Trong cuốn sách “Cách ngôn liên bích” có nói: “Tu kỉ dĩ thanh tâm vi yêu, thiệp thế dĩ thận ngôn vi tiên.” Ý muốn nói điều quan trọng nhất trong tu dưỡng bản thân là phải tĩnh lại nội tâm bên trong; đối với bên ngoài phải thận trọng trong lời nói.
Trong cuộc sống, ngôn ngữ là tấm danh thiếp đầu tiên của con người. Nếu bạn nói quá nhanh, nói quá nhiều bạn thường không suy nghĩ cẩn thận, sẽ dễ làm tổn thương người khác và chính mình; nếu bạn nói chậm lại một chút, bạn có thể suy nghĩ thấu đáo và có nhiều mối quan hệ tốt đẹp.
Vì vậy nói là bản năng của con người. Nhưng học cách im lặng đúng lúc mới là bản lĩnh.
1. Nói quá nhanh dễ làm mất lòng người khác
Trong “Đạo Đức Kinh” Chương 26, Lão Tử nói: “Nại hà vạn thặng chi chủ, nhi dĩ thân khinh thiên hạ? Khinh tắc thất căn, táo tắc thất quân”, nghĩa là khuyên mọi người phải dè dặt, thận trọng, và đừng để cho ngoại vật, vinh hoa phú quý làm động lòng.
Nếu hành động một cách phù phiếm, bạn có thể dễ dàng đánh mất những nguyên tắc cơ bản của mình; nếu bạn nói chuyện hấp tấp, bạn có thể dễ dàng bỏ qua cảm xúc của người khác.
Nếu một người nói quá nhanh, họ sẽ thường tỏ ra thiếu kiên nhẫn, họ thường không đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, điều này khiến mọi người cảm thấy không vui, cuối cùng, như vậy ý định tốt ban đầu có thể dẫn đến điều xấu.
Vào thời Càn Long nhà Thanh, ở kinh thành có một người đàn ông tốt bụng tên là Hàn Tứ, anh thường xuyên giúp đỡ người nghèo. Một mùa đông nọ, có nhiều người tị nạn tụ tập bên ngoài thành phố, Hàn Tứ dẫn theo người hầu đi cấp tặng lương thực và quần áo cho họ. Vừa ra khỏi cổng thành, anh đã nhìn thấy một chàng trai trẻ lưng còng đang run rẩy vì lạnh.
Hàn Tứ thấy vậy vội vàng lớn tiếng nói với người hầu của mình: “Mau tới đây đưa quần áo cho người này”
Chàng trai trẻ giận dữ trừng mắt nhìn anh và nói: “Cho dù tôi có chết, tôi cũng không muốn lấy quần áo của anh.”
Hàn Tư lập tức nhận ra mình nói quá nhanh, giọng điệu không tốt đã làm tổn thương lòng tự trọng của người khác. Nhưng đã quá muộn, ngày hôm sau chàng trai trẻ đó đã chết cóng, Hàn Tư cảm thấy rất có lỗi vì điều này.
Hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, lòng bao dung cũng khác nhau, nhiều khi lời nói tùy tiện có thể dễ dàng làm tổn thương trái tim ai đó giống như cơn gió lạnh mùa đông.
Như một nhà văn đã nói: “Nói mà không suy nghĩ thường làm tổn thương người khác mà không hề nhận ra”.
Khi hòa hợp với người khác, đừng làm mất đi lòng tốt của mình chỉ vì bạn nói quá nhanh, nói quá vội vàng sẽ dễ quên đi mục đích ban đầu của việc làm. Biết quan tâm đến cảm xúc của người khác là hành động tử tế cao nhất.
2. Khi nói chậm, bạn có thể suy nghĩ thấu đáo
Trong “Đạo Đức Kinh”, chương 56, Lão tử nói: “Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri”, nghĩa là người biết thì không nói, người nói là người không biết. Người trí tuệ thường không nói nhiều lời, họ hiểu rằng kiến thức và tầm nhìn của mình có hạn nên sẽ biết khiêm tốn, còn người mà lúc nào cũng chỉ trích người khác thì thường không sáng suốt, thậm chí sẽ rước họa vào thân.
Vì vậy, hãy bình tĩnh khi gặp vấn đề, cũng đừng vội lên tiếng, điều này sẽ giúp bạn có cơ hội nhìn ra sự thật và đưa ra quyết định sáng suốt nhất.
Hồ Thích là một người như vậy, khi anh còn dạy ở Đại học Bắc Kinh, nhà trường đã quy định những sinh viên đi trễ nhiều lần sẽ bị đuổi học.
Một ngày nọ, khi đang giảng dạy, một học sinh vội vã đến lớp, đây là lần thứ tư trong tuần cậu ta đến muộn. Hồ Thích định yêu cầu cậu nghỉ học nhưng khi thấy chân cậu lấm bùn và toàn thân ướt đẫm, liền yêu cầu cậu đến gặp mình sau giờ học.
Sau đó Hồ Thích mới biết cậu sinh viên đó sống ở ngoại ô và mẹ cậu bị bệnh nên mới phải đi học muộn. Hồ Thích nghe xong cảm thấy bản thân may mắn vì đã kịp suy nghĩ trước khi hành động, anh đã kịp thời ổn định cảm xúc, điều này đã giúp cho cậu sinh viên vẫn có cơ hội đi học, đồng thời tránh bị mất nhân tài.
Hồ Thích còn được thầy cô và học sinh yêu mến vì tính cách rộng lượng trong đối xử với người khác và cách ăn nói chừng mực.
Chỉ khi một người biết kiềm chế bản thân, không tùy tiện trong giao tiếp, xử lý sự việc một cách ân cần, nói năng chậm rãi, chu đáo thì mới được mọi người tôn trọng và trở nên cao thượng.
3. Giữ im lặng là cách thực hành khó khăn nhất
Trong “Đạo Đức Kinh”, chương 48, Lão tử nói: “Vi học nhật ích, vi đạo nhật tổn. Tổn chi hựu tổn, dĩ chí ư vô vi”, nghĩa là: “Theo học [hiểu theo nghĩa thường] thì mỗi ngày [dục vọng và tinh thần hữu vi] một tăng; theo đạo thì mỗi ngày [dục vọng và tinh thần hữu vi] một giảm. Giảm rồi lại giảm cho tới mức vô vi, không làm”.
Trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, tôi phát hiện ra rằng trở nên đơn giản là bài học khó nhất trong việc tu dưỡng tâm hồn, và giữ im lặng là điều khó thực hành nhất khi làm người.
Tôi đọc được một câu chuyện: Khi còn trẻ, Vương Hi Chi học thư pháp với thầy, rất siêng năng và tận tâm, thường luyện tập đến tận đêm khuya.
Nhưng Vương Hi Chi lại cảm thấy khó tiếp tục đề cao và cảm thấy rất chán nản. Sau khi suy ngẫm kỹ, ông nhận thấy mỗi lần thầy sửa sai, ông luôn hăng hái phản hồi và không có thời gian để suy nghĩ sâu sắc, khi thảo luận với bạn bè, ông đã quen bày tỏ quan điểm của mình và không kiên nhẫn lắng nghe những góp ý từ mọi người.
Vì vậy, ông đã thay đổi và bắt đầu trau dồi tính cách của mình. Bằng cách này, tâm lý của ông đã ổn định, khả năng viết chữ của ông đã có tiến bộ vượt bậc và cuối cùng Vương Hi Chi đã trở thành một bậc thầy thư pháp vĩ đại.
Có người đã nói: “Việc rèn luyện khó khăn nhất đối với một người là kiềm chế sự thôi thúc muốn thể hiện điều gì đó”.
Người có tu dưỡng sẽ biết kiềm chế bản thân đúng lúc, không ham thể hiện, không mù quáng khoe khoang thành tích, khiêm tốn, thận trọng và có đầu óc sáng suốt nên mới có thể hoàn thiện bản thân và cuối cùng đạt được ước mơ.
Lưu Hướng thời Tây Hán đã nói: “Quân tử phải cẩn thận với lời nói của mình. Không nên đặt mình trước người khác. Phải chọn lời nói phù hợp để nói”.
Nghe nhiều nói ít, suy nghĩ từ quan điểm của người khác một cách thận trọng sẽ có thể sưởi ấm lòng người, vừa thể hiện thiện chí, vừa nâng cao giáo dưỡng của bạn.
Có câu nói rất hay rằng: “Thủy thâm bất ngữ, nhân ổn bất ngôn”, ý là càng là nơi nước sâu không thấy đáy, càng không biết được độ nông sâu của nước; càng là người chín chắn trầm ổn, càng khoan dung, rộng lượng.
Có những người đủ thông minh để nhìn thấu mọi việc, nhưng lại không có trí tuệ biết giữ im lặng. Nhìn thấu một người có lẽ chỉ cần có đủ sự nhẫn nại, bạn sẽ có thể nắm bắt được thiếu xót của người khác. Nhưng nhìn thấu mà không nói hết ra là một phẩm chất đáng quý, đôi khi, bạn cần để lại cho người khác một chút tự tôn cuối cùng.
Cổ nhân có câu nói rằng: “Tri nhân giả trí, tự tri giả minh”, người có thể hiểu biết người khác là người có trí tuệ, còn người có thể hiểu rõ chính mình mới là bậc cao minh thật sự. Phúc khí lớn nhất của một người chính là có thể nhận rõ chính mình, xác định rõ con đường cần đi và giữ vững đạo đức của chính mình.
Thùy Dung biên dịch
Nguồn: aboluowang (Vương Hòa)
Vạn Điều Hay