Bằng chứng DNA từ các ngôi mộ ở Thụy Điển và Đan Mạch cho thấy các đợt bùng phát bệnh dịch hạch lớn là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm dân số thời kỳ đồ đá mới ở Bắc Âu. (Ảnh minh họa: Pixabay)
Nền văn hóa thời kỳ đồ đá mới ở châu Âu tạo ra các siêu cấu trúc như Stonehenge đã trải qua một đợt suy thoái mạnh cách đây khoảng 5400 năm. Giờ đây, chúng ta có bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy nguyên nhân của điều này là bệnh dịch hạch.
Các nhà khoa học đã tiến hành giải mã DNA cổ đại từ 108 cá thể sống tại khu vực Bắc Âu vào thời kỳ đó. Kết quả phân tích cho thấy sự hiện diện của vi khuẩn Yersinia pestis, tác nhân gây bệnh dịch hạch, trong mẫu vật của 18 cá thể trong số này.
Frederik Seersholm đến từ Đại học Copenhagen ở Đan Mạch cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng bệnh dịch hạch đã giết chết họ”.
Khoảng 5400 năm trước, dân số châu Âu giảm mạnh, đặc biệt là ở các khu vực phía Bắc. Câu hỏi tại sao điều này xảy ra từ lâu đã là một bí ẩn.
Trong thập kỷ qua, các nghiên cứu về DNA của con người cổ đại đã tiết lộ rằng dân số địa phương đã không phục hồi hoàn toàn sau sự suy giảm vào thời kỳ đồ đá mới. Thay vào đó, họ phần lớn được thay thế bởi những người khác chuyển đến từ thảo nguyên Á-Âu. Ví dụ, vào khoảng 4000 năm trước, chưa đến 10% dân số ở Anh có nguồn gốc từ những người đã xây dựng Stonehenge.
Những nghiên cứu về con người cổ đại cũng tiết lộ một số trường hợp có sự hiện diện của vi khuẩn bệnh dịch hạch. Điều này gợi ý một lời giải thích tiềm năng đó là bệnh dịch hạch có thể đã quét sạch dân số châu Âu, cho phép người từ thảo nguyên di cư đến mà không gặp nhiều sự kháng cự.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với giả thuyết nói trên. Vào năm 2021, Ben Krause-Kyora tại Đại học Kiel ở Đức đã lập luận rằng những trường hợp dịch hạch lẻ tẻ thỉnh thoảng xảy ra là điều có thể dự đoán được và không phải là bằng chứng của một đại dịch lớn. Ông và các đồng nghiệp viết rằng những dạng Y. pestis ban đầu này khó có thể gây ra đại dịch vì DNA của chúng cho thấy chúng không thể sống sót trong bọ chét. Vết cắn từ bọ chét nhiễm bệnh là cách chủ yếu khiến người ta mắc bệnh dịch hạch.
Vì vậy, Seersholm và các đồng nghiệp của ông bắt đầu tìm thêm bằng chứng về một đại dịch của bệnh dịch hạch. Nhóm của ông đã phân tích DNA của 108 cá nhân được chôn cất trong chín ngôi mộ ở Thụy Điển và Đan Mạch. Hầu hết họ đã chết từ 5200 đến 4900 năm trước, và đại diện cho nhiều thế hệ của bốn gia đình.
Dường như đã có ba đợt bùng phát dịch hạch riêng biệt qua các thế hệ này. Đợt bùng phát cuối cùng là do một chủng có bộ gen được tái cấu trúc đáng kể khiến chúng nguy hiểm hơn nhiều.
Seersholm cho biết: “Nó hiện diện ở rất nhiều cá nhân. Và tất cả đều là cùng một chủng vi khuẩn, đó chính xác là những gì bạn mong đợi nếu một căn bệnh nào đó lan truyền rất nhanh”.
DNA bệnh dịch hạch được tìm thấy chủ yếu ở răng. Điều này cho thấy vi khuẩn xâm nhập vào máu, khiến bệnh trở nên trầm trọng, và có lẽ là nguyên nhân gây tử vong. Trong một số trường hợp, các cá nhân có mối quan hệ gần gũi đã bị nhiễm bệnh, cho thấy bệnh lây lan từ người sang người.
Nhóm nghiên cứu cho rằng điều đó có thể do Y. pestis nhiễm vào phổi và lây lan qua các giọt bắn. Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng không chỉ bọ chét, chấy rận ở con người có thể gây ra bệnh dịch hạch, vì vậy có thể vi khuẩn dịch hạch đã lây lan theo đường này.
Seersholm nói, vì vậy xã hội đã không sụp đổ vào thời điểm này: “Tất nhiên, điều đáng chú ý là tất cả những cá nhân này đều được chôn cất đúng cách. Nếu thực sự có một dịch bệnh, chúng ta mới chỉ thấy sự khởi đầu của nó”.
Sau khoảng 4900 năm trước, những ngôi mộ cự thạch dường như đã bị bỏ hoang trong nhiều thế kỷ. Nhưng 10 người trong số các cá nhân được giải trình tự gen đã được chôn cất trong đó muộn hơn nhiều, hầu hết từ 4100 đến 3000 năm trước. Những cá nhân này có nguồn gốc thảo nguyên, không liên quan đến những người xây dựng lăng mộ.
Seersholm nói: “Đó là sự thay thế hoàn toàn 100%. Năm nghìn năm trước, những người thời kỳ đồ đá mới này biến mất. Và bây giờ chúng tôi chỉ ra rằng bệnh dịch hạch đã lan rộng và phổ biến đúng vào thời điểm đó”.
Seersholm cho biết, các nhà nghiên cứu không tuyên bố những phát hiện của họ là chắc chắn đúng, nhưng chúng củng cố thêm lập luận cho rằng bệnh dịch hạch gây ra sự suy tàn thời kỳ đồ đá mới,.
Ông nói: “Tôi có thể nói rằng chúng tôi đã chỉ ra rõ ràng rằng nó có khả năng lây lan giữa người với người, và nó có khả năng giết chết cả một gia đình, chẳng hạn”.
Krause-Kyora chấp nhận rằng những phát hiện cho thấy bệnh dịch hạch rất phổ biến ở khu vực và thời gian cụ thể này.
Ông nói: “Giải thích trước đây của chúng ta cần được sửa đổi phần nào và chúng ta không thể chỉ nói về các trường hợp cá biệt”.
Tuy nhiên, ông cho biết không có bằng chứng về tỷ lệ nhiễm bệnh cao ở các khu vực khác. Và ông nghĩ rằng việc chôn cất bình thường cho thấy không có dịch bệnh chết người. “Kết quả thậm chí có thể gợi ý rằng nhiễm trùng Yersinia là một căn bệnh mãn tính trong một thời gian dài”.
Seersholm cùng các cộng sự của mình dự định mở rộng cuộc tìm kiếm bằng chứng ra các khu vực khác trên lục địa châu Âu. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng để xác định chính xác mức độ nguy hiểm của chủng vi khuẩn đã biến đổi này, cách duy nhất là tái tạo nó trong phòng thí nghiệm. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng việc thực hiện một thí nghiệm như vậy sẽ tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ không thể chấp nhận được.
Theo NewScientist
NTD Việt Nam