Ăn mặc hở hang bệnh càng khó chữa. (Ảnh minh họa pexels)
Một cô gái trẻ 24 tuổi, mỗi khi kinh kỳ thì đau bụng phát nôn, không thể đi làm, phải xin nghỉ phép. Lúc tới khám mới chớm đông, gió lạnh vi vút thổi, cô mặc áo ngắn hở rốn, quần short bò trễ cạp. Cô gái có móng tay thâm tím, môi tái xanh, mặt trắng bệch, được mẹ đưa tới khám.
Giới thiệu: Bác sĩ Ôn Tần Dung nhiều năm đắm mình trong Đông y, đặc biệt khả năng châm cứu của bà tinh sâu tuyệt kỹ, đã gần với cảnh giới “kim và người hợp nhất” rồi, kim đã trở thành ngón tay thứ của bà.
Trước tác “Lục chỉ y thủ – Vị vô minh điểm đăng” là trước tác thứ 6 của bà, đã thu lục 43 trường hợp chữa bệnh sinh động trong quá trình bà khám chữa bệnh, với hy vọng thắp một ngọn đèn Minh Huệ (trí tuệ sáng suốt) cho những người đang bị bệnh tật và tâm bệnh hành hạ, giữa biển người và biển y học mênh mông vô bờ.
Trong phòng khám Minh Huệ của bà, bất kể là những tài tử thông minh tuyệt đỉnh, những giáo sư nổi danh quốc tế, những phụ nữ thép hô mây gọi gió trên thương trường, những cặp đôi oán hận, bằng mặt mà không bằng lòng, những cặp vợ chồng yêu thương vĩnh hằng, hay những người bên lề cô đơn thất vọng… mỗi bệnh nhân đến với phòng khám Minh Huệ, ngoài bệnh tật mà họ nóng lòng chạy chữa ra, còn có những câu chuyện ly kỳ bất ngờ, trong quá trình chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân, bà đã thể hiện y Đạo Đông y tuyệt diệu, còn tỏa ánh sáng chiếu rọi nhân tính khắp nơi.
***
‘Vá lưới rách’ là cụm từ trong một ca khúc của Đài Loan, do Vương Vân Phong sáng tác vào năm 1948, Lý Lâm Thu soạn lời, nguyên là một ca khúc thất tình luyến ái, là kiệt tác ca dao hiếm thấy của Đài Loan. Ở thời kỳ giới nghiêm, nó bị liệt vào ca khúc cấm, nó phản ánh cảnh hoang tàn ly loạn sau cuộc chiến lúc ấy, như một tấm lưới rách nát, cần cẩn cẩn vá bồi từng mũi kim sợi cước.
Trong cuộc sống hiện đại đủ đầy cùng khoa học phát triển như ngày nay, có cần vá lưới rách chăng? Thời đại này chỗ cần phải vá bồi là gì, là loại lưới rách nào?
Công dụng của y phục là gì? Nghệ thuật thời trang có đại biểu cho sự phản ánh của nhân tâm chăng?
Thời cổ đại ngoài việc dùng quần áo che thân, còn có nhiều điều liên quan đến y phục như:
- ‘Y khinh thừa phì’ (áo nhẹ ngựa béo – chỉ sự sung túc xa hoa),
- ‘Cẩm y ngọc thực’ (ăn ngon mặc đẹp),
- Áo gấm về làng (chỉ sự đỗ đạt vinh dự về quê),
- ‘Đàn quan chấn y’ (Rũ sạch bụi trần trên áo mũ, ngụ ý giữ mình trong sạch),
- ‘Y quan sở sở’ (mũ áo chỉnh tề-chỉ cảnh làm quan),
- ‘Thiên y vô phùng’ (Áo Trời không vết cắt may, ngụ ý thơ văn hồn nhiên, tự nhiên).
Đặc biệt là, Phật trang phục vàng kim, người dùng trang phục vải. Nhưng thời cổ xưa dân phong thuần phác, vật chất thiếu thốn, thường thấy:
- ‘Súc y tiết thực’(áo thiếu ăn dè),
- ‘Y bất hoàn thái’(y phục chất phác không trang sức),
- ‘Phỉ thực bạc y’ (cơm rau áo mỏng),
- ‘Nhược bất thắng y’ (yếu đến nỗi không chịu được sức nặng của trang phục),
- ‘Chính khâm nguy tọa’ (Áo ngay ngắn ngồi nghiêm trang).
Vào thời kỳ vật chất phong phú, người hiện đại không tránh khỏi ảnh hưởng của lối ăn mặc phóng túng phô trương bề ngoài của phương Tây, khoác lên mình những trang phục kỳ dị.
Ăn mặc hở hang bệnh càng khó chữa
Một quý bà 52 tuổi, bị ho kéo dài cả năm rồi, ho ra cả ít máu. Rất sợ hãi, tới bệnh viện kiểm tra, trừ một điểm nhỏ màu trắng ở phổi, tất cả đều bình thường. Khi tới phòng khám của tôi, bà vẫn tiếp tục ho dữ dội. Quý bà có dáng đẹp, dù trang điểm đậm nhưng vẫn không che được làn da trắng xanh, mặc áo hở lưng hở ngực, phía trước nhìn thấy cả khe ngực, váy thì ngắn tới mức khi ngồi xuống thì để lộ cả sắc xuân, ông chồng ngồi bên thêm phần âu yếm xót xa.
Đơn thuốc đầu tiên: Thay đổi trang phục. Phổi là phần tạng mềm, sợ lạnh, mặc hở hang, ăn uống lạnh sẽ tổn thương phổi. Ngực là nơi hội tụ của tông khí, thường dùng quạt điện, khí lạnh sẽ xâm nhập. Phong hàn tà lưu lại không ra, khí huyết lưu thông không thuận, khí bẩn không xuống được, dương khí nhẹ trong không lên được, phổi tất bị bệnh.
Dặn dò quý bà dùng canh gà hầm tỏi, không dùng thêm gia vị. Đặc biệt khi mặc y phục, phải mặc áo dài tay che khuỷu, váy hoặc quần phải quá đầu gối, nếu không bệnh khó khỏi, nếu không thay đổi thì tất phải quay lại chữa trị.
Quý bà nghe xong, mặt chảy ra khó chịu. Về tới nhà cãi nhau với chồng một trận to, nói bà thà chịu ho chứ không muốn thay đổi phục trang. Bà ấy tự mình không muốn khỏi bệnh, thì thầy thuốc biết làm sao?
Một cô gái trẻ 24 tuổi, mỗi khi kinh kỳ thì đau bụng phát nôn, không thể đi làm, phải xin nghỉ phép. Lúc tới khám mới chớm đông, gió lạnh vi vút thổi, cô mặc áo ngắn hở rốn, quần short bò trễ cạp. Cô gái có móng tay thâm tím, môi tái xanh, mặt trắng bệch, được mẹ đưa tới khám.
Tôi bảo bà mẹ rằng, trước lúc tới kỳ kinh của con gái, nấu canh thịt với gừng sống, khoai lang, đường đen, long nhãn cho con gái ăn. Đồng thời nghiêm túc dặn dò: Muốn trị đau bụng kinh, trước tiên phải thay đổi cách ăn mặc.
Cô gái mở to mắt đầy nghi hoặc, nó liên quan gì đến việc đau bụng kinh kia chứ?
Rốn là cánh cổng cung điện của Thần (huyệt Thần Khuyết nằm ở đây), chứa đựng rất nhiều vật chất tiên thiên tinh vi, cổ nhân luôn quấn vải bao bọc vùng bụng. Đan điền, Đan là hỏa nhiệt, là nguồn của sinh khí, sinh ra động lực cần dựa vào nhiệt lực. Đan điền lạnh, giống như hỏa lực không đủ, không thể nấu chín thức ăn. Vùng bụng dưới, phần sau hông luôn bị khí lạnh tấn công, hàn ngưng sẽ gây huyết ứ, kinh huyết ra không thuận, khí trệ huyết ứ gây đau bụng kinh.
Bà mẹ bực tức kể, khuyên con chớ mặc hở hang, nói thế nào cũng không chịu nghe lời, chỉ cần đẹp thôi, không quan tâm thứ khác.
Ôi! tấm lưới rách này khó mà vá lại được!
Một nữ sĩ tuổi 43, gối trái đau buốt, lúc tới khám, mặc quần Jean, ống quần trái đúng chỗ đầu gối khoét một lỗ, lỗ lớn như vậy làm phong hàn thấp khí thổi thẳng vào đầu gối chân. Lâu dần đầu gối nhiễm hàn khí mà ngưng kết rồi trở lên nặng nề đau buốt.
Tôi nói với cô, không nên mặc quần thủng lỗ, trị liệu tuy có thể làm nhẹ bớt, nhưng nếu không thay đổi cách ăn mặc, sau này đầu gối sẽ lại bị đau thôi.
Nữ sĩ nhìn chiếc quần Jean, tiếc rẻ nói: ‘ Quần này rất đắt đó!’
Tôi trả lời: ‘Sức khỏe còn đắt hơn!’
Xưa kia áo không kín thân, y phục lam lũ lôi thôi, nắm áo lộ khuỷu là bộ dạng của kẻ bần cùng, ăn xin, nay lại thành mốt thời thượng.
Là phong thủy luân lưu chuyển? Hay nhân tâm rách nát rồi?
Một vị nữ sĩ 43 tuổi, chỉ sinh được cô con gái độc nhất đã học đại học. Nữ sĩ nhiều năm trở lại đây không thể có bầu, thích ăn uống đồ lạnh, lại còn thích mặc váy ngắn, áo ngắn, trời đông gió lạnh cắt da, vẫn cứ mặc như vậy. Nhìn cô có thể thấy rõ là thiếu máu, lưỡi nhợt nhiều nước bọt, dưới mắt sắc trắng bợt, chỉ số huyết sắc tố có 8, hàn ngưng dễ thiếu máu.
Tôi nói với cô, cứ tiếp tục ăn mặc thế này, theo thời gian tuổi tác tăng dần, dương khí suy yếu, các chức năng thân thể sẽ nhanh chóng suy thoái.
Đại tiểu thư nghe rồi vẫn cố bảo thủ, chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ. Một hôm, cô có tin vui thai đậu, vui không kể xiết, bao năm chờ đợi, cuối cùng Ông Trời cũng rủ lòng thương.
Tôi lập tức căn dặn cần thay đổi cách ăn mặc ngay, chứ để gió lạnh thổi vào, tử cung quá lạnh, thận kinh lạnh, tỳ kinh lạnh, tâm tạng vô lực, khó lòng giữ được thai nhi.
Vài hôm sau, cô gọi điện thoại tới khóc lóc nói, đã sảy thai rồi.
Nhà thiết kế trang phục, sáng tạo mẫu mã kiểu dáng, cũng dẫn động bệnh tật kéo theo. Trong dòng cuốn mê mang của thế nhân rất dễ đánh mất mình. Bất kể y phục có khai phóng, buông thả thế nào, đứng tại góc độ một thầy thuốc mà nhìn, thì đây là một điều đáng lo ngại, tác hại vô cùng!
Y phục có liên quan gì đến bệnh tật
Quần thủng lỗ ở đùi, ở gối, số lượng người bệnh đau nhức ở đùi, đầu gối cũng tăng lên. Gần đây còn lưu hành loại y phục gắn tay hở hết vai gáy, số bệnh nhân bị cứng cổ, đau vai, tê buốt vai cũng tăng thêm.
Y phục hở lưng lộ bụng, làm chứng hồi hộp, sợ hãi tăng thêm. Quần cộc tăng nguy cơ tổn thương cho đầu gối và chứng thoái hóa khớp gối, cũng tăng thêm các bệnh về tim, lưu thông máu tới chân và đưa máu trở về tim rất tốn sức.
Quần váy ngắn tới mức chỉ đủ che mông, vừa lưu hành thì các bệnh bạch đới, đau bắp chân, co rút bắp chân cũng tăng theo. Y phục hở rốn lộ eo làm tăng các loại bệnh đau bụng kinh, tiêu hóa kém, đau bụng dưới, viêm vùng chậu. Y phục lộ eo sau làm tăng bệnh nhân đau mỏi eo lưng, đau dây thần kinh tọa.
Trang phục thế nào cho tốt?
Người có chức năng tiêu hóa kém, yếu đường hô hấp, dễ cảm mạo, mũi dị ứng, tốt nhất nên mặc áo dài tay, váy quần che gối.
Người tim yếu, viêm dính bao khớp vai thể đông cứng, vai, cánh tay đau nhức, thiếu máu cố gắng mặc quần dài, áo dài tay.
Những người có bệnh đau đầu, đau vai cổ, phần lưng trên căng đau nhức, mắt khô, thị lực kém, đường hô hấp yếu, dễ cảm mạo, dây thần kinh mặt tê bì, tốt nhất mặc áo cao cổ dài tay, chớ mặc đồ hở vai hở lưng.
Người phì đại tiền liệt tuyến, thận hư, suy thận, đau lưng, đau dây thần kinh tọa, đau bụng kinh, tiêu hóa kém, dễ bị sút lưng, chớ mặc quần trễ rốn.
Thoái hóa khớp gối, giãn tĩnh mạch, số lượng tinh trùng ít, không nên mặc quần ngắn.
Người bị yếu gan, dạ dày ruột, tụy, mật, chớ mặc đồ hở bụng hở rốn.
Người bệnh nặng tốt nhất là mặc quần dài áo dài.
Trẻ nhỏ cơ thể thuần dương, sợ nóng, mặc sơ sài nhưng cũng cần che rốn.
Bất kể là bệnh gì cũng cần phải giữ phần dưới thân ấm áp, đặc biệt là về đêm cần mặc quần dài đi ngủ, đi tất càng tốt. Mùa đông hoặc khi vận động trong phòng lạnh không mặc áo ba lỗ, tránh lưng vai nhiễm lạnh, sẽ tăng thêm gánh nặng cho tim, dễ bị ‘Đông thương ư hàn, xuân tất bệnh ôn’ (mùa đông bị lạnh tổn thương, tới mùa xuân sẽ bị bệnh ôn), bệnh ôn không giải quyết dễ thành phục tà, phục tà lâu sẽ kết thành ổ bệnh, rồi biến ra bệnh ác tính.
Trang phục cố nhiên là một loại thẩm mỹ, y phục cũng là căn nhà bên ngoài của thân thể, là phong thủy của thân người, phong thủy mà bị phá cách thì sức khỏe cũng bị tổn hại.
Các bậc cao về thủ võ thuật, Thái Cực Quyền, người tu hành tại sao đều mặc quần dài áo dài? Phải chăng đó chính là một cảnh giới của dưỡng sinh?
Tuyển tự “Lục chỉ y thủ – Vị vô minh điểm đăng”/ Nhà xuất bản Bác Đại, Đài Loan.
Ôn Tần Dung – Epoch Times
Thái Bình biên dịch
NTD Việt Nam