Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Nguyên văn chữ Hán và chú âm
神(ㄕㄣˊ) 農(ㄋㄨㄥˊ) 嘗(ㄔㄤˊ) 百(ㄅㄞˇ) 草(ㄘㄠˇ), 醫(ㄧ) 藥(ㄧㄠˋ) 有(ㄧㄡˇ) 方(ㄈㄤ);
后(ㄏㄡˋ) 稷(ㄐㄧˋ) 播(ㄅㄛ) 百(ㄅㄞˇ) 穀(ㄍㄨˇ), 粒(ㄌㄧˋ) 食(ㄕˊ) 有(ㄧㄡˇ) 賴(ㄌㄞˋ)。
燧(ㄙㄨㄟˋ) 人(ㄖㄣˊ) 氏(ㄕˋ) 鑽(ㄗㄨㄢˋ) 木(ㄇㄨˋ) 取(ㄑㄩˇ) 火(ㄏㄨㄛˇ), 烹(ㄆㄥ) 飪(ㄖㄣˋ) 初(ㄔㄨ) 興(ㄒㄧㄥˋ);
有(ㄧㄡˇ) 巢(ㄔㄠˊ) 氏(ㄕˋ) 構(ㄍㄡˋ) 木(ㄇㄨˋ) 為(ㄨㄟˋ) 巢(ㄔㄠˊ), 宫(ㄍㄨㄥ) 室(ㄕˋ) 始(ㄕˇ) 創(ㄔㄨㄤˋ)。
Bính âm
神(Shén) 农(nóng) 尝(cháng) 百(bǎi) 草(cǎo), 医(yī) 药(yào) 有(yǒu) 方(fāng);
后(hòu) 稷(jì) 播(bō) 百(bǎi) 谷(gǔ), 粒(lì) 食(shí) 有(yǒu) 赖(lài)。
燧(Suì) 人(rén) 氏(shì) 钻(zuān) 木(mù) 取(qǔ) 火(huǒ), 烹(pēng) 饪(rèn) 初(chū) 兴(xìng);
有(yǒu) 巢(cháo) 氏(shì) 构(gòu) 木(mù) 为(wéi) 巢(cháo), 宫(gōng) 室(shì) 始(shǐ) 创(chuàng)。
Âm Hán Việt
Thần Nông thường bách thảo, y dược hữu phương;
Hậu Tắc bá bách cốc, lạp thực hữu lại.
Toại Nhân thị toàn mộc thủ hỏa, phanh nhẫm sơ hưng;
Hữu Sào thị cấu mộc vi sào, cung thất thủy sáng.
Giải nghĩa từ ngữ
(1) 神農 (Thần Nông): tức Viêm Đế.
(2) 方 (Phương): đơn thuốc do thầy thuốc kê ra.
(3) 后稷 (Hậu Tắc): thủy tổ của nhà Chu, tên là Khí (Bỏ Rơi).
(4) 播 (Bá): truyền rộng.
(5) 賴 (Lại): dựa vào.
(6) 燧人氏 (Toại Nhân thị): người phát minh ra cách dùng gỗ đánh lửa trong truyền thuyết cổ đại.
(7) 有巢氏 (Hữu Sào thị): người phát minh ra phương pháp xây nhà trong truyền thuyết cổ đại.
(8) 構 (Cấu): thiết kế, xây dựng.
Bản dịch tham khảo
Thần Nông đã nếm thử trăm loại thảo mộc, hiểu được tính chất như nóng lạnh ôn hoà của các loại thảo dược, và các điều cấm kỵ khi phối hợp với nhau, nên mới tạo ra được các phương thuốc để điều trị; Hậu Tắc dạy bảo nhân dân gieo các loại ngũ cốc, để bảo đảm có lương thực. Toại Nhân thị khoan gỗ đánh lửa, giúp người dân bắt đầu ăn đồ chín, biết nấu nướng; Hữu Sào thị dựng gỗ làm nhà, phát minh ra phương pháp làm nhà ở, khởi nguồn kiến trúc cung điện.
Đọc sách luận bút
Bài học này liên quan đến bốn vị tổ tiên của nền văn minh cổ đại ở ba phương diện trong cuộc sống con người là y học, thực phẩm và nhà ở, đọc đến đây hẳn mọi người sẽ phải giật mình kinh ngạc, giáo dục vỡ lòng thời xưa, thì hồi ức về ân đức của tổ tiên lại chiếm một phần lớn như thế, không ngần ngại nhắc đi nhắc lại, đây không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên. Đặc điểm của nền giáo dục văn hoá này bắt nguồn từ cốt lõi của nền giáo dục cổ đại lấy đạo đức làm gốc, bắt nguồn từ dạy bảo của Khổng Tử. Chính là giống như câu “Thận chung truy viễn, dân đức quy hậu” (Diễn nghĩa: Một đời tuân hành và theo đuổi những lời dạy của tổ tiên xa xưa, chỉ có kính phụng đến chết không đổi với các vị thánh vương tiên tổ thì mới có thể trở thành tấm gương sáng để quy chính lại thói quen phong tục của người dân, mới khiến cho đạo đức của bách tính và quốc gia quy chính. – “Luận Ngữ Học nhi đệ nhất”), ân đức và trí tuệ vĩ đại của tổ tiên, là khởi nguồn của hết thảy văn minh, trẻ nhỏ ghi nhớ được những điều này, thì tự nhiên biết được cội nguồn và nơi quy tụ, biết tuân theo lời dạy của tổ tiên, kính trọng văn hoá và lịch sử của chính mình. Đây chính là khởi nguồn của giáo dục đạo đức. Đó cũng là mục đích căn bản của người Nho học chân chính trong việc lập ngôn viết sách. Đó không phải là cách suy nghĩ của giáo dục hiện đại.
Toại Nhân thị được liệt vào Tam Hoàng
Chúng ta quay trở lại nội dung của bài học này. Vì Thần Nông thị và Hữu Sào thị đã đề cập đến trước đây, nên ở đây chúng ta sẽ chú trọng nói đến Toại Nhân thị, người được tôn kính là một trong Tam Hoàng xa xưa, người đã phát minh ra cách khoan gỗ lấy lửa. Vào thời viễn cổ, con người chưa biết dùng lửa, chỉ ăn trái cây và thịt sống, vì thế cơ thể con người dễ mắc bệnh tật. Theo ghi chép trong “Thập di ký”, vào thời kỳ viễn cổ trước cả Toại Nhân thị, có một quốc gia bán Thần gọi là “Toại Minh Quốc”, nơi đây cả mặt trời và mặt trăng đều chiếu rọi không đến, nên không có sự phân chia bốn mùa, ngày đêm. Tuy nhiên, người dân của Toại Minh Quốc trường sinh bất tử, nhiều người sống lâu tự nhiên đắc Đạo, thăng thiên trở thành Tiên. Mô tả này hẳn thuộc về thời kỳ được ghi lại trong “Tam Hải Kinh” khi đạo đức con người vẫn còn rất cao thượng, là nửa Thần nửa nhân và có đầy đủ thần thông.
Nghe nói rằng ở Toại Minh Quốc có một cây hoả thụ, gọi là “Toại Mộc”, cành và lá của nó bao trùm một vùng hơn một vạn mẫu, uy nghiêm như một cây Thần. Toại Nhân thị thụ thiên mệnh giáng sinh, sau khi lớn lên cũng giống như Hoàng Đế thời sau này, trong mộng du ngoạn đến Toại Minh Quốc, thấy được Toại Mộc, phát hiện con cú ở trên cây dùng mỏ mổ cây, mà tạo ra lửa. Ông từ đó mà ngộ ra, phát minh ra cách khoan gỗ lấy lửa, từ đó con người biết dùng lửa, mới có văn hoá nấu nướng, thoát khỏi đời sống dã thú. Vì ân đức đó mà ông được thế nhân tôn thành Toại Nhân thị, cũng gọi là Toại Hoàng.
Nghe nói rằng Toại Nhân thị thời kỳ viễn cổ cư trú ở vùng Thương Khâu. Bây giờ tại vùng Tây Nam của Thương Khâu còn có Toại Hoàng Lăng, chính là lăng mộ của Toại Nhân thị. Đến ngày nay lăng mộ này vẫn còn tồn tại, lăng mộ cao khoảng 10 mét, đã trở thành bằng chứng hùng hồn về lịch sử của tổ tiên. Người ta nói rằng Toại Nhân thị đã truyền đời tổng cộng 187 thế hệ đều sử dụng xưng hiệu này.
Hậu Tắc là hoàng tử, làm quan quản lý nông sự thời Nghiêu Thuấn
Hậu Tắc là con trai của Đế Khốc vào thời kỳ Ngũ Đế ở thời cổ đại sau Tam Hoàng, và là tổ tiên của nhà Chu sau này. Trong “Liệt nữ truyện” của Lưu Hướng thời Tây Hán, có nhắc đến mẹ của ông là chính phi Khương Nguyên của Đế Khốc, giỏi về nông nghiệp. Bản sự của ông là do mẫu thân truyền dạy, thời Nghiêu Đế lệnh cho ông quản nông sự, lấy tên là Hậu Tắc, dạy dân chúng gieo trồng trăm loại ngũ cốc, đến thời Thuấn Đế, ông vẫn được bổ nhiệm là quan quản lý nông sự, từ đó danh xưng này được đời đời lưu truyền.
Theo ghi chép trong “Sử ký”: Đại Vũ “lệnh Hậu Tắc ban cho quần chúng nhiều lương thực quý hiếm. Lương thực thiếu, nếu ăn còn dư thì cho nhau, để các chư hầu đều được như nhau”. Ở đây viết rất rõ ràng, bất kể Hậu Tắc ở đây có phải là cùng một người hay không, vào thời của Đại Vũ, vẫn là viên quan phụ trách nông nghiệp và điều hành lương thực. Cho đến thời nhà Hạ và nhà Thương, con cháu đều làm quan nông nghiệp, mãi đến thời nhà Chu mới trở thành Thiên Tử.
Kể chuyện
Câu chuyện về Thần ngũ cốc Hậu Tắc
Hậu Tắc là tổ tiên của nhà Chu, nghe nói khi mới sinh ra ông đã bị bỏ rơi. Vì vậy tên ban đầu là “Khí” (Bỏ Rơi). Sự ra đời của ông có một truyền thuyết thần thoại truyền kỳ quanh co ngoắt ngoéo.
Mẫu thân của Hậu Tắc tên là Khương Nguyên (Nguyên), là phi tử của Đế Khốc, một hôm đi du ngoạn ở vùng ngoại ô, bà tình cờ giẫm vào dấu chân của người khổng lồ, toàn thân rung động, mang thai và sinh ra một bé trai. Nhưng người trong thị tộc cho rằng đứa trẻ không rõ lai lịch, rất bất thường, nên nhiều lần đã vứt bỏ đứa trẻ này đi. Lần đầu tiên, đứa bé bị ném vào một con hẻm nhỏ, định để cậu bị dê bò đi qua giẫm chết, nhưng lạ thay, tất cả bò dê đi qua đều lách qua cậu bé để tránh dẫm lên cậu. Thế là người trong thị tộc lại tìm ra cách khác, đem đứa bé vứt vào trong rừng, định để nó chết đói hoặc bị thú rừng ăn thịt, nhưng cậu bé vẫn may mắn sống sót. Người trong thị tộc dù rất ngạc nhiên nhưng vẫn không bỏ cuộc, lại lần nữa vứt đứa trẻ trên mặt băng lạnh, định để đứa bé đóng băng mà chết; nhưng một điều kỳ diệu khác lại xảy ra, một đàn chim từ trên trời bay sà xuống, dùng lông vũ che chở cho đứa bé và sưởi ấm cho cậu. Cuối cùng, người trong bộ tộc lĩnh ngộ được thần tích, ôm đứa trẻ trở về và đặt tên là “Khí” (“Bỏ Rơi”).
Khí có tài năng thiên phú về nông nghiệp, cậu là một tay thiện nghệ trồng trăm loại lương thực, rồi đem kinh nghiệm của mình truyền hết cho mọi người trong bộ tộc mà không giữ lại chút nào, đồng thời dùng gỗ và đá để chế tác ra nông cụ giúp canh tác nông nghiệp dễ dàng và hiệu quả hơn, ổn định sản xuất lương thực, nhờ đó mà cải thiện cuộc sống của mọi người. Sau đó, Nghiêu Đế đã bổ nhiệm Khí làm “nông sư”, dạy bảo người dân trên khắp đất nước trồng ngũ cốc và phát triển nông nghiệp. Mọi người cảm ân cống hiến của ông và tôn ông là “Hậu Tắc”. “Hậu” có nghĩa là đại vương; “Tắc” có nghĩa là cốc (lúa gạo), chính là “Thần cốc”.
Câu chuyện về Toại Nhân thị
Phục Hy thị lấy được lửa trong tự nhiên từ núi rừng bị sét đánh cháy, ông đem mồi lửa tỏa sáng cho dân chúng, dạy mọi người dùng lửa nấu chín thức ăn trước khi ăn. Nhưng lấy được lửa trong tự nhiên không hề dễ dàng, cần phải rất cẩn thận để bảo vệ nó, nếu không chú ý, mồi lửa bị dập tắt thì chỉ có thể chờ đợi đến lần cháy rừng tiếp theo. Để đảm bảo lấy được lửa, con người đã phát huy trí tuệ của mình và phát minh ra phương pháp khoan gỗ để lấy lửa.
Tương truyền, vào thời đại Thượng cổ, ở phía Tây xa xôi có một đất nước là “Toại Minh Quốc”, ánh sáng của mặt trời và mặt trăng đều không chiếu đến, quanh năm tối tăm, không có sự phân biệt bốn mùa, ngày và đêm. Trong Toại Minh Quốc có một cây Hỏa Thụ, gọi là “Toại Mộc”, cành lá đan xen khó gỡ và bao phủ một vùng hàng vạn mẫu, trong rừng thường phát ra những tia lửa lấp lánh lấp lánh.
Một người trẻ tuổi được lệnh tìm kiếm nguồn lửa, đi tới Toại Minh Quốc nơi không nhìn thấy ánh mặt trời, phát hiện ra Toại Mộc phát ra ánh lửa kỳ dị. Người trẻ tuổi này hiếu kỳ quan sát một cách cẩn thận, mới phát hiện ra trong rừng cây có một loại chim đặc biệt lớn, mỏ vừa cứng lại sắc bén, mỗi khi con chim lớn dùng mỏ sắc mổ vào thân cây thì sẽ phát ra tia lửa. Người trẻ tuổi thông minh này đã lĩnh ngộ ra nguyên lý trong đó, thử lấy một cành cây nhỏ dùi vào cây đại thụ, sau nhiều lần ma sát, cuối cùng sinh nhiệt và bốc cháy. Từ đó trở đi, con người có thể lấy lửa bất cứ lúc nào, có thể ăn chín uống sôi, không còn “ăn lông ở lỗ”, văn minh nhân loại đã có bước phát triển nhảy vọt.
Để cảm tạ người đã phát minh ra cách khoan gỗ lấy lửa, người ta đã tôn vinh ông là “Toại Nhân thị”. “Toại Nhân” chính là người lấy lửa.
(Ghi chú: Phỏng theo sách giáo khoa “Ấu học Quỳnh Lâm” của Zhengjian.org)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/249174
Ngày đăng: 10-01-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org