Có một người tên là Công Tôn Cảnh Mậu, làm quan trong thời kỳ Nam Bắc triều và thời nhà Tùy.
Trong cuộc chiến tranh bình định Nam Trần, có một số binh sỹ mắc bệnh ngã gục ở ven đường. Cảnh Mậu liền lấy bổng lộc của mình để mua cháo và thuốc thang cho họ, giúp đỡ nhiều mặt, đã may mắn cứu được vài nghìn mạng người.
Có lần Cảnh Mậu bị bệnh nên phải tạm thời từ chức. Các quan lại cấp dưới và bách tính trong châu đều kêu khóc, không muốn ông rời đi.
Về sau, Cảnh Mậu nhậm chức Thứ sử Đạo Châu. Ông đem toàn bộ bổng lộc mua trâu bò gà heo, phát cho những góa phụ, người hiếm muộn, người tàn tật, những ai không thể tự mình kiếm sống.
Ông thích một mình cưỡi ngựa, đi tuần trong dân gian, đích thân tới thăm nhà dân chúng, coi xem sản nghiệp của mọi người có sung túc hay không. Nếu có người làm việc tốt thì liền công khai tuyên dương, khen ngợi. Nếu có người làm nhiều việc xấu thì ông liền âm thầm khuyên răn, mà tạm thời không công bố những chuyện xấu đó, cho người ta cơ hội sửa sai. Người dân theo đó đều trọng lễ trọng nghĩa, giúp đỡ lẫn nhau. Đàn ông giúp nhau cày cấy, phụ nữ giúp nhau dệt vải, không phân biệt của người của ta. Hiện tượng “Ai lo việc người đấy, không quản chuyện người khác” liền không tồn tại nữa. Cả một thôn lớn có mấy trăm hộ gia đình, đều như người một nhà, đều coi công việc nhà người khác như là công việc nhà mình.
Ngày Cảnh Mậu qua đời, dân chúng và quan lại trong châu đến đưa tang ông có tận mấy nghìn người. Những người không kịp tham dự lễ tang đều thăm viếng phần mộ của ông mà khóc lóc thảm thiết.
(Trích từ Bắc sử, Quyển 86, Liệt truyện thứ 74: Tuần lại truyện)
vn.minghui.org