Truyền thuyết kể rằng danh tướng Quách Tử Nghi trung hưng Đại Đường là sao Bạch Hổ hạ phàm. (Shutterstock, Phạm vi công cộng / Epochtimes biên tập)
Chiến tranh Nga – Ukraine đầy hỗn loạn và sát khí vào đầu xuân Nhâm Dần, khiến người ta liên tưởng đến 4 năm Dần của thế kỷ trước: Năm 1914 Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất nổ ra, năm 1950 Chiến tranh bán đảo Triều Tiên, năm 1962 Khủng hoảng tên lửa Cuba suýt dẫn đến chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô, tháng 4 năm 1986 nổ tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl… – chẳng trách có câu “Hổ niên đa chiến loạn”.
Lành dữ ở nhân gian là có đối ứng với biến hóa của thiên tượng. Cổ nhân quan sát thiên tượng, thông qua quy luật vận hành của mặt trời, mặt trăng, các thiên thể mà dự đoán tương lai. “Ngũ tinh hợp tụ” (5 hành tinh lớn đồng thời xuất hiện trong phạm vi nhỏ trên bầu trời) thường được coi là điềm thay triều đổi đại, “Huỳnh hoặc thủ tâm” (hiện tượng Sao Hỏa dừng lại trong Chòm Sao Tâm) thì chính là đại hung.
Tinh tượng học là môn học bắt buộc của nhà binh thời cổ, “Tướng cầm binh, trên được thiên đạo, dưới được địa lợi, giữa được nhân tâm.” (“Hoài Nam Tử”). Thời Tần – Hán, trước khi quân đội xuất chính đều phải cử hành nghi thức tế tự Bắc Đẩu, mượn thần lực của Bắc Đẩu Thất Tinh cổ vũ sĩ khí, cầu nguyện Thiên ý bảo hộ, chiến thắng kẻ địch. Truyền thuyết cho rằng 36 Thiên Cương và 72 Địa Sát trong Bắc Đẩu Tùng Tinh thường liên thủ với Nhị Thập Bát Tú để hàng yêu phục ma.
Phương Đông cổ đại chia các hằng tinh trên trời ra làm 7 khu vực sao lớn – “Tam Viên”, “Tứ Tượng”. “Tam viên” (Tử Vi viên, Thái Vi viên, Thiên Thị viên) bao quanh sao Bắc Cực và có phần ngoại vi là các chòm sao có hình dáng giống động vật. “Tứ tượng” : Đông Thương (Thanh) Long, Tây Bạch Hổ, Nam Chu Tước, Bắc Huyền Vũ, mỗi Thần thú này cai quản 7 tinh tú, phân bố gần đường hoàng đạo và đường xích đạo thiên cầu, trải khắp một vòng bầu trời, gộp lại là “Nhị thập bát tú” .
Tây Phương Thất Túc (Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Tuy, Sâm), có 54 chòm sao, hơn 700 ngôi tinh, hợp thành hình con hổ. Trong ngũ hành, phía Tây thuộc Kim, màu trắng, nên gọi là Bạch Hổ.
Bạch Hổ là chiến thần cầm binh, tượng trưng cho uy vũ và quân đội, nhanh mạnh như sấm, “khí nuốt vạn dặm như hổ”, hổ kỳ tung bay đón gió, hổ phù điều binh khiển tướng, hổ đầu trạm kim thương sắc nhọn vô cùng, lá chắn vẽ đầu hổ… Người ta cũng gọi những tướng lĩnh đặc biệt dũng mãnh thiện chiến là “Hổ tướng”, Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” là ngũ hổ thượng tướng uy chấn tám phương.
Càng lợi hại hơn đây là Thiên cung Thần tướng. “Tây du ký” từ hồi 28 tới hồi 31, Hoàng Bào Quái biến Đường Tăng thành con hổ. Tôn Ngộ Không đánh nhau với Hoàng Bào Quái hơn năm, sáu chục hiệp bất phân thắng bại, liền lên Thiên giới xin giúp đỡ, tra ra mới biết đó là Khuê Tinh trong Nhị Thập Bát Tú hạ phàm. Hoàng Bào Quái nguyên là ngôi sao đứng đầu trong chòm Tây Phương Bạch Hổ – Khuê Mộc Lang. Hồi 55, Tôn Ngộ Không đánh không lại Yêu Tinh Bọ Cạp, phải mời Mão Nhật Tinh Quan (Mão Tinh của Bạch Hổ Thất Túc), hiện hình thành con gà trống lớn, gáy to hai tiếng, Yêu Tinh Bọ Cạp mới đi đời.
Tại dân gian, hổ là vua của muôn thú uy nghi hùng tráng, tác dụng hộ vệ trừ tà đuổi quỷ được khắc sâu trong lòng người. Tranh “Thần hổ trấn trạch” và tranh niên họa Võ tài thần Triệu Công Minh cưỡi hổ rất được yêu thích. Người lớn cho trẻ con đi giày đầu hổ, đội mũ đầu hổ, mong muốn con cháu khỏe mạnh sung sức như hổ con.
“Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ”, “Đất đế vương rồng cuốn hổ ngồi”, rồng gầm hổ rống, rồng cuộn hổ nhảy, tỉ dụ cho phong thủy của vùng đất tốt, anh hùng hào kiệt lớp lớp xuất hiện, nhân tài đông đúc, quốc thái dân an, thực lực cường thịnh. Rồng và hổ có thể hợp tác tốt, cũng có thể biến thành đối thủ một mất một còn.
Tượng thứ nhất trong “Thôi Bối Đồ” nói: “Tự tòng Bàn Cổ hất hi di, Hổ đấu long tranh sự chính kỳ.” Từ Bàn Cổ khai mở thiên địa, mãi cho đến thời hư trống sau cùng của mạt thế, thì long tranh hổ đấu, tương sinh tương khắc, hưng suy phân hợp, nhân quả tuần hoàn… vẫn là những tiết mục luân phiên trình diễn.
Thanh Long bốn lần chuyển thế, Bạch Hổ ba lần đến triều Đường
Từ loạt tiểu thuyết Tùy – Đường đến Bình thư, Hí khúc, câu chuyện “Thanh Long tứ chuyển thế, Bạch Hổ tam đầu Đường” được kể rất sinh động lôi cuốn.
Đời thứ nhất – Đan Hùng Tín và La Thành. Tinh tú hạ phàm ở vũ đài Thần Châu
Từ thời hậu kỳ của Nam Bắc triều đến triều Tùy, tinh tú trên trời đều đua nhau hạ phàm, bởi vì biết được Tử Vi Tinh Quân (Tử Vi Đại Đế) muốn tới nhân gian khai sáng thịnh thế. Mấy người như Lý Uyên, Lý Mật, Vũ Văn Hóa Cập, Vương Thế Sung, Đậu Kiến Đức, Chu Sán, Mạnh Hải Công, Cao Đàm Thánh, Lưu Hắc Thát v.v.. đều là Nhị Thập Bát Tú hạ phàm, 36 Thiên Cang cũng hạ thế chuyển sinh thành 36 vị mãnh tướng, sớm trải đường cho màn kịch lớn, sắm các vai diễn khác nhau khi thiên hạ đại loạn, quần hùng tranh giành.
Lao dịch và bắt lính không ngừng nghỉ, khiến cho ruộng vườn hoang phế, thêm vào là những năm thiên tai đói kém, dân chúng lầm than. Trong hàng trăm đội quân khởi nghĩa cuối đời Tùy, thì quân Ngõa Cương Hà Nam – với nhiều lần đánh bại quan binh chủ lực – là có thực lực mạnh nhất. Thời cường thịnh nó có 30 vạn nhân mã, nghìn viên chiến tướng, trở thành thế lực cát cứ số một ở Trung Nguyên. Thành viên nòng cốt của nó – trong 46 người kết nghĩa anh em của trại Ngõa Cương – thì có Tả tướng tinh, Hữu tướng tinh, Tả thiên bồng đại tướng, Thổ đức tinh quân chuyển thế là Ngụy Trưng, Từ Mậu Công (nguyên danh Từ Thế Tích, còn có tên Lý Tích), Tần Quỳnh (tự Thúc Bảo), Trình Giảo Kim. Còn có Thanh Long tinh, Bạch Hổ tinh hạ phàm là Đan Hùng Tín và La Thành.
Tay cầm giáo Kim Đinh Tảo Dương, cưỡi ngựa Thiểm Điện Long Câu, râu tóc rậm màu nâu, dưới mặt trời có ánh sắc đỏ, biệt hiệu “Xích phát linh quan”, chính là Đan Hùng Tín khôi ngô dũng mãnh, mạnh mẽ nhanh nhẹn, được gọi là “Phi tướng”. Ông đứng đầu Ngũ hổ tướng của quân Ngoã Cương, cầm đầu Cửu tỉnh Lục lâm. Trại chủ Trác Nhượng và quân sư Từ Mậu Công đều là bạn đồng hương của ông. Đan Hùng Tín hào sảng trượng nghĩa nhiều lần cứu trợ Tần Quỳnh nghèo túng, nhờ đó có duyên làm quen với em họ của Tần Thúc Bảo là La Thành – người nhỏ tuổi nhất trong 46 anh em.
La Thành theo cha là Bắc Bình Vương La Nghệ tập võ chinh chiến, không chỉ có thương pháp tinh diệu, hơn nữa còn có tài thao lược. Vị này tính tình trẻ con, cưỡi con ngựa trắng, vào trận là nhanh chóng tấn công, thần dũng dị thường, sử dụng cây thương bạc năm ngạnh, không gì cản nổi. Vì mặt mũi trắng trẻo mà lại nghiêm túc, nên có biệt hiệu là “Lãnh diện hàn thương tiếu La Thành”.
La Thành chướng mắt với Đan Hùng Tín lục lâm thảo khấu lỗ mãng, Đan Hùng Tín cũng không dễ đối phó với vị công tử cao ngạo này. Khi trại Ngõa Cương bị quan binh Dương Lâm vây khốn, La Thành đáp ứng lời mời mà từ Bắc Bình tới công phá kẻ địch, ông điều binh khiển tướng, bình tĩnh chỉ huy, đại phá Nhất Tự Trường Xà Trận, về sau lại nội ứng ngoại hợp mà phá Đồng Kỳ Trận. Trong Đại hội tỉ võ Dương Châu, La Thành dũng mãnh đoạt Trạng Nguyên khôi, một cú xoay người hồi mã thương đâm trúng yết hầu của Kháo Sơn vương Dương Lâm. Trong bảng xếp hạng anh hùng Tùy – Đường, La Thành – người bẩm sinh dị thường, lại mang tài tướng soái – xếp thứ 7.
Bài đồng dao “Đào lý tử” – Thành bại của Lý Mật
Quân Ngoã Cương thắng trận liên tiếp, uy danh vang dội; mở kho phát lương, cứu tế bách tính. Về sau, quân Ngõa Cương được lãnh đạo bởi thủ lĩnh Lý Mật, người rất có tài thao lược và khả năng lôi cuốn, từng là mưu sĩ tham dự binh biến của Lễ bộ Thượng thư Dương Huyền Cảm, cũng là một trong những người kiêu hùng có tham vọng bá nghiệp. Những người hâm mộ ông đầu quân tham gia không chỉ có có rất nhiều dân chúng, đội nghĩa quân nhỏ, mà còn có quan lại nhà Tùy và các hàng tướng.
“Dương hoa lạc, lý hoa khai; đào lý tử, hữu thiên hạ…” (hoa dương liễu rụng, hoa mận nở. Đào lý tử, có thiên hạ).
Lúc đó dân gian truyền nhau hát bài đồng dao “Đào lý tử”, những lời tiên tri như “Họ Dương bị diệt, họ Lý sẽ hưng”, “Họ Lý làm thiên tử” được truyền bá khắp nơi, lan như lửa cháy, mang theo sức mạnh lật đổ ngấm ngầm, thành mối lo lớn của Tùy Dạng Đế Dương Quảng.
Tùy Dạng Đế theo dõi hậu duệ họ Lý của tập đoàn quý tộc Quan Lũng, mượn cơ hội xử tử gia đình 32 người của đại thần Lý Hồn, Lý Mẫn. Đối với anh em bà con như Lý Uyên ở Thái Nguyên thì Tùy Dạng Đế có lòng nghi kỵ sâu sắc, vẫn luôn phái người giám sát.
Khi tin tức viên tướng dũng mãnh nhất của triều Tùy mạt là Trương Tu Đà bị Lý Mật đánh bại và tử trận truyền đến, Tùy Dạng Đế lập tức chết điếng trên ngai, nỗi sợ đại thế đã mất khiến cho ông ăn không ngon ngủ không yên, thở vắn than dài, đấm ngực giậm chân, nghiến răng nghiến lợi. Lý Mật là chắt trai của Lý Bật – một trong bát trụ lập quốc, và là người của tập đoàn Quan Lũng. Vì ánh mắt Lý Mật không giống người tầm thường mà bị Tùy Dạng Đế cho thôi chức túc vệ trong cung.
Lý Mật chính là cậu thiếu niên chăm học trong điển cố “Ngưu giác quải thư” – “Buộc sách sừng trâu” (Lý Mật cưỡi trâu chậm rãi đi, chuyên tâm đọc bộ “Hán thư” vẫn thường buộc ở sừng trâu). Ông không chỉ nhận được sự ưu ái của Việt quốc công Dương Tố, mà còn theo con trai của Dương Tố là Dương Huyền Cảm tạo phản, thua trận trốn đến Trại Ngõa Cương (nay là phía Nam huyện Hoạt, Hà Nam) tạo ra thời kỳ thứ hai trong sự nghiệp, trở thành mối uy hiếp số một của triều Tùy. Tùy Dạng Đế không ngừng triệu tập binh lực toàn quốc để bao vây tiễu trừ quân Ngoã Cương, phái đội quân mạnh Giang Hoài của Vương Thế Sung tiếp viện Lạc Dương.
Khi quan binh chủ lực mải đánh nhau với quân Ngoã Cương, không để ý, cha con Lý Uyên ở Thái Nguyên khởi binh, vượt Hoàng Hà, trấn giữ Đồng Quan, đánh chiếm Trường An, trú tại nơi hiểm yếu đắc địa, ở yên quan sát tình thế biến hóa. Quân Ngoã Cương đang phát triển cực thịnh lại đột nhiên nội chiến, Lý Mật sát hại chủ cũ Trác Nhượng của Ngõa Cương, khiến cho nhiều tướng sỹ mếch lòng, hiềm khích gián cách thêm sâu sắc, sức tập trung giảm.
Tháng 4 năm 618, Tùy Dạng Đế vì binh biến của phản tướng Vũ Văn Hóa Cập mà thắt cổ chết ở Giang Đô (Dương Châu). Ngày 18 tháng 6 cùng năm, Lý Uyên xưng đế ở Trường An, thành lập triều Đường. Các quan triều Tùy như Vương Thế Sung ở Đông Đô, thành Lạc Dương đưa Hoàng tôn Dương Đồng lên làm vua. Lúc này, Vũ Văn Hóa Cập – vì muốn quay về Quan Trung, điều quân lên phía Bắc – đã đến ngoại ô Lạc Dương, dòm ngó kho lương mà quân Ngoã Cương chiếm cứ.
Tình thế nguy ngập, tiểu hoàng đế bù nhìn đề xuất đình chiến với quân Ngoã Cương, phong Lý Mật làm Thái úy, Thượng thư lệnh. Để tránh lưỡng đầu thọ địch, Lý Mật – minh chủ của nghĩa quân chống Tùy – đã tiếp thu chiêu an, phụng chỉ toàn lực chống lại hơn 10 vạn quân Kiêu Quả của Vũ Văn Hóa Cập. Quân Kiêu Quả là Kiêu vệ ngự lâm quân của triều Tùy, phần nhiều được tuyển chọn ở Quan Trung, lại còn phải là người ưu tú, trải qua huấn luyện nghiêm khắc về thể chất và kỹ năng, vũ khí trang bị đều là thứ tốt nhất đương thời, có thể nói là tinh nhuệ dũng mãnh bậc nhất. Hai bên ác chiến trong thời tiết hè nóng bức, 8000 tinh binh Phiêu kỵ mà Lý Mật vẫn tự hào bị tổn thất gần hết, Ngõa Cương tuy thắng nhưng thiệt hại nặng, nguyên khí đại thương, lập tức bị đối thủ cũ Vương Thế Sung lợi dụng thời cơ tấn công.
Mệt mỏi chưa gượng dậy được, thì mâu thuẫn âm ỉ thời gian dài lại nổ ra. Nội bộ bất hòa, chiến lược sai lầm (kiến nghị của những người như Ngụy Trưng không được tiếp thu), bốn mặt là chiến tranh, trường kỳ tác chiến gian khổ, hơn nữa hồ đồ nhận chiêu an để rồi tiếp tục phải chinh chiến, rơi vào bẫy. Trong tình thế hấp hối, Bỉnh Nguyên Chân trấn thủ kho Lạc Khẩu âm thầm cấu kết với Vương Thế Sung, dâng kho lương mà quân Ngoã Cương dựa vào để sinh tồn. Tần Quỳnh, Trình Giảo Kim, La Thành dũng mãnh thế nào cũng cũng không có cách vãn hồi xu hướng suy tàn. Tướng sĩ sức cùng lực kiệt, chán ghét lại thất vọng, thủ lĩnh của họ cũng không phải bậc chủ nhân có thể điều khiển hổ tướng hùng tài cũng như chế phục người trong thiên hạ, Thiên mệnh không bên ông. Đan Hùng Tín vốn nghi ngờ bất mãn đã lâu, giờ lại đem người đầu hàng. Lý Mật dẫn tàn quân đột phá vòng vây, tìm nơi nương tựa nơi Lý Uyên ở Trường An, về sau lại phản Đường mà bị giết.
Quân Ngõa Cương danh chấn thiên hạ sụp đổ. Các đại tướng như Tần Quỳnh, Trình Giảo Kim, La Thành, Lưu Hắc Thát v.v… được Vương Thế Sung thu nạp. Không lâu sau, Lưu Hắc Thát đi theo người bạn đồng hương Đậu Kiến Đức – lãnh tụ quân khởi nghĩa nông dân Hà Bắc.
(Còn tiếp)
Tư liệu tham khảo:
“Tùy thư”, “Cựu Đường thư”, “Tân Đường thư”, “Tư trị thông giám”, “Tùy Đường diễn nghĩa”, “Thuyết Đường toàn truyện”, “Hưng Đường truyện”
Theo Trầm Tĩnh – Epochtimes
Hữu Đức biên dịch
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam