Nghiên cứu phát hiện ra rằng, ăn nhiều khoai tây có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn… (Unsplash)
Rắc rối với củ khoai tây bắt đầu vào năm 2006, khi một nghiên cứu về sức khỏe của các nữ y tá tại Harvard đã theo dõi hàng chục nghìn người trong suốt 20 năm về mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và bệnh tật.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng, ăn nhiều khoai tây có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn.
Tuy nhiên, người Mỹ ăn khoảng 100 pound khoai tây mỗi năm, hầu hết là khoai tây chiên. Sẽ thế nào nếu họ ăn khoai tây nghiền hoặc nướng? Thực tế, nghiên cứu nói trên đã cho cùng một kết quả.
Ngoài ra, những người ăn khoai tây này có thể ăn gì khác hay không? Nói cách khác: Điều gì sẽ xảy ra nếu những người ăn nhiều khoai tây cũng ăn nhiều thịt?
Thực tế, những người ăn nhiều khoai tây cũng có xu hướng ăn nhiều thịt hơn. Hơn nữa, chúng ta biết rằng bản thân protein động vật có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Mặc dù các nhà nghiên cứu đã cố gắng điều chỉnh hậu thống kê cho điều này, nhưng họ vẫn nhận thấy mối liên hệ giữa ăn khoai tây và tình trạng gia tăng nguy cơ mắc tiểu đường.
(NutritionFacts.org)
Vậy thì, người ta đã thêm thứ gì vào khoai tây nướng và khoai tây nghiền? Câu trả lời là bơ và kem chua.
Các nhà nghiên cứu đã cố gắng điều chỉnh những yếu tố này, xem xét tỷ lệ giữa chất béo thực vật và động vật, thậm chí tính toán xem những người ăn khoai tây có uống nhiều soda hơn hay có thể ăn ít các loại rau khác hay không.
Nhưng đó chỉ là một trong những phát hiện.
Vào năm 2015, các nhà nghiên cứu tại Harvard cũng xem xét cách các thành viên khác trong nhóm, bao gồm cả những chuyên gia y tế nam có thói quen ăn nhiều khoai tây.
Nghiên cứu này nhằm bổ sung cho một nghiên cứu vốn chỉ tập trung vào các nữ y tá trước đó. Họ vẫn phát hiện rằng khoai tây nướng, luộc hoặc nghiền có liên quan một chút đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Sự gia tăng này có tương quan, mặc dù ít hơn gần năm lần so với tác động khi ăn khoai tây chiên.
Các tác giả của nghiên cứu kết luận, những hướng dẫn về chế độ ăn uống liên quan đến khoai tây và xem nó như một loại rau tốt cho sức khỏe đang bị đặt dấu hỏi nghiêm trọng.
Walt Willett, khi đó là trưởng khoa dinh dưỡng của Harvard, đề nghị chúng ta nên xem khoai tây như… kẹo.
Một phân tích tổng hợp về khoai tây và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 được công bố vào năm 2018.
Bản phân tích đã kết hợp tất cả sáu nghiên cứu tiền cứu, họ phát hiện mỗi khẩu phần khoai tây mỗi ngày làm tăng khoảng 20% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Từ đó, họ đưa ra kết luận rằng ăn nhiều khoai tây trong thời gian dài có thể liên quan chặt chẽ với sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần biết là phần lớn khoai tây được tiêu thụ đều là khoai tây chiên.
Chúng ta biết rằng thực phẩm chiên chứa tất cả các loại chất không tốt cho sức khỏe, chẳng hạn như các sản phẩm glycat hóa bền vững (advanced glycation end products).
Tại đây, các nhà nghiên cứu chưa thể so sánh liệu khoai tây chiên có đem lại ảnh hưởng khác so với khoai tây không chiên hay không.
Trên thực tế, thậm chí chỉ ba khẩu phần khoai tây chiên mỗi tuần cũng làm tăng gần 20% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, trong đó bao gồm khoai tây chiên hỗn hợp.
Vì vậy nhìn chung, rủi ro liên quan đến khoai tây thông thường là rất nhỏ.
Nhà sản xuất khoai tây chiên đông lạnh lớn nhất thế giới đã bác bỏ kết luận rằng khoai tây có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Họ tuyên bố rằng khoai tây chiên mà họ sản xuất chiếm một phần ba thị phần tiêu thụ trên toàn cầu, trị giá hàng tỷ đô la và họ có tiền để tài trợ cho các cuộc nghiên cứu nhằm thách thức kết luận nói trên.
Mặc dù vậy, họ cũng phần nào có lý, khi các nghiên cứu quan sát không bao giờ có thể chứng minh nguyên nhân và kết quả.
Rất có thể ăn khoai tây nướng hay khoai tây chiên chỉ đơn thuần là dấu hiệu của một chế độ ăn uống không lành mạnh nói chung.
Mặc dù các nhà nghiên cứu đã cố gắng điều chỉnh các yếu tố này, nhưng như Tạp chí của Hiệp hội Khoai tây Hoa Kỳ đã cảnh báo, không thể tách biệt những tác động của khoai tây thông thường và khoai tây chiên khỏi các tiêu chuẩn ăn kiêng tổng thể dưới mức tối ưu của người Mỹ.
Giá như người dân trong một quốc gia nào đó có thể kết hợp giữa khoai tây với một chế độ ăn uống lành mạnh. Trong trường hợp này, nếu ăn khoai tây vẫn liên quan đến bệnh tiểu đường, đó sẽ là điều đáng lo ngại..
Chúng ta có một nghiên cứu khác được thực hiện ở Iran, nơi không chỉ hầu hết các món khoai tây đều được làm từ khoai tây luộc, mà những người ăn khoai tây còn có chế độ ăn uống lành mạnh.
Ở đó, họ còn ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu.
Loại bỏ các yếu tố khác, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người ăn nhiều khoai tây thông thường hoặc khoai tây luộc có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thấp hơn một nửa so với những người ăn ít khoai tây hơn.
Điều này ủng hộ quan điểm cho rằng, rất khó để đưa ra kết luận nếu chỉ dựa vào chính củ khoai tây.
Kết luận tổng quan là cho đến nay, chúng ta thực sự không có bằng chứng thuyết phục để khẳng định ăn khoai tây có liên quan đến bệnh tiểu đường loại 2, nhưng dù gì đi nữa, chúng ta vẫn nên hạn chế khoai tây chiên trong chế độ hàng ngày.
Bài viết này ban đầu được đăng trên NutritionFacts.org và được The Epoch Times cho phép dịch và in lại: Do Potatoes Increase the Risk of Diabetes?
Theo The Epoch Times tiếng Trung
Hoàng Tuấn biên dịch
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam