Ảnh minh họa về bệnh X, loại bệnh truyền nhiễm do virus và lây lan sang cộng cồng. (Nguồn: Geralt/Pixabay)
“Bệnh X” là cụm từ các nhà khoa học dùng để chỉ một mầm bệnh chưa biết, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và gây ra dịch bệnh nghiêm trọng trên thế giới.
1. ‘Bệnh X’ là gì?
Năm 2017, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bổ sung “bệnh X” vào danh sách ngắn các mầm bệnh được coi là ưu tiên hàng đầu để nghiên cứu, bên cạnh Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Ebola.
Giáo sư, Tiến sỹ Lam Sai Kit là một nhà khoa học nổi tiếng người Malaysia, người đóng vai trò trung tâm trong việc phát hiện ra virus Nipah gây bệnh nghiêm trọng ở cả động vật và con người, ông hiện là giáo sư danh dự tại Khoa Y, Đại học Malaya đồng thời là Nhà tư vấn Nghiên cứu tại Đại học Malaya.
Ông cho rằng nhiều khả năng “bệnh X” xảy ra do nạn phá rừng và buôn bán động vật hoang dã. Trong số các động vật hoang dã, dơi là loài mang rất nhiều virus. Các loài chim di cư và tê tê thường mang virus cúm gia cầm. Chúng có khả năng lây lan và lây nhiễm sang các loài khác, bao gồm cả con người, gây ra một loại bệnh nhiễm trùng mà con người sẽ không có khả năng miễn dịch.
-
Mục đích của việc nghiên cứu “bệnh X”
Theo Tổ chức Y tế thế giới, việc nghiên cứu “bệnh X” nhằm có được sự chuẩn bị sớm và phù hợp khi phải đối phó với một căn bệnh chưa từng biết tới. Ví dụ về đại dịch Ebola xảy ra ở Tây Phi trong hai năm 2014- 2016 chính là hồi chuông cảnh tỉnh. Bất chấp nhiều thập kỷ nghiên cứu, không có bất kỳ loại thuốc nào có thể triển khai kịp thời để cứu sống hơn 11.000 người.
Do vậy, để tránh lặp lại sai lầm, WHO đã xây dựng những nghiên cứu chi tiết, đẩy nhanh việc phát triển một loạt công cụ phát hiện và phòng ngừa dành cho “các bệnh dịch ưu tiên”, bao gồm:
- COVID-19
- Sốt xuất huyết Crimean-Congo
- Bệnh do virus Ebola và bệnh do virus Marburg
- Sốt Lassa
- Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và SARS
- Bệnh Nipah và Henipaviral
- Sốt Rift thung lũng
- Virus zika
- Bệnh X
-
Quan điểm chung về nguồn gốc “bệnh X” và phương thức ứng phó dài hạn
Nếu đồng ý với quan điểm rằng “bệnh X” bắt nguồn từ động vật hoang dã, các cơ quan chức năng nên tăng cường giám sát căn bệnh này, không chỉ ở người mà còn ở động vật hoang dã và cả động vật đang nuôi tại trang trại đã được thuần hóa.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vinod Balasubramaniam thuộc Đại học Monash (Australia) – chi nhánh ở Malaysia, nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai sẽ ngày càng lớn do biến đổi khí hậu và sự phá huỷ môi trường tự nhiên. Do vậy, điều quan trọng là phải giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và đảm bảo duy trì môi trường sinh thái tự nhiên để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.
Theo ông Vinod Balasubramaniam, tình trạng phá rừng, đô thị hóa và mở rộng ngành công nghiệp đòi hỏi phải mở rộng ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, điều này khiến động vật hoang dã ngày càng tiệm cận gần con người hơn, làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh lây lan từ động vật sang người.
Cả hai chuyên gia đều dự đoán rằng “bệnh X” sẽ là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác, song người bệnh không có triệu chứng. Giáo sư, Tiến sỹ Lam dự đoán “bệnh X” có thể bắt nguồn từ một loại virus có khả năng tự biến đổi ở mức độ cao đối với động vật và có khả năng lây truyền sang người ở mức độ cao.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Vinod Balasubramaniam dự báo, đợt bùng phát dịch tiếp theo sẽ là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp với tỷ lệ lây lan từ người sang người ở mức độ cao. Người nhiễm bệnh sẽ phát tán mầm bệnh khi ho, hắt hơi hoặc nói to.
Theo ông, khả năng xuất hiện “bệnh X” là do lây từ động vật sang người, giống như virus HIV gây ra Hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS) mắc phải ở người. Ông nói, virus cúm, đặc biệt là H5N1, là một trong những virus có khả năng cao gây ra “bệnh X.” Bên cạnh đó, ông cho rằng một chủng virus Corona mới có thể sẽ xuất hiện trong tương lai và loại virus này cũng có khả năng tự biến đổi.
Hiện tại, WHO đã lập danh sách các loại virus có khả năng trở thành tác nhân gây “bệnh X” có khả năng gây thiệt hại về tính mạng cao hơn cả COVID-19.
Lê Na tổng hợp
NTD Việt Nam