Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Nguyên văn chữ Hán và chú âm
公ㄍㄨㄥ 輸ㄕㄨ 子ㄗ˙ 削ㄒㄩㄝ 木ㄇㄨˋ 鳶ㄩㄢ, 飛ㄈㄟ 天ㄊㄧㄢ 至ㄓˋ 三ㄙㄢ 日ㄖˋ 而ㄦˊ 不ㄅㄨˋ 下ㄒㄧㄚˋ;
張ㄓㄤ 僧ㄙㄥ 繇ㄧㄡˊ 畫ㄏㄨㄚˋ 壁ㄅㄧˋ 龍ㄌㄨㄥˊ, 點ㄉㄧㄢˇ 睛ㄐㄧㄥ 則ㄗㄜˊ 雷ㄌㄟˊ 電ㄉㄧㄢˋ 而ㄦˊ 飛ㄈㄟ 騰ㄊㄥˊ。
Bính âm
公Gōng 输shū 子zǐ 削xuē 木mù 鸢yuān, 飞fēi 天tiān 至zhì 三sān 日rì 而ér 不bù 下xià;
张zhāng 僧sēng 繇yáo 画huà 壁bì 龙lóng, 点diǎn 睛jīng 则zé 雷léi 电diàn 而ér 飞fēi 腾téng.
Âm Hán Việt
Công Thâu Tử tước mộc diên, phi thiên chí tam nhật nhi bất hạ;
Trương Tăng Diêu họa bích long, điểm tình tắc lôi điện nhi phi đằng.
Giải nghĩa từ ngữ
(1) 公輸子 (Công Thâu Tử): Tức Lỗ Ban, là người nước Lỗ vào cuối thời Xuân Thu, là một thợ thủ công nổi tiếng ở Trung Quốc cổ đại.
(2) 木鳶 (Mộc diên): Con đại bàng bằng gỗ.
(3) 張僧繇 (Trương Tăng Diêu): Một người gốc Lương ở Nam triều. Ông là một họa sĩ nổi tiếng, giỏi vẽ chân dung và những câu chuyện trong tôn giáo. Rất nhiều bức tranh trong các chùa lúc đó là do ông vẽ.
(4) 點睛 (Điểm tình): Vẽ con mắt.
Bản dịch tham khảo
Công Thâu Tử đẽo tre gỗ làm thành một con đại bàng, nó bay lên trời trong ba ngày mà không rơi; Trương Tăng Diêu vẽ rồng trên tường của chùa An Lạc ở Kim Lăng, sau khi ông vẽ mắt, sấm sét nổi lên, rồng trên bức tường phá vỡ tường lao ra và bay lên trời.
Đọc sách luận bút
Trong bài học này, chúng ta sẽ chủ yếu bàn luận đến Lỗ Ban, nhân vật mà mọi người quen thuộc nhất. Lỗ Ban được coi là sư tổ của nghề thủ công ở Trung Quốc, cuộc đời của ông có rất nhiều điều thần kỳ, khi sinh ra hương thơm khắp phòng, hạc bay tới tụ tập quanh nhà, đến lúc tuổi già qua đời lại dùng phương thức bạch nhật phi thăng của người tu Đạo đắc Đạo thành Tiên. Ông không chỉ chế tạo ra con đại bàng bằng gỗ có thể bay và chở người lên không trung, mà còn chế tạo ra người máy như thật, để lại kỹ thuật thần kỳ làm xe gỗ; ông cũng không ngừng bảo hộ cho các đệ tử và thợ thủ công trong suốt các thế hệ sau, khắp nơi đều có lưu lại thần tích và truyền thuyết về ông, vì vậy ông được coi là “Xảo Thánh Tiên Sư”, sánh ngang với cả “Chí Thánh Tiên Sư” Khổng Tử, khắp các nơi ở châu Á đều có miếu thờ ông, và ông được hưởng cống vật tế lễ cao nhất cùng với Khổng Tử.
Lỗ Ban và Khổng Tử có thiên mệnh hỗ trợ cho nhau
Lỗ Ban sống vào cuối thời Xuân Thu và đầu thời Chiến Quốc, ông và Khổng Tử không những đều là người nước Lỗ, mà còn sống trong cùng một thời đại. Năm 15 tuổi, ông tôn học trò của Khổng Tử là Đoan Mộc làm sư, sau vài tháng có thể thông hiểu đạo lý mọi mặt, thế rồi ông cũng đi nhiều nước du thuyết như Khổng Tử, hy vọng họ sẽ tôn trọng Chu thiên tử, từ bỏ phân tranh, nhưng cũng giống như Khổng Tử, ông cũng không thành công, nên Lỗ Ban quy ẩn ở núi Thái Sơn. Sau khi ẩn cư 13 năm, ông được một cao nhân chỉ bảo, ngộ được thiên mệnh của mình là đến thế gian để truyền kỹ thuật thủ công, từ đó Lỗ Ban dốc lòng nghiên cứu về gỗ và đá, chứng ngộ ra rất nhiều phương pháp và công cụ ảo diệu, rồi truyền thụ cho đệ tử.
Nếu như Khổng Tử sau khi chu du liệt quốc thất bại mà ngộ ra rằng lấy phương thức giáo dục mà tuyên dương giáo hoá đạo đức là thiên mệnh của mình, thì Lỗ Ban lại đi theo một con đường khác. Ông lấy kỹ năng thủ công mà bách tính khắp thiên hạ cần nhất để truyền thụ “quy tắc” và “tiêu chuẩn” làm người, lấy phương thức triển hiện thần tích, tu đạo thăng thiên để điểm ngộ cho hậu nhân sự tồn tại của thiên đạo, khiến cho bách tính dân gian đời đời kiếp kiếp không ngừng sử dụng công cụ và kỹ nghệ mà ông lưu lại, đồng thời tế bái ông, hiểu được việc kính thiên trọng đức, không quên đi con đường trở về cuối cùng, đó là tu Đạo thành Thần. Ông lấy kỹ thuật để tạo phúc cho bách tính, lấy kỹ thuật tuyên dương giáo hoá đạo đức, bước đi trên một con đường khác tương phụ tương thành với Khổng Tử.
Cưa, bào, xẻng, thước thợ, quy, củ, ống mực… dùng cho thợ thủ công ngày nay; hay cối đá xay lúa, bàn tính dùng cho thương gia; thang mây dùng trong quân sự, móc câu dùng cho chiến thuyền v.v., tất cả đều do Lỗ Ban phát minh ra. Trong suốt 2500 năm trước thời Cách mạng Văn hóa, phàm ở đâu có các công trình dân dụng, động thổ xây nhà, thì trước hết phải tế Lỗ Ban, để cầu được bảo hộ và chỉ dẫn. Từ hoàng đế cho đến thường dân, ai cũng tôn ông làm tiên sư.
Điện Thánh Mẫu triều Tống, Lỗ Ban hiển thần tích
Điện Thánh Mẫu trong Từ đường của nhà Tấn (Tần Từ) ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, cao 19 mét, toàn bộ đại sảnh rất nguy nga và tráng lệ. Nhưng điều kỳ diệu là trong điện rộng rãi như thế, nhưng không có một cột trụ nào để chống đỡ.
Vào thời nhà Tống, triều đình đã ra sắc lệnh xây dựng Điện Thánh Mẫu trong Tần Từ, bên trong điện còn muốn đặt 43 bức tượng. Nhưng thời hạn của triều đình đến gần mà những người thợ thủ công lại không nghĩ ra được phương án kỹ thuật để giải quyết. Bỗng một hôm có một cụ già tóc bạc phơ đi đến công trường, loay hoay bắt đầu với những mảnh gỗ vụn trên mặt đất, bắc bên trái, bắc bên phải, cuối cùng một mô hình cung điện thu nhỏ đã được xây dựng, trong điện không có một cột trụ nào, hóa ra cụ già này đã thật khéo léo đặt điểm chịu lực của toàn bộ cung điện lên các cột mái hiên và cột hành lang xung quanh.
Những người thợ thủ công thấy đây chính là Điện Thánh Mẫu mà họ muốn xây dựng, sau khi định thần lại để tìm cụ già đó, thì không thấy bóng dáng cụ đâu nữa. Có người chợt hiểu ra cụ già này chính là Lỗ Ban hiển linh. Để tưởng nhớ Lỗ Ban đã hóa thân thành cụ già để hướng dẫn những người thợ thủ công và cứu người gặp nạn, người ta đã xây một ngôi miếu Lỗ Ban cách Điện Thánh Mẫu không xa.
Những truyền thuyết như vậy có ở khắp mọi nơi, nhiều không kể xiết. Thiên mệnh của ông là không ngừng để cho mọi người hiểu rằng kỹ thuật là do Thần truyền, con người nhất định phải biết kính trọng và cảm tạ trời đất.
Kể chuyện
Lỗ Ban – Tổ sư nghề thủ công
Công Thâu Tử, họ là Công Thâu, tên là Ban, là người nước Lỗ vào cuối thời Xuân Thu. Chữ “般” (bān) và “班” (bān) là đồng âm, thời cổ thường dùng thay thế cho nhau, vì ông là người nước Lỗ, nên người ta gọi ông là “Lỗ Ban”.
Tục truyền, khi Lỗ Ban ra đời, những con hạc báo điềm lành bay đến tụ tập, trong phòng toả đầy mùi hương thơm ngát. Ông từ nhỏ đã thể hiện ra khả năng quan sát nhạy bén, thích động não phát minh ra nhiều công cụ hữu dụng và tinh xảo, được người dân trong làng khen ngợi là “xảo đồng” (đứa trẻ giỏi kỹ thuật). Cả đời Lỗ Ban đã nghiên cứu kỹ thuật nghề mộc, phát minh ra rất nhiều công cụ, ông có rất nhiều đóng góp cho ngành kiến trúc, nghề mộc và máy móc, được hậu thế tôn sùng làm sư tổ của nghề thủ công ở Trung Quốc.
Một hôm, Lỗ Ban dẫn đồ đệ lên núi chặt cây, trên đường đi, bàn tay ông sơ ý bị cỏ dại cứa vào làm tổn thương. Ông nhổ cây cỏ lên và quan sát kỹ thì thấy mép của những lá cỏ mọc rất nhiều răng nhỏ, rất sắc bén. Lỗ Ban liền nảy ra ý tưởng làm một khúc tre dài có nhiều răng nhỏ, sau khi thử nghiệm cho thấy hiệu quả tốt, nhưng khúc tre không chịu nổi mài mòn, dễ gãy và bị cùn. Lỗ Ban thử đi thử lại, cuối cùng thay thế khúc tre bằng một thanh sắt, rồi ông cùng với đồ đệ kéo mỗi người một đầu, kéo qua kéo lại trên thân cây, và chẳng bao lâu sau đã cưa đứt cây. Cái cưa đã được phát minh ra như thế.
Ống mực được các thợ thủ công sử dụng để vẽ các đường thẳng là một trong những phát minh của Lỗ Ban. Khi làm đồ gỗ cần dùng dây mực để vẽ một đường thẳng, ông luôn nhờ mẹ kéo một đầu, còn ông kéo đầu kia, mới có thể vẽ đường thẳng trên gỗ được. Về sau, Lỗ Ban thiết kế một chiếc móc cong nhỏ ở đầu dây, và móc chiếc móc vào một đầu thanh gỗ, như thế chỉ cần một người là có thể vẽ được đường thẳng. Cái móc đã thay thế công việc của mẫu thân ông, nên những người thợ mộc sau này gọi cái móc là “Ban mẫu”. Thước thợ dùng để đo góc vuông (còn gọi là thước vuông hay thước Lỗ Ban) cũng là một phát minh của Lỗ Ban. Thước vuông có chiều dọc dài chiều ngang ngắn, có thể dùng để đo các góc vuông, cân bằng các đường và độ dài ngắn. Đến nay vẫn là một công cụ được sử dụng rộng rãi trong nghề mộc.
Khi bào gỗ, Lỗ Ban phải nhờ vợ giúp giữ để gỗ không bị trượt, về sau ông đã phát minh ra cách dùng cái “ngạch” để giữ một đầu thanh gỗ, chỉ cần một người là có thể bào gỗ. Các thế hệ thợ mộc sau này gọi cái “ngạch” làm bằng đoạn gỗ ngắn này là “Ban thê”.
Tài nghệ của Lỗ Ban quả thực cao siêu, theo sử sách ghi chép, ông đã từng đẽo tre và gỗ để tạo ra một con “đại bàng gỗ” có thể bay trên không trong ba ngày mà không rơi xuống. Ngoài ra, ông còn chế tạo ra một con “ngựa gỗ” có thể tự đi, kỹ thuật chế tác ngựa gỗ đến triều Hán mới bị thất truyền. Ngoài ra, ổ khóa Lỗ Ban, cối xay bằng đá, thang mây… đều là những phát minh của ông và chúng có ảnh hưởng rất sâu sắc đến các thế hệ sau.
Trương Tăng Diêu – Vẽ rồng điểm mắt
Trương Tăng Diêu, một họa sĩ thời nhà Nam Lương, ông rất giỏi vẽ chân dung và các câu chuyện trong tôn giáo, các tranh vẽ và đồ trang trí trong các chùa thời đó đa phần là do ông vẽ. Ông tiếp thu kỹ pháp “Đột Ao Hoa” (họa tiết lồi lõm) trong hội hoạ Thiên Trúc (Ấn Độ cổ), nhân vật và tượng Phật mà ông vẽ ra tạo cảm giác lập thể, sống động như thật.
Lúc bấy giờ, Lương Vũ Đế vì nhớ các hoàng tử nhận thụ phong ở bên ngoài nên đã lệnh cho Trương Tăng Diêu vẽ chân dung của họ, chân dung mỗi vị hoàng tử đều được vẽ sống động giống y như thật, nhìn chân dung như nhìn thấy người thật vậy.
Trương Tăng Diêu đã từng vẽ bức “Thiên Trúc Nhị Hồ Tăng Đồ” (Bức tranh hai tăng nhân người Hồ nước Thiên Trúc), sau đó vì chiến loạn mà hình hai Hồ tăng trong bức tranh bị chia tách. Vào thời nhà Đường, Lục Kiên – một viên quan Hữu Thường Thị – đã thu thập được một bức chân dung của một Hồ tăng. Sau đó, Lục Kiên lâm bệnh nặng, một đêm nằm mơ thấy một Hồ tăng nói với ông rằng: Ông ấy có một người bạn đồng hành đã ly tán nhiều năm, nay đang ở nhà họ Lý tại thành Lạc Dương, hy vọng Lục Kiên có thể tìm được người ấy và để họ ở cùng nhau một lần nữa, họ sẽ dùng pháp lực giúp đỡ ông. Lục Kiên theo lời của Hồ tăng đó, đến nhà họ Lý ở Lạc Dương, quả thực có một bức chân dung của một Hồ tăng khác, ông đã mua bức chân dung đó. Không lâu sau, Lục Kiên khỏi bệnh.
Còn điển cố về thành ngữ “Họa long điểm tình” (vẽ rồng điểm mắt) cũng liên quan đến các tác phẩm hội họa của Trương Tăng Diêu. Theo “Lịch đại danh hoạ ký”: Một năm nọ, theo thỉnh cầu của trụ trì chùa An Lạc ở Kim Lăng, Trương Tăng Diêu đã vẽ bốn con rồng lên tường của ngôi chùa, những con rồng này trông sống động vô cùng, khiến người xem không ngớt lời tán thưởng, nhưng chúng lại không có mắt. Mọi người không hiểu, thỉnh cầu ông vẽ thêm mắt cho rồng. Nhưng Trương Tăng Diêu không đồng ý, ông nói: “Con mắt là nơi tinh thần cư ngụ, nếu vẽ mắt lên, rồng sẽ có sức sống, sẽ liền bay đi mất”. Mọi người đều không tin lời ông, hết lần này lần khác yêu cầu ông vẽ mắt cho rồng. Trương Tăng Diêu đành phải cầm cọ vẽ mắt cho hai con rồng. Vừa vẽ xong thì sấm chớp nổi lên, hai con rồng lớn xuyên thủng tường mà lao ra, rồi cưỡi mây bay lên trời cao. Còn hai con rồng chưa vẽ mắt thì vẫn ở trên tường.
Kể từ đó, “Họa long điểm tình” thường được dùng như một cách nói ẩn dụ trong hội hoạ, văn chương, thuyết thoại, ở chỗ trọng yếu nhất thêm vào một nét bút, nhằm làm nổi bật điểm chính và làm cho toàn bộ tác phẩm trở nên linh hoạt sinh động như thật.
(Ghi chú: Phỏng theo sách giáo khoa “Ấu học Quỳnh Lâm” của Zhengjian.org)
ChanhKien.org