Một hình ảnh kính hiển vi về sinh vật ăn virus đầu tiên được phát hiện, trùng lông Halteria. Theo tác giả của nghiên cứu, trùng lông trong một cái ao nhỏ có thể tiêu thụ 10 nghìn tỷ virus mỗi ngày. Điều này có thể ảnh hưởng đến chu trình carbon toàn cầu. (Ảnh: Wikipedia)
Thực vật, động vật, tảo, côn trùng và vi khuẩn đều được tiêu thụ bởi các sinh vật khác nhau. Giờ đây, các nhà khoa học còn phát hiện được thêm một thứ mới trong chuỗi thức ăn – virus.
Theo New Atlas, vì virus được tìm thấy ở khắp mọi nơi, nên việc các sinh vật vô tình tiêu thụ chúng là điều không thể tránh khỏi. Nhưng nhà nghiên cứu John DeLong tại Đại học Nebraska-Lincoln muốn tìm hiểu xem liệu có vi sinh vật nào chuyên ăn virus hay không và liệu chế độ ăn uống như vậy có thể hỗ trợ sự phát triển sinh lý của các cá thể và sự phát triển của một quần thể hay không.
DeLong cho biết: “Chúng được tạo thành từ những thứ thực sự tốt: axit nucleic, rất nhiều nitơ và phốt pho. Mọi sinh vật nên muốn ăn chúng. Do nhiều sinh vật sẽ ăn bất cứ thứ gì chúng có thể có được, nên chắc chắn phải có sinh vật nào đó học được cách ăn những nguyên liệu thô tốt này.”
Vi sinh vật đã được phát hiện dựa vào một phương pháp nghiên cứu căn bản nhưng chắc chắn
Để kiểm tra giả thuyết, DeLong và nhóm của ông đã thu thập các mẫu nước ao, phân lập các loại vi sinh vật khác nhau, sau đó bổ sung một lượng lớn chlorovirus, một loại virus nước ngọt lây nhiễm trên tảo lục. Vài ngày sau, nhóm đã theo dõi quy mô quần thể của virus và các vi sinh vật khác để xem liệu vi sinh vật có ăn virus hay không.
Và họ đã phát hiện ra một loại vi sinh vật cụ thể dường như đang ăn virus đó là trùng lông Halteria. Đối với các mẫu nước không có nguồn thức ăn nào khác cho Halteria, quần thể vi sinh vật này đã tăng khoảng 15 lần trong vòng hai ngày, trong khi nồng độ chlorovirus giảm 100 lần. Còn trong các mẫu đối chứng không có virus, Halteria hoàn toàn không phát triển.
Trong các thử nghiệm tiếp theo, nhóm nghiên cứu đã đánh dấu DNA của chlorovirus bằng thuốc nhuộm huỳnh quang và phát hiện ra rằng các tế bào Halteria nhanh chóng bắt đầu phát sáng. Điều này giúp xác nhận rằng Halteria thực sự đã ăn virus.
Những thí nghiệm này cho thấy rằng thuật ngữ mới được đặt ra là “virovory” cho loài văn virus giờ đây đã có chỗ đứng với Halteria là virovore đầu tiên được biết đến. Nhưng tất nhiên, nó không phải là loài ăn virus duy nhất, DeLong và các đồng nghiệp của ông đã phát hiện ra nhiều loại trùng lông hơn, giống như Halteria, chỉ có thể tồn tại nhờ virus.
Virovory có thể thay đổi hiểu biết của chúng ta về chu trình carbon toàn cầu
Theo Interesting Engineering, các chlorovirus lây nhiễm tảo lục cuối cùng sẽ làm nổ tung các vật chủ đơn bào giống như những quả bóng bay, giải phóng carbon và các thành phần thiết yếu khác cho sự sống vào trong nước.
DeLong cho biết, điều này làm carbon bị giữ lại trong lớp súp vi sinh vật, ngăn tảo đơn bào chuyển năng lượng lên chuỗi thức ăn. Tuy nhiên, có khả năng virovory đang tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này khi chúng tiêu thụ các virus cản trở.
Theo Delong, trùng lông trong một cái ao nhỏ có thể tiêu thụ 10 nghìn tỷ virus mỗi ngày. Điều này sẽ giúp cho một lượng năng lượng khổng lồ được chuyển lên chuỗi thức ăn.
DeLong cho biết: “Nếu điều này đang tiến hành ở quy mô mà chúng tôi nghĩ là có thể xảy ra, thì nó sẽ thay đổi hoàn toàn quan điểm của chúng ta về chu trình carbon toàn cầu”.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.
Văn Thiện
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam