Một số chuyên gia, bao gồm cả Naiwen Hu và Gwo-Bin Wu, khuyên bạn không nên nghĩ gì lúc thiền định. Tuy nhiên, trong khi đầu óc trống rỗng, bạn vẫn nên giữ ý thức và sự tự giác trong quá trình này, điều quan trọng là tránh rơi vào trạng thái buồn ngủ. (Samira Bouaou / The Epoch Times)
Ngoài “thời gian thiền định lý tưởng là bao lâu”, “nên nghĩ về điều gì” cũng là một câu hỏi khác mà nhiều người thắc mắc khi mới học thiền. Liên quan đến câu hỏi này, một số chuyên gia đã chia sẻ ý kiến của họ.
Không nghĩ về bất cứ điều gì trong khi vẫn giữ được sự tỉnh táo
Một số chuyên gia, bao gồm cả Naiwen Hu và Gwo-Bin Wu, khuyên bạn không nên nghĩ gì lúc thiền định. Tuy nhiên, trong khi đầu óc trống rỗng, bạn vẫn nên giữ ý thức và sự tự giác trong quá trình này, điều quan trọng là tránh rơi vào trạng thái buồn ngủ.
Ông Hu, một bác sĩ y học cổ truyền Trung Hoa nổi tiếng thế giới, đã nghiên cứu một số phương pháp thực hành thiền định khác nhau trong quá khứ. Ông nói: “Tất cả mọi phương pháp mà tôi đã nghiên cứu đều yêu cầu không nghĩ về bất cứ thứ gì trong khi thiền”.
Ông Wu là giám đốc của Phòng khám Y học Trung Hoa Xinetang ở Đài Loan. Theo ông, “tâm phải tĩnh lặng và trống rỗng” để có trạng thái thiền hiệu quả nhất.
“Không nhìn, không nghe, và giữ tâm tĩnh lặng. Sau đó, toàn bộ cơ thể của bạn sẽ trở nên ổn định và thư giãn, nó sẽ bắt đầu tự động điều chỉnh trong trạng thái tĩnh lặng này”.
Ông nói thêm: “Chỉ cần gạt hết những lo lắng hàng ngày và thư giãn. Nếu bạn gặp phải những suy nghĩ mất tập trung, bạn nên học cách phân biệt chúng với tâm trí của chính bạn”.
Nếu bạn lấp đầy tâm trí bằng những suy nghĩ mất tập trung thì dù ngồi đó 10 tiếng đi nữa, nó vẫn không hiệu quả. Khi tâm trí tĩnh lặng, bạn có thể cảm nhận được năng lượng chạy khắp cơ thể mình, ông Wu nói.
Tập trung vào cảm xúc của bạn
Đối với một số loại thiền định, chẳng hạn như thiền chánh niệm, hiện khá phổ biến ở phương Tây, bạn phải tập trung vào cảm xúc và giác quan của mình trong quá trình thiền định.
Khi thực hành thiền chánh niệm, bạn nên “rất tập trung vào thời điểm hiện tại, cả quá trình bên trong cũng như quá trình bên ngoài. Bạn để ý đến nhiệt độ trong phòng, để ý đến hơi thở và những suy nghĩ của mình”.
Tiến sĩ Jessica Russo, nhà tâm lý học lâm sàng ở Philadelphia (Hoa Kỳ) cho biết: “Lúc này, bộ não của bạn hoạt động rất tích cực. Có cảm giác vừa thư giãn nhưng cũng rất tỉnh táo, điều này rất tốt cho não và cơ thể”.
Nghe nhạc
Theo Ellen Wang, chuyên gia tư vấn dinh dưỡng chức năng và là nhà trị liệu thần kinh, cho biết nghe nhạc khi thiền có thể giúp tâm trí trở nên bình tĩnh, thư thái nhưng không buồn ngủ, đây là “trạng thái alpha”. Cô Wang cho biết: “Sóng alpha xuất hiện khi bạn ở trạng thái bình tĩnh”.
Theo ý kiến của cô, các tần số âm nhạc khác nhau có thể “kích thích các loại sóng não khác nhau để giúp não đi vào một trạng thái cụ thể. Ví dụ, nếu bạn muốn thiền, âm nhạc có thể giúp bạn đi vào trạng thái thiền định hoặc trạng thái thư giãn”.
Đếm hơi thở và tưởng tượng màu sắc
Meg Frodel là cố vấn sức khỏe toàn diện, chuyên gia châm cứu được cấp phép và người hướng dẫn yoga được chứng nhận. Cô ấy khuyên bạn nên đếm hơi thở và tưởng tượng màu sắc.
Cô Frodel giải thích: “Thật hữu ích khi tưởng tượng màu sắc, bởi vì khi làm thế, bạn bắt đầu sử dụng bán cầu não phải, vốn thoải mái và sáng tạo hơn bán cầu não trái”. Việc sử dụng não phải sẽ giúp bạn thoát khỏi trạng thái “chiến đấu hay bỏ chạy”, giúp cơ thể bạn thư giãn và tự điều chỉnh.
Trạng thái “chiến đấu hay bỏ chạy” (Fight-or-flight response) sinh ra khi các hormone căng thẳng chạy khắp cơ thể và tạo ra những phản ứng khác nhau.
Cần biết rằng, chính áp lực bên ngoài là nguyên nhân chính làm căng thẳng tinh thần, từ đó kích hoạt hệ thần kinh giao cảm và giải phóng các hormone.
Trạng thái “chiến đấu hay bỏ chạy” làm tim đập nhanh, lo lắng và khó thở. Khi tình trạng này kéo dài, nó có thể ức chế hệ miễn dịch và tạo điều kiện phát triển cho nhiều bệnh tật trong cơ thể.
Tập trung vào hơi thở
Một cách khác để làm chủ tâm trí của bạn trong khi thiền là tập trung vào hơi thở.
Tiến sĩ Sony Sherpa đã khuyên dùng phương pháp này. Cô nói: “Thông qua tập trung hơi thở khi thiền, bạn có thể học cách tập trung sự chú ý của mình vào việc kiểm soát suy nghĩ và thư giãn các cơ bắp căng thẳng”.
“Nếu ai đó có một bộ não ‘bận rộn’, đếm hơi thở của họ có lẽ là một biện pháp hữu ích,” bác sĩ Frodel nói.
Bấm vào đây để truy cập lớp học thiền định miễn phí. |
Theo Mercura Wang từ The Epoch Times tiếng Anh
Bảo Vy biên dịch
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam