Cách thức thế nào, kết cục thế ấy. (Ảnh minh họa: Pexels)
Tôi trả lời: “Cách thức sống của cháu thế nào thì kết cục cuộc sống của cháu sẽ thế đó. Cuộc sống là một sự lựa chọn. Cháu muốn trách ai? Đừng dùng những tài nguyên và tiền bạc mà cha mẹ đã phải đổi bằng máu, mồ hôi và cả sự tôn nghiêm của mình, để cung phụng cho những ý tưởng mà cháu tự cho là đúng”.
Chữ Cách trong từ Cách Cục (cách thức và kết cục) là thuộc về thời gian, chữ Cục thuộc không gian. Chữ Thế trong từ Thế Giới thuộc thời gian, chữ Giới thuộc không gian. Chữ Vũ trong Vũ Trụ thuộc không gian, chữ Trụ thuộc về thời gian. Cách cục của mỗi người chính là thời-không, thế giới và vũ trụ của người đó. Một số người có cốt cách riêng, cục được định hình; có người tính cách xuề xòa buông thả, cục của họ cũng dao động bất an. Còn có người thờ ơ vô cảm, trở thành người ngoài cuộc. Thậm chí có người có cục nhưng vô cách, dễ bị hãm nhập vào cứng nhắc, hoặc không thể giao lưu chia sẻ. Người ta đang ở trong mê, làm sao để thoát khỏi mê lầm?
Chàng trai trẻ mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Một chàng trai 19 tuổi lớn lên ở cực nam của Đài Loan, nơi biển trời một màu, núi xanh hòa nước biếc, sảng khoái ngao du trong cảnh mênh mông đại tự nhiên! Người như thế nào mới có thể tận hưởng sự sủng ái của thiên nhiên ban tặng? Nếu không thì trước non xanh nước biếc cũng chỉ thấy nhạt nhẽo vô vị.
Gần đây, ông bố thường xuyên đưa quý tử của mình đi khám, cậu con trai rất kén chọn bác sĩ, nhìn ai cũng chẳng vừa mắt, hầu hết sau một lần khám rồi từ chối quay lại tái khám, thay hết bác sĩ này sang bác sĩ khác. Con trai rất bướng bỉnh, không chịu đi khám lại.
Khoảng cách giữa thế giới lý tưởng của con trai và thế giới hiện thực của người cha là bao xa?
Người cha cạn lời khuyên bảo, con trai ông chỉ đồng ý đến gặp vị thầy thuốc cuối cùng. Thầy thuốc ở Đài Trung, nhưng Đài Trung thực sự rất xa! Người con khó chịu, giằng co mấy ngày liền, khó bắt chó đi cày. Ông bố chở con trai đi khám, lái xe ba tiếng rưỡi, về còn phải lái xe thêm ba tiếng rưỡi nữa, chỉ nghĩ đến thôi cũng đã kiệt sức rồi, trân trọng thay tấm lòng cha mẹ!
Nam thanh niên ngồi vắt chéo chân trên ghế chờ, đội mũ lệch, người ngả nghiêng nghịch điện thoại, gọi tên ba lần mới đáp lại. Cậu ta bước đi tung tẩy, liếc mắt nhìn mọi người. Khi ngồi trên ghế khám liền bắt chéo chân, tay đặt lên bàn chống cằm. Người cha tội nghiệp đứng nghiêm bên cạnh.
Đây là loại bệnh nhân kiểu gì?
Tôi nói: “Cậu ngồi ngay ngắn, đặt tay, đặt chân xuống, cởi mũ, cất điện thoại di động vào ba lô”.
Chàng trai sững sờ một lúc, chưa khám bệnh mà đã cho ngay một bài huấn luyện? Người trẻ nếu không được gia đình dạy dỗ thì sẽ để xã hội dạy cho.
Cuộc đời một đời người, phải thu xếp ra sao?
Tôi nói: “Hãy đưa tay ra và lè lưỡi“.
Tôi nhìn thẳng vào chàng trai trẻ và nói: “Bạn trẻ này, cậu thông minh và cầu toàn. Cậu thường mắc kẹt trong những chi tiết vụn vặt, cậu tràn đầy năng lượng và không biết sử dụng nó ở đâu? Không có ai hiểu cậu, cậu chán nản đến mức muốn phát điên!”
Sau khi nghe điều này, chàng trai trẻ lập tức hỏi cha mình:”Sao thầy thuốc này lại tài tình thế! Bắt mạch mà rõ cá tính con? Bố có gọi điện nói cho thầy thuốc trước không?”
Lúc này, tôi nhìn người cha già nua hốc hác, ông cũng ngây người lắc đầu, biết nói gì đây?
Tôi cúi đầu nghĩ cách cứu người cha trước mặt, chắc chắn ông đã bị đứa con ngang ngược của mình hành hạ thảm hại!
Tôi mời ông vào phòng chờ nghỉ ngơi, vấn đề của chàng trai trẻ phải do chính cậu ấy gánh vác, cũng có thể cậu ấy không muốn cha nghe được lời nội tâm của mình. Miệng chàng trai trẻ đầy những lời thô tục, cũng giống như những nốt mụn trứng cá trên mặt đỏ bừng và đầy mủ. Tôi nói: “Cậu bé, cậu khá điển trai, không nên có những lời thô tục phát ra từ miệng cậu. Vật chất tiêu cực của những lời thô tục đang tràn ngập trường không gian của cậu. Điều này là thiếu tôn trọng bản thân và không có lễ độ với thầy thuốc, thế thì giúp cậu thế nào đây? Ai sẵn lòng giúp cậu chữa bệnh? Trông thấy đã ghét rồi!”
Chàng trai tuy bĩu môi nhưng vẫn tự động ngồi xuống, hắng giọng và bắt đầu kể về những rắc rối của mình.
Cậu bé này ngày nào cũng quẩn quanh từ phòng tắm ra tới cửa, cứ mở cửa đi ra lại quay vào, quanh quẩn nửa giờ vẫn không ra được khỏi nhà tắm. Đôi bàn tay được rửa đi rửa lại, rửa đi rửa lại, suốt nửa giờ, cho đến khi bàn tay đỏ lên trầy da, vẫn cảm thấy rửa chưa sạch và không thể thoát ra được, thường có ý nghĩ tự tử.
Đây là bệnh gì?
Đây là chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, hay còn gọi chứng ám ảnh, là một chứng rối loạn lo âu và bệnh tâm thần, được xếp hạng là vấn đề tâm thần phổ biến thứ tư trên thế giới.
70% trăm bệnh tật có liên quan đến gia đình, 60% có liên quan đến các mối quan hệ và việc học tập. 1/3 trong số họ bị trầm cảm, 1/10 có ý định tự tử và 1/5 đã có kế hoạch tự tử.
Ở Đài Loan, cứ 100 người thì có 2 đến 3 người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, khoảng 400.000 đến 600.000 người, cao hơn bệnh tâm thần phân liệt, nóng nảy trầm uất và rối loạn hoảng sợ. Tỷ lệ nam và nữ ngang nhau, bệnh thường xảy ra trước 25 tuổi.
Trong thần Thoại cổ Hy Lạp có một người khổng lồ đáng thương tên là Sisyphus, vì sai lầm của mình nên đã bị Vua của các vị Thần đưa ra lời nguyền, buộc phải ở trong địa ngục đẩy một tảng đá lớn lên núi. Sau khi lên đến đỉnh núi, lại để tảng đá lăn xuống núi lần nữa, cứ như vậy, ông cứ đẩy tảng đá lên núi xuống núi. Sisyphus phải chịu sự trừng phạt khủng khiếp này và bị dày vò bởi công việc lao động khổ sai này không ngừng nghỉ.
Có bao nhiêu vị Sisyphus ở thời hiện đại? Lời nguyền đến từ đâu?
Y học nói là do: tổn thương ở nhân đầu của não và thùy trán, thông tin quá nhiều nên ùn tắc, rối loạn ức chế hệ thần kinh trung ương, mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh serotonin và dopamine. Bác sĩ thần kinh, nhà tâm lý học Freud thì cho rằng nguyên nhân là do xung đột trong tiềm thức.
Tôi hỏi chàng trai trẻ: “Cậu nhỏ, cậu không thích những hành động phiền toái đó phải không?”
Chàng trai gật đầu quả quyết. Tôi nói tiếp: “Đó không phải là điều mà ý thức của cậu muốn. Chúng ta hãy lấy lại quyền kiểm soát của chính mình”.
Cậu ta tròn mắt hỏi: “Đó là cái gì với cái gì?”
Tôi đáp ngay: “Cậu là bác sĩ giỏi nhất của chính mình, ý chí kiên cường của cậu là một loại thuốc đặc hiệu. Lần sau muốn đóng cửa lần thứ hai, trước tiên hãy ấn vào huyệt Hợp Cốc, đợi một lát, tự nhủ: Tôi muốn làm chủ chính mình. Mở cửa thì đi thẳng ra ngoài, sau khi đóng cửa thì đi thẳng vào phòng. Nếu muốn rửa tay thì rửa như bình thường. Khi muốn rửa lại, hãy đợi một lát, lại nhấn huyệt Hợp Cốc, nhẩm câu thần chú: Tôi muốn làm chủ chính mình, khóa vòi nước và rời khỏi phòng tắm”.
Chàng trai trẻ ngơ ngác, đây mà là chữa bệnh sao?
Điều trị bằng châm cứu
Tôi nói với chàng trai trẻ rằng, mạng lưới trong cơ thể bị chập mạch một phần, và tôi sẽ dùng châm cứu để điều chỉnh nó. Chàng trai trẻ chưa từng châm cứu bao giờ, nên có chút hiếu kỳ, ừ thì châm xem sao!
Để an thần thì châm huyệt Bách Hội; để trấn tĩnh thì châm huyệt Thần Đình đối diện nhau. Đối với bất cứ điều gì liên quan đến lao lực: tim lao, thần lao, châm huyệt Lao Cung, chữ lao trong từ Lao Cung chính là ngục tù, phong ấn quái lực loạn thần trong ngục, họ sẽ không ra ngoài làm nhiễu chúng dân. Xin các bạn trẻ hãy nhấn huyệt này thường xuyên nhé. Trị mụn trứng cá, châm huyệt Khúc Trì, Huyết Hải. Châm cứu lần đầu, số lượng kim ít, lượng kích thích nhẹ, đừng làm các bạn trẻ sợ.
Kê đơn thuốc
Các hành động lặp đi lặp lại được coi là bằng chứng và hội chứng nhiệt, được điều trị bằng các phương pháp tẩy rửa. Ở tuổi dậy thì, hóc môn nam tiết ra mạnh, thường thích uống nước đá, do đó ức chế khả năng chuyển hóa trong ruột và dạ dày, dương khí của gan xông thẳng lên không thể ngăn được. Dùng viên hoàn tán Bảo Hòa để trấn định, dùng đất dập lửa.
Ruột và dạ dày là bộ não thứ hai, trục não-ruột-dạ dày hoạt động không ổn định, hệ vi khuẩn đường ruột rối loạn, thì não bộ cũng rối loạn theo. Dùng Hoàng Liên Giải Độc Thang để thanh trừ Tam Tiêu Thực Hỏa, ức chế miễn dịch tăng động. Dùng Long Đảm Tả Can Thang thuốc sắc trị gan dương, thêm vị Sinh Địa để làm mát máu, vào thận, bổ thận thủy. Dùng nước để khắc lửa. Dùng thang lớn Sinh Địa có thể khiến người bệnh trấn tĩnh.
Tôi không nghĩ là cậu bé bướng bỉnh sẽ quay lại tái khám, nhưng vào tuần thứ 2 cậu đã xuất hiện ở phòng chờ, bố cậu không ở bên cạnh, và cậu cũng không bắt chéo chân khi ngồi trên ghế. Phải chăng cậu là một đứa trẻ có thể dạy dỗ được? Cậu tự nguyện bắt xe đến gặp thầy thuốc. Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế vẫn chưa cải thiện là bao, mụn trứng cá cũng cải thiện đôi chút, tâm trạng bất ổn cũng thuyên giảm rất nhiều. Điều quan trọng nhất là từ đầu đến cuối tôi không hề nghe thấy cậu ta nói tục một lời nào, tôi thật vui khi thấy điều này!
Muốn bay tự mình bay lên thì đôi cánh phải chịu được gió mưa.
Tôi nói: “Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một chất, giống như một cơn lốc xoáy, khiến con người không thể thoát ra. Cách tốt nhất là thoát ra khỏi tần số của nó. Nó cũng có linh tính và thích bám vào những người không tìm thấy tự kỷ chân chính”.
Cậu bé hỏi với vẻ mặt bối rối: “Làm thế nào để thoát khỏi nó?”
Tôi trả lời: “Mỗi khi muốn mở đóng cửa hoặc rửa tay thì lại lo lắng rằng cửa chưa đóng đúng cách hoặc tay rửa chưa sạch. Đó không phải là ý thức của cậu, mà là tín tức của vật chất ám ảnh phát ra, cần cự tuyệt nó ngay lập tức, và nói rằng ta không cần. Dần dần cậu sẽ có thể lấy lại quyền tự chủ của mình”.
Khi tôi hỏi châm cứu, cậu bé có vẻ mặt rất đau khổ, tôi lại tưởng là cậu sợ châm cứu. Cậu bé nói: “Thầy thuốc ạ, đợi một chút, có một điều khiến cháu còn đau khổ hơn cả chứng ám ảnh cưỡng chế, làm cháu khổ muốn chết!”
Là chuyện gì? Nghiêm trọng đến thế sao?
Cậu nói tiếp: “Bác sĩ nói xương của cháu đã lành và không thể cao thêm nữa. Cháu chỉ cao 169 cm. Không được 170 cm thì làm sao mà coi được?”
Chỉ chênh lệch có 01 cm thôi, so đo thế!
Những người cầu toàn là những người so kè tính toán, và bị giam cầm trong khuôn mẫu mà tự họ đặt ra cho mình. Cho dù bạn có bao nhiêu lý tưởng thì thế giới cũng không nhất thiết phải thay đổi theo bạn.
Chỉ khi còn trẻ mới dám ước mơ, thanh xuân qua ước mơ rón rén, rồi theo năm tháng dần trôi chỉ còn lại xiềng xích quấn đầy thân.
Tôi kiểm tra khung xương và nói: “Có thể còn chút hy vọng. Thay vì đóng cửa và rửa tay, hãy dùng thời gian đó để nhảy dây 500 lần, hoặc ném 200 quả bóng rổ. Không ăn uống đồ lạnh, sẽ làm tổn thương thận khí và đi ngủ trước 10 giờ tối”.
Cậu bé trả lời ngay: “ Úi chà! Thế thì chết mất, làm sao cháu có thể sống mà thiếu đồ uống có đá?”
Tôi trả lời: “Cách thức sống của cháu thế nào thì kết cục cuộc sống của cháu sẽ thế đó. Cuộc sống là một sự lựa chọn. Cháu muốn trách ai? Đừng dùng những tài nguyên và tiền bạc mà cha mẹ đã phải đổi bằng máu, mồ hôi và cả sự tôn nghiêm của mình, để cung phụng cho những ý tưởng mà cháu tự cho là đúng”.
Châm cứu thêm vào các huyệt Bách Hội, Dũng Tuyền, Túc Tam Lý giúp tăng chiều cao.
Ba tháng sau, chàng trai trẻ vui vẻ, rạng rỡ, xua đi đôi mắt u sầu, cao hứng nói với tôi: “Thầy thuốc ơi, cô đã giải quyết hai vấn đề lớn của cháu. Bây giờ chỉ thỉnh thoảng cháu mới bị chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế thôi, nhưng chúng được khống chế rất nhanh. Điều hạnh phúc nhất là cháu đã cao thêm 3cm, đẹp trai quá! Thật thần kỳ!”
Tuổi trẻ là một cuốn sách trang giở vội vàng, thời gian trôi qua nhanh chóng, cậu bé sẽ lớn lên, rồi có ngày quay về đọc lại, mắt lệ nhòa mà nhớ chuyện ngày xưa.
Trích từ “Lục chỉ y thủ – Vi vô minh điểm đăng”/Nhà xuất bản Bác Đại.
Ôn Tần Dung – Epoch Times
Thái Bình biên dịch
NTD Việt Nam