Từ loạt tiểu thuyết Tùy – Đường cho đến Bình thư, Hí khúc, câu chuyện “Thanh Long tứ chuyển thế, Bạch Hổ tam đầu Đường” được kể rất sinh động lôi cuốn. (Shutterstock/ Epochtimes biên tập)
Xem lại:
Bạch Hổ hạ phàm bảo vệ Đại Đường, trải bao gian khổ thực hiện thệ ước (1)
Đầu quân minh chủ, duyên về Lý Đường
Thế là, người đánh bại địch thủ lâu năm Lý Mật, thu nạp rất nhiều danh tướng Ngõa Cương bị thương và bị bắt, nắm toàn bộ triều chính… chính là Vương Thế Sung hiển hách một thời. Ông (lấy danh nghĩa Hoàng thái chủ Dương Đồng) phong Đan Hùng Tín là Đại tướng quân, Tần Quỳnh là Long tương Đại tướng quân, Bùi Hành Nghiễm (nguyên mẫu của Bùi Nguyên Khánh trong các tiểu thuyết như “Thuyết Đường toàn truyện” v.v… và Bình thư) là Tả phụ Đại tướng quân, Trình Giảo Kim, La Sĩ Tín (nguyên mẫu của La Thành trong tiểu thuyết diễn nghĩa). Mùa thu năm 618, Quan Trung – Lý Uyên, Hà Bắc – Đậu Kiến Đức, Hà Nam – Vương Thế Sung, đã hình thành thế chân vạc ở phía Bắc Hán địa.
Vương Thế Sung là hậu duệ của người Hồ Tây Vực di cư (cha của ông theo bà nội tái giá vào nhà họ Vương, nên ông cũng đổi sang họ người Hán). Vương Thế Sung có mũi ưng, mắt sâu, để có thể nổi bật tại vương triều Trung Nguyên, ai biết được ông đã phải dành bao công phu đọc sách (từ sách kinh sử binh pháp đến quy sách thôi bộ), hao phí tâm tư lấy lòng Tùy Dạng Đế, chịu đựng vô số chèn ép, đợi đến khi nắm bắt đúng thời cơ mà chuyển bại thành thắng… Thời đỉnh điểm, Vương Thế Sung phấn khích bành trướng, khí phách lộ ra ngoài. Đất đai màu mỡ, vựa lúa, thành chắc, cung vua, hổ tướng tinh binh, vương bài trong tay, nắm chắc phần thắng. “Tóc xoăn, tiếng sói ” – ông đặc biệt thích hội họp thuộc hạ, giáo huấn đi giáo huấn lại. Trên lễ đường thiết triều thì càng liến thoắng, thao thao bất tuyệt, “nghe trăm công nghìn việc đến mệt thì thôi” .
Trình Giảo Kim tuy thô kệch nhưng lại có chỗ tinh tế, có cái nhìn nhạy bén. Ông lén nói với Tần Quỳnh (tự Thúc Bảo): “Vương công khí độ hẹp hòi, trí tuệ nông cạn, lại thích ăn nói ba hoa, động một chút là thề thốt, chẳng qua là một mụ phù thủy, nào có đâu là bậc quân chủ dẹp loạn?!”
Tần Quỳnh vốn cẩn trọng nghiêm túc cũng có cái nhìn sâu sắc như vậy. Nhìn Vương Thế Sung giảo trá như lang sói, tiến bước gấp gáp và Hoàng thái chủ như con cừu non co quắp trên ngai, thì biết nhà Tùy không có cách nào phục hưng.
Tần Thúc Bảo trong rừng đao núi tên của quân Kiêu Quả mà cứu Lý Mật, Trình Giảo Kim bị đâm vào người nhưng vẫn chém gãy giáo địch, đoạt lại Bùi Hành Nghiễm… chính là những hào kiệt Sơn Đông dũng mãnh, khí tiết khảng khái! Thân trải trăm trận, xông pha khói lửa, thẳng thắn, cởi mở. Họ là những người không dùng lợi mà dụ dược, cũng không diễn mà lừa được.
Trình Giảo Kim không phải là tên thô lỗ “chỉ biết dùng rìu tam bản”, ông “giỏi cưỡi ngựa múa giáo”, dẫn dắt đội ngũ, bảo vệ người ở quê nhà, tầm nhìn rộng, thức thời, năng nổ hoạt bát. Sau khi gia nhập quân Ngoã Cương, được Lý Mật trọng dụng, ông và mấy người như Tần Quỳnh v.v… cùng nhau trở thành mãnh tướng của đội quân 8000 Phiêu Kỵ. Tương truyền ông lúc ra đời thì “miệng ngậm khối vàng”, tên dân gian quen gọi cũng là tên thời nhỏ: Trình Giảo Kim, về sau ông đổi tên là Trình Tri Tiết, tự là Nghĩa Trinh.
Trong chính sử, Tần Thúc Bảo ban đầu là thân binh của tướng nhà Tùy Lai Hộ Nhi, lúc dưới trướng Trương Tu Đà có danh tiếng chiến tích, về sau theo Bùi Nhân Cơ đầu quân Ngõa Cương Lý Mật. Chìm nổi trong loạn thế, mê mang bồi hồi trong thế đạo vô thường biến đổi, trải qua ma luyện, ông cảm khái từ đáy lòng: Tìm được một vị minh chủ đáng để đi theo vào sinh ra tử quả thực rất quan trọng!
Khi tạm thời sống ở Lạc Dương, mấy người họ xem xét Lý Đường: Mưu tính sâu xa, tấn công phòng thủ ổn định vững chắc, là chỉ dấu của việc có thể thành đại sự, nhận được sự ủng hộ rộng khắp của quý tộc cùng bình dân. Lý Thế Dân trẻ tuổi mà vô cùng oai hùng thiện chiến, mở rộng cửa chiêu nạp hiền tài… Lúc đó, Ngụy Trưng theo Lý Mật đầu quân cho Đường đã thuyết phục tướng giữ Lê Dương là Từ Thế Tích về Đường. Mà hai người Trình, Tần đang lúc sức lực mạnh mẽ kia cũng ngày càng trưởng thành hiểu biết, chỉ mong nguyện vì việc chính đáng, vì người đáng tin, mà trung thành tận tụy đem hết toàn lực, xông pha chiến đấu bình định thiên hạ. Việc không thể chậm trễ, không thể lãng phí thời gian công sức.
Năm Võ Đức 2 (năm 619) nhuận tháng 2 Âm lịch, khi Vương Thế Sung đang đương đầu với quân Đường ở Cửu Khúc, Hà Nam, thì thấy Tần Quỳnh, Trình Giảo Kim rời khỏi đội ngũ, phi ngựa về hướng Tây hơn trăm bộ, xoay người ôm quyền thi lễ với Vương Thế Sung từ xa, lớn tiếng nói: “Chúng tôi được ngài hậu đãi, luôn muốn đền đáp, nhưng ngài tính tình nghi kỵ, tin lời gièm pha, không phải là chỗ chúng tôi nương nhờ, hôm nay không còn phụng mệnh, xin từ nay về sau không còn liên quan.”
Thế rồi, hai người phi thân lên ngựa, mang theo Ngưu Tiến Đạt, Ngô Hắc Thát v.v… hơn 10 bộ hạ thẳng đến doanh trại quân Đường. Hai vị tướng quân ở trận tiền thong dong cáo từ, quyết tâm vì nghĩa mà bước đi, là một trường cảnh chân thực, quang minh lỗi lạc, chấn động nhân tâm được miêu tả trong “Cựu Đường thư”, “Tư trị thông giám”.
Vương Thế Sung bị bất ngờ đến giật mình, muốn truy sát nhưng không kịp, cũng không ai ngăn được mấy vị cao thủ võ công này. Ông sắc mặt tái xanh, liếc nhìn tướng sĩ đang ngơ ngác phía sau, không khỏi hồ nghi đầy bụng, có bao nhiêu người cũng mong muốn như vậy? Trước mặt bao người, hiệu ứng từ việc danh tướng bỏ Vương theo Lý khiến ông hoang mang cực độ. Lão Vương ta đối đãi các ngươi không tệ cơ mà? Ông nghĩ không ra làm sao để giữ người.
Xuân về hoa nở, trên bầu trời thành Lạc Dương rất nhiều chim tước kỳ lạ bay tới, trên cổ chim buộc lụa trắng có ghi tiên tri Vương thay Tùy nắm giữ thiên mệnh, ai bắt được chim thì gặp may thăng quan tiến chức. Sau mấy chiêu đánh động thiên hạ này, Vương Thế Sung phế truất vua Tùy Dương Đồng, chiếm cứ cung vua (Tử Vi cung) – đối ứng với chòm Tử Vi Viên trên trời, cử hành long trọng lễ đăng cơ, tự lập làm Hoàng đế Đại Trịnh, phong nhiều người trong tộc làm Vương.
Không lâu sau, mấy người như cha con Bùi Nhân Cơ, Bùi Hành Nghiễm v.v… vì lập kế hoạch ám sát Vương Thế Sung mà bị chu di tam tộc, Hoàng thái chủ vốn bị giam lỏng ở điện Hàm Lương cũng bị sát hại. Dương Đồng 16 tuổi, trước khi lâm chung dâng hương bái Phật, cầu nguyện đời đời kiếp kiếp không tái sinh ở nhà đế vương.
Vua Trịnh dùng hình phạt nặng để trấn áp trạng thái trốn khỏi triều đình. Tướng lĩnh ra ngoài đánh trận, gia quyến phải đưa đến giam lỏng trong cung, một người trốn tránh, cả nhà bị chặt đầu. Cứ năm nhà thì gọi là một “bảo”, một nhà trốn, giết cả hàng xóm bốn bên, ai tố cáo thì được miễn tội chết. Mặc dù vậy, vẫn không ngăn được lòng người lay động, giết càng nhiều, trốn càng nhiều.
Tiếp theo Tần Quỳnh, Trình Giảo Kim, Phiêu Kỵ Tướng Quân Lý Quân Tiện, Chinh Nam Tướng Quân Điền Lưu An cũng nhanh chóng về theo Đường. Người làm cho Vương Thế Sung phát điên nhất là La Sĩ Tín – người ông tận sức lôi kéo, cùng ăn cùng ở – lại đem hơn ngàn người quy thuận Đại Đường. Mấy người như Tả Long Tương Tướng Quân Tịch Biện, Dương Kiền An, Lý Quân Nghĩa v.v… cũng liên tiếp trở giáo. Đợi đến sau tháng 7 năm 620, Lý Thế Dân dẫn quân thẳng tiến Trung Nguyên, châu huyện Hà Nam, thành trì ngoại vi Lạc Dương đều chờ đầu hàng, quân dân tranh nhau quy phục vô số kể.
Vương Thế Sung lệnh cho anh em con cháu đóng giữ các nơi yếu địa chiến lược ở bốn bề Lạc Dương. Trước mắt ông là cảnh tiêu điều vắng vẻ, chưa được hai năm mà hổ tướng danh thần dưới trướng đã trốn hơn phân nửa. Lương thực hết, nhân khẩu trong thành giảm mạnh. “Đến cả quan thượng thư Lô Quân Nghiệp, Quách Tử Cao v.v… cũng chết đói”, vậy thì tình cảnh dân thường thê thảm thế nào có thể đoán ra được. Trong lúc bị dồn vào chân tường, ông phái người đi cầu cứu chi viện của Hà Bắc Hạ vương Đậu Kiến Đức, nhấn mạnh hai nước Trịnh, Hạ môi hở răng lạnh, ông còn nhiều lần trấn áp quan viên mưu tính dâng thành cho Lý Đường. Ngự Sử Đại Phu Trịnh Đĩnh muốn từ chức làm hòa thượng, Vương Thế Sung nổi giận, thét giải ra phố, chém đầu răn chúng.
Sứ mệnh thệ ước và ân oán tình thù
Sau khi Tần Thúc Bảo, Trình Tri Tiết v.v… về theo Đường, Đường Cao Tổ Lý Uyên phân họ đến dưới trường Tần Vương Lý Thế Dân, Thế Dân “vốn nổi tiếng dũng mãnh, đãi ngộ hậu hĩnh”, đem theo các tướng trấn thủ Trường Xuân Cung, để Thúc Bảo làm Mã quân tổng quản, Tri Tiết làm Tả tam thống quân.
Tần Thúc Bảo là mãnh tướng bách chiến bách thắng thời Tùy mạt Đường sơ. “Mỗi khi địch có tướng sĩ nhanh nhẹn tiến đến, Tần vương liền lệnh cho Thúc Bảo ra đánh, có thể thúc ngựa múa thương đâm trúng mục tiêu giữa vạn người, hành sự như ý…” (“Tân Đường thư – Tần Quỳnh truyện”)
Tháng 12 năm 619, quân Đường mai phục ở Mỹ Lương Xuyên (phía Nam huyện Văn Hỷ, Sơn Tây), đánh bại quân của tướng Lưu Võ Chu. Hắc sát tinh lâm phàm Uất Trì Cung (tự Kính Đức) và Tả thiên bồng hạ thế Tần Thúc Bảo tương phùng trong trời đất băng tuyết, được tiểu thuyết, Bình thư diễn giải thành câu chuyện “tam tiên hoán lưỡng giản” với nhiều phiên bản, nhưng đều toát lên màn quyết đấu tuyệt luân, anh hùng trọng anh hùng.
Xuân năm sau, Tần Vương Lý Thế Dân tự mình dẫn quân kỵ tinh nhuệ vượt ngàn dặm truy kích quân mã Tống Kim Cương thua chạy, không chỉ thu phục lại tất cả đất Sơn Tây bị mất, mà còn chiêu hàng được hổ tướng siêu cấp giữ thành Giới Hưu là Uất Trì Kính Đức. Tần vương vô cùng vui mừng, ban thưởng yến tiệc. Ông không màng những lời phản đối bên tai, đối xử bình đẳng và giao trọng trách, lệnh Kính Đức làm Hữu nhất phủ thống quân, thống lĩnh 8000 bộ hạ cũ.
Tuy mới ngoài 20, nhưng tư chất ngút trời, thao lược thần võ, tài năng chỉ huy quân sự trác việt, chiến thuật biến ảo linh hoạt, làm gương cho binh sĩ, tinh thần đồng cam cộng khổ của Lý Thế Dân đã tỏa sáng rực rỡ trong chiến dịch lập quốc của triều Đường. Các tướng sỹ theo Tần Vương chinh chiến cất vang tiếng ca hào hùng: “Nhận lệnh chào Tần vương, quân tướng diệt phản thần. Đồng ca “Nhạc phá trận”, cùng nhau hưởng thái bình. Bốn biển vua che chở, nghìn năm thủy đức trong…”
Sức cuốn hút nhân tài, thành ý tràn đầy, sự tín nhiệm và khí độ rộng rãi của Lý Thế Dân là không gì sánh được. Ông có con mắt tinh tường, lựa chọn cắt đặt hiền tài không theo khuôn sáo. Biết người biết việc, dùng người thì không nghi ngờ, khiến nhân tâm quy phục.
Mùa thu năm 620, khi bao vây tấn công Lạc Dương, tướng cùng với Uất Trì Kính Đức đầu hàng Đường là Tầm Tương bỏ trốn. “Chư tướng nghi Kính Đức tất phản”, muốn chém để ngăn ngừa hậu họa. “Ông ấy thật muốn phản, sao lại chậm sau Tầm Tương?”
Lý Thế Dân dẹp bỏ dị nghị, hạ lệnh thả Kính Đức đang bị trói ra, dẫn ông vào phòng riêng nói chuyện: “Đại trượng phu đối đãi theo khí phách, không để ý chuyện nghi ngờ vặt vãnh. Ta sẽ không tin lời gièm pha mà hại trung lương, xin ngài lượng thứ.”
Tần Vương đem ra vàng ngọc rồi nói: “Nếu như khăng khăng phải ra đi, vậy hãy dùng những tài vật này giúp đỡ ngài, để bày tỏ tình cộng sự ngắn ngủi của chúng ta.” (“Cựu Đường thư – Liệt truyện 18”).
Buổi nói chuyện chân thành, sự hiền minh thành khẩn của Tần vương đã khiến cho con người mặt sắt đen xì 35 tuổi phải cảm động rơi lệ, Uất Trì Kính Đức nhận định, Lý Thế Dân mới đúng là người chủ thực sự của mình! “Kẻ sĩ chết vì người tri kỷ”, dù máu chảy đầu rơi, cũng cam tâm tình nguyện, không hối tiếc! Từ đó về sau, ông trung trinh không đổi, sống chết đi theo, nhiều lần trong nguy nan mà cứu giá bảo vệ chủ nhân.
Được người tài sẽ được thiên hạ. Đường Cao Tổ Lý Uyên thưởng công hào phóng rộng rãi không kể sang hèn. Dân chúng hăng hái tòng quân, anh dũng tác chiến. La Sĩ Tín đem người về theo Đường, Cao Tổ phái sứ giả nghênh tiếp úy lạo, sai ông làm Thiểm Châu đạo Hành quân Tổng quản. Đối với đại tướng hàng đầu Tần Quỳnh, Cao Tổ ban bình vàng, phong làm Thượng trụ quốc, tâm tình tán thưởng, tình cảm tràn đầy trong lời nói: “Khanh không để ý vợ con, ở xa tới theo ta, lại lập công lớn. Thịt của trẫm nếu cần để cho khanh dùng, thì cắt ra mà ban cho khanh cũng được, huống gì ngọc ngà mỹ nữ? Khanh đừng ngại.”
Cắt thịt cứu mẹ, cắt đùi cho quân vương, là người xưa dâng cho người thân quý trong tình cảnh đặc thù như nạn đói, chiến loạn, nghèo nàn bệnh tật v.v… Một vị đế vương phát biểu với công thần một cách hiếm thấy như vậy, thể hiện sức nặng của Thúc Bảo trong lòng Lý Uyên, cũng thể hiện rằng Lý Uyên hiểu rõ Thúc Bảo khó khăn thế nào khi bỏ lại vợ con, cốt nhục.
Sách sử cũng không có ghi chép về gia đình Tần Quỳnh, nhưng thông qua khai quật mộ chí có thể biết được, con trai về sau của Tần Quỳnh là Tần Hoài Đạo sinh vào năm 625. Vương Thế Sung tru sát người liên đới, khiến nhiều gia thuộc của các phản tướng gặp họa, vợ con Tần Quỳnh ở Lạc Dương hẳn là lành ít dữ nhiều.
Làn sóng về theo Đường cũng ứng với sự hưng khởi của Lý Đường, đạt được thế lớn “thiên hạ quy tâm”. “Chim khôn chọn cây mà đậu, hiền thần chọn chủ mà theo. Thời cơ không còn sớm, hối hận thì đã muộn.” (“Tam Quốc Diễn Nghĩa”) – đây là sự lựa chọn sáng suốt trong tầng diện con người, cũng là dẫn dắt duyên phận trong vô hình, là an bài của Thiên ý.
Trong “Đại Đường Tần vương từ thoại”, “Thuyết Đường toàn truyện”, “Tùy Đường diễn nghĩa” đều nhắc tới chuyện Thiên Thần thượng giới đến nhân gian làm đế vương tướng lĩnh. Một quần thể võ tướng văn thần là tinh tú lâm phàm, chính là muốn phụ tá Tử Vi Đại Đế hạ thế Lý Thế Dân thống nhất thiên hạ để khai sáng thời kỳ Trinh Quán thịnh thế, đây là sứ mệnh trọng trách của họ. Tại thế gian tương sinh tương khắc, cũng không thiếu tinh tú chuyển sinh làm “Thập bát lộ phản vương” – nhóm thế lực chư hầu quân phiệt v.v… khuấy động phong vân, giang hồ thảo khấu khởi nghĩa trong nạn đói chiến loạn cũng nhiều ví như “Lục thập tứ đạo yên trần”, là nhân vì ân oán kiếp trước hoặc huynh đệ kiếp này phản bội, khiến quá trình quần hùng tranh bá càng thêm rắc rối phức tạp, kinh tâm động phách. Mà những người lập công lớn cho Đại Đường này là những người không quên ước nguyện ban đầu, thiên nan vạn hiểm cũng phải hoàn thành sứ mệnh, thực hiện thệ ước. (Chú thích: Tử Vi Đại Đế là Tinh Quân của chòm Tử Vi Viên, cũng là tượng trưng của đế vương ở nhân thế.)
Trong chiến dịch kinh điển lấy ít thắng nhiều, xuất kỳ bất ý của Lý Thế Dân, quân Giáp Đen đã phát huy trọn vẹn ưu thế của kỵ binh tinh nhuệ. “Tư trị thông giám” ghi chép: “Tần vương Thế Dân tuyển hơn ngàn quân kỵ tinh nhuệ, đều mặc giáp đen, chia làm tả hữu đội, cho Tần Thúc Bảo, Trình Tri Tiết, Uất Trì Kính Đức, Trác Trưởng Tôn làm tướng. Mỗi khi xuất chiến, Thế Dân mặc giáp đen chỉ huy đi tiên phong, chớp thời cơ mà tiến công, phá tan mọi hướng, kẻ địch sợ hãi.”
Đội quân đặc chủng át chủ bài với áo giáp đen, tuấn mã nhanh nhẹn này, được trang bị hoàn mỹ, huấn luyện nghiêm cẩn, kinh nghiệm phong phú, dũng mãnh kiên cường phi thường, đặc biệt có thể đánh những trận ác liệt. Từng một ngày đêm đi như tên bắn hơn 200 dặm truy kích binh mã của Tống Kim Cương, “Một ngày đánh tám trận, đều phá được hết”. Từng với chỉ hơn 1000 quân kỵ tinh nhuệ mà tiêu diệt và bắt hơn 6000 quân Trịnh. Trải qua vài lần ác chiến, Vương Thế Sung thất bại lui về Lạc thành, trong vòng vây trùng trùng mà đau khổ khổ mong cứu viện.
Năm Võ Đức 4 (năm 621), ngày 28 tháng 5, sau giờ Ngọ, tại Hổ Lao Quan – phía Nam tựa vào Tung Sơn, phía Bắc giáp Hoàng Hà – Lý Thế Dân chỉ dẫn 3500 kỵ sĩ giáp đen, với khí thế sấm vang chớp giật, tiến đánh hơn 10 vạn quân Hạ đến chi viện Vương Thế Sung, nhanh như chớp, đánh thẳng vào đại bản doanh của Hạ vương Đậu Kiến Đức, ngay khi ông này đang họp các đại thần trở tay không kịp, bộ chỉ huy trong nháy mắt đã tê liệt, một phen hỗn loạn.
Trong mưa tên gió bụi chiến trường, Lý Thế Dân dắt theo các phân đội nhỏ của Trình Tri Tiết, Tần Thúc Bảo, Sử Đại Nại, Vũ Văn Hâm v.v… đột kích, như một thanh kiếm sắc bén đâm xuyên hơn 20 dặm trận địa địch, lại từ hậu phương địch đánh giết quay về, quân kỳ Đại Đường giơ cao đón gió. Mặt trước mặt sau đều bị tấn công, tướng sĩ quân Hạ thấy thế kinh hãi không ngớt, cho rằng binh mã chủ lực của quân Đường đã tới, phía sau đã bị cắt đứt. Quân Giáp Đen khí thế như dời non lấp bể, như Thiên binh Thiên tướng hạ phàm, thể hiện uy lực mà mắt thường không quan sát nổi, đánh tan kẻ địch mạnh, quét sạch mọi chốn, không gì cản nổi, đại hiển thần uy. Toàn tuyến của quân Hạ tan vỡ, vội vàng bỏ chạy.
Đậu Kiến Đức bị thương bị bắt, Vương Thế Sung vì chi viện bị tiêu diệt mà đầu hàng, Lý Thế Dân 22 tuổi đánh một trận bắt hai vua! Cuộc đời quân sự của ông liên tục tạo ra những chiến tích huy hoàng, đặt định xong bản đồ cơ bản thống nhất vương triều Trung Nguyên.
Chim chóc theo loan phượng mà bay xa, thần tử giúp minh quân triển khai cơ đồ lớn. Văn trị võ công của Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã khai sáng thời kỳ Trinh Quán chi trị, với triều chính thông tỏ, quốc thái dân an, muôn nước đến chầu, lại được kính ngưỡng ca tụng là “thiên cổ nhất đế”. Mà những văn thần võ tướng cùng ông hoạt động cũng được hậu thế bàn đến say sưa. Có 3 vị công thần của Lăng Yên Các được miêu tả đầy màu sắc trong truyền thuyết dân gian, sáng tác văn học, lại dung hợp phong cách hộ pháp của Phật, Đạo.
Nguyên mẫu của Thác Tháp Thiên Vương pháp lực cường đại trong “Tây du ký”, và Tổng binh Trần Đường Quan trong “Phong thần diễn nghĩa”, cha của Na Tra – chính là nhà quân sự kiệt xuất, vệ quốc công Lý Tĩnh. Trong lễ tế quốc gia của thời Đường – Tống, thì Lý Tĩnh được quân đội tế tự là Thần bảo hộ quân đội, chiến Thần. Dân gian đem Tần Thúc Bảo và Uất Trì Kính Đức – những người gác cửa cung khi Thái Tông bị bệnh – tôn sùng là Thần thủ hộ trấn trạch trừ tà. Thời kỳ Minh, Thanh, những câu chuyện anh hùng Tùy – Đường được dân chúng ưa chuộng nhập tâm qua các hình thức nghệ thuật như bình thư, hí khúc, tiểu thuyết, tranh tết v.v…, Dịp mừng năm mới thì nhà nhà dán tranh Môn Thần cầu phúc, hai người trung nghĩa dũng mãnh, võ công tuyệt luân là Thúc Bảo và Kính Đức đã vọt lên đầu bảng trong hàng ngũ các Môn Thần, được truyền bá rộng khắp, thịnh mãi không suy. Trên những ván cửa đen của từ đường và đền thờ ở thành thị và nông thôn, các vị Môn Thần mặc giáp tay cầm binh khí trông càng nổi bật hơn, ánh mắt lấp lánh uy nghiêm sống động như thật. Cho đến nay, đông đảo người Hoa trong ngoài nước vẫn thờ phụng những ái tướng của Đường Thái Tông là Môn Thần truyền thống, trải qua nghìn năm, vẫn đau đáu mơ tưởng về vẻ tráng lệ huy hoàng kia của Đại Đường…
(Còn tiếp)
Theo Trầm Tĩnh – Epochtimes
Hữu Đức biên dịch
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam