Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Nguyên văn Chữ Hán và Chú âm
洪(ㄏㄨㄥˊ) 荒(ㄏㄨㄤ) 之(ㄓ) 世(ㄕˋ), 野(ㄧㄝˇ) 处(ㄔㄨˋ) 穴(ㄒㄩㄝˊ) 居(ㄐㄩ);
有(ㄧㄡˇ) 巢(ㄔㄠˊ) 以(ㄧˇ) 後(ㄏㄡˋ), 上(ㄕㄤˋ) 棟(ㄉㄨㄥˋ) 下(ㄒㄧㄚˋ) 宇(ㄩˇ)。
Bính âm
洪(Hóng) 荒(huāng) 之(zhī) 世(shì), 野(yě) 处(chù) 穴(xué) 居(jū);
有(yǒu) 巢(cháo) 以(yǐ) 后(hòu), 上(shàng) 栋(dòng) 下(xià) 宇(yǔ)。
Âm Hán Việt
Hồng hoang chi thế, dã xử huyệt cư;
Hữu Sào dĩ hậu, thượng đống hạ vũ.
Giải thích từ ngữ:
(1) 洪荒 (Hồng hoang): Chỉ thời đại viễn cổ chưa khai hóa.
(2) 世 (Thế): Thời đại.
(3) 野 (Dã): Hoang dã.
(4) 處 (Xứ): Nhà, nơi ở, chỗ ở.
(5) 穴 (Huyệt): Hang động.
(6) 有巢 (Hữu Sào): Tức Hữu Sào thị, tương truyền là người phát minh ra nhà ở.
(7) 栋 (Đống): xà chính trên nóc nhà, đòn dông.
(8) 宇 (Vũ): Mái hiên nhà.
Bản dịch tham khảo
Vào thời xa xưa chưa khai hóa, mùa hè con người sống ở vùng hoang dã, mùa đông sống trong hang động; từ sau khi Hữu Sào thị phát minh ra nhà, người ta mới xây dựng nhà có xà chính và mái hiên có thể che mưa che gió.
Đọc sách luận bút
Hữu Sào thị thuộc thời đại viễn cổ sáng thế
Vào thời đại viễn cổ, có một thời kỳ lịch sử sáng thế cực kỳ lâu dài bán Thần trị thế gọi là “Tam Hoàng” (hiện nay có một cách nói trong “Thượng thư đại truyền” được nhiều người thừa nhận cho rằng Tam Hoàng là Toại Nhân thị, Phục Hy thị và Thần Nông thị). Những ghi chép của lịch sử này đều giống Thần thoại và truyền thuyết. Những Đế Hoàng đều là Thần trên Thiên thượng giáng sinh tại nhân thế, hoặc để tạo ra con người, hoặc để tiêu trừ tai ương, hoặc để dạy cho con người các loại kỹ năng sinh tồn và văn hóa, họ đồng thời tồn tại với con người, nên thời kỳ ấy được gọi là nhân Thần đồng tại. Cho nên, Đế Hoàng khi đó trực tiếp triển hiện thần thông ở trước mặt nhân loại, để giáo hóa nhân loại, dẫn dắt nhân loại từ mông muội vô tri hướng đến văn minh, bước vào nghề nông, cuối cùng bước vào thời đại Hoàng Đế mở ra vòng 5.000 năm nhân văn giáo hoá này.
Trong thời kỳ Tam Hoàng lâu dài này, có năm vị bán Thần tiêu biểu nhất được lưu truyền rộng rãi, đó là: Hữu Sào thị, Toại Nhân thị, Phục Hy thị, Nữ Oa thị và Thần Nông thị. Vị liên quan đến bài học này chính là vị thứ nhất Hữu Sào thị.
“Thị” là Tôn Xưng của Thần, không phải là họ
“Thị” được gọi sớm nhất vào thời thượng cổ, không phải dùng để chỉ họ, mà là một cách tôn xưng đối với các vị Thần và bán Thần giáng sinh xuống nhân gian, có hàm nghĩa bán Thần, ví như Phục Hy thị, Thần Nông thị, v.v. Vậy nên, Hữu Sào thị chính là tôn xưng của Thần. Hậu thế của những thị tộc này sinh sôi nảy nở tại nhân gian được gọi là “thị” (氏), trở thành “quý tộc” sớm nhất. Về sau các gia tộc đều theo nhau bắt chước, lấy “thị” (氏) để gọi; nhưng “tính” (姓: họ) không phải là “thị”, “tính” hoàn toàn xuất phát từ “họ” của mẹ truyền loại trong hình thái xã hội mẫu hệ của con người tại phàm trần, cho nên do “女: nữ” và “生: sinh” tạo thành, về sau, “氏: thị” và “姓: tính” hợp thành một, gọi thành dòng họ (tính thị hay thị tộc), biểu thị tước hiệu của gia tộc.
Điều thú vị là, từ xa xưa các vị vua Nhật Bản chỉ có danh tự chứ không có họ, họ cho rằng mình là hậu thế của Thần, còn tính (姓: họ) là danh xưng của những người bình thường. Từ xưa đến nay Nhật Bản chưa từng thay đổi triều đại, từ đầu đến cuối là Hoàng thất nhất hệ (mệnh danh là “vạn thế nhất hệ”), những sự tích về một số vị Thiên Hoàng đầu tiên cũng là đến từ truyền thuyết và Thần thoại, khảo cổ học mới có thể xác nhận rằng bắt đầu từ thế hệ thứ 10 các vị Thiên Hoàng sùng Thần, dường như sự tồn tại của gia tộc của họ chính là để nhắc nhở mọi người rằng Thần tộc dẫn dắt nhân loại khai sáng văn minh trong truyền thuyết thần thoại thời lịch sử viễn cổ là điều thực sự tồn tại, ở Trung Quốc được tôn xưng là “thị”.
Hữu Sào thị dạy con người xây nhà
Tương truyền, thời kỳ viễn cổ Tam Hoàng của Trung Quốc, đại thể được chia làm 10 kỷ, Hữu Sào thị mà chúng ta đề cập ở đây chính là vị bán Thần thống trị xã hội nhân loại ở kỷ thứ 10. Trong sách cổ “Độn giáp khai sơn đồ” kể rằng, thời kỳ viễn cổ, Hữu Sào thị làm vua tại phía nam của Thạch Lâu Sơn ở Lang Gia (phụ cận thành phố Chư Thành, tỉnh Sơn Đông ngày nay), thống trị các bộ tộc của nhân loại. Trong “Thông chí – Tam Hoàng kỷ đệ nhất” nói rằng, Hữu Sào thị thống trị các bộ tộc của nhân loại, tổng cộng đã truyền thừa hơn 100 thế hệ. Mà hơn 100 thế hệ này có thể đều đã kế thừa danh hiệu của Hữu Sào thị, đều được tôn xưng là Hữu Sào thị.
Hữu Sào thị đúng như tên gọi của ông, công đức to lớn nhất chính là dạy cho nhân loại cách xây dựng nhà ở, mặc dù là nhà ở đơn giản nguyên thuỷ nhất, nhưng đã giải quyết được vấn đề “ở” trong 4 vấn đề sinh tồn lớn của nhân loại là mặc, ăn uống, ở và đi lại; đã khai sáng cội nguồn văn hoá kiến trúc Trung Hoa.
Theo “Sơn Hải Kinh”, Phật kinh và các sách cổ khác ghi chép: Trước thời viễn cổ, đạo đức của nhân loại cao thượng, tâm hồn thuần tịnh, con người vốn có năng lực thần thông nhất định, có thể tương thông với Thần linh, có thể bay lượn trên không, trên đất khắp nơi là Tiên cầm Thần thú, kỳ hoa dị quả, môi trường tự nhiên rất tươi đẹp, con người sống vô ưu vô lo, tuổi thọ rất dài.
Về sau, đạo đức nhân loại dần dần sa đọa, trở nên hám lợi đen lòng, thần thông dần dần bị biến mất, hoàn cảnh tự nhiên cũng theo đó mà ngày càng xấu đi, rất khó để nhìn thấy Thần, vì đạo đức của người thường đã không xứng để nhìn thấy Thần nữa, lại còn mất đi thần thông, nên năng lực sinh tồn còn không bằng cả loài dã thú.
Để tránh khỏi sự tổn thương của dã thú và tiếp tục tồn tại trong môi trường tự nhiên khắc nghiệt, Thượng đế đã phái một vị Thần giáng thế làm bán Thần, bắt chước tổ chim, dạy người dân dựng gỗ làm nhà, cuối cùng họ có thể che mưa chắn gió, tránh xa khỏi sự tàn hại của dã thú, giải quyết nguy cơ sinh tồn. Bách tính cảm kích ân đức của ông, bèn tiến cử vị Thánh nhân này làm vua. Tôn xưng là “Hữu Sào thị”, còn được gọi là “Sào Hoàng”.
Đến thời Hoàng đế của Ngũ Đế, dân chúng đã có những cung điện phòng ốc chính quy “trên có đòn đông dưới có mái hiên”, trong 5.000 năm văn hoá, các triều đại, dân tộc và vùng miền khác nhau đã dần phát triển những nền văn hóa và phong cách kiến trúc độc đáo của riêng mình.
Kể chuyện
Đặc sắc văn hóa kiến trúc Trung Quốc
Hữu Sào thị là người phát minh ra sào cư (nhà ở hình tổ chim) trong Thần thoại cổ đại của Trung Quốc, ông đã dạy con người lấy gỗ dựng nhà để tránh khỏi sự tấn công của dã thú, từ đó con người tiến triển từ việc ở trong hang động sang làm nhà. Nền văn minh nhân loại không ngừng phát triển, nhà ở ngoài chức năng nguyên thủy là che mưa che gió, còn chứa đựng đặc sắc văn hoá của một dân tộc.
Kiến trúc truyền thống của Trung Hoa lấy kết cấu gỗ làm chủ, lấy vật liệu gỗ làm kết cấu chính của ngôi nhà, về mặt tạo hình chú trọng sự cân đối, chia làm ba phần: nền móng, thân nhà và mái nhà. Móng nhà thông thường là nền xây bằng gạch đá, để tránh cho phần gỗ của ngôi nhà khỏi bị hư hại do ẩm ướt. Chiều cao của phần móng tỷ lệ thuận với kích thước của ngôi nhà. Ngoài ra, kiến trúc Trung Hoa cũng rất coi trọng việc xử lý các chi tiết kiến trúc, sơn màu, chạm khắc gỗ, ngói lưu ly, chạm khắc đá, v.v., đã tạo nên những nét đặc sắc về văn hóa nghệ thuật của kiến trúc Trung Hoa.
Kiến trúc Trung Hoa rất chú trọng về màu sắc và trang trí. Do đặc điểm kiến trúc là kết cấu bằng gỗ, để bảo vệ vật liệu gỗ, càng khiến nghệ thuật vẽ hoa văn phát triển nhanh chóng, các dầm, cột, mái hiên, vòm, hành lang… không có chỗ nào là không được vẽ, nội dung của tranh vẽ, hoa văn điêu khắc bao gồm sơn thuỷ chim muông hoa lá, thần thoại truyền thuyết, các nhân vật lịch sử, phong cảnh thiên nhiên và các họa tiết tốt lành khác, v.v., không chỉ trang trí cho công trình kiến trúc trở nên lộng lẫy, mà còn để mọi người hiểu được nội hàm của văn hóa cổ xưa.
Về bố cục không gian, đặc trưng lớn nhất của kiến trúc Trung Hoa là phối trí giữa sân và các quần thể, người Trung Hoa sử dụng các kiến trúc đơn thể để kết hợp với nhau tạo thành một không gian sân đa dạng và phong phú, rồi lại do lớp lớp sân vườn cấu thành một không gian quần thể khép kín, lấy chính nam chính bắc làm trục trung tâm, phòng ốc và sân được bố trí đối xứng, các công trình được bố trí theo quy luật trước sau, trái phải, già trẻ, chủ khách. Bất kể là loại kiến trúc nào, từ nhà ở cho đến cung điện, thì nguyên tắc bố trí đều như nhau. Tọa bắc triều nam (tựa lưng hướng bắc ngoảnh mặt hướng nam) là “chính phòng” (nhà chính) nơi gia chủ ở. Trưởng bối của chủ nhà sống ở sân phía sau; phía đông và tây là “sương phòng” (nhà ngang) nơi hậu bối ở. Cách sắp xếp như vậy gọi là “tứ hợp viện”, tuỳ theo diện tích lớn nhỏ của nhà và sự kết hợp khác nhau, mà phân thành đại tứ hợp viện, tiểu tứ hợp viện hay tam hợp viện. Kiến trúc này chủ yếu ở phương Bắc. Bố cục kiến trúc loại này thể hiện tư tưởng gia tộc và chế độ lễ giáo có thứ tự trên dưới của xã hội cổ đại Trung Quốc.
Ở phương nam, có những ngôi nhà truyền nổi tiếng của người Hán Khách Gia (người Hẹ). Các ngôi nhà bao quanh, bằng đất của người Khách Gia, giống như các kiến trúc nhà truyền thống ở các vùng khác đều là tọa bắc hướng nam, dùng xà gỗ chịu lực, lấy gạch, đá và đất để xây tường; lấy nhà chính làm trung tâm, dùng rường cột chạm trổ để trang trí nóc nhà và mái hiên. Người Khách Gia được mệnh danh là hóa thạch sống của văn hóa Nho giáo, tính cách trầm tĩnh và tiết chế, tiết kiệm và trọng đức, tôn trọng tự nhiên và tổ tiên, có tôn ti trật tự, cho nên kiến trúc cũng sẽ thể hiện tư tưởng nhân luân của văn hóa Nho gia và tinh thần thiên nhân hợp nhất, cũng là hợp viện điển hình của phương Nam, số nhà bao quanh khác nhau, tạo nên quy mô xây dựng khác nhau. Cùng một thị tộc còn xây từ đường thờ cúng tổ tiên chung.
Nhìn tổng thể, văn hóa kiến trúc Trung Quốc nhấn mạnh sự hài hòa giữa tự nhiên và con người, coi trọng đạo đức nhân luân, thể hiện khí chất điềm tĩnh và tiết chế, triển hiện vũ trụ quan truyền thống “thiên nhân hợp nhất”, khiến cho văn hóa kiến trúc Trung Quốc có một phong cách hết sức độc đáo.
(Ghi chú: Phỏng theo sách giáo khoa “Ấu học Quỳnh Lâm” của Zhengjian.org)
ChanhKien.org