Tác giả: Vương Xá Vi
[ChanhKien.org]
Xuất xứ điển cố
Nguyên văn trong “Tôn Tử – Quân tranh”:
Âm Hán Việt: “Tam quân khả đoạt khí, tướng quân khả đoạt tâm. Thị cố triêu khí nhuệ, trú khí nọa, mộ khí quy. Cố thiện dụng binh giả, tỵ kỳ nhuệ khí, kích kỳ nọa quy, thử trị khí giả dã. Dĩ trị đãi loạn, dĩ tĩnh đãi hoa, thử trị tâm giả dã. Dĩ cận đãi viễn, dĩ dật đãi lao, dĩ bão đãi cơ, thử trị lực giả dã. Vô yêu chính chính chi kỳ, vật kích đường đường chi trận, thử trị biến giả dã”.
Giải nghĩa
Đường đường: mạnh mẽ cường thịnh; Chính chính: nghiêm túc chỉnh tề. “Đường đường chính chính” chỉ quân đội bày binh bố trận hùng mạnh chỉnh tề. Sau này dùng “đường đường chính chính” để miêu tả sự quang minh chính đại.
Thuyết minh điển cố
Xuất phát từ website “thành ngữ điển cố” (bản nâng cấp) của kho tư liệu ngôn ngữ và văn tự quốc gia của Bộ giáo dục: https://dict.idioms.moe.edu.tw/search.jsp?webMd=2&la=0
“Tôn Tử” – một cuốn sách được Tôn Vũ thời Xuân Thu viết, trở thành một trong những cuốn binh thư thời cổ đại có nội dung phân tích tình huống chiến tranh, thảo luận về phương thức và sách lược tác chiến quân sự, trở thành ông tổ của binh thư các triều đại. Trong thiên “Quân tranh” đàm luận về phương pháp tác chiến từ mấy góc độ như “trị khí”, “trị tâm”, “trị lực”, “trị biến”: Cái gọi là “trị khí” là chỉ sự lựa chọn thời cơ, trong khi quân địch chờ đợi quay lại phản công và trở nên buông lơi nhất thì phát động tấn công; cái gọi là “trị tâm” là chỉ khi phía địch lòng quân tan rã bất an thì phát động tấn công; cái gọi là “trị lực”, là chỉ việc tránh những cuộc viễn chinh đường dài, nghỉ ngơi dưỡng sức để nghênh chiến với quân địch đã kiệt sức; cái gọi là “trị biến”, tức là chỉ khi khí thế quân địch chỉnh tề mạnh mẽ, thì nên tránh mũi nhọn của nó. Trong đó đối với mục “trị biến”, nguyên văn Tôn Tử viết: “Vô yêu chính chính chi kỳ, vật kích đường đường chi trận” (tạm dịch: Không đi chặn đánh quân địch đang có hàng ngũ chỉnh tề, không đánh kẻ địch có thế trận và lực lượng hùng mạnh). Ở đây chữ “陳” (trận) đồng nghĩa với chữ “陣” (trận), có nghĩa là đội hình, thế trận. “Chính chính chi kỳ”, “đường đường chi trận” chính là dùng để miêu tả cảnh tượng nghiêm trang chỉnh tề, hùng mạnh cường thịnh của đội quân. Về sau câu thành ngữ “đường đường chính chính” này là được phát triển biến đổi từ đây mà ra, dùng để diễn tả sự quang minh chính đại, đây cũng là nghĩa được sử dụng ngày nay.
Cận nghĩa
Quang minh lỗi lạc:
Lỗi lạc, thản đãng (trong sáng ngay thẳng). “Quang minh lỗi lạc” miêu tả tấm lòng vô tư, trong tâm trong sáng thẳng thắn. Thành ngữ này chắc là trích từ “Chu Tử Ngữ Loại – Quyển 74 – Dịch – Thượng Hệ Thượng”.
“Lỗi lạc” có nghĩa là trong sáng ngay thẳng, “quang minh lỗi lạc” tức là tấm lòng trong sáng vô tư, trong tâm trong sáng ngay thẳng. Thành ngữ này thấy được dùng trong “Chu Tử Ngữ Loại”. Chu Hi là nhà Lý học thời Nam Tống, cuốn sách “Chu Tử Ngữ Loại” này đã ghi chép đối thoại giữa ông và các môn đồ đệ tử. Có học trò hỏi ông về vấn đề liên quan đến lời quẻ bói trong Kinh Dịch: “Trong “Kinh Dịch Hệ Từ” nói rằng “quẻ có tiểu có đại”, người xưa nói trong “Kinh Dịch” có bốn quẻ là “tiểu súc”, “đại súc”, “tiểu quá”, “đại quá”, nhưng chỉ có bốn quẻ này thôi sao?” Chu Hi trả lời: “Nên nói rằng phàm là quẻ tốt đều có thể gọi là đại, quẻ không tốt đều gọi là tiểu, cái gọi là “quẻ có tiểu có đại”, chính là quẻ có tốt có xấu, chính là giống như con người cũng phân chia thành tốt xấu. Người mà quang minh lỗi lạc chính là người tốt, người mà ngu dốt xảo quyệt chính là người xấu”. “Lỗi lạc” tức là chỉ dáng vẻ thản nhiên rộng lượng khoan dung. “Tấn Thư – Quyển 105 – Thạch Lặc Tái Ký Hạ” chính là có cách dùng như vậy: “Đại trượng phu hành sự đương lỗi lỗi lạc lạc (đồng âm ‘lỗi’: 磊’), như nhật nguyệt kiểu nhiên” (tạm dịch: Bậc đại trượng phu hành sự nên lòng dạ quang minh, trong lòng thanh thản, sáng như mặt trăng và mặt trời). “Lỗi lỗi lạc lạc” là chỉ chí hướng cao vời, trong lòng bình thản. Chu Hi dùng “quang minh lỗi lạc” để miêu tả người mà trong lòng trong sáng, ngay thẳng, vô tư. Sau này “quang minh lỗi lạc” chính là vẫn luôn được sử dụng cho đến nay, miêu tả lòng dạ vô tư, tấm lòng hào hiệp cao thượng.
Bình chú
Trong “Chước Cổ Luận Tứ – Lý Tĩnh” của Trần Lượng thời nhà Tống có ghi chép: “Kỳ trận đường đường, kỳ kỳ chính chính, thử phi chính binh bất năng nhiên dã” (tạm dịch: Thế trận hùng mạnh, cờ hiệu chỉnh tề, điều này không thể làm được nếu không có quân đội chính nghĩa). Đó cũng là dùng để mô tả cảnh tượng hùng mạnh cường thịnh của đội quân. Tuy nhiên ngoài điều này ra, còn thấy có hàm ý mở rộng khác, chính binh là chỉ quân đội chính nghĩa. Từ phương diện làm người mà nói, chính chính là theo chính lý, chính đạo mà hành; đường đường tức là quang minh lỗi lạc, tức là tấm lòng vô tư, trong sáng ngay thẳng, không làm chuyện bừa bãi.
Bình luận phân tích
Trong “Lưỡng Ban Thu Vũ Am Tùy Bút – Quyển 3 – Tử Đồng Sinh” của Lương Thiệu Nhâm triều đại nhà Thanh có bàn rằng: “Thánh nhân nhất bút nhất tước, đường đường chính chính, khởi hữu dĩ ái muội chi sự, nghi kỳ quân phụ giả”, đó có nghĩa là, làm người không những phải chính tâm, chính niệm, mà còn từng li từng tí trên phương thức hành vi đều phải đường đường chính chính, quang minh lỗi lạc. Khi làm một việc gì đó để đạt mục tiêu như lợi ích cá nhân, thì xuất phát điểm không nhất định phù hợp với chính lý; vì mục tiêu chính nghĩa mà sử dụng thủ đoạn không chính đáng cũng không phải là đường đường chính chính. Điều này giống như Thánh nhân viết chữ, từng nét chữ đều thể hiện nhân tố đường đường chính chính. Bất kể một chút bất chính nào trong phương thức tư tưởng và hành vi, đều có thể dẫn đến sản sinh những thứ phụ diện, tích tồn sức nặng khiến con người trượt xuống. Ở trong hồng trần cuồn cuộn, con người có thể giữ vững từng tư từng niệm phù hợp với chính đạo, thì đó là đang đặt định cơ sở và khởi điểm cho sự đề cao của sinh mệnh.
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/282847
Ngày đăng: 28-06-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org