Trong cuộc sống, tập trung là chìa khóa duy nhất để có được sự tiến bộ đối với các mục tiêu quan trọng. Một số mẹo nhỏ dưới đây có thể giúp ích cho bạn. (Pexels)
Trong cuộc sống, tập trung là chìa khóa duy nhất để có được sự tiến bộ đối với các mục tiêu quan trọng. Một số mẹo nhỏ dưới đây có thể giúp ích cho bạn.
Có một công thức đơn giản để dự đoán bạn sẽ đạt được bao nhiêu tiến bộ trong việc đạt được các mục tiêu của mình.
Chỉ cần lấy lượng thời gian bạn dành cho mục tiêu của mình, chia nó cho số lượng mục tiêu bạn đang theo đuổi và nhân với khoảng thời gian bạn tập trung.
Tiến độ = (Thời gian có sẵn ÷ Số mục tiêu) × Thời lượng tập trung
Trong ngắn hạn, rất nhiều yếu tố khác cũng quan trọng. Nhưng về lâu dài, việc đạt được các mục tiêu cần sự tập trung cao độ.
Mục tiêu của bạn càng ít và cam kết của bạn với chúng càng lâu, thì sự tập trung của bạn càng mạnh mẽ và bạn càng đạt được nhiều tiến bộ. Rất đơn giản!
Thử thách đưa lý thuyết vào thực tế
Mặc dù công thức này có vẻ rõ ràng về mặt lý thuyết, nhưng tương đối khó để áp dụng trong thực tế.
Nhìn lại 5 năm qua của cuộc đời, tôi (tác giả gốc bài viết) phải thừa nhận rằng bản thân đạt rất ít tiến bộ trong một số lĩnh vực quan trọng. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng là do thiếu nỗ lực. Tôi cảm thấy như mình đang chuyển động liên tục, nhưng không đi đến đâu cả.
Mãi gần đây tôi mới có thể nhìn nhận tình hình rõ ràng hơn. Tôi đã dàn trải quá mức, nhảy từ ý tưởng này sang ý tưởng khác mà không thực sự cam kết với bất cứ điều gì.
Có hai nguyên nhân, một phần đến từ việc bản chất tôi là một người tò mò, rất khó để cưỡng lại một ý tưởng thú vị và mới mẻ. Nhưng thật không may, phần chủ yếu nhất là tôi rất dễ chán nản và thất vọng. Khi tính mới của một ý tưởng không còn nữa, tôi lại nhanh chóng chuyển sang một ý tưởng tiếp theo.
Đấu tranh chống lại bản chất con người
Khả năng tập trung, nhìn bên ngoài trông có vẻ rất đơn giản và hấp dẫn. Ai lại không muốn cuộc sống ít căng thẳng hơn và ít thứ phải làm hơn trong cuộc sống của họ? Nguyên nhân khiến nó trở nên khó khăn hơn có liên quan đến bản chất con người. Có hai khía cạnh của sự tập trung sẽ luôn thách thức chúng ta: từ bỏ giấc mơ và cưỡng lại sức hút của sự mới lạ.
1. Từ bỏ một giấc mơ
Mỗi ước mơ hoặc mục tiêu bạn có đều gắn liền với một mong muốn mà bạn muốn thực hiện. Tôi nhận thấy rằng, mong muốn của chúng ta là vô tận.
Buông bỏ một giấc mơ cụ thể cũng giống như một sự mất mát. Để mất bất cứ điều gì bạn quan tâm là một trải nghiệm buồn và đau đớn. Vì vậy, thay vì buông bỏ, chúng ta có xu hướng cố gắng nắm giữ tất cả những ảo mộng của riêng mình và không bao giờ có đủ sức lực để tập trung vào bất kỳ mục tiêu nào trong số đó.
2. Không theo đuổi sự mới lạ
Khi theo đuổi bất kỳ ý tưởng nào đủ xa, thì sự phấn khích sẽ bắt đầu phai nhạt và tiến độ cũng chậm lại. Nhiên liệu của niềm đam mê sẽ cần được thay thế bằng sự chăm chỉ và cam kết kiểu cũ.
Nếu bạn không thể thừa nhận và chấp nhận thực tế này, bạn sẽ cảm thấy bực bội. Lúc này, bạn sẽ bị lung lay khi những ý tưởng mới và tốt hơn xuất hiện, nhưng bạn sẽ không bao giờ tiến bộ như mong muốn bởi vì bạn không thể tập trung đủ lâu.
Công cụ thiết thực để duy trì sự tập trung
Trong suốt cuộc đời tìm kiếm sự tập trung, tôi chỉ nhận ra một điều hiệu quả: Bạn phải làm sao khiến suy nghĩ “muốn giữ mọi thứ đơn giản nhất” ám ảnh.
Sự xuất hiện của những ý tưởng mới sẽ khiến bạn dao động, nhưng bạn cũng không muốn từ bỏ những gì đã và đang theo đuổi. Đột nhiên, cuộc sống của bạn sẽ trở nên hỗn loạn. Chỉ có sự cảnh giác liên tục và xây dựng cho mình một hệ thống tăng cường sự tập trung mới có thể ngăn chặn nó.
Dưới đây là ba công cụ thiết thực đã giúp tôi trong lĩnh vực này.
1. Tạo một danh sách ‘tránh bằng mọi giá’
Tôi đã nghe các biến thể của phương pháp này, nhưng chủ yếu như sau:
- Tạo một danh sách 25 cách bạn muốn cải thiện cuộc sống của mình.
- Sau đó, chọn năm ưu tiên cao nhất của bạn trong số đó.
- 20 mục tiêu còn lại không chỉ trở thành danh sách mục tiêu “phụ”, chúng trở thành danh sách “hãy tránh bằng mọi giá” của bạn, bởi vì trở ngại lớn nhất dẫn đến thành công không phải là thất bại, mà là sự mất tập trung.
Tất nhiên, trên thực tế, 20 mục còn lại có thể bao gồm một số khía cạnh trong cuộc sống mà bạn không thể bỏ qua. Nhưng mục đích của việc luyện tập vẫn là tăng cường sự cam kết và tập trung, thay vì cố gắng làm quá nhiều việc cùng lúc khiến bạn bị “mắc kẹt” và rơi vào tình trạng luẩn quẩn.
Hãy đặt câu hỏi, “Điều gì thực sự quan trọng với mình?”
Vào nhiều thời điểm trong ngày, tôi đã học cách tự hỏi mình như thế này để biến nó thành phản xạ trong vô thức, ngay cả khi tôi đang họp và trò chuyện với người khác.
Câu hỏi trên khiến tôi phải chắt lọc bất kỳ mục tiêu nào thành một vài chỉ dấu thực sự quan trọng. Bằng cách tập trung nỗ lực của mình vào chỉ một vài lĩnh vực này, tôi đảm bảo rằng mình đang làm việc thực sự chứ không chỉ chạy theo sự bận rộn vì lợi ích riêng của nó.
2. Sử dụng hỗ trợ trực quan để làm nổi bật các ưu tiên
Thay vì dựa vào trí nhớ hoặc bản năng của mình để biết điều gì là quan trọng, tôi cố ý xây dựng quanh mình những lời nhắc nhở trực quan về các quyết định mà tôi đã đưa ra trước đó.
- Tôi sử dụng công cụ theo dõi thói quen để theo dõi năm thói quen hàng ngày quan trọng nhất đối với tôi.
- Tôi sử dụng tính năng “đóng vòng” (close the ring) trên Apple Watch để [vừa tập thể dục cho bản thân vừa] tập thể dục trong tâm trí.
- Tôi để một cuốn Kinh Thánh bên cạnh nơi tôi ăn sáng để khuyến khích bản thân suy ngẫm nhiều hơn vào mỗi buổi sáng.
Bản thân mỗi công cụ này không phải là chìa khóa để tăng cường khả năng tập trung. Không có chìa khóa bí mật – chỉ có nỗ lực chân thành. Là con người, chúng ta thường có xu hướng làm khá tốt bất cứ điều gì chúng ta chú ý.
Cách để tăng cường sự tập trung là khiến nó trở nên sống động hơn trong ngày bằng các công cụ nói trên. Chỉ khi đó, khả năng tập trung mới trở thành một trong những thói quen, cũng như giúp bạn đi đúng hướng tới một số điều thực sự quan trọng.
Theo Mike Donghia từ The Epoch Times
Chấn Hưng biên dịch
NTD Việt Nam