“Trên trái đất từng có một thời đại đáng quý nhất, hạnh phúc nhất. Đó chính là thời đại con người tuân theo những quy chuẩn của Khổng Tử. Về mặt đạo đức, người châu Âu phải học hỏi người Trung Quốc” – Voltaire.
“Chúng ta nên tán dương và tự thấy hổ thẹn với người Trung Quốc, hoặc ít nhất là hãy mô phỏng theo họ. Tuy nhiên thật không may, chúng ta không thể giống được người Trung Quốc” – Voltaire.
“Trung Quốc không chỉ là một dân tộc. Ngược lại, họ cho rằng bản thân là một thể thống nhất chứa đựng hết tất cả. Người Trung Quốc trở thành nhân loại. Họ cảm thấy bản thân vượt trên và ưu việt hơn những dân tộc khác. Trên thực tế, các dân tộc khác không thuộc về Trung Quốc, nhưng theo quan niệm của người Trung Quốc, những dân tộc này đều ở dưới họ” – Friedrich Wilhelm Joseph Schelling.
“Bất cứ người nào có may mắn được tiếp xúc với Richard Wilhelm và khả năng tiên tri của ‘Kinh dịch’, đều không thể bỏ qua một sự thật: ở đây chúng ta chạm đến được “điểm Archimedes” và “điểm Archimedes” này có thể làm lung lay nền tảng tâm lý của phương Tây chúng ta” – Carl Jung.
“Công việc của Richard Wilhelm là mang đến nhân tố cơ bản của văn hóa Trung Quốc, mang đến một loại nhân tố văn hóa đủ để thay đổi thế giới quan của chúng ta. Richard Wilhelm đã dùng toàn bộ sức lực cho sứ mệnh văn hóa. Ông nhận thức được rằng, đối với nhu cầu thỏa mãn tâm hồn, phương Đông chính là một cội nguồn quý giá” – Carl Jung.
Khổng Tử đến châu Âu
Bạn có còn nhớ Thẩm Phúc Tông (Michael Shen Fu-Tsung) – người Trung Quốc đầu tiên xuất hiện trong cung điện Louvre không? Vào năm 1684, giáo sĩ Dòng Tên người Bỉ Philippe Couplet dẫn Thẩm Phúc Tông đến cung điện Versailles để yết kiến Vua Mặt Trời Louis XIV. Họ dâng lên bộ “Tứ thư” tiếng La Tinh do những giáo sĩ như Prospero Intorcetta và Philippe Couplet biên soạn, và xin phép Vua Mặt Trời được xuất bản những cuốn sách này ở Paris. Đó là chính cuốn “Khổng Tử, triết học gia Trung Quốc” bao gồm “Luận ngữ”, “Đại học”, “Trung dung”. Khi xuất bản, lời cảm ơn gửi đến Vua Mặt Trời trong cuốn sách được viết như sau: “Hôm nay, từ phương Đông xa xôi đã có một vị quân tử đến đây. Ông xuất thân từ huyết thống hoàng gia ở đế quốc Trung Hoa. Mọi người gọi ông là Khổng Phu tử. Ông được tất cả người Trung Quốc xem là bậc Thánh hiền, một người thầy về chính trị, luân lý có trí tuệ cao nhất trong lịch sử Trung Quốc”.
Công tác chuẩn bị cho cuốn sách này đã kéo dài hơn 100 năm, chứa đựng tâm huyết của rất nhiều người. Một thế kỷ trước, giáo sĩ Dòng Tên người Ý là Matteo Ricci đã dịch sơ lược cuốn “Luận ngữ” sang tiếng La Tinh. Sau đó, người Pháp, người Bồ Đào Nha, người Genova, người Sicily, người Bỉ và người Áo, ít nhất 17 giáo sĩ Dòng Tên đã tham gia công tác giải nghĩa và phiên dịch cuốn sách này. Để người châu Âu và Tòa Thánh Rome hiểu được triết học Nho giáo không phải là thuyết vô Thần, càng không phải là dị đoan, các giáo sĩ châu Âu đã dùng toàn bộ tâm huyết để thực hiện công việc này
Ở cung điện Versailles, Thẩm Phúc Tông đã trình bày văn hóa Trung Quốc và dâng lên cuốn “Khổng Tử, triết học gia Trung Quốc” khiến Vua Mặt Trời hết sức vui mừng. Vua Louis XIV đã ra lệnh mở tất cả đài phun nước trong vườn hoa của cung điện Versailles mới xây xong. Dòng nước tráng lệ từ những vòi phun trong vườn hoa như đang chúc mừng sự xuất hiện của nền văn minh cổ phương đông, chúc mừng vị Thánh nhân và loại chữ tượng hình hiếm có từ đất nước cổ xưa đến thăm nước Pháp. Cũng giống như những người tập trung đến xem tàu Amphitrite, trong tiếng reo vui của các đài phun nước, nền văn minh của đất nước cổ xưa may mắn còn tồn tại ấy đã đến thủ đô văn hóa của châu Âu, tiến vào cung điện của Vua Mặt Trời.
Lúc đó Paris là trung tâm của ngành công nghiệp xuất bản châu Âu. Cuốn “Khổng Tử, triết học gia Trung Quốc” đã xuất hiện ở Paris, là nơi hội tụ của các văn vật. Trong cuốn sách này có hình Khổng Tử cao lớn đứng chào, giống trong những bức tượng trong miếu thờ, hay những bức tượng trước thư viện. Vị hiền triết phương đông hoàn toàn khác biệt với các triết gia Hy Lạp quen thuộc với người dân châu Âu. Lúc đó, châu Âu vừa trải qua cuộc Chiến tranh 30 năm, người dân châu Âu cảm thấy rất mệt mỏi với những tôn giáo rườm rà. Đối với họ, nền văn minh cổ xưa đã tồn tại và kéo dài 5000 năm ấy có rất nhiều chỗ để học hỏi.
Cũng giống như những cuốn sách cổ thời Hy Lạp, La Mã cổ đại sau khi khai quật lên đã trở thành đối tượng nghiên cứu của các học giả châu Âu thời kỳ Phục hưng, nền triết học phương Đông yêu cầu tự xét lại mình, coi trọng luân lý và trật tự của Khổng Tử đã xuất hiện trong tầm mắt của người dân châu Âu. Cuốn “Khổng Tử, triết học gia Trung Quốc” bao gồm “Tứ thư” (thiếu cuốn “Mạnh Tử” do cuốn này được xem là mâu thuẫn với triết lý Thần học) và “Khổng Tử truyện”, “Sáu mươi bốn quẻ Chu Dịch và ý nghĩa”, “Niên biểu đế quốc Trung Hoa”. Cuốn sách được các giáo sĩ Dòng Tên dốc sức biên soạn này đã mở ra một cánh cổng đến với triết học Nho giáo truyền thống Trung Quốc. Cuốn sách rất được yêu chuộng và đã được tái bản ở Paris ngay trong năm đó. Giống như Columbus tìm ra lục địa mới, người phương Tây phát hiện một nền văn minh Đông phương cổ xưa, huyền bí cao sâu. Đối với những nhà thám hiểm có kinh nghiệm, phát hiện này giống như tìm được một lục địa mới chứa đầy kim cương.
Từ đây đã xuất hiện một phong trào văn hóa Trung Quốc với những đồ dùng, văn hóa, triết học, sinh hoạt kéo dài đến 100 năm.
Ấn tượng về Đế quốc Trung Hoa
Từ khi Matteo Ricci đến Bắc Kinh vào thời nhà Minh, các giáo sĩ đã đi khắp Trung Quốc và cần mẫn ghi lại nhiều bản thảo và bản ghi chép phong phú. Đến thế kỷ thứ 18, những bản thảo này được biên soạn và chỉnh lý thành ba bộ sách lớn, trở thành những tác phẩm nổi tiếng về Trung Quốc ở châu Âu thế kỷ thứ 18, đó là: “Trung Hoa đế quốc chí”, “Tập hợp những bức thư của các giáo sĩ Dòng Tên”, “Kỷ yếu các giáo sĩ Dòng Tên Bắc Kinh Trung Quốc”. Trong đó, cuốn “Trung Hoa đế quốc chí” do giáo sĩ Dòng Tên người Pháp Jean-Baptiste Du Halde biên soạn và được xuất bản tại Paris vào năm 1735 đã mở ra một phong trào mới trên toàn châu Âu, giống như cuốn “Đại Trung Hoa đế quốc chí” do giáo sĩ Juan González de Mendoza người Tây Ban Nha biên soạn vào thế kỷ thứ 16. Những bức tranh in bản đồng đẹp, và nội dung phong phú như bách khoa toàn thư của cuốn sách, khiến ai cũng ưa thích. Trước và sau đó, ở châu Âu đã xuất bản rất nhiều cuốn sách về Trung Quốc. Đồng thời cũng có nhiều bản thảo của các giáo sĩ dòng Tên được mang về và niêm phong trong thư viện nhà thờ.
Dưới đây là hình ảnh Trung Quốc xuất hiện trong các bản thảo này.
Họ mặc quần áo có kiểu giống quần áo xưa của chúng ta, có váy dài, váy xếp ly. Trên ngực áo có một đường xẻ và buộc bên trái. Tay áo vừa rộng vừa lớn. Tùy theo nhu cầu của từng người, ở lớp áo bên ngoài sẽ mặc thêm áo cà sa hoặc áo choàng dài. Hình thức mặc cũng giống chúng ta nhưng tay áo lớn hơn. Người trong hoàng gia và những người có chức quan sẽ mặc quần áo không giống với những tầng lớp khác.
Trên đường lớn, có ngựa chạy qua lại, vận chuyển hàng hóa và những đồ dùng khác, tuy nhiên phần lớn trong số đó đều là con la. Đường lớn rất rộng, chiều ngang đủ cho 20 người cùng đi. Đi đường không ai đụng ai. Hơn nữa, mặt đường được lót đá tảng lớn. Nghe nói rằng đường lớn ở các tỉnh khác đều như – trong “Đại Trung Hoa đế quốc chí” của Juan González de Mendoz , năm 1585.
Tiệc mừng năm mới kéo dài ba ngày liên tiếp. Trong ba ngày đó, họ xem kịch cả ngày lẫn đêm. Mọi người say mê những vở kịch hài. Trong ba ngày, cổng thành đóng lại. Bởi vì người dân ăn nhiều, uống nhiều, có những lúc mất khống chế – Khuyết danh vào thế kỷ thứ 16.
Hoàng đế thân thiết đến gần người dân, cố gắng để mọi người đều có thể nhìn thấy mình, giống như việc thường lệ ở Bắc Kinh. Hoàng đế ra lệnh cho lính canh không được ngăn cản người dân đến gần. Tất cả người dân, dù là nam hay nữ, đều cho rằng hoàng đế là từ trên trời xuống, thế nên trong mắt của họ tràn đầy sự vui sướng. Để có thể nhìn thấy diện mạo của hoàng đế, họ không ngại đường xa đến đây. Đối với họ, hoàng đế đích thân đến là việc chưa từng có. Hoàng đế vui vẻ thể hiện sự chân thành với người dân, cố gắng giảm bớt sự uy nghiêm, để người dân đến gần. Việc làm này là để thể hiện với người dân tinh thần mộc mạc, giản dị được tổ tiên truyền lại – trong “Tatar lữ hành ký” của Ferdinand Verbiest.
Phủ của các quan viên đều có vẻ thần bí khó lường. Trong phủ, nhất định phải đi qua vài cái sân mới đến được chỗ họ thường gặp cấp dưới và bạn bè. Khi đi tuần, những quan viên rất khoa trương. Ví dụ quan tổng đốc (vị quan quản lý hai tỉnh) khi đi tuần thường có ít hơn trăm người đi theo. Mỗi người trong đoàn tùy tùng không làm phiền nhau, mỗi người tự làm công việc của mình. Một số người mặc đồng phục đặc biệt, cầm các tấm bảng để mở đường cho quan tổng đốc. Thỉnh thoảng còn có đội binh lính đi theo hai bên trái phải. Quan tổng đốc ngồi trên một chiếc kiệu có từ 6 đến 8 người dùng vai để khiêng, ngồi ở vị trí trên cao giữa đội hình này. Đội hình đi tuần thường chiếm hết cả con đường. Người dân cung kính đứng trang nghiêm ở hai bên – Joseph Henri Marie de Prémare, năm 1699
Chúng tôi dường như lạc vào một thế giới khác. Trong khe suối có nhiều tảng đá lớn. Những tảng đó này từ trên vách núi, tách ra rồi rơi xuống trong những ngày mưa. Trên vách núi có rải rác vài túp nhà tranh, giữa đó có những cánh đồng, dường như tái hiện lại bức tranh non nước trên những đồ gốm sứ hoặc sản phẩm mỹ nghệ Trung Quốc. Có thể nhiều người châu Âu cho rằng những cảnh trí này đều là huyễn tưởng, thế nhưng thật ra tất cả đều là chân thật — John Bell, 1719 -1722.
Sự giao thoa ánh sáng văn minh
Trong khoang thuyền của tàu Amphitrite, ngoài gốm sứ, tơ lụa và nhiều đồ dùng khác, có 49 cuốn sách Trung Quốc được Hoàng đế Khang Hy gửi đến. Giống như Voltaire từng nói: “Hoàng gia và các thương nhân châu Âu đến phương Đông chỉ để tìm tiền bạc, nhưng những nhà triết học lại phát hiện được ở đó một thế giới vật chất và thế giới tinh thần mới”. (Phong tục luận)
Nhiều người châu Âu vào thế kỷ thứ 17,18 không thể phủ nhận rằng về đồ dùng, chế độ xã hội, đạo đức nhân luân và văn minh lâu đời của Trung Quốc vượt xa so với châu Âu. Cuộc sống của giới quý tộc châu Âu bắt đầu thay đổi. Họ mặc trên mình tơ lụa Trung Quốc, tay cầm những chén trà sứ Trung Quốc tinh xảo. Ở trên bệ lò sưởi là những bình sứ Thanh Hoa, trên thân bình là bức tranh một văn nhân Trung Quốc mặc bộ áo choàng dài đang ngồi giữa chốn núi rừng.
Cùng với việc một số lượng lớn sách Trung Quốc được xuất bản, sự say mê của người châu Âu đối với Trung Quốc đạt đến mức bắt đầu tìm hiểu về nội hàm văn hóa. Từ hoàng gia, quý tộc cho đến những nhà văn châu Âu, từ những tác giả trào phúng như Voltaire cho đến những người đa tài như Gottfried Leibniz, mọi người đều muốn đọc sách của nền văn minh cổ xưa ấy. Đối với họ, đọc những cuốn sách này giống như bước vào một kho tàng, một bí ẩn đang đợi lời giải. Từng quyển, từng quyển sách đã giới thiệu văn hóa và con người Trung Quốc. Những quyển sách văn hay tranh đẹp liên tục được xuất bản cùng với rất nhiều cuốn sách được dịch ra ngôn ngữ châu Âu đã gợi lên lòng hiếu kỳ của người dân châu Âu. Nhờ công lao của các giáo sĩ Dòng Tên, tinh thần của văn minh Trung Quốc dần được hiện rõ. Những Thánh nhân phương Đông mà người châu Âu chưa từng nghe như Khổng Tử, Lão Tử lần lượt xuất hiện cùng với những lời giảng ảo diệu mà người châu Âu chưa từng nghe, và cũng chưa từng tưởng tượng đến. Một chân trời hoàn toàn mới đã xuất hiện ở châu Âu.
Người dân châu Âu đã mở ra nền văn hóa mấy ngàn năm của Trung Quốc. Họ không biết nên nhìn nhận thế nào với những câu chuyện giống như chuyện Thần thoại, vượt xa trí tưởng tượng thông thường. Những vị tổ tiên của người Trung Quốc từ tên gọi cho đến ngoại hình đều xa lạ đối với người châu Âu. Rốt cuộc họ có thật hay chỉ là hư cấu? Một nền văn minh cổ xưa, hoàn toàn khác với văn minh châu Âu đã đánh sâu vào tâm thức của người dân châu Âu. Tuy nhiên cũng có không ít người theo thuyết “châu Âu trung tâm luận” đã trào phúng, hoài nghi tính chân thật của những ghi chép lịch sử trên. Trong sự giao thoa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, những người trí thức tin vào thuyết văn minh đa nguyên đã nhìn thấy được điều tốt đẹp của đế quốc Trung Hoa. Đối với nhóm người này, nền văn minh cổ xưa vượt trội ấy đã mở ra kho tàng của mình, tạo ra một cơ hội để dung hợp văn minh Đông phương và Tây phương như thế.
Voltaire đã dùng ngòi bút sắc bén để nhắc nhở đồng bào của mình rằng: Đây là những cuốn sách được viết vào thời điểm hai, ba nghìn năm trước, khi người châu Âu còn chưa biết chữ, “giúp chúng ta biết đến một dân tộc, trong khi chúng ta còn chưa phát minh ra chữ viết, họ đã dùng một ngôn ngữ ổn định để ghi chép liên tục lịch sử”. (Phong tục luận)
Về đề tài này, Gottfried Wilhelm Leibniz miêu tả còn sinh động hơn. Leibniz gọi sự giao thoa văn hóa giữa Trung Quốc và châu Âu là “sự giao thoa ánh sáng”: “Tôi cho rằng sự nghiệp vĩ đại nhất ở đó, không chỉ là vì vinh quang của Thượng Đế hay vì để truyền bá giáo lý Phúc âm, mà còn là mang lại lợi ích cho hạnh phúc của nhân loại, có lợi cho sự phát triển khoa học và kỹ nghệ của Trung Quốc và châu Âu. Quá trình đó giống như “giao thoa ánh sáng. Trong một thời gian ngắn giúp chúng ta nắm được những năng lực họ dùng mấy ngàn năm để phát triển, đồng thời để họ học được kỹ năng của chúng ta, làm phong phú bảo tàng văn hóa của hai bên. Đây là sự nghiệp huy hoàng vượt quá sự tưởng tượng của con người”.
Leibniz đã bôn ba cả đời để gieo hạt giống tri thức khắp nơi. Ông không chỉ nói suông mà thôi. Với tấm lòng nhiệt huyết to lớn như vậy, ông đã tìm hiểu sâu về nội hàm văn hóa và triết học Trung Quốc, biên soạn thành cuốn “Trung Quốc cận sự”.
Trời của người Trung Quốc: Hữu Thần luận và vô Thần luận
Đằng sau việc các giáo sĩ châu Âu ra sức phiên dịch sách Trung Quốc, trên thực tế còn có một cơn sóng ngầm rất mạnh mẽ. Bước đầu biên soạn cuốn “Khổng Tử, triết học gia Trung Quốc” là vào năm 1667. Để thảo luận về cách hiểu việc cúng tế tổ tiên và lễ tế Khổng Tử của Trung Quốc cho Giáo hội La Mã, một hội nghị kéo dài 40 ngày do giáo hội Dòng Tên Quảng Châu đã được triệu tập tại Quảng Châu. Bối cảnh của hội nghị này chính là cuộc tranh luận kéo dài hai thế kỷ về lễ nghi Trung Quốc.
Cũng giống với Thiên Chúa giáo, truyền thống của các giáo sĩ Dòng Tên ngay từ thời Matteo Ricci là dùng thái độ khoan dung đối với lễ tế truyền thống của Trung Quốc, cùng với việc hiểu rõ tinh thần tín Trời kính Thần của người Trung Quốc. Tuy nhiên các giáo sĩ dòng Dominican và dòng St. Francis of Assisi’s cho rằng, lễ tế của người Trung Quốc là cúng bái ngẫu tượng, họ còn tuyên bố rằng Trung Quốc là một quốc gia vô Thần, không tín ngưỡng Thần. Những giáo sĩ này đã báo cáo cho giáo hội Roma và giáo hội đã bắt đầu tiến hành điều tra.
Để giải thích với giáo hội Roma rằng người Trung Quốc tin vào Trời và tế bái tổ tiên, không đi ngược lại tinh thần của Cơ Đốc giáo, trong hội nghị tại Quảng Châu, trên cơ sở là cuốn “Tứ thư” do những giáo sĩ truyền giáo thời đầu như Matteo Ricci phiên dịch, Philippe Couplet và các giáo sĩ khác đã đối chiếu và chú thích lại “Tứ thư”. Đó chính là cuốn “Khổng Tử, triết học gia Trung Quốc” tạo nên sự hứng thú và say mê đặc biệt của người châu Âu đối với triết học Trung Quốc. Trong vòng một trăm năm sau đó, các giáo sĩ Dòng Tên đã cố gắng phiên dịch tất cả những cuốn sách tiếng Hán quan trọng của Trung Quốc. Có thể nói rằng, các giáo sĩ Dòng Tên đã cùng nhau phiên dịch những cuốn sách Trung Quốc sang tiếng La Tinh với một sứ mệnh: Xóa bỏ những hiểu lầm của Tòa Thánh Rome, đảm bảo rằng hạt giống của Cơ Đốc giáo có thể tiếp tục được gieo trồng tại Trung Quốc. Đồng thời, việc phiên dịch những cuốn sách Trung Quốc đã củng cố rằng nền văn minh Trung Quốc kính Trời kính Thần, đồng thời truyền đi ánh sáng của nền văn minh cổ xưa đến những đất phương xa, truyền đến cả lục địa châu Âu tín ngưỡng Cơ Đốc giáo.
Dưới đây là thành quả phiên dịch sách Trung Quốc của các giáo sĩ châu Âu. Vào đầu thế kỷ thứ 18, toàn bộ “Tứ thư” đã được phiên dịch thành ngôn ngữ châu Âu. Sớm nhất là cuốn”Tứ thư tập chú” của Chu Hy do Matteo Ricci phiên dịch. Prospero Intorcetta và Ignatius da Costa đã cùng dịch hai cuốn “Luận ngữ”, “Đại học”, được người sau gọi là “Trí tuệ Trung Hoa”. Prospero Intorcetta còn phiên dịch cuốn “Trung dung”, Michel Benoist dịch cuốn “Mạnh Tử” (nhưng chưa dịch hết).
Người đầu tiên dịch “Ngũ kinh” sang tiếng La Tinh là Nicolas Trigault. Jean Baptiste Regis dịch cuốn “Kinh dịch”, Joseph de Premare dịch “Kinh thư”, “Kinh thi”, còn Alexander de la Charme dịch cuốn “Lễ ký”, Antoine Gaubil dịch “Kinh thi”, “Kinh thư”. François Noël đã lấy cuốn “Khổng Tử, triết học gia Trung Quốc” làm nền tảng, đưa các cuốn “Đại học”, “Trung dung”, “Luận ngữ”, “Mạnh Tử”, “Hiếu kinh”, “Tam tự kinh” hợp thành cuốn sách có tiêu đề “Sau kinh điển lớn của Trung Quốc” bản tiếng La Tinh.
Nhìn lại những cái tên này, bạn có thấy quen thuộc không? Michel Benoist là người đã thiết kế Đại thủy pháp cho Hoàng đế Càn Long. Joseph Henri Marie de Prémare đã cùng với Joachim Bouvet ngồi trên con thuyền Amphitrite đến Trung Quốc, lần đầu tiên nhìn thấy phong cảnh xinh đẹp ở phương nam và là một người yêu thích văn học Trung Quốc. Jean Baptiste Regis là người đã không ngại nguy hiểm, đi đến những vùng hoang dã để thăm dò địa hình, đóng góp rất lớn vào việc vẽ “Hoàng dư toàn lãm đồ”. Nhiều năm qua đi, những sứ giả của Vua Mặt Trời đã dùng mỗi ngày của mình ở đế quốc Trung Hoa để phát huy tối đa năng lực thiên phú của mình. Những quyển sách dày từ chữ Trung Quốc tượng hình được chuyển sang chữ La Tinh là những đêm thắp nến, viết từng chút từng chút mà thành. Trong công trình to lớn này, ẩn chứa rất nhiều tâm huyết của các giáo sĩ.
Đến thế kỷ thứ 17, Trung Quốc có khoảng 20.000 tín đồ Cơ Đốc giáo. Các giáo sĩ Dòng Tên đã dùng tất cả tâm huyết để giúp minh oan cho những tín đồ (và tất cả người Trung Quốc) kính Trời tín Thần. Có thể nói rằng: để chứng minh người dân của quốc gia cổ xưa này không phải thờ cúng ngẫu tượng, càng không phải là những người vô Thần, đồng thời để các giáo sĩ có thể trồng hạt giống Cơ Đốc giáo trong lòng người dân của quốc gia này, những giáo sĩ ấy đã hy sinh tất cả.
Huyền diệu lại càng huyền diệu hơn, đó là cửa của mọi điều kỳ diệu
Trong những cuốn sách được dịch thành tiếng La Tinh, một trong những cuốn được yêu thích nhất chính là “Đạo đức kinh” của Lão Tử. Từ thế kỷ thứ 16, “Đạo đức kinh” đã được phiên dịch thành tiếng La Tinh, tiếng Pháp, tiếng Đức, v.v…tổng cộng 17 ngôn ngữ ở châu Âu với có khoảng hơn 1000 cuốn sách được xuất bản. Trong những cuốn sách được dịch thành tiếng nước ngoài, lượng phát hành nhiều nhất là “Kinh Thánh” và “Đạo đức kinh” đứng thứ hai. Đồng thời, đến năm 1720, vua Louis XIV đã cố gắng mở rộng thư viện hoàng gia với hơn 1000 cuốn sách tiếng Trung.
“Đạo mà có thể diễn tả được thì không phải là đạo vĩnh cửu bất biến; tên mà có thể đặt ra để gọi nó [Đạo] thì không phải là tên vĩnh cửu bất biến”.
“Một người lữ hành tốt không có kế hoạch cố định, cũng không đến một nơi nào”.
“Huyền diệu lại càng huyền diệu hơn, đó là cửa của mọi điều kỳ diệu”.
Khi câu nói “Huyền diệu lại càng huyền diệu hơn” của Lão Tử chiếu rọi vào tâm hồn người dân châu Âu, chúng ta sẽ thấy với những người đã quen với phương thức tư duy Platon, thì đây là một sự giao thoa văn hóa rất đặc biệt. Thật ra, có thể nói rằng, khi phát hiện ra Lão Tử và Khổng Tử, hai cội nguồn của triết học Nho giáo Trung Quốc, tâm hồn của người châu Âu đã chấn động giống như tìm được một ‘lục địa mới’ trên trái đất. Và cũng giống như châu Mỹ, ‘lục địa mới’ này đã mang đến cho người châu Âu một không gian vô tận.
Những cuốn sách Trung Quốc đã mở mang tầm mắt cho người châu Âu. Đó là thành quả các giáo sĩ ngày đêm làm việc vất vả. Tinh thần của nền văn minh cổ xưa đã xuất hiện ở châu lục này, được các giáo sĩ ở đây tiếp tục ươm mầm phát triển. Sự sắp đặt của lịch sử thật xảo diệu: Hai nhân vật trí thức tài hoa và có cá tính nhất châu Âu thời bấy giờ đều tự nguyện tham gia vào quá trình phát triển này. Với nhiệt huyết lớn nhất, họ đã trở thành trụ cột mở ra sự giao thoa văn hóa giữa Đông phương và Tây phương. Vì thế vở kịch phát triển văn hóa huy hoàng trong thế kỷ của Vua Mặt Trời càng có thể những sắc thái làm chấn động lòng người.
Hạ Đảo – Epoch Times
Đức Nhân biên dịch
NTD Việt Nam