“Chuyện Kinh Thánh” là tác phẩm văn học nổi tiếng được viết dựa trên Kinh Thánh của người Cơ Đốc, tác giả là nữ văn hào Pearl Buck – người đã từng giành giải Nobel Văn Chương năm 1938 và giải thưởng báo chí Pulitzer năm 1931. Loạt bài “Đại Hồng Thủy” của “Giải mã danh tác” là nội dung phóng tác dựa trên câu chuyện về “Noah và Đại Hồng Thủy” trong “Chuyện Kinh Thánh” mà vẫn giữ nguyên tinh thần của nguyên tác. Kính mời quý độc giả thưởng thức.
Mặt trời đã đứng bóng, chỉ còn lại những tia nắng nhàn nhạt buông xuống một dòng sông rộng mênh mang chảy giữa vùng đồng bằng Lưỡng Hà rộng lớn. Hai bên bờ sông là những vườn cây olive xum xuê xanh tốt. Gần mép nước, dưới bóng một cây olive đại thụ là một người đàn ông cao lớn rắn chắc đang ngồi tựa vào gốc cây xù xì bạc phếch.
Người đàn ông ấy có vầng trán rộng thông minh, cái mũi thẳng, khuôn miệng vuông vức, đôi mắt sâu hiền từ trong sáng tinh anh với những vết chân chim bên khóe mắt của một người quen nhìn xa. Nhưng khuôn mặt đẹp cương nghị ấy lúc này đang ánh lên sự đăm chiêu mệt mỏi. Ông hướng ánh mắt đăm đăm về phía trước, nơi có dòng sông chảy cuồn cuộn đêm ngày, rồi phóng tầm nhìn về một đô thành vĩ đại phía xa xa. Phía trên đô thành ấy, vầng dương đỏ đòng đọc như máu đang từ từ lặn xuống.
– “Phải chăng mọi việc không còn có thể cứu vãn được nữa”. Ông thầm thì. “Và tất cả sẽ chấm dứt? Ta phải làm gì đây?”
Người đàn ông ấy tên là Noah, ông đã 550 tuổi. Noah là dòng dõi trực hệ của những vị tổ tiên Adam và Eva. Giống như ông tổ Adam, Noah là một người sống ngay lành, chính trực và có đức tin mạnh mẽ vào Đấng Thiên Chúa của mình. Và cũng giống Adam khi xưa, Noah vẫn thường đi dạo với Thiên Chúa dưới những tán cây olive và nhận được sự mặc khải, thậm chí là lời huấn thị của Ngài. Nhưng ngoài Noah, không ai đủ thánh thiện để nhìn thấy Thiên Chúa.
Cạnh nhà Noah có gia đình Yogev(1) làm nghề nông, vườn cây olive nhà Yogev sát cạnh vườn olive nhà Noah. Bởi vậy, đôi khi gia đình Yogev thấy Noah đi lại tha thẩn một mình trong vườn olive của ông, đôi mắt ngước lên, miệng lẩm bẩm… thì họ thường chế giễu Noah rằng:
– Này Noah, hôm nay Thiên Chúa lại nói với ông việc gì vậy?
Nói xong, họ cùng nhìn nhau cười phá lên khoái trá.
Có biết bao nhiêu người như thế.
Những con người ấy hoàn toàn không tin rằng Thiên Chúa tồn tại. Đối với họ, Thiên Chúa chỉ là hình ảnh tưởng tượng, là chỗ bấu víu tuyệt vọng cho tâm lý của những tổ tiên ấu trĩ và yếu ớt từ thuở hồng hoang trước những lực lượng thiên nhiên ghê gớm.
Noah lại nhớ tới cậu em họ Ichabod (2). Từ Ichabod, ông miên man nghĩ đến Simara – cái đô thành vĩ đại nơi mà Ichabod đang cư ngụ. Ở Simara, người ta chỉ sùng bái những người có địa vị và lắm tiền nhiều của – một bằng chứng về năng lực, sự thành đạt và một đảm bảo cho đời sống hạnh phúc. Trong các thánh đường tráng lệ của Simara là các thầy tu phục sức xa hoa ngày ngày rao giảng đạo đức, đêm đêm vui vầy yến ẩm và mưu toan những trò chơi chính trị. Họ thao thao bất tuyệt về việc sẽ xây dựng thành công cõi thiên đường tại nhân gian một ngày không xa, khi vật chất đã thừa mứa cho tất cả mọi người. Tất nhiên là trong những thiên đường ấy vắng bóng Thiên Chúa vì đối với họ, Ngài không thực tại. Thay vì tin và làm theo lời Thiên Chúa, phần đông dân chúng dưới sự dẫn dắt của giới tăng lữ đang bái lạy những thần quái lạ có thể đem lại cho họ quyền lực, của cải vật chất và những đam mê trần thế. “Họ trở nên quá sức vô tâm vô trí, đến mức họ không còn biết cái gì là chính đáng, hoặc hình như họ cũng chẳng cần biết” (3)
Ichabod cũng là một người như thế, hơn nữa lại là một “người thành đạt” trong mắt của người dân Simara. Muốn chia sẻ đức tin với cậu ấy thật khó vì Ichabod chỉ hâm mộ những thành tựu của nền văn minh hiện đại đã tạo nên những công trình kỳ vĩ, những máy móc kỹ thuật tối tân và tiện nghi vật chất xưa nay chưa từng có. Thế cũng chưa hết.
Noah nhớ đến cuộc trò chuyện với Ichabod vào chiều hôm ấy, khi ánh hoàng hôn cũng đỏ đòng đọc như chiều nay, còn không khí thì thật ngột ngạt, oi bức. Thân hình phì nộn của Ichabod đang ngồi tràn ra cả chiếc ghế da báo to tướng.
– “Cuối tuần này, em sẽ đi đền Cayan để cúng. Nghe nói ở đó thiêng lắm. Nhiều người tới đó làm lễ và đã được toại nguyện. Em đang “chạy” một ghế trong Hội đồng dân biểu của thành phố. Em đã lo lót đầy đủ cho phần “dương” rồi. Còn phần “âm” cũng phải làm, không làm không được. Mình không đi để thiên hạ cúng trước là mất lộc, mất ghế. “Mật ít ruồi nhiều” mà. Em sẽ sắm một lễ thật hậu. Anh có đi cùng không?” Ichabod ướm hỏi.
– “Không, anh đã có đức tin vào Thiên Chúa, anh không đi đâu”. Noah hiền từ nhìn Ichabod, giọng trầm trầm.
– “Anh lạc hậu quá. Thời nay mà vẫn còn tin có Thiên Chúa nữa à? Thiên Chúa làm gì có thật. Ngày xưa con người còn mông muội, mê tín, chẳng biết trông cậy vào đâu mới tin vào Thiên Chúa. Còn nay nền khoa học hiện đại khiến chúng ta thông minh hơn nhiều, ai mà tin Thiên Chúa nữa. Mà thôi, anh không cúng cũng được, cứ đi cùng em. Cúng xong, anh em mình đi xả hơi”. Ichabod nháy mắt ranh mãnh. Bộ mặt phì phị nở nang nhẵn nhụi của cậu ta cùng với đôi mắt ti hí đang nhìn Noah vẻ dò xét.
“Xả hơi” là ám chỉ của Ichabod về việc mua vui tại một loạt những kỹ viện và hệ thống các tụ điểm ăn chơi được xây dựng xung quanh những ngôi đền như Cayan, dành cho những người đi cúng bái như Ichabod. Như một hậu quả không thể tránh khỏi, đó cũng là nơi ở của những đứa trẻ vô thừa nhận.
– “Thiên Chúa đã tạo ra dân tộc chúng ta, sao em không tin vào Thiên Chúa? Và ngài không bao giờ cho phép các con chiên được sống buông thả hoặc ngoại tình, Ichabod ạ. Theo anh, em đừng làm thế”.
– “Em chẳng nhìn thấy Thiên Chúa bao giờ. Em chỉ thấy người ta vẫn phong thánh cho những tên tội đồ của đô thành này; những kẻ giết người không gớm tay nhân danh những điều tốt đẹp cho nhân dân; những kẻ có đời sống cá nhân bại hoại nhưng lại được tô vẽ thành những biểu tượng của đạo đức mà có lẽ đến anh cũng còn phải học tập… người ta còn hùa nhau rước tượng của những kẻ ấy vào những thánh đường và cho lên bệ thờ. Vậy nên, em chả tin vào điều gì cả. Đời ai cũng chỉ sống một lần, em cứ phải tranh thủ hưởng thụ khi còn có thể”.
– “Vậy sao em vẫn đặt niềm tin vào việc đi cúng bái những sinh mệnh quái dị kia? Em đâu có tin vào Thiên Chúa hay Thánh Thần”.
– “Vì họ cho em những điều em cần trong cuộc sống này. Mà giờ ai chả thế, anh lo có nổi không? Anh “hâm” thật. Mình lo cho mình thôi. Thôi, anh không đi cũng được nhưng đừng lộ với “sư tử” nhà em đấy nhé”. Ichabod lạnh lùng kết thúc câu chuyện và lặc lè đứng lên.
Noah đành lắc đầu, khẽ buông tiếng thở dài. Giờ những người như Ichabod đúng là nhiều không đếm được mất rồi.
Và giờ đây ông đang nhớ đến cái lắc đầu thở dài và giọng nói oai nghiêm của Thiên Chúa ngày hôm ấy trong vườn olive:
“Thần khí của ta sẽ không lưu tồn mãi mãi nơi loài người. Nếu loài người không vượt qua được sự sa đọa và độc dữ này thì tuổi đời của chúng sẽ không dài hơn một trăm hai mươi năm” (3).
Thời ấy, tuổi thọ của con người rất dài. Ông tổ Adam sống 800 năm mới mất, còn ông nội của Noah là Methuselah sống tới 969 tuổi. Nhưng đó là thời kỳ của những người thực sự lương thiện và có đức tin mạnh mẽ.
Còn trưa nay, trong lúc đi dạo cùng Noah, Thiên Chúa nói:
“Ta sẽ xóa sạch khỏi mặt đất con người mà ta tạo dựng. Không chỉ loài người thôi mà còn hết thảy thú vật, côn trùng, chim trời và toàn bộ thế giới. Vì ta hối tiếc rằng đã tạo ra chúng. Nhưng ngươi Noah, ngươi phải đóng một con tàu bằng gỗ Bopher. Ngươi sẽ ngăn tàu ấy thành từng buồng rồi lấy dầu hắc trám cả trong lẫn ngoài để nước không thể rỉ vào. Tàu đó cao ba tầng: tầng trệt, tầng thứ hai và tầng thứ ba. Và nó phải cao mười bốn thước, chiều dài một trăm ba mươi bảy thước, chiều rộng hai mươi ba thước. Ta sẽ cho ngươi 50 năm để hoàn thành con tàu, đó cũng là thời gian để loài người hối cải trước khi ta thực thi quyết định của mình”.(4)
Có tiếng sấm vang rền trên bầu trời, giữa trưa nắng đẹp bỗng đâu mây đen cuồn cuộn kéo đến, còn Thiên Chúa trên cao đang nhíu mày vừa oai nghiêm vừa thương xót.
Noah chăm chú lắng nghe lời Thiên Chúa một cách kinh ngạc. Ông chưa từng đóng tàu, lại là một con tàu to lớn như vậy, ông biết phải làm sao? Mặc dù Thiên Chúa đã chỉ vẽ cặn kẽ cho ông: tàu sẽ được đóng chắc chắn với khung sườn bằng gỗ cứng cáp, có một cái mũi chếch lên cao để nước không tràn lên boong tàu và một bên mạn tàu có một cửa sổ và một cửa lớn độc nhất để ra vào… nhưng nhà ông lại cách rất xa bờ biển, đóng tàu để làm gì?
Thiên Chúa hiểu tất cả những gì Noah đang băn khoăn, Ngài nói:
“Sẽ có một trận lụt đại hồng thủy khắp cõi đất, và hết thảy sinh linh dưới gầm trời sẽ bị hủy diệt. Nhưng Noah ạ, với ngươi ta lập lời hứa. Khi nào đóng xong con tàu đó thì ngươi và vợ ngươi và ba người con trai của ngươi cùng gia đình của chúng sẽ đi vào trong tàu. Ta thấy ngươi là người ngay lành và ta sẽ cứu ngươi. Còn về tất cả các sinh vật đang sống, trừ loài người ra, ngươi hãy mang vào trong tàu mỗi loài một cặp để giữ cho chúng sống sót cùng ngươi. Một cặp gồm một con đực và một con cái. Về mọi loài chim trên trời và mọi loài thú vật hết sức cần thiết cho con người, như cừu và gia súc, ngươi sẽ đem vào trong tàu mỗi loài bảy cặp, để bọn chúng sinh sôi trở lại một cách rất đầy chất lượng trên mặt đất khi nước lụt rút hết. Và ngươi hãy gom đủ loại lương thực, cất chúng trên tàu để cung cấp cho các ngươi, cho hết thảy các thú vật và các loài bò sát ở chung với ngươi trên con tàu đó”.(5)
Rồi Thiên Chúa biến mất, để lại Noah một mình bàng hoàng sợ hãi. Thế giới mà con người coi rằng đẹp tươi và vĩnh cửu này một ngày kia sẽ chỉ còn toàn là những lời than khóc, rồi tất cả sẽ bị xóa sạch trong chốc lát khi trận lụt cuốn phăng đi mọi sự sống, biến mặt đất thành biển cả… Dưới những tán cây olive xanh mát mà Noah có cảm giác như đang đứng giữa vùng sa mạc bỏng rát. Mắt ông như mờ đi, mồ hôi túa ra, cổ họng khô khốc, miệng thở dốc nặng nhọc. Một cảm giác nặng nề như núi đè xuống tâm can khiến ông không thể thốt nên lời. Ông phải tựa mình vào gốc cây olive đại thụ cho khỏi ngã và từ từ ngồi phệt xuống… thật lâu như chúng ta đã chứng kiến.
Trời dần tối, dưới gốc cây olive đại thụ, có bóng một người đàn ông nặng nhọc vịn gốc cây đứng lên rồi chậm chạp cất bước về ngôi nhà xa xa phía đỉnh đồi.
(Còn tiếp… )
Chú thích:
(1): Yogev tiếng Hebrew (Do Thái) nghĩa là “nông dân”
(2): Ichabod tiếng Hebrew nghĩa là “vinh quang của Thiên Chúa đã rời khỏi nơi này”
(3), (4), (5): Tham khảo “Chuyện Kinh Thánh” của nữ văn hào Pearl Buck.
Theo Kinh Thánh, nguyên nhân của nạn lụt lớn thời Noah là do đạo đức của loài người đã quá sức sa đọa, khiến Thiên Chúa phải tạo một trận Đại Hồng Thủy để thanh lọc Địa cầu.
Xem Kỳ 2
ntdvn.com