Người Trung Quốc có câu thành ngữ, gọi là “tâm viên ý mã”, có nghĩa là mơ tưởng hão huyền, muôn vàn tâm tư, suy nghĩ vẩn vơ, v.v. Trong «Tây Du Ký», câu này lại để chỉ Tôn Ngộ Không và Bạch Long Mã, ám chỉ rằng khi tu luyện, Huyền Trang không được phép nới lỏng họ, nếu không ở không gian người thường sẽ có biểu hiện chính là không nhập định được, chưa đủ tâm thanh tịnh; còn tại một không gian khác lại có biểu hiện là Huyền Trang vì tự bản thân không buông bỏ được tâm chấp trước, hoặc là tâm chấp trước của Ngộ Không chưa được vứt bỏ, dẫn đến thầy trò tạm thời chia lìa.
Ngộ Không vừa mới khởi hành đã gặp phải sáu tên cướp chặn đường, đại biểu cho “lục căn” mà người tu luyện không thể bị mê hoặc: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Ngộ Không vừa trừ căn chúng, Huyền Trang đã không chịu nổi, bèn lên tiếng dạy bảo Ngộ Không. Huyền Trang lấy Thiện ngôn để khuyên giải, chỉ rõ đạo lý tu Thiện cho Ngộ Không; tuy nhiên “lục tặc” này thực ra là thể hiện của chấp trước ở không gian khác, tương đồng với nghiệp lực, không thể lưu tình với chúng. Huyền Trang dạy bảo một hồi thì biểu lộ tâm lo lắng rất nặng, không còn là Thiện tâm thuần chính nữa; cộng thêm Ngộ Không tuy trừ ác dương Thiện, nhưng vẫn còn chấp trước, khiến thầy trò chia ly lần thứ nhất, lần đầu tiên “tâm viên” bị thả ra.
Cũng may Ngộ Không ngộ tính tốt, được Long vương dùng điển cố “ba lần dâng giày ở Cầu Dĩ” cảm động, quyết tâm trở về bảo hộ Đường Tăng tiếp tục tu luyện. Đường Tăng lúc này đã được Quan Âm Bồ Tát ban cho Vòng Kim Cô và thần chú “Định Tâm” để sau này hàng phục Ngộ Không. Quả nhiên Ngộ Không vừa về đã phải chịu khổ để kiềm chế tâm kiêu ngạo, một lòng theo Đường Tăng đi về Tây. Còn tâm “hành Thiện với tà ác” của Huyền Trang sau này cũng khiến ông chịu rất nhiều đau khổ.
Tới lúc thu phục Bạch Long Mã, bởi vì tâm kiêu ngạo của Ngộ Không trỗi dậy rất mạnh, không nói rõ danh tính mà đã tranh đấu với Bạch Long Thái tử, tự dưng thêm vào một nạn nữa. Bồ Tát giúp Ngộ Không hàng phục Bạch Long xong mới giảng ra cái Lý này, Huyền Trang từ đó cũng thu được “ý mã”.
Ngộ Không lúc đầu chính là vì khởi tâm hiển thị mà bị Bồ Đề Tổ sư đuổi khỏi sư môn, lần này tại Quan Âm viện cũng là vì đem khoe áo cà sa nên mới bị yêu quái gấu đen lấy trộm mất. Đồng thời Kim Trì trưởng lão khẩu Phật tâm ma, hại mình hại người, đã mất mạng còn bị cháy mất tự viện, tu hành nửa chừng, vẫn bị đọa luân hồi. Đúng là một khi khởi tâm chấp trước liền lập tức chiêu mời ma.
Lúc Bồ Tát hạ sơn theo Ngộ Không vào hang gấu hàng ma, đã chiểu theo mưu kế của Ngộ Không mà biến thành yêu quái sói xám. Sau khi biến hóa, Ngộ Không nói: “Bồ Tát yêu tinh hay yêu tinh Bồ Tát đây?” Bồ Tát cười điểm ngộ: “Bồ Tát hay yêu tinh, âu chỉ một niệm.” Có thể thấy tu thành Phật hay đọa đường ma đều là do tự bản thân mình cả. Sai biệt một niệm dẫn đến kết quả khác nhau.
Bát Giới sau khi được thu phục vẫn không cải biến sắc tâm. Tham ăn lười biếng, oán thán đầy bụng, hoàn toàn không giống người tu luyện. Ngộ Tịnh quy y tại Lưu Sa hà, gia nhập đoàn thỉnh kinh. Để thử tâm mấy thầy trò xem có kiên định hay chăng, Lê Sơn Lão mẫu cùng ba vị Đại Bồ Tát biến hóa thành gia đình bà quả phụ. Khi Lê Sơn Lão mẫu đề xuất việc kén rể, tâm mỗi người lập tức sáng tỏ ngay: Tâm lấy kinh của Tam Tạng tuy vững như bàn thạch, nhưng tâm sợ hãi và lo lắng vẫn đi theo ông như hình với bóng; Ngộ Không trời sinh vô tâm sắc dục, vả lại biết rõ việc này là các vị Bồ Tát thử tâm mấy thầy trò nên càng bất động tâm; Sa Tăng thần thông có hạn, căn cơ bình thường, nhưng tâm tu luyện thì vô cùng kiên định; chỉ duy Bát Giới vẫn còn sắc dục, đã ham phú quý lại thiếu siêng năng, cuối cùng vấp ngã rất nặng.
Kế đó tới Ngũ Trang quán, là một đại kiếp nạn, tuy nhiên nạn này cùng với tâm chấp trước chưa buông bỏ được của đoàn thỉnh kinh có quan hệ mật thiết với nhau. Chủ Ngũ Trang quán là một vị Chân Nhân của Đạo gia, đạo hạnh thâm sâu, tầng thứ rất cao, tuy nhiên Ngộ Không lại chưa biết tiếng nên mới gây ra mầm tai họa xuất phát từ tâm kiêu ngạo và oán hận của mình. Đồng thời tâm sợ hãi và lo lắng của Tam Tạng cũng châm ngòi sự việc: vì ông sợ ăn Nhân Sâm quả mà khiến đồ đệ phải hái trộm. Tâm tham ăn của Bát Giới càng đổ thêm dầu vào lửa, xui khiến Ngộ Không trộm Nhân Sâm quả. Ăn xong Nhân Sâm quả rồi, ba người lại chối cãi, Tam Tạng khuyên giải một hồi để Ngộ Không hồi tâm chuyển ý, thừa nhận sai lầm, chẳng qua vì Ngộ Không sơ ý mà dẫn tới hiểu nhầm, khiến hai đạo đồng chửi rủa ầm lên. Kỳ thực cũng bởi Ngộ Không tính Nhẫn quá thấp, một chút uất ức cũng không chịu được, nếu không giải quyết có khó gì? Sau khi đánh bật gốc cây tiên, tội lại thêm tội, đoàn thỉnh kinh lại không muốn chịu trách nhiệm, muốn đào tẩu. Đến lúc Trấn Nguyên Tử quay về rồi, bắt bốn người trói lại đó chờ xử phạt. Ở đây lưu ý điểm này, Trấn Nguyên Tử là bậc Chân Nhân đắc đạo, tuyệt không phải là vì phẫn nộ mà trả thù bốn thầy trò Tam Tạng, mà là sau khi tươi cười nghe hai đạo đồng thuật lại rồi mới làm, không hề nổi nóng. Mà việc ông làm cũng phù hợp với đạo lý thường tình: Làm sai thì phải hoàn lại, đánh bật gốc cây tiên rồi thì phải tìm cách chữa trị. Ông chỉ là duy hộ cái Lý tại cảnh giới của tầng thứ ấy mà thôi, chứ không như người thường vẫn tưởng. Sau khi Ngộ Không nhờ được Pháp lực của Quan Âm Bồ Tát chữa lành cho cây, Trấn Nguyên Tử lập tức thi hành lời hứa, kết giao cùng Ngộ Không, qua sự việc này cũng khiến Ngộ Không minh bạch hậu quả nghiêm trọng của việc “không thể Nhẫn” là như thế nào.
(Còn tiếp)
chanhkien.org / zhengjian.org