Bạn đã từng nghe đến khái niệm“ký ức thai nhi” chưa? Có những đứa trẻ, chúng nhớ mình đã bơi và ngủ trong bụng mẹ; có bé nhớ rõ cảnh lúc mình chào đời; thậm chí nhiều trẻ còn kể rằng chúng ở trên trời cao và đã từng rẽ mây ra để chọn mẹ trước khi chào đời.
Trí nhớ kỳ diệu của thai nhi
Khi còn thơ bé, có lẽ chúng ta đã từng hỏi mẹ của mình một câu quen thuộc như thế này: “Mẹ ơi! Con đến từ đâu vậy?”
Câu trả lời rất có thể là: “Mẹ nhặt được con ở chợ/gầm cầu/thùng rác/bụi chuối/gốc cây…ai đó đã bỏ con ở đó”. Vừa nghe được câu trả lời, chúng ta khóc toáng lên vì tổn thương sâu sắc và những bà mẹ thì cười tủm tỉm.
Dường như chúng ta cảm nhận rõ ràng mối liên hệ giữa bản thân và người mẹ của mình, nhưng chúng ta vẫn tin tưởng câu trả lời một cách ngu ngốc. Bởi, chúng ta thực sự không biết, không nhớ về thời điểm mình được sinh ra.
Tuy nhiên, xin mời các bạn xem, dưới đây là một cuộc trò chuyện rất đặc biệt giữa cậu bé người Nhật Bản Masahiro 5 tuổi và mẹ của cậu ấy. Với nội dung kể về ký ức của cậu khi còn là một bào thai và trước cả khi nhập thai mẹ.
Ký ức thai nhi của bé Masahiro
Mẹ:”Trước khi vào trong bụng mẹ, Masahiro đã sống ở đâu?“
Masahiro: “Con sống trên mây. Có một đồng cỏ lớn ở phía trước nữa.“
Mẹ: “Có phải Masahiro đã chọn cha, mẹ của mình không? “
Masahiro: “Không đâu, điều đó được quyết định bởi một người lớn, ông ấy lựa chọn những sinh mệnh như cách người ta lựa một món đồ phù hợp ở trong cửa hàng.“
Mẹ: “Ngoài trẻ con ra thì người lớn cũng sống trên mây sao?”
Masahiro: “Vâng, có ông, bà và nhiều người khác nhau như cha và mẹ. Vì mây và bông hoa được trộn lẫn với nhau tạo thành nhiều loại thức ăn và chúng ăn rất ngon.”
Mẹ: “Khi ở trong bụng mẹ thì con làm gì?”
Masahiro: “Con co tay, cuộn người thành hình tròn và ngủ. Con uống nước ối và đi tiểu. Khi con còn trong bụng mẹ, mẹ thường xuyên bị ho. Mẹ nghĩ rằng điều đó không tốt cho thai nhi nên con đã cố gắng dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ trong bụng mẹ. Bây giờ con vẫn giữ thói quen dọn dẹp như vậy. Con sinh ra để dạy mẹ dọn dẹp.”
Đoạn hội thoại này được chọn biên tập vào cuốn sách “Tôi nhớ kỹ thời gian ở trong bụng mẹ” của bác sĩ y khoa Akira Ikegawa.
Trí nhớ của Masahiro được gọi là trí nhớ trong bào thai, tức là trí nhớ của thai nhi khi còn trong cơ thể người mẹ, tiếng Anh gọi là Prenatal Memories hay Fetal Memory.
Vị bác sĩ say mê nghiên cứu ký ức thai nhi
Bác sĩ Akira Ikegawa sinh năm 1954 tại Tokyo, Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp trường Teikyo University School of Medicine, ông công tác với chức vụ trưởng khoa sản tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Ageo Chuo. Ông mở phòng mạch tư Ikegawa vào năm 1989. Ông được biết đến rộng rãi với cương vị nhà nghiên cứu về ký ức bào thai trước khi sinh và trong thời kỳ thụ thai đầu tiên của Nhật Bản.
Ông cũng là một chuyên gia tư vấn của Hiệp hội Tâm lý và Sức khỏe Tiền sản và Chu sinh Nhật Bản. Là tác giả của những cuốn sách bán chạy như:‘Khi con thấy mẹ trên mây’, ‘Con đến đây vì mẹ‘, ‘Cảm ơn con đã chọn bố mẹ’. Sách của ông gồm nhiều câu chuyện về các em bé có nhận thức từ trong bụng mẹ.
Ban đầu, vì giới y học hiện đại cho rằng thai nhi và trẻ sơ sinh chưa phát triển trí nhớ và khả năng nghe được âm thanh nên sau khi đọc hết cuốn sách“Tạo ra giá trị của cuộc sống” của Giáo sư Shihiko Iida, một học giả tại Đại học Fukuda, Nhật Bản , Ikegawa chỉ nghĩ rằng nó “rất thú vị” chứ không tin vào điều đó.
Tuy nhiên, khi nhận được ngày một nhiều những thông tin về trẻ em có trí nhớ bào thai, Ikegawa bắt đầu nghi ngờ. Ông đã hỏi một nhân viên y tế trong bệnh viện: “Tôi nghe nói rằng đứa bé dường như có ký ức về việc sinh nở?”.
Không ngờ, câu trả lời lại là: “Thật sự có!”. Điều này làm ông Ikegawa trăn trở.
Câu chuyện của cô y tá
Một người cháu của gia đình ông Gozuo không chỉ nhớ những sự kiện về ngày sinh của mình mà bé còn viết chúng thành những bài báo.
Em bé mô tả một cách vô cùng chân thực:“Con nhìn thấy một con dao đâm vào bụng của mẹ con, và ai đó đã dùng tay kéo chân con ra ngoài. Con đã khóc vì quá sợ hãi. Sau đó một cái ống xuyên qua mũi khiến con cảm thấy rất đau đớn.”
Nghe xong câu chuyện, Ikegawa quyết định tìm lại hồ sơ khi sinh của cậu bé và biết được cậu bé thật sự được sinh mổ vì thai nhi không quay đầu. Mẹ của đứa trẻ cũng không biết rằng bác sĩ đã kéo chân của em bé ra trước. Điều đó đã chứng tỏ, thai nhi có ý thức tự chủ rất mãnh liệt.
Sau đó, ông Akira Ikegawa bắt đầu thu thập các tài liệu khác nhau về ký ức trong bụng mẹ. Cuộc khảo sát lần đầu tiên được bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2000.
Ông phát tờ câu hỏi cho các bà mẹ đến Phòng khám và bệnh viện nơi ông công tác, với nội dung là: “Con của bạn có nhớ giai đoạn trong bụng mẹ hay lúc chào đời không?”. Tổng cộng có 79 người trả lời câu hỏi. Kết quả có 53% có trí nhớ thai nhi và 41% có trí nhớ khi sinh. Một con số khiến chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc.
Vào tháng 9 năm 2001, Ikegawa đã xuất bản những điều 79 đứa trẻ đã mô tả trong Hiệp hội Y khoa. Sau đó, tờ Asahi Shimbun đã đưa tin về cuộc điều tra của Ikegawa với chủ đề ký ức trong bụng mẹ và nó thực sự tạo ra chấn động.
Trong hai năm 2002 và 2003, Ikegawa đã tiến hành khảo sát 3061 nhóm phụ huynh và trẻ em tại các trường mẫu giáo ở thành phố Suwa và thành phố Shiojiri, tỉnh Nagano, kết quả cuối cùng là: 33% trẻ em có trí nhớ trong bào thai, 21% trẻ em có trí nhớ khi sinh.
Nội dung ký ức thai nhi rất phong phú
Chẳng hạn các em có ký ức như sau:
“Khi ở trên mây, chúng con ở với Chúa, có các thiên thần và các bà tiên giúp đỡ. Con quyết định ai sẽ làm mẹ của mình rồi thưa với Chúa, Chúa không bao giờ từ chối.”
“Con có thể ra ngoài khi cánh cửa mở. Con thấy mẹ của mình ở đó và nhập vào bụng mẹ. Các Thiên thần sẽ đi vào thai mẹ cùng con và lấy đi đôi cánh.”
“Lúc đầu, con chọn một người mẹ khác, nhưng bà ấy lại tỏ ra vô cùng tức giận và kinh hãi, vì vậy con quyết định đổi sang một người mẹ trông dịu dàng hơn.”
“Hình như có thứ gì đó (u xơ tử cung) trong bụng mẹ, mẹ có biết không? Con biết thứ đó đã lớn hơn, con sẽ chết. Cảm ơn mẹ đã sinh ra con một cách suôn sẻ”.
“Có thể bố mẹ sẽ ly hôn, con thấy việc này cần phải ngăn chặn nên mới ra mặt”.
Nói đến đây, nếu xung quanh bạn có bạn bè có con nhỏ, bạn có muốn thử hỏi và kiểm chứng không?
Vào năm 2020, một nghệ sĩ Đài Loan tên là Tuỳ Đường đã chia sẻ ký ức về cậu con trai cả tên Max trên Facebook.
Trí nhớ bào thai của Max
Khi Max được 2 tuổi, cô hiếu kỳ hỏi con trai: “Con yêu, con có nhớ mình từng sống trong bụng mẹ không?”.
Hai năm sau, cô ấy đã cố gắng hỏi lại câu hỏi tương tự. Cô viết: “Một buổi sáng khi Max hơn 4 tuổi, thằng bé thức dậy, lăn vào vòng tay tôi, dụi mắt và thì thầm rằng nó có một giấc mơ: ‘Mẹ ơi, con mơ thấy con vẫn đang sống trong bụng mẹ”.
Nghe con trai nói rằng nó mơ được sống trong bụng mình, cô vui vẻ hỏi: “Con có nhớ trước đây con sống trong bụng mẹ không?
Max trả lời: “Con vừa bơi vừa ngủ, chán quá! Rồi con thấy một cái lỗ. Chà! Rất nhiều nước phun ra từ đó, và rồi rất nhiều máu phun ra, và con cũng chui ra từ cái lỗ đó.”
Tùy Đường chết lặng, sau khi hoàn hồn, cô tiếp tục hỏi: “Vậy tại sao con lại chọn mẹ làm mẹ của con?”
Max đột nhiên mở to hai mắt kiên quyết nói: “Con không có chọn đi. Từ trên cao, con không nhìn rõ. Một ông già đã chọn con, ông ấy nói rằng mẹ rất đẹp. Ông ấy ôm con bay xuống và đặt con vào bụng của mẹ.”
Bà Tuỳ không tránh khỏi một chút thất vọng, nhưng điều đó quá đỗi thần kỳ.
Một số trường hợp khác
Tiến sĩ Ikegawa cũng đã ghi lại trường hợp về một cặp chị em song sinh như sau:
Người chị gái nói: “Trước khi sinh ra, chúng con đều muốn cùng một người mẹ nên quyết định cả hai sẽ vào cùng nhau. Cuối cùng, con vào trước nên con được sinh ra trước, con được làm chị”.
“Khi con tôi được hơn 1 tuổi, bỗng nó nói với tôi rằng: ‘Con có thêm một người bạn là ngôi sao!”. Nghe con gái nói tôi có chút lo lắng, sau khi thử thai thì phát hiện mình có thai.”
Không chỉ ở Nhật Bản, các nước phương Tây cũng có những nghiên cứu liên quan đến trí nhớ thai nhi.
Khoa Nghiên cứu Tri giác của Trường Y thuộc Đại học Virginia đã nghiên cứu về ký ức trước khi sinh do trưởng khoa hiện tại là Jim B. Tucker phụ trách.
Họ đã có một bài đăng trên trang Web của trường như sau: “Một số trẻ có ký ức từ khi sinh ra hoặc trước khi sinh ra. Một số trẻ có thể nhớ lại khi còn trong bụng mẹ và một số có thể nói về các điều kiện khác trong không gian hoặc thiên đàng. Đôi khi trẻ nhỏ mô tả một số sự kiện khi chúng được sinh ra mà cha mẹ chưa nói với chúng.”
Mặc dù các trường hợp các học giả nghiên cứu khác biệt về khu vực, chủng tộc, nền văn hóa tín ngưỡng, nhưng có điểm rất giống nhau, đó là nhiều trẻ em có thể mô tả trước khi nhập thai chúng đều sống ở trên thiên đường.
Nếu thực sự có thiên đường, tại sao chúng ta lại muốn lựa chọn rời đi?
Điều này không khỏi khiến người ta tự hỏi, chẳng lẽ thiên đường hay thiên quốc không phải chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng?
Tất cả các loài động vật đều yên lặng khi chúng được sinh ra, nhưng con người thì kêu khóc, la lối, chúng đá chân, khua tay. Phải chăng, những thiên thần rơi xuống trần gian đang cố níu kéo cuộc sống hạnh phúc nơi thiên đường? Và nếu có một thiên đường hạnh phúc thì vì lý do gì chúng ta phải chọn rời đi?
Chúng ta trong quá trình học nói thì bỗng nhận ra là mình không thể nhớ nổi tại sao mình lại có mặt ở trên cõi đời này và mình từ đâu đến. Chúng ta bèn tìm đến người mình tin tưởng, thân yêu nhất và hỏi với sự tò mò tột độ:“Mẹ ơi! Con từ đâu sinh ra vậy?”
Phần lớn ký ức thai nhi có ở các em bé vừa mới tập nói. Càng lớn lên trẻ em càng khó để có thể nhớ ký ức bào thai. Đây cũng là một lý do lớn tại sao trí nhớ trong bào thai rất phổ biến, nhưng lại không được công nhận rộng rãi.
Người lớn thường không còn nhớ được gì ngoài những kiến thức họ được học trong sách vở. Trẻ em có thể miêu tả rất đúng khoảnh khắc các em sinh ra, hay cảnh tượng trong bụng mẹ nhưng y học hiện đại lại cho rằng thai nhi và trẻ sơ sinh chưa phát triển trí nhớ hoặc trí nhớ rất ngắn.
Tại sao con người lại lãng quên ký ức? Tại sao chúng ta lại quên đi lý do mình đến thế gian này?
Phải chăng Chúa Giê-su giáng sinh để đánh thức ký ức, để những đứa trẻ của Ngài tìm về thiên đàng nơi họ sinh ra? Phải chăng Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh dạy con người buông bỏ danh-lợi-tình nơi thế gian để tìm về với bản tính tiên thiên ban đầu?
Theo Epoch Times / Truyền Thống