Phân tích hơn 1 triệu bài đăng trên Reddit cho thấy các nhóm bị trầm cảm có sự khác biệt trong cách sử dụng ngôn ngữ. (Raw Pixel)
Phân tích hơn 1 triệu bài đăng trên Reddit cho thấy các nhóm bị trầm cảm có sự khác biệt trong cách sử dụng ngôn ngữ.
“Ở Mỹ, chúng ta có một vấn đề”.
Nỗi đau khổ này không phân biệt đối xử, ảnh hưởng đến 1 trong 20 người trưởng thành trên toàn cầu. Ở Hoa Kỳ, gần 20% thanh niên sống dưới đám mây đen của nó. Không giống một căn bệnh thể xác có triệu chứng rõ ràng, nỗi đau tinh thần biểu hiện riêng ở mỗi người. Một số có thể khóc trong khi những người khác cảm thấy tê liệt, khiến bệnh trầm cảm khó nhận biết và đồng cảm. Tuy nhiên, cốt lõi của nó vẫn có một đặc điểm thống nhất: Đơn giản là nó mang lại cảm giác tồi tệ.
Một bài báo gần đây đã xem xét bảng câu hỏi chẩn đoán phổ biến, xác định 52 triệu chứng khác nhau của bệnh trầm cảm. Chúng trải dài từ trạng thái “cảm thấy buồn” đến “mất ngủ”, “thiếu sáng suốt” đến “tê liệt”.
Phân tích các cuộc trò chuyện cởi mở về sức khỏe tâm thần có thể giúp thu hẹp khoảng cách hiểu biết và đảm bảo những người đang gặp khó khăn cảm thấy được lắng nghe, nhìn thấy và chăm sóc phù hợp.
Hiểu mức độ hạnh phúc qua lời nói
Ý tưởng cho rằng ngôn ngữ có thể định hình trải nghiệm của con người về thế giới đã được Edward Sapir và Benjamin Whorf đưa ra vào giữa thế kỷ 19 thông qua thuyết tương đối ngôn ngữ. Nghiên cứu thói quen ngôn ngữ của một người có thể cung cấp thông tin chi tiết về trải nghiệm đó.
Trong nhiều thập kỷ qua, những tiến bộ trong phân tích văn bản trên máy tính đã cho phép các nhà nghiên cứu xác định các mô hình về động lực, tâm trạng và các biến số tâm lý khác bằng cách phân loại và kiểm đếm tần suất của một số từ nhất định.
Ví dụ, hơn một thập kỷ trước, nhà tâm lý học James Pennebaker đã phát triển một phương pháp trong cuốn sách “The Secret Life of Pronouns: What Our Words Say About Us” (Tạm dịch: “Cuộc sống bí mật của từ ngữ: Lời nói phản ánh gì về chúng ta”) để đếm các từ mang tính cảm xúc tích cực và tiêu cực trong văn bản, từ đó hiểu được trạng thái tinh thần của người viết.
Gần đây, máy học đã cho phép các nhà khoa học trích xuất các từ, cụm từ, chủ đề và biểu tượng cảm xúc mô tả mức độ hạnh phúc của các nhóm khác nhau. Điều này giúp họ có một hiểu biết mới về các dấu hiệu ngôn ngữ mà qua đó, đã phản ánh hạnh phúc và sự hài lòng trong cuộc sống của con người.
Chúng ta có thể kỳ vọng rằng những người hạnh phúc thường có xu hướng sử dụng những từ mang tính lạc quan như “hạnh phúc”, “niềm vui” hoặc “phấn khích” một cách phổ biến. Tuy nhiên, các từ dự đoán mức độ hạnh phúc có thể khác nhau giữa các nhóm dân cư.
Đối với cư dân thành thị, sự hài lòng có thể biểu hiện bằng những từ như “ý tưởng”, “dịch vụ” hoặc “giải trí”. Trong khi đó, những người nông thôn hài lòng có thể đề cập đến “chuyến đi”, “cắm trại” hoặc “núi”.
Ngược lại, thế giới quan của một số nhóm trầm cảm cũng xuất hiện thông qua thói quen ngôn ngữ của họ. Liệu họ có thường xuyên thảo luận về đồ ăn, phim ảnh và giấc ngủ không? Việc xác định được các dấu hiệu xấu thông qua ngôn ngữ có thể giúp người chăm sóc tìm thấy biện pháp hỗ trợ.
Bên trong thế giới trầm cảm trực tuyến
Một nghiên cứu đã phân tích hơn 1,3 triệu bài đăng trên 43 subreddits để hiểu cách các cộng đồng trực tuyến khác nhau thảo luận về bệnh trầm cảm. Reddit là một diễn đàn trực tuyến ẩn danh thường được sử dụng để tìm kiếm sự hỗ trợ về sức khỏe tâm thần và kết nối với những người khác đang gặp khó khăn tương tự.
1. Trầm cảm và tự nhận thức
Đầu tiên, các nhà nghiên cứu kiểm tra mối tương quan giữa các triệu chứng trầm cảm cụ thể với mô hình ngôn ngữ. Những phát hiện đã nói lên điều đó.
Những cá nhân mất kiểm soát đối với cuộc sống ít sử dụng các đại từ ngôi thứ nhất như “tôi” (“I” – “me”). Họ có xu hướng thảo luận mọi thứ một cách khách quan thông qua các từ như “nó” hoặc “họ” (“it” – “they”). Nhóm này cũng ít chia sẻ về cảm xúc, đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực, sức khỏe hoặc các vấn đề cá nhân. Tuy nhiên, họ thường đề cập đến tiền bạc và việc theo đuổi thú vui có khả năng liên quan đến tình trạng mất kiểm soát.
Ngược lại, những người bày tỏ ý định tự tử lại quy chiếu về bản thân và tập trung nhiều vào những cảm xúc tiêu cực. Gia đình được coi là một chủ đề cốt lõi khác cho nhóm nhân khẩu học này.
Tương tự, những người thể hiện sự lo lắng cũng tập trung vào những cảm giác tiêu cực, đặc biệt là những cảm xúc liên quan đến lo lắng. Các cuộc trò chuyện tập trung vào các biểu hiện căng thẳng về sức khỏe thể chất, bao gồm tiêu hóa, huyết áp và đau đầu.
2. Các từ cụ thể được liên kết với các triệu chứng cụ thể
Nhìn kỹ hơn vào từ vựng liên quan đến từng nhóm nhỏ của bệnh trầm cảm, chúng ta sẽ thấy nhiều sắc thái hơn nữa.
Nhóm nghiên cứu dự đoán những thuật ngữ nào được sử dụng thường xuyên nhất liên quan đến các triệu chứng trầm cảm cụ thể.
Quay trở lại với những cá nhân mất kiểm soát, một số nội dung có khả năng xảy ra cao nhất xoay quanh “điện tử” và “chơi” (“games” – “play”). Tuy nhiên, họ hiếm khi đề cập đến trường học, gia đình hay sự cô đơn. Ngược lại, nhóm cô đơn tập trung nhiều nhất vào các mối quan hệ.
Người dùng Reddit có ý định tự tử thường ghi nhận sự bất hòa trong gia đình, đặc biệt là với các bà mẹ, bên cạnh các vấn đề về kiểm soát và cảm xúc như tức giận hoặc vô dụng. Các cuộc thảo luận về việc tự làm hại bản thân – bao gồm vết cắt, vết sẹo… cũng phổ biến hơn so với các danh mục khác.
Hơn nữa, những người lo lắng thường thảo luận về các chẩn đoán y tế của họ, cũng như một loạt các phàn nàn về cơ thể và tình trạng thiếu ngủ. Họ có xu hướng chia sẻ nhiều hơn về những yếu tố gây căng thẳng trong cuộc sống như trường học, cha mẹ và áp lực thời gian.
Các xu hướng này cũng được nhân rộng trong một mẫu người dùng khác trên X.
Đối phó
Có câu: “Ma quỷ ẩn trong các chi tiết”. Sẽ rất hữu ích nếu bạn chú ý đến những từ cụ thể mà mọi người sử dụng để mô tả bản thân và xem xét ý nghĩa của chúng. Từ góc độ tâm lý học lâm sàng, các mô hình ngôn ngữ đưa ra manh mối về cả nguyên nhân gây ra trầm cảm và con đường tiềm năng để hỗ trợ.
Những người mất kiểm soát thường đối phó bằng cách chơi game hoặc các hoạt động tạo điều kiện cho họ thoát khỏi các kết nối xã hội hoặc cảm xúc. Đối với một số người, đây có thể là cách đối phó thích ứng. Tuy nhiên, nếu đi đến mức cực đoan, việc rút lui này có thể khiến kết quả trở nên tồi tệ hơn và đòi hỏi phải điều chỉnh hướng đi.
Mặt khác, những người hay lo lắng có thể được hưởng lợi nhiều nhất từ việc chia sẻ cảm xúc, miễn là việc đó diễn ra trong những cộng đồng mang tính xây dựng hơn là những nhóm củng cố tư duy tiêu cực.
Sẽ thật tồi tệ khi tâm trạng lo lắng của bạn lại được chia sẻ với những người tỏ ra thông cảm nhưng lại thiếu hiểu biết đúng đắn.
Tóm lại, thông qua phân tích văn bản ngôn ngữ, các nhà khoa học có thể hiểu rõ hơn về mức độ hạnh phúc và trạng thái tinh thần của một người, làm đơn giản hoá việc tiếp cận căn bệnh “không triệu chứng” từ nhiều mặt, và tìm ra các biện pháp chăm sóc phù hợp với từng kiểu người.
Theo Robert Backer – The Epoch Times
Hoàng Tuấn biên dịch
NTD Việt Nam