Quốc sư của 3 triều đại quyết định không chuyển sinh: Bí ẩn của Chương Gia VII. (Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc)
Một vị Quốc sư 3 triều đại, khi chiến tranh đang ở giai đoạn khốc liệt nhất, ông đã giúp Tưởng Giới Thạch thoát khỏi nguy cơ bị tiêu diệt, và mở ra chiến thắng bằng tám chữ: “Dời đô Trùng Khánh, kháng Nhật thắng lợi”. Sau này, ông đã tiên đoán chính xác số phận Chính phủ Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch phải rút lui về Đài Loan, với câu nói “Thắng không rời An, bại không rời Loan”.
Ông là Chương Gia VII, được mệnh danh là Quốc sư của 3 triều đại, đồng thời là lãnh tụ tôn giáo của khu vực Nội Mông. Cuộc đời của Chương Gia VI đầy huyền thoại.
Chương Gia (Changkya) thực ra không phải là tên, mà là tước hiệu của ông, với tư cách là một lãnh tụ tôn giáo, có cùng ý nghĩa với Đạt Lai Lạt Ma. Chương Gia VII là lần chuyển sinh thứ bảy của Chương Gia.
Dưới thời trị vì của Hoàng đế Khang Hy, bốn lãnh tụ tôn giáo của Phật giáo Tây Tạng đã được phong Thánh, và Chương Gia là một trong số đó. Ba người còn lại là Đạt Lai Lạt Ma ở vùng Tiền Tạng, Ban Thiền Lạt Ma ở vùng Hậu Tạng, và Jebtsundamba Hutuktu ở vùng Ngoại Mông.
Trong số bốn lãnh tụ tôn giáo này, Chương Gia không phải người cai quản lãnh thổ lớn nhất, và cũng không có số lượng tín đồ lớn nhất, tuy nhiên ông lại là người được Hoàng đế nhà Thanh kính trọng nhất. Ngay sau khi lên nắm quyền, Hoàng đế Khang Hy đã bổ nhiệm Chương Gia II làm Quốc sư, và phong cho ông danh hiệu “Quán đỉnh Phổ thiện Quảng từ Đại Quốc sư”.
Trong thời Càn Long, Chương Gia III cũng được phong là người đứng đầu trong bốn lãnh tụ tôn giáo lớn, và Ung Hòa Cung được chuyển đổi thành Chùa Lạt Ma để ông sử dụng.
Vậy tại sao các hoàng đế nhà Thanh lại coi trọng Chương Gia đến vậy? Điều này bắt nguồn từ tín ngưỡng của các hoàng đế nhà Thanh.
Hóa thân của Bồ Tát Văn Thù
Các hoàng đế của mỗi triều đại ở Trung Quốc cổ đại đều có sở thích tín ngưỡng riêng. Nhà Đường đề cao Phật giáo, nhà Tống tôn sùng Nho giáo, các hoàng đế nhà Minh đều là tín đồ của Trương Tam Phong. Còn nhà Thanh thì sao?
Có thể nói, nhà Thanh đã chiếm được Trung Nguyên là kỳ tích trong số kỳ tích. Nhà Minh khá hùng mạnh, năm xưa đã xua đuổi khiến kỵ binh Mông Cổ dũng cảm và tài giỏi phải quay trở lại thảo nguyên. Tuy nhiên, vào thời kỳ cuối cùng, Ngụy Trung Hiền đầu tiên làm bại hoại triều cương, sau đó Lý Tự Thành phát động khởi nghĩa. Cộng thêm một trận dịch không thể giải thích được, toàn bộ sức mạnh của nhà Minh đều cạn kiệt.
Điều càng không thể tưởng tượng được là Ngô Tam Quế đã dâng thành, và tặng không Sơn Hải Quan cho quân Thanh. Tám trăm kỵ binh nhà Thanh dễ dàng vượt qua quan ải, và mở ra quốc vận 268 năm. Không có triều đại nào trong lịch sử Trung Quốc đạt được thành công dễ dàng như nhà Thanh.
May mắn quá lớn đến nỗi ngay cả Hoàng đế nhà Thanh cũng bối rối. Không có lời giải thích nào hợp lý cho điều này, chỉ có thể nói là Thần Phật tương trợ. Vị Thần bảo hộ nhà Thanh là ai? Các hoàng đế nhà Thanh cho rằng, đó là Bồ Tát Văn Thù.
Mối quan hệ giữa Bồ Tát Văn Thù và nhà Thanh bắt đầu từ thời trị vì của Nỗ Nhĩ Cáp Xích (Nurhaci). Theo tuyên bố chính thức của nhà Thanh, khi thành lập đất nước, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã đặt tên đất nước của mình là Mãn Châu quốc (manju gurun), có nghĩa là vùng đất của Bồ Tát Văn Thù (Manjusri). Vì vậy bắt đầu từ Nỗ Nhĩ Cáp Xích, nhà Thanh đã toàn tâm toàn ý tín phụng Bồ Tát Văn Thù.
Không biết Văn Thù Bồ Tát có thực sự bảo hộ họ hay không, chỉ thấy rằng sau khi thành lập Mãn Châu quốc, quân đội của họ thế như chẻ tre trên chiến trường, nhanh chóng thôn tính những vùng đất rộng lớn ở phía bắc, 28 năm sau họ đã thành công tiến vào làm chủ vùng Trung Nguyên.
Sau khi vào Trung Nguyên, các hoàng đế nhà Thanh càng tín phụng Bồ Tát Văn Thù. Bắt đầu từ Hoàng đế Thuận Trị – người đầu tiên vào Trung Nguyên, ông tin rằng ông là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù, và tự gọi mình là “Hoàng đế Văn Thù”. Người Mãn Châu kính trọng gọi Văn Thù Bồ Tát là “Phật Gia”, đó là lý do tại sao các hoàng đế nhà Thanh cũng được gọi là “Phật Gia”.
Trong Phật giáo Tây Tạng, các lãnh tụ tôn giáo cũng được coi là hóa thân của Phật. Ví dụ, Đạt Lai Lạt Ma được coi là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm; Ban Thiền Lạt Ma là hóa thân của Phật A Di Đà. Còn Chương Gia thì giống như các hoàng đế nhà Thanh, cũng là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù.
Vì tất đều là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù, nên là cùng một nhà. Thế nên không có gì ngạc nhiên khi các hoàng đế nhà Thanh sủng ái Chương Gia. Chương Gia và các hoàng đế nhà Thanh các triều đều có quan hệ rất tốt. Chương Gia luôn ở bên hoàng đế, giúp các hoàng đế giải quyết vấn đề, và được các hoàng đế vô cùng tin tưởng. Đến Chương Gia VII cũng không ngoại lệ.
Quốc sư 10 tuổi hiển hiện Thần tích
Chương Gia VII sinh ra ở huyện Đại Đồng, Thanh Hải vào năm 1890. Khi mới 8 tuổi, cậu bé được xác nhận là linh đồng chuyển thế của Chương Gia VI. Hoàng đế Quang Tự đã nhanh chóng tiếp đón cậu vào cung, và năm sau phong cho cậu kế thừa danh hiệu Đại quốc sư. Thái hậu Từ Hi cũng rất thích vị Quốc sư nhỏ bé này, và thường xuyên giữ cậu ở bên cạnh.
Quốc sư Chương Gia này mặc dù còn nhỏ tuổi, nhưng đạo hạnh tu hành của cậu khá cao. Khi cậu mười tuổi, tức là vào năm 1900, có một đợt hạn hán nghiêm trọng. Hoàng đế Quang Tự ban chiếu chỉ cầu mưa. Chương Gia thắp hương và tụng kinh trước tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Ba ngày sau, trận mưa lớn kéo đến và hạn hán lập tức được hóa giải.
Không lâu sau, Liên quân 8 nước chiếm được Bắc Kinh, Thái hậu Từ Hi hoảng sợ, cùng Hoàng đế Quang Tự bỏ chạy đến Thái Nguyên. Lúc đó Chương Gia đang trên đường đến núi Ngũ Đài, thì nghe tin Thái hậu và Hoàng đế bỏ trốn, lập tức đổi đường, mang theo một ngàn lạng bạc đến.
Thái hậu Từ Hi đã bật khóc khi nhìn thấy Quốc sư, bà nói rằng bà không có gì để đền đáp, nên bà tặng Quốc sư một chiếc quạt gấp do chính tay bà vẽ làm quà đáp lễ.
Cận vệ Thái hậu là Lý Liên Anh bế tiểu Chương Gia lên, và hỏi: “Quốc sư, quốc sư, chúng ta nên đi đâu?”
Chương Gia chỉ bàn tay nhỏ bé của mình về phía Tây và nói: “Hãy đi về phía Tây”.
Mọi người đều vâng lời và đi về phía Tây, cuối cùng lưu lại Tây An và thoát khỏi thảm họa.
Về việc di tản Tây An, tượng thứ 36 Thôi Bối Đồ đã dự đoán trước rằng: “Mẫu tử bất phân tiền hậu, Tây vọng Trường An nhập cận” (Mẹ con không phân biệt trước sau, từ phía Tây nhìn về Trường An như thấy cảnh người vào cung yết kiến).
Vì vậy có người cho rằng, lịch sử giống như kịch bản đã được viết sẵn, và nó chỉ diễn ra theo trình tự thời gian. Chúng ta không biết liệu cậu bé Chương Gia chỉ mới mười tuổi, đã tính toán được tương lai, hay là dùng phương thức nào đó đọc được kịch bản. Tuy nhiên, có thể thấy khả năng tiên đoán của Chương Gia đã có từ khi còn rất trẻ.
Năm 1908, Thái hậu Từ Hi và Hoàng đế Quang Tự lần lượt qua đời. Thấy khí số nhà Thanh đã hết, mọi người bắt đầu lên kế hoạch cho riêng mình. Đạt Lai Lạt Ma ở Tây Tạng có kế hoạch thành lập liên minh với Anh để thành lập vương quốc độc lập. Jebtsundamba Hutuktu ở phía bắc cũng liên lạc với Nga, tìm kiếm độc lập cho Ngoại Mông, và trở thành vua với thể chế chính trị và tôn giáo hợp nhất. Chỉ có Chương Gia VII vẫn trung thành ở bên cạnh vị hoàng đế trẻ tuổi Phổ Nghi.
Đúng như dự liệu của mọi người, Trung Hoa Dân Quốc đã xuất hiện. Nhưng điều mà mọi người không bao giờ ngờ tới là, Chương Gia đã nhanh chóng tuyên bố công nhận Trung Hoa Dân Quốc, thậm chí còn quay trở lại Nội Mông để du hành khắp nơi, dùng ảnh hưởng của mình để thuyết phục mọi người ủng hộ chính phủ mới.
Nhiều người không hiểu, cho rằng Chương Gia đã có bước ngoặt quá lớn, nhà Thanh đối xử tốt với ông như thế mà sao lại thay đổi như thế này.
Trợ giúp chính quyền Dân Quốc
Trên thực tế, quá trình chuyển đổi giữa Trung Hoa Dân Quốc và nhà Thanh có thể nói là sự thay đổi triều đại hòa bình nhất trong lịch sử Trung Quốc. Không có chiến tranh nổ ra, và nó ít ảnh hưởng đến người dân. Quyền cai quản thiên hạ này được Hoàng đế Phổ Nghi chủ động thoái vị, và trao quyền cho Trung Hoa Dân Quốc. Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc cũng đối xử rất ưu ái với Phổ Nghi, cho phép ông tiếp tục làm Hoàng đế trong Tử Cấm Thành. Mọi chi phí ăn uống, quần áo vẫn giữ nguyên. Vì vậy giữa hai bên không có mối hận thù sâu sắc. Chương Gia quay sang trợ giúp Trung Hoa Dân Quốc, điều này không bị coi là phản bội nhà Thanh.
Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc cũng rất biết ơn ân đức của Chương Gia và luôn tôn trọng ông. Chính phủ Bắc Dương của Trung Hoa Dân Quốc, và sau đó là Chính phủ Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch, cũng long trọng bổ nhiệm ông làm Quốc sư. Đây chính là nguồn gốc của danh hiệu Quốc sư 3 triều đại của Chương Gia. Bảo tàng Cố Cung Quốc gia ở Đài Loan vẫn còn lưu giữ các tài liệu và con dấu năm 1947, trong đó Chính phủ Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch phong cho Chương Gia danh hiệu “Hộ quốc Tịnh giác Phụ giáo Đại sư”.
Cuộc sống của Chương Gia cũng có những thay đổi lớn kể từ đó. Nhưng Trung Hoa Dân Quốc và nhà Thanh có phương pháp cai trị hoàn toàn khác nhau. Nếu Chương Gia muốn hoàn thành tốt trách nhiệm của mình, thì chắc chắn phải có một số hoạt động xã hội, hoặc phải đối mặt với một số mối quan hệ phức tạp giữa các cá nhân. Nhưng ông là một người xuất gia, cả ngày giao tiếp với những người bình thường có ảnh hưởng đến việc tu hành của ông không?
Chúng ta không biết lúc đó vị Chương Gia trẻ tuổi này có bối rối như vậy hay không, nhưng các đệ tử của Chương Gia nói rằng, ông thường kể cho họ nghe một câu chuyện như sau.
Một mùa đông nọ, trời lạnh buốt, Chương Gia đang ăn bánh quẩy trong nhà, đột nhiên ngoài cửa có một tăng nhân nhất quyết muốn gặp ông. Chương Gia cho tăng nhân vào. Thái độ của tăng nhân rất kiêu hãnh. Ông ta chỉ cúi đầu chứ không quỳ xuống. Khi được hỏi tên là gì, tăng nhân nói họ của ông là Phật. Tăng nhân nhận bánh quẩy mà Chương Gia đưa cho rồi rời đi ngay, ra khỏi cửa là biến mất, để lại một chiếc thùng tre. Mọi người đều tò mò. Khi mở ra, họ thấy bên trong có một bông sen trắng tinh khiết và rất tươi. Hoa sen đến từ đâu trong thời tiết băng tuyết này?
Chương Gia ngay lập tức ngộ ra, và nói rằng đó chắc chắn là Bồ Tát Văn Thù đã điểm hóa cho tôi. Hoa sen mọc lên từ bùn mà không bị ô nhiễm. Điều này có phải nói với ông rằng, việc ông vướng vào chuyện trần tục không thành vấn đề, chỉ cần cái tâm ông trong sạch như hoa sen?
Có lẽ được khai mở từ bông hoa sen này, sau này Chương Gia luôn giữ một vị trí cao trong chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, và trung thành cố vấn cho chính phủ. Trong Chiến tranh chống Nhật, ông đã đồng hành cùng Tưởng Giới Thạch vượt qua nhiều khó khăn. Đến năm 1949, Tưởng Giới Thạch rút quân về Đài Loan như dự ngôn. Nhưng lần này, Chương Gia không chọn ở lại Đại lục để hỗ trợ chính phủ mới, mà lại theo Tưởng đến Đài Loan. Những người từng nói rằng ông gió chiều nào che chiều ấy, lần này đã bị tát vào mặt.
Tới Đài Loan
Trên thực tế, sự lựa chọn của Chương Gia rất sáng suốt. Hãy nhìn vào hai lãnh tụ tôn giáo khác vẫn còn ở Đại lục. Đức Đạt Lai Lạt Ma miễn cưỡng ở lại thêm mười năm nữa, thấy tình thế không ổn, ông đã tìm cơ hội trốn thoát. Ban Thiền Lạt Ma tương đối ngây thơ, đã viết bức thư vạn chữ cho chính phủ để khuyên nhủ, kết quả là ông bị cầm tù hơn mười năm.
Vì vậy đi Đài Loan là sự lựa chọn đúng đắn. Chương Gia biết rất rõ bản chất của chính quyền Đại lục là gì. Ngay cả khi ông qua đời, ông vẫn nói rằng ông sẽ không chuyển sinh cho đến khi Đại lục được khôi phục Mặc dù Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chứng nhận một vị Chương Gia trong những năm gần đây, nhưng Trung Hoa Dân Quốc vẫn chưa công nhận điều đó. Vì vậy, Chương Gia VII đã trở thành vị Chương Gia cuối cùng.
Nhưng khi đến Đài Loan, ông đã ở rất xa người dân của mình, và không có đất đai của riêng mình. Chương Gia có thể làm gì? Ngoài việc tiếp tục giữ những chức vụ quan trọng trong chính phủ, ông còn bắt đầu thực hiện chức trách của Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc. Khi rảnh rỗi, ông đi khắp Đài Loan để hoằng dương Phật Pháp. Để được mọi người dễ chấp nhận hơn, ông cởi bỏ y phục lạt ma, mặc áo cà sa của người Hán, và bắt đầu thuyết giảng kinh Phật của người Hán.
Chương Gia tuy từ nhỏ đã thông thái, cũng có trình độ cao về Phật giáo Hán địa. Nhưng có người vẫn không quen, nói rằng: Phật gia chẳng phải dạy bất nhị Pháp môn đó sao? Ngài tâm ý không chuyên nhất như thế có được không?
Như thường lệ, Chương Gia không tranh cãi. Chỉ những người theo ông mới biết ông là một cao tăng đắc đạo. Người ta nói rằng ngay cả khi đại sư không nói, bạn luôn có thể cảm thấy bình yên và hòa ái khi ở bên đại sư.
Cho đến khi ông qua đời, thế giới bên ngoài vẫn còn rất nhiều tranh cãi về ông. Ông bị gắn cái mác là một nhà sư chính trị, chứ không phải một người tu luyện chân chính. Tuy nhiên, vào ngày hỏa táng sau khi ông qua đời, thì Thần tích đã xảy ra.
Hàng ngàn hàng vạn hạt xá lợi
Theo những người có mặt ngày hôm đó kể lại, hôm đó vốn là một ngày mưa phùn, nhưng ngay khi ngọn lửa bốc lên, hình hoa sen xuất hiện, rực rỡ chói sáng, còn có mùi thơm kỳ lạ tỏa ra từ ngọn lửa, cách xa 10 dặm cũng có thể ngửi thấy được mùi thơm. Nhưng Thần tích thực sự không phải ở những thứ này, mà là những viên xá lợi sau khi hỏa táng.
Trong giới Phật giáo, nếu có một bảng xếp hạng cho việc tu hành, thì tiêu chuẩn để đánh giá, và là tiêu chuẩn duy nhất, đó là số viên xá lợi có được sau khi hỏa táng. Đối với một hòa thượng bình thường, chỉ cần có được vài viên là đã khá tốt rồi. Số lượng viên xá lợi của Chương Gia lên tới hàng nghìn hàng vạn. Một số thông tin cho biết có 6.000 viên, và một số cho biết có hàng vạn viên. Tóm lại, nhiều đến không đếm xuể, có lớn có nhỏ, đủ hình dáng, tản ra ánh sáng dịu nhẹ.
Khi đó, rất nhiều cơ quan báo chí có mặt để chụp ảnh và đưa tin. Sau khi tin tức truyền ra, danh tiếng của Chương Gia cuối cùng cũng được sáng tỏ.
Những viên xá lợi này được bảo tồn trong tháp Xá lợi Phật sống Chương Gia, nằm trên sườn đồi phía sau Trung Hòa Thiền Tự ở quận Bắc Đầu, Đài Bắc.
Bằng cách này, không chỉ những người đã từng coi thường ông, mà cả các đệ tử của ông cũng đều kinh ngạc. Về số lượng viên xá lợi, ít nhất ở Trung Quốc là không có ai sánh bằng. Cảnh giới của Chương Gia đã vượt qua sức tưởng tượng của mọi người.
Các đệ tử có mặt tại hiện trường đều rất kinh ngạc và chia sẻ mọi chi tiết về thời gian của mình với đại sư. Trong những năm cuối đời, Chương Gia nhận một đệ tử, và dẫn dắt anh ta trong ba năm. Người đệ tử này nói rằng, Chương Gia luôn là tấm gương cho anh ấy. Lời nói và hành động của đại sư đã khiến anh hiểu được thế nào là từ bi.
Thế nào gọi là từ bi
Người đệ tử này kể lại rằng, Chương Gia là người thầy đầu tiên dẫn dắt anh học Phật. Vào thời điểm đó, Chương Gia đã là một thành viên quan trọng trong chính phủ, và bận rộn với công việc, còn anh chỉ là một thanh niên ngô nghê, không có nền tảng gì về Phật giáo. Nhưng Chương Gia vẫn gặp anh mỗi tuần một lần. Ông dạy cho anh buổi học kéo dài hai giờ vào mỗi sáng Chủ nhật, và giảng Pháp cho anh một mình anh. Ông tiếp tục giảng Pháp cho anh ấy hàng tuần trong ba năm.
Khi anh mới bắt đầu học Phật, Chương Gia đã dạy anh rằng, điều quan trọng nhất trong việc học Phật là thực chất chứ không phải hình thức. Anh nói, thầy nói với anh rằng: Ta cho con sáu chữ: “Khán đắc phá, phóng đắc hạ” (Nhìn thấu được, buông xuống được). Điều đó nghĩa là gì? Chỉ bằng cách buông bỏ chấp trước và ảo tưởng, tâm trí mới thực sự thanh tịnh. Chỉ khi buông bỏ nó, mới có thể nhìn thấu nó. Thấy thấu suốt, trí tuệ khởi lên. Từ xá lợi của Chương Gia, có thể thấy bản thân ông biết rất rõ ba chữ “buông xuống được” này.
Người đệ tử này nói: “Trong ba năm qua, tôi chưa bao giờ cúng dường thầy một xu nào. Ngược lại, có khi thầy đến lớp muộn, và mời tôi ăn trưa”. Nếu anh nghỉ học một hai lần, Chương Gia sẽ sai người đến tìm anh và hỏi tại sao anh không đến học? Có phải bị bệnh không, hay là có một lý do khác? Thầy đã quan tâm nhiều đến vậy, nên anh không thể không đến. Chương Gia đã dạy anh lòng từ bi theo cách này.
Trên thực tế, trong văn hóa truyền thống, đây là cách một vị thầy đối xử với đệ tử của mình. Thầy có thể dốc hết mọi thứ của thầy để dạy học trò, mà không nhận một xu nào, chỉ cần trò xứng đáng với những gì đã học, và xứng đáng với thế giới này, thế là đủ rồi.
Phù Dao – Bí ẩn chưa được giải đáp
Trung Hòa biên dịch
NTD Việt Nam