Cuộc đời của mỗi người cũng tựa như một màn kịch. Kịch bản đã được định sẵn, bạn diễn vai của bạn, tôi diễn vai của tôi, mỗi người khoác lên mình một bộ trang phục cùng phụ kiện rồi bước lên sân khấu. Trong mỗi màn kịch, ai cũng đều là nhân vật chính trong cuộc đời của chính mình, nhưng cũng đều là vai phụ trong cuộc sống của người khác.
Vị tú tài đọc sách sử, thấy người trung nghĩa không nhận được quả thiện, sau khi say rượu liền viết thơ oán trách Thiên đạo bất công
Trong những năm đầu của Nguyên Thuận Đế triều đại nhà Nguyên (1335 – 1340), ở Cẩm Thành có một vị tú tài tên là Hồ Mẫu Địch. Ông là người chính trực, không bị chi phối bởi lợi ích cá nhân, thường nói: “Nếu có một ngày ta làm quan lớn, nhất định sẽ ủng hộ việc thiện, trừ tận gian tà, giúp cho triều chính thanh minh, vậy mới có thể toại nguyện.” Đáng tiếc rằng ông đã cố gắng rất nhiều mà vẫn không đạt được công danh, do đó ông sống ẩn dật trên núi, dành cả cuộc đời cho việc đọc sách và làm ruộng.
Một ngày nọ, ông tình cờ đọc về đoạn bi kịch của Nhạc Phi bị Tần Cối hãm hại, chưa đọc xong đã vô cùng tức giận, không kiềm nén được phẫn nộ nên đã lớn tiếng chửi rủa bọn gian thần. Sau đó, ông lấy ra một cuốn sách khác để đọc, đó là đoạn lịch sử về vị trung thần Văn Thiên Tường quyết không đầu hàng nhà Nguyên. Hồ Mẫu Địch đọc xong liền nổi giận và đập bàn nói: “Những người trung nghĩa như vậy mà lại bị Hoàng đế giết chết một cách tàn nhẫn, Ông Trời, Ông Trời, vì sao Ông lại bất công đến thế!”
Trong cơn tức giận, ông ta uống rất nhiều rượu. Khi say rượu, ông viết một bài thơ trong hai cuốn sách, một cuốn mắng Tần Cối đã giết Nhạc Phi, một cuốn khác ca ngợi Văn Thiên Tường. Sau khi hoàn thành, ông cảm thấy chưa đủ thỏa mãn nên đã viết thêm: “Tần Cối tà ác đến thế mà lại nhận kết cục tốt đẹp, Văn Thiên Tường là bậc trung nghĩa lại phải chịu bi kịch chết thảm. Chẳng lẽ Thiên đạo không phân biệt được đâu là nịnh thần, đâu là trung nghĩa?” Viết xong, ông liền ngủ say sưa.
Trong mơ được dẫn đến địa phủ
Trong giấc mơ, Hồ Mẫu Địch thấy hai người tới đưa ông đến địa phủ. Diêm Vương tức giận nói: “Ngươi thân là bậc nho sĩ, đọc thư học lễ, tại sao lại oán trời trách đất, báng bổ quỷ thần?”
Hồ Mẫu Địch tỉnh ngộ rằng, trong cơn say rượu ông đã vô ý viết những lời bất kính Thiên đạo, liền xin lỗi và nói: “Tiểu nhân say rượu, không kiểm soát được bản thân, chỉ vì vô tình đọc các câu chuyện về bậc trung nghĩa và bọn nịnh thần nên đã phẫn nộ, lỡ nói những lời bất kính, mong ngài rộng lòng lượng thứ.”
Diêm Vương hỏi: “Vậy ngươi nói cho ta, vì sao ngươi lại nghĩ Thiên đạo không phân biệt được nịnh thần và trung nghĩa?”
Hồ Mẫu Địch trả lời: “Tần Cối bán nước, đi theo quân Phiên, sát hại bậc trung lương, nhưng cuộc đời ông ta vẫn kết thúc trong phú quý. Con trai ông ta là Tần Hy thi đỗ trạng nguyên, còn cháu là Tần Huân trở thành hàn lâm học sĩ. Ba thế hệ cùng được ghi vào sử sách. Nhạc Phi tinh trung báo quốc, cha con ông đều bị xử tử; Văn Thiên Tường là bậc trung thần của triều Tống, cả ba người con đều qua đời trong nghèo khó, gia tộc tuyệt hậu. Ngài nói xem Thiên đạo ở đâu? Tiểu nhân trong lòng nghi hoặc, hy vọng thần linh tiết lộ nguyên nhân.”
Diêm Vương nghe xong, cười lớn và nói: “Ngươi chỉ là một tên nho sĩ ở trần thế hạ giới, trong khi Thiên ý vô cùng vy tế và bao la, ngươi làm sao có thể hiểu được?”
Sau đó, Diêm Vương kể cho ông về lý do của những điều này. Tống Cao Tông là do Ngô Việt Vương Tiền Lưu chuyển sinh, vì muốn đòi lại cố hương nên ông đi về phía Nam, không có ý chí đánh chiếm Trung Nguyên.
Khi Tần Cối chủ trì hòa nghị với quân Phiên, đó cũng là Thiên số, nhưng không nên hãm hại bậc trung lương, vì vậy nên mới khiến ông ta bị đoạn tử tuyệt tôn. Tần Hy là con trai của ông ta, nhưng không phải là con ruột, mà là con trai của anh rể Vương Hoán, đo đó người này không cần phải gánh chịu tội nghiệt từ Tần Cối.
Còn Nhạc Phi chính là Trương Phi thời Tam Quốc chuyển sinh, mặc dù cha con bị hại chết, nhưng hậu duệ của họ vẫn thịnh vượng qua nhiều thế hệ.
Phụ tử phu thê nhà Văn Thiên Tường đều là trung hiếu tiết lễ, được tôn vinh thiên cổ. Cháu trai kế vị, tiếp tục thờ cúng tổ tiên và giữ chức quan thanh liêm.
Diêm Vương cũng nói: “Thiên đạo báo ứng có thể xảy ra trước hoặc sau khi chết; phúc biến thành họa, họa chuyển thành phúc. Để hiểu rõ thì cần phải xem xét từ cổ chí kim, từ dương gian đến âm gian. Ngươi chỉ dựa vào hiện tại để phán đoán thì cũng giống như nhìn người qua ống tre, chắc chắn sẽ không thể nhìn thấy tường tận được.”
Hồ Mẫu Địch nghe xong chợt ngộ ra và nói: “Nhờ Thần quân chỉ giáo mà đã giải khai cho kẻ tiểu nhân ngu muội này. Nhiều người chỉ quan tâm đến cái khổ cái vui trong cuộc sống, không thể biết được những hậu quả phải gánh chịu sau khi chết. Tiểu nhân tầm nhìn hạn hẹp, hy vọng có thể du hành vòng quanh Địa Ngục, chứng kiến quả báo của kẻ hành ác, sau khi trở lại dương gian sẽ cảnh báo cho thế nhân, thức tỉnh con người, giúp họ thực hành tu dưỡng, tránh xa tà ác. Cầu mong Thần quân chấp thuận.”
Diêm Vương gật đầu đồng ý và ra lệnh cho người đưa vị tú tài đi khắp Địa Ngục, để ông thấy được báo ứng của kẻ hành ác tại Địa Ngục là như thế nào.
Du hành Địa Ngục, chứng kiến quả báo khốn khổ của kẻ ác
Hồ Mẫu Địch nhìn thấy vợ chồng Tần Cối, cha con Sái Kinh và những kẻ bất lương qua các triều đại khác nhau phải chịu những cực hình như bị sét đánh, bị gió cuốn và bị nung trong vạc nước sôi cùng nhiều hình thức tra tấn khác.
Người cai ngục nói với ông rằng sau khi những người này bị tra tấn ở Địa Ngục trong ba năm, họ sẽ đầu thai thành gia súc, cừu, chó, lợn, v.v., để bị người khác giết mổ, lột da và ăn thịt, lặp đi lặp lại như vậy hơn 50 lần. Trừ khi trời đất hỗn loạn, nếu không họ sẽ không được giải thoát, điều đó cho thấy tội lỗi của họ lớn đến mức nào.
Ngoài ra, những người khi còn sống làm quan, tham tiền, xuyên tạc pháp luật, gian trá, lập biên bản hãm hại người khác, bất hiếu, bất nhân bất nghĩa cũng như những người dâm ô, ghen tuông, đố kỵ, nổi loạn, hung ác, tàn độc đều bị giam giữ ở nhiều nơi và tra tấn. Sau khi Hồ Mẫu Địch chứng kiến những điều này, ông mới hiểu rõ rằng nhân quả báo ứng là có thật.
Những cảnh bi thảm như thế này còn rất nhiều, không thể diễn tả chi tiết ở đây. Chỉ muốn nhắc nhở người đọc suy ngẫm, khái niệm “linh hồn bất diệt” đã được truyền thừa rộng rãi trong văn hóa truyền thống. Người bị tác động bởi chủ nghĩa vô thần và thuyết tiến hóa nói rằng “tôi không tin vào điều này”, nhưng liệu không tin thì có khiến nó biến mất được không?
Những bậc trung thành nghĩa sĩ được hưởng phúc trong phủ Thiên Tước dưới âm ty
Sau khi du hành Địa Ngục, Hồ Mẫu Địch tiếp tục yêu cầu gặp những bậc trung nghĩa. Diêm Vương suy tư một lúc, sau đó nói: “Những người kia đều đang còn sống và hưởng phúc lành từ Trời. Sau khi sống đủ lâu, họ sẽ được trở về chốn cũ, chờ đợi duyên phận và chuyển sinh lần nữa. Nếu ngươi muốn gặp họ, ta sẽ đưa ngươi đi.”
Diêm Vương ngồi lên ghế kiệu đi phía trước, ra lệnh cho tùy tùng dẫn Hồ Mẫu Địch đi theo phía sau. Sau khi đi khoảng năm dặm, một lâu đài hoa lệ hiện ra cùng các cung điện làm bằng ngọc bích, ngói màu xanh lá cây và một tấm bảng màu đỏ có khắc dòng chữ “Thiên Vương Phủ”.
Sau khi bước vào, có hàng trăm tiên tử, tất cả đều mặc quần áo lụa tím, đeo ngọc bội cùng nhiều vật trang sức đẹp. Họ cầm ngọn cờ và hoa sặc sỡ, mây trắng nhiều màu bay lơ lửng, hoa rơi xuống từ trên trời, mùi hương thơm ngát lan tỏa, rồng hát phượng thổi, thiên nhạc vang lên.
Trong điện có hơn trăm người ngồi, đội vương miện cao tới tận trời, y phục gấm mây, chân đi giày óng ánh, đeo đồ trang sức bằng ngọc sáng ngời. Ngoài ra còn có hơn năm trăm tiên nữ mặc váy lụa đỏ, một số cầm quạt Ngũ Minh, một số cầm chén Bát Bảo, đứng xung quanh chờ đợi.
Diêm Vương cho biết những bậc trung nghĩa như thế này sẽ được dương gian lưu truyền thiên cổ, sau khi chết sẽ được hưởng phúc tại nơi đây. Khi mỗi triều đại xuất hiện một đấng minh vương, những người này sẽ được chuyển sinh làm vương hầu, công tước, tướng quân, phù trì giang sơn, công thi xã tắc.
Diêm Vương nói: “Ngươi đã hiểu rõ về báo ứng thiện ác, Thiên đạo có mắt, hoàn toàn phân biệt được đâu là bậc trung sĩ, đâu là bọn nịnh thần tà ác.”
Hồ Mẫu Địch vui mừng và tạ lỗi, sau đó đặt một câu hỏi: “Tiểu nhân từ nhỏ luôn nỗ lực đọc sách học tập, cũng không phạm tội gì lớn, tại sao suốt đời vẫn không thể đạt được công danh? Lẽ nào kiếp trước đã phạm tội gì chăng?”
Diêm Vương trả lời: “Hiện tại đang là thời nhà Nguyên, trời đất luân phiên thay đổi. Nhà ngươi bản tính cương trực, trong mệnh cũng không có nhân duyên với tộc người Đông Bắc, vì vậy nên mới không để ngươi trở thành thần tử của họ. Nhiệm kỳ của ta ở âm phủ sắp kết thúc, ta cho rằng ngươi sẽ phù hợp với công việc này. Ta sẽ báo lên Thiên Đình tiến cử ngươi thay thế ta. Ngươi sẽ được trở lại dương gian, sống tiếp những năm tháng còn lại của kiếp này. Sau 10 năm nữa, ta sẽ đích thân đến đón ngươi.”
Kể từ đó, Hồ Mẫu Địch không còn tìm kiếm công danh nữa mà tập trung vào việc tu thân học Đạo. Ông viết lại những trải nghiệm của mình để cảnh tỉnh mọi người. Ở tuổi 66, Hồ Mẫu Địch đột ngột thấy người dưới âm phủ đến đón ông, xe ngựa và nghi lễ được tổ chức trang trọng như khi tiếp đón một vị vua. Trong đêm đó, Hồ Mẫu Địch qua đời.
Lan Chi biên dịch
Nguồn: Soundofhope (Ngô Vĩnh Kiện)
Xem thêm
Vạn Điều Hay