Các nhà nghiên cứu nhận thấy phụ nữ sau mãn kinh tiêu thụ ít nhất 4 – 6 quả mận khô mỗi ngày trong một năm đã duy trì được cấu trúc và độ chắc tại vùng chịu lực của xương ống chân. (Ảnh: luis_molinero / Freepik)
Theo một nghiên cứu do các nhà nghiên cứu từ Đại học Penn State dẫn đầu, ăn mận khô hàng ngày có thể làm chậm quá trình mất xương do tuổi tác và giảm nguy cơ gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy phụ nữ sau mãn kinh tiêu thụ ít nhất 4 – 6 quả mận khô mỗi ngày trong một năm đã duy trì được cấu trúc và độ chắc tại vùng chịu lực của xương ống chân.
Tác giả chính của nghiên cứu, Mary Jane De Souza, giáo sư danh dự về vận động học và sinh lý học tại Đại học Penn State, cho biết trong một thông cáo báo chí:
“Đây là thử nghiệm có đối chứng ngẫu nhiên đầu tiên xem xét kết quả xương bằng hình ảnh ba chiều liên quan đến cấu trúc xương, hình dạng và độ bền ước tính.
Trong nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng việc tiêu thụ mận khô hàng ngày ảnh hưởng đến các yếu tố liên quan đến nguy cơ gãy xương. Điều đó vô cùng có giá trị về mặt lâm sàng”.
Bà Souza nói thêm:
“Khi chúng ta nhìn vào mật độ khoáng chất của xương, chúng ta đang xem xét mật độ xương, nhưng chúng ta cũng muốn biết về chất lượng của xương. Quan sát cấu trúc xương ba chiều cho chúng ta biết chất lượng của xương như thế nào”.
Bà De Souza cho biết mận khô chứa các hợp chất hoạt tính sinh học, bao gồm polyphenol, có thể ngăn ngừa viêm – nguyên nhân gây mất xương.
Mận khô có lợi ích cho cả đường ruột
Khi chúng ta lớn lên, xương trải qua quá trình tái tạo và sửa chữa liên tục. Nhưng khi già đi, quá trình tái tạo xương chậm lại, xương trở nên giòn và dễ gãy hơn, dẫn đến loãng xương.
Phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ loãng xương đặc biệt cao vì họ mất estrogen trong thời kỳ mãn kinh. Estrogen giúp xương chắc khỏe.
Trong thử nghiệm kiểm soát, các nhà nghiên cứu tại Penn State đã theo dõi 235 phụ nữ sau mãn kinh trong một năm. Hơn 70% những người tham gia nghiên cứu chưa điều trị hormone hoặc điều trị loãng xương.
Những người tham gia được phân ngẫu nhiên thành các nhóm:
- Không ăn mận khô;
- 4 – 6 quả mận khô mỗi ngày;
- 10 – 12 quả mận khô mỗi ngày.
Nhóm nghiên cứu đánh giá mật độ và độ chắc của xương sáu tháng một lần thông qua máy chụp cắt lớp vi tính (CT).
Các nhà nghiên cứu đã đánh giá cấu trúc và độ chắc của xương tại một số vùng xương ống chân của phụ nữ.
Trong suốt một năm, họ thấy rằng mật độ khối lượng và độ chắc xương ống chân của những phụ nữ không ăn mận khô giảm xuống.
Việc tiêu thụ mận khô giúp bảo tồn lớp vỏ của xương chày, lớp ngoài cứng và đặc của xương chày (xương ống quyển). Cả hai nhóm ăn mận khô đều duy trì mật độ và cấu trúc xương ở vùng chịu lực này.
Tuy nhiên, nhóm phụ nữ được yêu cầu ăn 10 đến 12 quả mận khô mỗi ngày có tỷ lệ bỏ cuộc khỏi nghiên cứu cao nhất do cảm thấy nhàm chán vì phải ăn quá nhiều mận khô.
Lưu ý: Mặc dù mận khô chứa polyphenol chống viêm, chúng cũng có hàm lượng sorbitol cao, có thể gây tiêu chảy nếu tiêu thụ với số lượng lớn.
Bà De Souza nói:
“Đây là một kết quả nghiên cứu khá thú vị cho một nghiên cứu kéo dài 12 tháng. Chúng ta có thể duy trì và bảo tồn xương ở vùng chịu lực, lớp vỏ của xương chày. Việc duy trì xương vỏ và độ chắc của xương là yếu tố then chốt để tránh gãy xương”.
Bà nói thêm rằng bước tiếp theo của các nhà nghiên cứu là xem liệu mận khô có thể giúp giảm nguy cơ loãng xương hay không vì nghiên cứu này không đề cập đến vấn đề đó.
Bà De Souza đề cập rằng các nghiên cứu trước đây cho thấy việc ăn 5 hoặc 6 quả mận khô mỗi ngày trong một năm giúp duy trì mật độ khối lượng xương tổng thể ở hông.
Theo Amie Dahnke – The Epoch Times
Nhật Duy biên dịch
NTD Việt Nam