Có những vi sinh vật có lợi trong và trên thực phẩm đang định hình sức khỏe của con người. Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Gut Microbes đã làm sáng tỏ mối quan hệ giữa ruột người và vi khuẩn trên thực vật mà chúng ta ăn. (Freerangestock)
Tiến sĩ Greger viết: “Nếu bạn đã từng làm dưa cải bắp, bạn biết rằng bạn không cần phải thêm bất kỳ loại vi khuẩn ban đầu nào để lên men, vì vi khuẩn sản xuất axit lactic đã có sẵn trên bắp cải và chúng sẽ tự phát tán. Điều này cho thấy rằng trái cây và rau sống có thể không chỉ là nguồn cung cấp prebiotic – tức là chất xơ – mà còn là nguồn cung cấp men vi sinh ‘mới'”.
Ngoài cảm giác khó chịu vì vi khuẩn gây bệnh có thể ẩn nấp trong các loại thực phẩm và gây ngộ độc, hầu hết chúng ta có lẽ chưa nghĩ nhiều đến cộng đồng vi khuẩn sống trên trái cây và rau quả.
Có những vi sinh vật có lợi trong và trên thực phẩm đang định hình sức khỏe của con người. Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Gut Microbes đã làm sáng tỏ mối quan hệ giữa ruột người và vi khuẩn trên thực vật mà chúng ta ăn.
Nghiên cứu chứng minh rằng các vi sinh vật thực vật từ trái cây và rau quả góp phần tạo nên hệ vi sinh vật đường ruột. Mặc dù các nhà nghiên cứu trước đây đã biết về mối liên hệ giữa chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả với cộng đồng vi sinh vật đa dạng, nhưng nghiên cứu mới này cho thấy chúng là nguồn sản sinh trực tiếp hệ vi sinh vật đường ruột.
Thực vật giàu chất xơ – phần lớn khó tiêu – hầu hết được phân loại là thức ăn cho vi khuẩn sống trong ruột người. Nói cách khác, thực vật từng được coi là prebiotic (chất xơ) duy nhất và thực phẩm lên men được coi là men vi sinh. Cả hai đều cần thiết cho một cộng đồng vi sinh vật phát triển mạnh.
Tác giả chính của nghiên cứu, Wisnu Adi Wicaksono, cho biết: “Lần đầu tiên, chúng ta có bằng chứng cho thấy vi sinh vật từ trái cây và rau quả có thể xâm chiếm ruột người”.
Nghiên cứu này mang lại cả hy vọng lẫn lời cảnh báo tinh tế. Ví dụ, nó củng cố lập luận mà các thế hệ trước đây từng hay khuyên bảo con cháu của mình: Hãy ăn nhiều trái cây và rau củ vì chúng tốt. Nhưng nó làm nảy sinh những lo ngại về sản xuất lương thực; chẳng hạn như đất, phân bón, thuốc trừ sâu và nguồn cung cấp thực phẩm có thể ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật thực vật như thế nào?
Thực vật vừa là Prebiotic (chất xơ), vừa là Probiotic (men vi sinh)
Về cơ bản, nghiên cứu mới là một phân tích tổng hợp tuyển chọn các nghiên cứu và bộ dữ liệu, cho thấy thực vật thực sự đóng hai vai trò quan trọng liên quan đến hệ vi sinh vật đường ruột.
Các nhà nghiên cứu viết: “Trước đây, những vi khuẩn liên quan đến thực vật này đã được phân lập từ ruột người và có liên quan đến sức khỏe do vai trò của chúng là chế phẩm sinh học và mầm bệnh. Ở đây, chúng tôi đã cung cấp bằng chứng cho thấy trong ruột người có sự tồn tại của vi khuẩn có nguồn gốc từ sản phẩm tươi sống và chúng cũng là một thành phần của hệ vi sinh vật đường ruột”.
Ngay cả khi không có dữ liệu, vẫn có manh mối cho thấy trường hợp này có thể xảy ra – điều mà Tiến sĩ Michael Greger đã chỉ ra trên blog Nutrition Facts của mình vào năm 2021.
Tiến sĩ Greger viết: “Nếu bạn đã từng làm dưa cải bắp, bạn biết rằng bạn không cần phải thêm bất kỳ loại vi khuẩn ban đầu nào để lên men, vì vi khuẩn sản xuất axit lactic đã có sẵn trên bắp cải và chúng sẽ tự phát tán. Điều này cho thấy rằng trái cây và rau sống có thể không chỉ là nguồn cung cấp prebiotic – tức là chất xơ – mà còn là nguồn cung cấp men vi sinh ‘mới'”.
Kết quả nghiên cứu độc đáo
Hệ vi sinh vật – chủ yếu là vi khuẩn cộng sinh, virus, nấm và các vi sinh vật khác sống trong và trên cơ thể người – giúp tiêu hóa thức ăn và biến nó thành chất chuyển hóa. Quá trình lên men này tạo ra các axit béo chuỗi ngắn có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Các nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ sinh học Môi trường tại Đại học Công nghệ Graz ở Áo đã phân tích dữ liệu để chứng minh rằng, tần suất tiêu thụ trái cây và rau quả cũng như sự đa dạng của các loại thực vật được tiêu thụ ảnh hưởng đến lượng vi khuẩn trong ruột người.
Đặc biệt quan tâm đến những phát hiện:
- Thời thơ ấu, khi hệ vi sinh vật đang được hình thành, là cơ hội để tăng cường hệ vi sinh vật với các vi khuẩn liên quan đến thực vật. Nghiên cứu đã khẳng định những phát hiện trước đó rằng thời thơ ấu là thời điểm hệ vi sinh vật mềm dẻo và năng động nhất.
- Ăn nhiều loại trái cây và rau quả đa dạng hơn có liên quan trực tiếp đến sự đa dạng của hệ vi sinh vật, nhưng việc tiêu thụ trái cây thường xuyên hơn không ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường ruột. Tuy nhiên, tần suất sử dụng rau quả đã làm tăng sự phong phú của vi khuẩn.
- Mỗi loại trái cây và rau quả đều có một hệ vi sinh vật riêng biệt.
- Vi khuẩn liên quan đến trái cây và rau quả đóng góp trung bình 2,2% vào tổng thể sự đa dạng của vi khuẩn trong ruột người.
Nghiên cứu đã kiểm tra và phân loại cộng đồng vi khuẩn trên 156 loại trái cây và rau quả khác nhau. Kết quả cho thấy, ăn nhiều rau và trái cây sớm trong đời có thể tăng cường hệ thống miễn dịch của trẻ. Sau đó, theo thời gian, sự đa dạng của vi khuẩn đường ruột giúp trẻ hình thành sức khỏe và khả năng phục hồi chống lại bệnh tật.
Gabriele Berg, người đứng đầu viện, cho biết: “Nó ảnh hưởng đến mọi thứ. Sự đa dạng ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của toàn bộ sinh vật; tính đa dạng cao hơn mang lại khả năng phục hồi cao hơn”.
Kết nối đất với thức ăn và ruột
Theo nghiên cứu, sự đa dạng của vi sinh vật trong đất là một ổ chứa vi sinh vật liên quan đến thực vật, khiến cho các hoạt động nông nghiệp trở thành mối quan tâm đặc biệt để bảo tồn các cộng đồng vi sinh vật thực vật.
Các hệ sinh thái tự nhiên, thay vì đất nông nghiệp được quản lý, có mối liên hệ chặt chẽ hơn với sự đa dạng của các cộng đồng vi sinh vật trong đất. Một mối quan tâm khác là liệu thực phẩm được trồng theo phương pháp thủy canh và khí canh có thể mang lại lợi ích tương đương cho sức khỏe con người hay không.
Một giải pháp tiềm năng cho những thách thức này là bổ sung men vi sinh vào đất hoặc thực vật để cuối cùng đưa chúng đến ruột người. Tầm quan trọng của hệ vi sinh vật thực vật có thể đóng một vai trò trong cách hình thành hệ vi sinh vật đường ruột, từ đó, có thể đưa chúng vào sản xuất lương thực, đất, phân bón, thuốc trừ sâu và thậm chí cả chế độ ăn uống cá nhân.
Theo Amy Denney – The Epoch Times
Nhật Duy biên dịch
NTD Việt Nam