Ngày 20 tháng 12 năm 2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (DOS) ra thông cáo báo chí công bố cơ quan này tiếp tục liệt Trung Quốc và một số quốc gia khác vào diện “những quốc gia cần quan tâm đặc biệt” theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế 1998 vì có dính líu hoặc dung túng cho “các hành vi vi phạm tự do tôn giáo có tính hệ thống, liên tục, và nghiêm trọng.”
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết, bảo vệ tự do tôn giáo là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ. Trong thông cáo báo chí này, ông đã chỉ rõ: “Hoa Kỳ vẫn nỗ lực không ngừng để thúc đẩy tự do tôn giáo và chống ngược đãi tôn giáo. Danh sách các nước được công bố gần đây là bước tiếp theo của công việc quan trọng đó.”
Cơ quan này đã đạt được một số bước tiến vững chắc trong vài tháng qua. “Vào tháng 10, chúng tôi đã áp dụng hạn chế cấp visa đối với các quan chức chính quyền và quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc” vi phạm nhân quyền. Vào tháng 12, “chính phủ Hoa Kỳ đã công bố xác định 68 cá nhân và tổ chức tại 9 quốc gia thuộc diện tham nhũng và vi phạm nhân quyền theo Đạo luật Magnitsky toàn cầu.”
Những tác động đáng chú ý
Tháng 5 năm 2019, một quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (DOS) đã thông báo với một số nhóm tín ngưỡng rằng chính phủ Hoa Kỳ đang thắt chặt việc xét duyệt visa và có thể từ chối nhập cảnh đối với những người vi phạm nhân quyền. Quan chức này còn cho hay các học viên Pháp Luân Công có thể trình danh sách thủ phạm tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Trang web Minh Huệ đã ra một Thông báo kêu gọi các học viên Pháp Luân Công “trên toàn thế giới lập tức thu thập, tổng hợp, và gửi tới trang Minh Huệ (Minghui.org) thông tin về những kẻ bức hại, thân nhân, và tài sản, để có thể xác định và xác minh danh tính người bức hại.“
Tin tức này đã lan sang Trung Quốc, và tới hệ thống tư pháp các cấp. Một số cơ quan chính quyền từng tham gia đàn áp Pháp Luân Công đã gỡ ảnh của nhân viên ở hành lang ở lối vào để tránh bị thu thập và báo cáo lên Minh Huệ. Khi một cảnh sát thả một học viên Pháp Luân Công bị giam giữ, anh ta nói: “Tôi không đánh anh, phải không? Xin đừng báo cáo tôi vì con tôi còn dự định ra nước ngoài nữa.”
Một học viên Pháp Luân Công tại Washington DC đã chia sẻ phản hồi tương tự với một quan chức Bộ Ngoại giao, khiến ông rất vui khi thấy những nỗ lực của họ đã có tác dụng kiềm chế các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.
Minh Huệ là một nguồn thông tin đáng tin cậy có thể tham chiếu
Tháng 11 năm 2019, một tổ chức nhân quyền có tiếng có trụ sở tại Washington DC cho hay Bộ Ngoại giao đang tăng cường nhân sự và ưu tiên các biện pháp trừng phạt, bao gồm cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản của những người vi phạm nhân quyền.
Một quan chức của Bộ Ngoại giao giải thích rằng bước tiếp theo là Bộ sẽ điều chỉnh luật liên quan để có thể áp dụng không chỉ cho thủ phạm mà còn cho cả thân nhân của họ. Ngay cả khi họ và thân nhân đã nhập cảnh vào Mỹ rồi, thì visa của họ vẫn có thể bị thu hồi và họ vẫn bị trục xuất.
Theo một quan chức khác của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, số vụ mà mỗi thủ phạm tham gia không quan trọng bằng bằng chứng cụ thể về sự tham gia của họ vào mỗi vụ. Chỉ cần một vụ bức hại Pháp Luân Công có bằng chứng xác đáng về sự tham gia của thủ phạm thì người đó sẽ bị tính là thủ phạm nhân quyền và bị từ chối visa. Quan chức này còn xác nhận rằng Minh Huệ là một nguồn thông tin đáng tin cậy có thể tham chiếu.
Các trường hợp bức hại được công bố trên Minghui.org chủ yếu là nguồn thông tin trực tiếp của các nạn nhân hoặc nhân chứng. Sự công nhận của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng như chính phủ Hoa Kỳ nói chung về tính tin cậy của Minh Huệ cho thấy những nỗ lực bền bỉ của các học viên Pháp Luân Công trong việc nâng cao nhận thức về cuộc bức hại đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Cái cớ “theo lệnh cấp trên” không còn tác dụng nữa
Tháng 7 năm 2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã thay đổi cách xác định thủ phạm nhân quyền. Trong trường hợp bị tra tấn, đánh đập thì cảnh sát phụ trách của một tổ chức có xảy ra vi phạm này sẽ nghiễm nhiên bị truy cứu trách nhiệm. Trước đây, một cá nhân chỉ bị truy cứu trách nhiệm khi ban hành mệnh lệnh hoặc chỉ đạo hành động phạm tội.
Quy trình mới này tương tự với một trong những Nguyên tắc được thông qua trong các Phiên xét xử Nuremberg: “Việc một người hành động theo lệnh của chính quyền hoặc cấp trên không khiến người đó được miễn trách nhiệm theo luật pháp quốc tế, vì anh ta vẫn có thể lựa chọn hành động theo đạo đức.”
Trước các Phiên xét xử của Nuremberg, cái cớ này được gọi là “Làm theo lệnh cấp trên”. Trong thực tế, sự hỗ trợ kỹ thuật của các nhà khoa học và bác sỹ là một thành tố quan trọng khiến tội ác có thể xảy ra. Điều đó có thể giải thích vì sao bác sỹ là một trong những đối tượng đầu tiên bị xét xử.
Những nỗ lực chung của “Five Eyes”
Cuối tháng 11 năm 2019, các học viên Pháp Luân Công tại Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Úc và New Zealand đã gửi một danh sách thủ phạm mới được tổng hợp từng tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công cho chính phủ nước mình.
Năm quốc gia này đã thành lập một liên minh tình báo có tên là “Five Eyes” (Năm con mắt). Các báo cáo của Trung Quốc cho thấy năm quốc gia này thường được coi là nơi trú ẩn an toàn của quan chức tham nhũng Trung Quốc vì chưa có hiệp ước dẫn độ nào tồn tại hoặc có hiệu lực giữa Trung Quốc và các quốc gia này. Điều này có nghĩa là, một khi các quan chức này đến bất kỳ đâu trong những quốc gia này thì rất khó có khả năng trục xuất họ về nước.
Các quốc gia này có thể từ chối duyệt visa và đóng băng tài sản của các cá nhân (và thân nhân) trong danh sách do các học viên Pháp Luân Công đệ trình, như vậy sẽ có tác dụng ngăn họ trốn đến nơi trú ẩn an toàn.
28 quốc gia xem xét Đạo luật Magnitsky
Ngày 14 tháng 3 năm 2019, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết hối thúc Liên minh Châu Âu đưa ra các biện pháp trừng phạt thủ phạm vi phạm nhân quyền trong và ngoài nước. Dựa trên Đạo luật Magnitsky của Hoa Kỳ, Canada và một số nước EU cũng đã có khuôn khổ pháp lý tương tự. Nghị quyết này kêu gọi thiết lập các biện pháp trừng phạt trên toàn EU “để đóng băng tài sản và cấm visa đối với các cá nhân liên quan đến những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.”
Ngày 21 tháng 11 năm 2019, Hạ viện Hà Lan đã thông qua một bản kiến nghị nhằm yêu cầu chính phủ Hà Lan ban hành Đạo luật Magnitsky của nước này, nếu đạo luật EU không được thông qua vào ngày 31 tháng 1 năm 2020. Các quốc gia Châu Âu khác cũng đang có kế hoạch ra luật tương tự để kiềm chế vi phạm nhân quyền thông qua việc từ chối visa và đóng băng tài sản. Các quan chức của Canada và Vương quốc Anh đã thảo luận những vấn đề này với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong nỗ lực chung nhằm xử phạt người vi phạm nhân quyền.
Công bố danh sách hơn 100.000 thủ phạm
Tháng 11 năm 2019, Minghui.org đã công bố danh sách 105.580 thủ phạm có dính líu đến cuộc bức hại Pháp Luân Công. Danh sách này gồm có thông tin cá nhân và những tội đã phạm đối với các học viên Pháp Luân Công, nhằm hỗ trợ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác định những người vi phạm nhân quyền đã biết. Theo Minh Huệ: “Mục đích tổng hợp danh sách này là nhằm chấm dứt cuộc bức hại, bảo vệ giá trị tốt đẹp và công lý.”
Như được trình bày trong Báo cáo kỷ niệm 20 năm thành lập Minh Huệ, tra tấn được sử dụng rộng rãi đối với các học viên nhằm ép họ từ bỏ đức tin vào nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công.
Theo báo cáo này, đánh đập là hình thức được dùng cực kỳ phổ biến. Các học viên bị đánh bằng chùy, roi da, gậy tre và dùi cui nhựa hoặc gỗ. Thường là mấy loại tra tấn được sử dụng cùng một lúc. Chẳng hạn, một học viên có thể vừa bị sốc điện bằng dùi cui điện trong khi bị treo tay lên.
Ngoài tra tấn thể xác, các cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng hay đưa những học viên vốn hoàn toàn khỏe mạnh vào bệnh viện tâm thần, trung tâm tẩy não, hoặc trung tâm cai nghiện ma túy để tra tấn tinh thần. Trên khắp Trung Quốc, các học viên đã bị giam giữ ở các cơ sở này và bị tiêm hoặc bức thực bằng thuốc phá hủy thần kinh. Rất nhiều học viên bị giam giữ ở những nơi này trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, và việc lạm dụng thuốc tâm thần trong thời gian dài đã dẫn đến mù lòa, mất thính giác, liệt, mất trí nhớ, bệnh tâm thần và suy nội tạng.
vn.minghui.org