Hình ảnh minh họa về các tiểu hành tinh đang hướng về Trái đất. (Hình ảnh: ESA – P.Carril)
Khi một tiểu hành tinh đe dọa sẽ đâm vào Trái đất, các quốc gia hiện đang thường xuyên xung đột, cần phải gắn kết lại với nhau để đối phó.
Các chuyên gia cho biết, việc đối phó với một tiểu hành tinh lớn, nguy hiểm sẽ đâm vào Trái đất thực sự đòi hỏi sự hợp tác quốc tế lành mạnh. Tốt nhất là nên bắt đầu nghĩ về kịch bản đó ngay bây giờ, thì chúng ta mới có đủ thời gian để đưa ra các biện pháp phối hợp giải quyết.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Năm (20/6), ông Leviticus Lewis, phụ trách Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA) của Văn phòng Điều phối Phòng thủ Hành tinh (PDCO) của NASA cho biết: “Liên hợp quốc đã phát triển các quy trình ứng phó với sóng thần và các sự kiện lớn khác trên Trái đất. Nhưng đối với thảm hoạ tiểu hành tinh đâm vào Trái đất, chúng tôi cho rằng chúng ta cần phải thảo luận ngay bây giờ về những biện pháp phối hợp quốc tế trên quy mô lớn, bởi tính chất thảm khốc của nó”.
Theo tờ Space.com, một phần của công việc này sẽ liên quan đến việc phối hợp sơ tán người dân trong vùng có khả năng xảy ra va chạm. Đó có thể sẽ là một vùng rất rộng lớn, do các tiểu hành tinh di chuyển rất nhanh và việc xác định điểm rơi của nó thực sự rất khó khăn.
Lewis nói: “Nếu chúng ta nói về việc nhiều quốc gia và nhiều người phải di tản trên khu vực rất rộng lớn thì đó rõ ràng là một thách thức. Chúng ta cần thực sự bắt đầu thảo luận về những vấn đề cần thiết để phối hợp trong một nỗ lực lớn. Ai sẽ chịu trách nhiệm chính? Tổ chức nào? Chúng ta sẽ thành lập nó như thế nào? Đó có phải là Liên hợp quốc không? Đó có phải là sự kết hợp của các tổ chức quốc tế không? ? Làm thế nào chúng ta thực sự có thể đạt được điều đó? Vì vậy, đó là thách thức mới.”
Lewis đã trình bày vấn đề này tại Cuộc tập trận liên cơ quan phòng thủ hành tinh lần thứ 5 (The fifth Planetary Defense Interagency Tabletop Exercise). Đây là một cuộc mô phỏng mối đe dọa từ tiểu hành tinh được tổ chức vào ngày 2 – 3 tháng 4 tại Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Johns Hopkins (APL) ở Maryland.
NASA cho biết trong buổi Tổng kết kết quả cuộc tập trận: Cuộc mô phỏng này được thực hiện sau những nỗ lực tương tự vào năm 2013, 2014, 2016 và 2022 nhằm mục đích “thông báo và đánh giá khả năng của chúng ta với tư cách như một quốc gia chung của hành tinh trong việc ứng phó hiệu quả với mối đe dọa từ một tiểu hành tinh hoặc sao chổi nguy hiểm tiềm tàng”.
Dữ liệu mô phỏng tiểu hành tinh va chạm Trái đất vào năm 2038
Những người tham gia – gần 100 người từ các cơ quan chính phủ, công ty và tổ chức giám sát bao gồm Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Viện Smithsonian, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu và Đại học Cambridge đã xem xét một Mô phỏng với kịch bản giả định như sau: Các nhà khoa học vừa phát hiện ra một tiểu hành tinh tương đối lớn có vẻ như đang trên quỹ đạo va chạm với Trái đất. Mặc dù phải mất 14 năm nữa mới đến nơi nhưng có 72% khả năng nó sẽ tấn công hành tinh của chúng ta vào ngày 12 tháng 7 năm 2038, địa điểm va chạm xảy ra dọc theo một hành lang dài bao gồm các thành phố lớn như Dallas, Memphis, Madrid và Algiers.
Nhưng đây chỉ là một phát hiện ban đầu, với nhiều yếu tố quan trọng khác vẫn còn chưa được biết đến. Ví dụ, không rõ tiểu hành tinh này lớn đến mức nào, kích thước ước tính của nó là 60 đến 800 mét. Và các nhà nghiên cứu không biết thành phần của nó, đây là một chi tiết rất quan trọng; một tiểu hành tinh bằng kim loại hoặc đá sẽ hoạt động hoàn toàn khác – trong nỗ lực làm chệch hướng quỹ đạo của nó để tránh va chạm – so với một tiểu hành tinh khí hoặc cấu tạo bởi bụi và sỏi như Bennu, tảng đá không gian mà tàu thăm dò OSIRIS-REx của NASA đã đến lấy mẫu vài năm trước.
Lindley Johnson, sĩ quan phòng vệ hành tinh tại Trụ sở NASA ở Washington, cho biết: “Sự không chắc chắn với những điều kiện ban đầu này của mô phỏng khiến cho những người tham gia phải xem xét một loạt tình huống đặc biệt khó khăn”. “Vụ va chạm với tiểu hành tinh là loại thảm họa tự nhiên mà nhân loại có công nghệ để dự đoán trước nhiều năm và có thể có hành động để ngăn chặn.”
Một yếu tố khó khăn khác là các nhà khoa học sẽ không thể có hiểu biết thêm về tảng đá không gian mới được phát hiện này trong một thời gian nữa: Nó vừa biến mất ra phía sau Mặt trời, khiến cho việc quan sát thêm bằng kính thiên văn từ Trái đất không thể thực hiện được trong 7 tháng tới.
Họ đã xem xét ba khả năng chính trong tương lai gần, một là không làm gì cho đến khi có thể thực hiện được nhiều quan sát bằng kính thiên văn hơn. Hai khả năng còn lại là sẽ bắt đầu nghiên cứu và phát triển một sứ mệnh tìm hiểu sự thật về tảng đá không gian đang đe dọa Trái đất này: Có thể là một chuyến bay ngang qua nó; hoặc là một nỗ lực hạ cánh tàu thăm dò lên tiểu hành tinh này trong một thời gian nhất định.
Chuyến bay ngang qua sẽ tiêu tốn khoảng 200 triệu đến 400 triệu USD. Sứ mệnh hạ cánh tàu thăm dò lên tiểu hành tinh sẽ cao hơn, trong khoảng từ 800 triệu đến 1 tỷ USD.
Không giống như các cuộc tập trận về thảm họa không gian trước đây, nhóm nghiên cứu lần này đã có sẵn một nguồn tài nguyên mới quan trọng – dữ liệu từ sứ mệnh Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép (DART) của NASA – để phân tích.
Một tàu vũ trụ DART có kích thước bằng ô tô trị giá 325 triệu USD đã cố tình đâm vào một tiểu hành tinh tên là Dimorphos với hy vọng thay đổi quỹ đạo bay của nó. Kết quả Sứ mệnh DART đã được công bố tại một cuộc họp báo của NASA vào ngày 26 tháng 9 năm 2022: Đã đạt được mục tiêu chính là thay đổi thành công hướng của một tiểu hành tinh thông qua tác động của động lực học.
Đây là sứ mệnh kéo dài suốt bảy năm nghiên cứu và phát triển, đánh dấu cuộc thử nghiệm đầu tiên trên thế giới về một hệ thống phòng thủ để ngăn chặn một vụ va chạm thiên thạch với Trái đất, mà nó có thể gây ra thảm hoạ ‘ngày tận thế’.
Hầu hết các lãnh đạo cấp cao của cuộc mô phỏng lần 5 này đều ủng hộ các lựa chọn phương án 2 hoặc 3 “nhưng lưu ý rằng thực tế chính trị sẽ hạn chế hành động ngay lập tức”, báo cáo ban đầu về mô phỏng có nêu rõ vấn đề này.
Trong báo cáo có viết: “Mục quan trọng nhất của cuộc thảo luận là liên quan đến bản chất chính trị của việc ra quyết định”. Họ nhấn mạnh đến bản chất toàn cầu của thách thức, như Lewis đã nói: “Sự tham gia của hợp tác quốc tế sớm sẽ rất quan trọng. Đó là điều cần thiết và phải được thiết lập ngay bây giờ”.
Các quốc gia cần chấm dứt đối đầu về những lợi ích để sớm chuyển sang trạng thái gắn kết, phối hợp đối phó với các thảm hoạ tự nhiên.
NTD Việt Nam