế nào.
Lại có một hôm Tôn Tư Mạc đang đi trên đường, bỗng nhiên trời đổ mưa như trút. Tiếp theo là một âm thanh lớn, một con rồng rơi trước mặt. Cảnh tượng trước mắt khiến ông kinh hãi ngây người. Khi ông còn chưa hoàn hồn thì con rồng lớn thò đầu há miệng, dùng một chân chỉ vào miệng nó để ông xem.
Lúc này gió ngưng mưa tạnh, hai tay ông nắm lấy đầu rồng nhìn tỉ mỉ vào trong miệng nó. Ông thấy ở cổ họng có một cái u bướu to bằng cái bánh bao, và đã bắt đầu lở loét. Ông quyết định lập tức phẫu thuật. Đầu tiên ông dùng gậy sắt chống vào miệng rồng, sau đó dùng dao cắt bỏ chỗ thịt lở loét, cuối cùng đắp thuốc và lấy gậy sắt ra.
Rồng lớn há miệng, cảm thấy dễ chịu nhiều rồi, nó gật gật đầu với ông. Một trận mưa lớn từ trên trời trút xuống, rồng lớn theo mưa cưỡi mây bay lên không trung ra đi.
Một hôm khoảng hơn một tháng sau, Tôn Tư Mạc đến bên một con sông thấy nước sông trong có thể nhìn thấu đáy, nước cũng chỉ sâu có nửa thước nhưng con sông rất rộng, rộng tới hai dặm. Ông vén quần lên, tháo giày và bắt đầu lội nước qua sông. Đúng lúc đến giữa sông thì từ thượng nguồn một cơn lũ như bạt núi cuốn biển cuồn cuộn đổ xuống, chạy lên trước hay chạy về phía sau đều không thể nào kịp nữa rồi.
Ông đứng ngây ra như tượng gỗ ở đó, quên cả bước đi. Đúng lúc ngàn cân treo sợi tóc đó thì bên tai nghe thấy một âm thanh lớn kinh thiên động địa, một con rồng lớn chắn ngang thượng lưu con sông, nước không ngừng chảy ngược lên, không có chút nào chảy xuống. Lúc này ông chẳng kịp nghĩ ngợi gì nhiều, vội vàng loạng choạng chạy về phía bờ sông đối diện.
Lúc này ông mới nhìn về phía “con đập rồng chắn”, nước quả là cao như ngọn núi. Bỗng nhiên, con rồng lớn theo nước vọt lên, bắn lên những cơn sóng ngang trời rồi vun vút ngàn dặm lao xuống hạ lưu. Ông hít một hơi khí lạnh, nghĩ rằng do ông đã cứu mạng rồng nên rồng đã cứu mạng ông, báo ứng của việc hành thiện quả là như hình với bóng.
(Còn tiếp)
vn.minghui.org