Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Nguyên Văn chữ Hán và Chú âm
冬(ㄉㄨㄥ) 至(ㄓˋ) 百(ㄅㄞˇ) 六(ㄌㄧㄡˋ) 是(ㄕˋ) 清(ㄑㄧㄥ) 明(ㄇㄧㄥˊ),
立(ㄌㄧˋ) 春(ㄔㄨㄣ) 五(ㄨˇ) 戊(ㄨˋ) 为(ㄨㄟˋ) 春(ㄔㄨㄣ) 社(ㄕㄜˋ)。
寒(ㄏㄢˊ) 食(ㄕˊ) 节(ㄐㄧㄝˊ) 是(ㄕˋ) 清(ㄑㄧㄥ) 明(ㄇㄧㄥˊ) 前(ㄑㄧㄢˊ) 一(ㄧ) 日(ㄖˋ),
初(ㄔㄨ) 伏(ㄈㄨˊ) 日(ㄖˋ) 是(ㄕˋ) 夏(ㄒㄧㄚˋ) 至(ㄓˋ) 第(ㄉㄧˋ) 三(ㄙㄢ) 庚(ㄍㄥ) 。
Bính âm
冬(Dōng) 至(zhì) 百(bǎi) 六(liù) 是(shì) 清(qīng) 明(míng),
立(lì) 春(chūn) 五(wǔ) 戊(wù) 为(wéi) 春(chūn) 社(shè)。
寒(Hán) 食(shí) 节(jié) 是(shì) 清(qīng) 明(míng) 前(qián) 一(yī) 日(rì),
初(chū) 伏(fú) 日(rì) 是(shì) 夏(xià) 至(zhì) 第(dì) 三(sān) 庚(gēng) 。
Âm Hán Việt
Đông Chí bách lục thị Thanh Minh,
Lập Xuân ngũ Mậu vi xuân xã.
Hàn Thực tiết thị Thanh Minh tiền nhất nhật,
Sơ phục nhật thị Hạ Chí đệ tam canh.
Giải nghĩa từ ngữ
(1) 百六 (Bách lục): Ngày thứ một trăm linh sáu.
(2) 立春 (Lập xuân): Thời điểm bắt đầu mùa xuân, ngày mồng bốn hoặc mồng năm tháng hai hàng năm.
(3) 五戊 (Ngũ mậu): Ngày Mậu thứ 5. Mậu là một đơn vị tính ngày từ thời cổ đại, là một trong các Thiên Can. “Thiên Can” gồm mười can là Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỉ, Canh, Tân, Nhâm, Quý, thường kết hợp với 12 “Địa Chi” là Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, để tính giờ, ngày, tháng, năm, một chu kỳ là sáu mươi gọi là Lục Thập Hoa Giáp (nhất Giáp Tý).
(4) 春社 (Xuân xã): Thời cổ đại, vào hai mùa xuân và thu phải cúng tế Thần thổ địa. Lễ tế xuân được gọi là Xuân Xã, lễ tế thu gọi là Thu Xã.
(5) 寒食节 (tết Hàn thực): Trước Thanh Minh một ngày, vào ngày này cấm kỵ việc nấu nướng, chỉ có thể ăn đồ nguội, được gọi là Hàn Thực (ăn lạnh).
(6) 初伏 (Sơ phục): Phục dùng để chỉ thời gian ẩn tàng của hành Kim. Canh thuộc về Kim, Kim sợ hỏa, mùa hè là lúc hỏa thịnh nhất, vì vậy mỗi lần đến ngày Canh này tất phải tàng ẩn. Từ ngày Hạ Chí đến ngày Canh thứ 3 là Sơ Phục, ngày Canh thứ 4 là Trung Phục, tiết Lập Thu gặp ngày Canh là Mạt Phục, hợp lại gọi là Tam Phục, đây là khoảng thời gian nóng nhất trong năm.
Bản dịch tham khảo
Ngày thứ 106 sau ngày Đông Chí là tiết Thanh Minh, ngày Mậu thứ năm sau tiết Lập Xuân là Xuân Xã. Tết Hàn Thực trước tiết Thanh Minh một ngày. Ngày Sơ Phục là ngày Canh thứ ba sau tiết Hạ Chí.
Đọc sách luận bút
Trong bài này có đề cập đến các thuật ngữ chỉ tiết khí và can chi trong lịch cổ đại Trung Quốc. Đông Chí, Thanh Minh trong câu thứ nhất, Lập Xuân trong câu thứ hai và Hạ Chí trong câu thứ tư, đều là những thuật ngữ thuộc tiết khí, mọi người đã quen thuộc rồi nên sẽ không nói thêm nữa. Chúng ta hãy nói sơ qua về khái niệm Can Chi.
Thiên Can Địa Chi dùng để ghi năm, tháng, ngày, giờ ở thời cổ đại, có khởi nguồn từ vũ trụ quan cổ xưa về Âm Dương và Ngũ hành (Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ), tức là 10 Thiên Can và 12 Địa Chi đều được phân loại theo thuộc tính Âm Dương, Ngũ hành.
Thiên Can phân thành Âm Dương gồm: Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm thuộc Dương, có các đặc tính Dương như tăng trưởng, thịnh vượng, cường tráng và sôi động; Ất, Đinh, Kỉ, Tân, Quý thuộc Âm có các đặc tính Âm như tiêu giảm, suy yếu, tàn lụi, hạ xuống và lạnh giá. Thiên Can phân theo Ngũ hành gồm có: Giáp Ất cùng thuộc Mộc, Bính Đinh cùng thuộc Hỏa; Mậu Kỉ cùng thuộc Thổ; Canh Tân cùng thuộc Kim; Nhâm Quý cùng thuộc Thủy. Trong đó trước là Dương, sau là Âm. Ví dụ Giáp Ất cùng thuộc Mộc, nhưng Giáp là Dương Mộc, còn Ất là Âm Mộc.
Địa Chi cũng phân thành Âm Dương: Tí, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất cùng thuộc Dương; Sửu, Mão, Tị, Mùi, Dậu, Hợi cùng thuộc Âm. Địa Chi phân theo Ngũ hành: Dần Mão thuộc Mộc; Tị Ngọ thuộc Hỏa; Thân Dậu thuộc Kim; Tí Hợi thuộc Thuỷ; Thìn Tuất Sửu Mùi đều thuộc Thổ.
Thiên Can và Địa Chi được dùng để ghi năm và đặt tên cho năm. Mười Thiên Can và mười hai Địa Chi được kết hợp một cách có trình tự thành Giáp Tí, Ất Sửu, Bính Dần, Đinh Mão, Mậu Thìn, Kỉ Tị, Canh Ngọ, Tân Mùi, Nhâm Thân, Quý Dậu, Giáp Tuất, Ất Hợi, Bính Tý, Đinh Sửu, Mậu Dần, Kỷ Mão v.v. Nếu tính như thế sáu mươi năm một chu kỳ, nghĩa là một hoa giáp hay lục thập hoa giáp. Ví dụ năm Giáp Tý, năm Ất Sửu v.v.
Dùng cho các tháng, chủ yếu là mười hai Địa Chi tương ứng với mười hai tháng, ví dụ tháng Tý là tháng Mười một, tháng Sửu là tháng Mười hai, cứ như thế mà suy ra.
Dùng để ghi ngày và đặt tên cho các ngày. Cũng giống như phương pháp Can Chi của năm để kết hợp. Lấy Giáp Tí làm khởi đầu, nghĩa là sáu mươi ngày là một vòng tuần hoàn.
Dùng để ghi thời gian. Tức là hai mươi bốn giờ trở thành mười hai thời thần (canh giờ) lần lượt tương ứng với mười hai Địa Chi, giờ Tý là từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng, tính theo thứ tự, như vậy giờ Ngọ là từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều.
Theo cách ghi lịch như vậy có thể biết được các thuộc tính của Âm Dương Ngũ hành của năm đó hoặc tháng nào đó, ngày nào đó, giờ nào đó; nông nghiệp truyền thống của người Trung Quốc, đời sống hàng ngày, dưỡng sinh, Trung y trị bệnh và dự đoán học v.v. tất cả đều là sự vận dụng và thể hiện cụ thể của vũ trụ quan Âm Dương, Ngũ Hành.
Con người phải hòa hợp với thiên nhiên để đạt được sự cân bằng về Âm Dương, sự tương sinh tương khắc của Ngũ Hành có thể được vận dụng cụ thể để cân bằng lẫn nhau nhằm đạt được Âm Dương hài hoà, nhằm dưỡng sinh, chữa bệnh và dự đoán cát hung. Vì vậy, cách làm lịch Can chi của người xưa không chỉ là để biết giờ giấc, năm, tháng, mà nắm vững được quy luật biến hoá của Âm Dương, Ngũ hành, của tự nhiên, để hòa làm một với tự nhiên, đạt được những dự đoán cát hung, cũng như cầu được quốc thái dân an.
Kể chuyện
Đông chí và hạ chí
Vào khoảng thời nhà Thương, người ta đã biết cách dựng sào tre đo bóng để xác định mùa, thời cổ đại người ta đã chú ý đến trong một năm có bốn mùa, người ta thấy được vị trí của mặt trời lúc giữa trưa ở các mùa khác nhau thì góc độ cao thấp của nó cũng sẽ khác nhau, người ta dựng một cây sào tre trên mặt đất để theo dõi, theo kết quả quan sát quanh năm thấy rằng, bóng của cây sào dường như vào mùa hè thì ngắn hơn và vào mùa đông thì dài hơn, rõ ràng đây là sự thay đổi của các mùa cho nên độ dài ngắn của bóng do ánh sáng mặt trời chiếu vào sào tre sẽ không giống nhau, do đó, lấy ngày mà bóng cọc tre lúc giữa trưa ngắn nhất làm ngày Hạ Chí (Chí có nghĩa là lên tới đỉnh) hay còn gọi là Nhật Bắc Chí, Nhật Trường Chí; lấy ngày mà bóng cọc tre dài nhất làm ngày Đông Chí, còn được gọi là Nhật Nam Chí hoặc Nhật Đoản Chí.
Ngày Đông Chí tính theo lịch Dương, hàng năm rơi vào khoảng ngày 22 hoặc 23 tháng 12. Đông Chí có ngày ngắn nhất và đêm dài nhất nên còn được gọi là “đêm dài nhất”, sau ngày này, vị trí mặt trời trực tiếp dịch chuyển về phía Bắc, nên ngày dần dài hơn. Vì ngày đông chí là thời điểm chuyển giao giữa lạnh và nóng của khí hậu nên từ xưa đến nay đã rất coi trọng ngày này, đã trở thành một ngày lễ quan trọng, được dân gian gọi là “Tết Đông Chí”. Thời nhà Chu đã có Tết Đông Chí, từ thời nhà Hán trở về sau Tết Đông Chí càng được chú trọng hơn, theo “Đường thư” ghi chép: “Ngày mồng một tháng Giêng là bắt đầu một năm mới; Đông Chí, khí dương bắt đầu hồi thăng. Đây là hai ngày Tết rất quan trọng”. Thời Đường coi trọng ngày Đông Chí và Tết Nguyên Đán, thế nên có một câu nói của dân gian rằng “Tết Đông Chí lớn như Tết Nguyên Đán”.
Món ăn hợp với ngày Đông Chí, ở miền Bắc Trung Quốc thì người dân ăn sủi cảo hoặc vằn thắn (hoành thánh), còn ở miền Nam Trung Quốc thì ăn bánh trôi (thang viên). Người Trung Quốc cũng có thói quen tẩm bổ vào ngày Đông Chí. Trong thời tiết lạnh buốt, để chống chọi với mùa đông khắc nghiệt, cơ thể sẽ tiêu hao rất nhiều nhiệt lượng hơn mức bình thường. Vì vậy, bổ sung các thực phẩm có hàm lượng nhiệt lượng cao là rất phù hợp với đạo dưỡng sinh.
Ghi chú: Phỏng theo sách giáo khoa “ Ấu Học Quỳnh Lâm” của Zhengjian. com
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/247818
Ngày đăng: 30-03-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org