Trong một sự kiện của Bloomberg tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên ở Davos, Thụy Sĩ, tỷ phú Sam Altman, CEO OpenAI, cho rằng các mô hình AI trong tương lai có thể đòi hỏi thậm chí nhiều năng lượng hơn – đến mức chúng cần một nguồn năng lượng hoàn toàn mới. (Ảnh: Flickr/TechCrunch)
Một điều đã được chứng minh là các mô hình Trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT của OpenAI đòi hỏi một lượng điện năng khổng lồ. Các chuyên gia ước tính rằng ngành công nghiệp AI có thể sẽ tiêu thụ lượng điện năng bằng cả một quốc gia trong thời gian tới.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi CEO OpenAI, Sam Altman, đang tìm kiếm các giải pháp rẻ hơn. Trong một sự kiện của Bloomberg tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên ở Davos, Thụy Sĩ, tỷ phú này cho rằng các mô hình AI trong tương lai thậm chí có thể đòi hỏi nhiều năng lượng hơn – đến mức chúng cần một nguồn năng lượng hoàn toàn mới.
Theo Reuters, Altman nói với khán giả: “Không có cách nào đáp ứng được mức tiêu thụ năng lượng như thế nếu không có một bước đột phá. Điều này thúc đẩy chúng ta đầu tư nhiều hơn vào năng lượng nhiệt hạch”, ông nói thêm rằng chúng ta cần những cách tốt hơn để lưu trữ năng lượng từ Mặt trời.
Altman đang gợi lên một trong những chủ đề được bàn luận sôi nổi nhất về việc sản xuất năng lượng hiện nay. Năng lượng nhiệt hạch từ lâu đã được coi là chén thánh. Về mặt lý thuyết, nó đại diện cho một nguồn năng lượng không giới hạn mà không có những rủi ro liên quan đến phân hạch hạt nhân.
Tuy nhiên, cho dù đã nghiên cứu nhiều thập kỷ, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cách hợp nhất các nguyên tử để tạo ra một lượng năng lượng ròng ở quy mô lớn.
Mặc dù vậy, các tỷ phú, bao gồm Jeff Bezos, Peter Thiel và Bill Gates, vẫn đổ số tiền lớn vào ý tưởng đó. Bản thân Altman đã đầu tư khoảng 375 triệu USD vào một công ty năng lượng nhiệt hạch có tên là Helion Energy vào năm 2021. Công ty này cũng đã ký kết hợp tác với Microsoft, gã khổng lồ công nghệ từng đầu tư 13 tỷ USD vào OpenAI. Altman cũng đề xuất rằng chính AI có thể giúp giải quyết bài toán đưa nhiệt hạch trở thành công nghệ sản xuất năng lượng trong thực tế.
Tuy nhiên, trong khi các công ty khởi nghiệp mới như Helion liên tục tuyên bố rằng họ sẽ sớm cho ra mắt năng lượng nhiệt hạch, chúng ta vẫn chưa thấy bất kỳ kết quả cụ thể nào.
Tất nhiên, nếu viễn cảnh tươi đẹp về tương lai sản xuất năng lượng của Altman trở thành hiện thực, chúng ta sẽ có một cách tiếp cận xanh hơn đáng kể để cung cấp năng lượng cho các mô hình AI.
Trong thời gian chờ đợi đó, Altman có lẽ nên tập trung nỗ lực vào việc sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng bền vững hiện có.
Và thay vì dựa vào những thành tựu đột phá và các dự án lớn trong tương lai, chúng ta cần hành động ngay bây giờ. Ngành công nghiệp AI đang thực sự bắt đầu bộc lộ mặt xấu của nó. Theo một bài báo được công bố trên tạp chí Joule, riêng việc thêm AI vào Google Search đã làm tăng mức độ sử dụng năng lượng của công cụ này lên hơn mười lần.
“Ví dụ, mức tiêu thụ năng lượng của một truy vấn ChatGPT so với một số truy vấn trên email của bạn có thể sẽ ngốn năng lượng nhiều gấp 10 đến 100 lần”, Giáo sư kỹ sư điện và máy tính Sajjad Moazeni nói với Yahoo Finance vào năm ngoái.
Và sự phụ thuộc của chúng ta vào những công cụ này có khả năng sẽ tăng lên.
Arijit Sengupta, người sáng lập và CEO của công ty AI Aible, nói với Yahoo Finance rằng, trong hai đến ba năm tới, chúng ta có thể chỉ mới đạt được 1% mức độ áp dụng AI vào các hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Ông nói thêm: “Thế giới thực sự đang hướng tới một cuộc khủng hoảng năng lượng thực sự tồi tệ do AI, trừ khi chúng ta giải quyết được một số vấn đề”.
Điều đó có nghĩa là chúng ta cần tìm ra những lựa chọn thay thế khả thi để vận hành các trung tâm xử lý dữ liệu này trước khi quá muộn.
Roberto Verdecchia, Phó giáo sư tại Đại học Florence, nói với New York Times: “Đừng tạo ra một mô hình mới chỉ để cải thiện độ chính xác và tốc độ của nó, mà hãy hít một hơi thật sâu và xem chúng ta đang tiêu thụ bao nhiêu tài nguyên môi trường”.
Trong một bài báo công bố năm 2019, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Massachusetts (Mỹ) đã phát hiện ra rằng, việc đào tạo một mô hình AI lớn có thể thải ra tới 284.000 kg CO2, tương đương gần gấp 5 lần lượng khí thải của một chiếc ô tô trong suốt vòng đời của nó (bao gồm cả quá trình sản xuất). Hay việc đào tạo mô hình BERT (mô hình ngôn ngữ lớn do Google phát triển) sử dụng năng lượng và thải ra CO2 tương tự với một chuyến bay thương mại xuyên Đại Tây Dương. Ngoài giai đoạn “đào tạo”, AI tiếp tục thải ra nhiều CO2 hơn khi mô hình được áp dụng trong thế giới thực. Giai đoạn ứng dụng này có khả năng chiếm tới 90% lượng khí thải trong vòng đời của AI.
Theo Futurism, vjst
NTD Việt Nam