Minh hoạ mối quan hệ giữa nào bộ và hệ vi sinh vật đường ruột. (Inkoly/Shutterstock)
Trong loạt bài ‘Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột’, chúng tôi sẽ chia sẻ những hiểu biết mới nhất trong một lĩnh vực y tế mũi nhọn đang làm thay đổi cách tiếp cận của chúng ta đối với bệnh tật cũng như đưa ra các chiến lược mới để điều trị và phòng bệnh.
Một con số thống kê được trích dẫn rộng rãi trong một loạt nghiên cứu nói rằng có tới 75% đến 90% số lần đi khám bác sĩ của bệnh nhân là có liên quan tới các phàn nàn về căng thẳng. Căng thẳng ức chế hệ thống miễn dịch, làm tổn thất nhiều nhất số ngày làm việc, gây ra các đợt tái phát bệnh từ hen suyễn đến rối loạn tiêu hóa và là một yếu tố chính của các bệnh gây tử vong hàng đầu như ung thư và bệnh tim mạch.
Căng thẳng gây ra những tổn hại này, dường như một phần thông qua ảnh hưởng của nó lên hệ vi sinh vật đường ruột, cộng đồng vi khuẩn cộng sinh đường ruột, tạo thành từ hàng nghìn tỷ vi khuẩn, virus và nấm. Nó rất dễ bị tổn thương bởi chính những thay đổi của môi trường bên trong cơ thể.
Những ảnh hưởng này diễn ra thông qua trục não – ruột, hay cụ thể hơn là trục Ruột-Não-Hệ vi sinh vật, một siêu xa lộ thông tin giữa ruột và não. Mỗi đầu đều gửi và nhận những thông điệp ảnh hưởng đến vô số quá trình trong cơ thể. Sự gián đoạn ở một trong hai đầu có thể gây ra vấn đề ở đầu kia, bao gồm rối loạn tâm lý và thần kinh.
Căng thẳng thời hiện đại
Các nguồn gốc gây ra căng thẳng thông thường, chẳng hạn như làm việc cơ bắp quá sức, có thể khiến cơ thể tự tăng cường sức mạnh bằng cách xây dựng cơ bắp khỏe hơn, cải thiện quá trình trao đổi chất hoặc làm cho xương đặc hơn. Căng thẳng thích hợp là điều cần thiết để tôi luyện tâm trí và cơ thể.
Nhưng thật không may, chúng ta đang sống trong một thời đại có rất nhiều những căng thẳng trường diễn, không đáng có, xuất phát từ những nguồn gốc như các chất gây ô nhiễm môi trường, các tin tức gây sợ hãi, nợ nần tăng cao và các ứng dụng kỹ thuật số được thiết kế để kích thích chúng ta tiếp tục “lăn chuột” không ngừng. Sự căng thẳng này kích hoạt một loạt các thay đổi sinh hóa trong cơ thể.
Chúng ta đã hiểu khá rõ về một số thay đổi như vậy, chẳng hạn như sự gia tăng một số hormone và sự chuyển đổi từ vai trò Nghỉ ngơi – Tiêu hóa của hệ thần kinh phó giao cảm sang vai trò Chiến đấu hoặc Bỏ chạy của hệ thần kinh giao cảm. Cùng với việc ngừng tiêu hóa, trạng thái chiến đấu hoặc bỏ chạy này còn hy sinh các chức năng chữa lành và phục hồi dài hạn để tập trung tức thì vào sự sống còn bằng cách tăng nhịp tim, thúc đẩy gan giải phóng glucose vào máu để cung cấp cho chúng ta một khối năng lượng dồi dào.
Theo bác sĩ trị liệu tự nhiên Doni Wilson, căng thẳng là nguyên nhân sâu xa của hầu hết các triệu chứng sức khỏe. Wilson, tác giả cuốn sách “Làm chủ căng thẳng, phục hồi sức khỏe của bạn”, nhấn mạnh vai trò của căng thẳng trong quá trình phát triển cơ thể (biểu sinh), đó chính là cách mà hành vi và môi trường ảnh hưởng đến gen của chúng ta.
Wilson nói với The Epoch Times “Sự tiếp xúc với môi trường là tác nhân bộc lộ biểu hiện của gen. Cũng chính sự tiếp xúc với căng thẳng kích hoạt tự miễn dịch”. Wilson cũng cho biết, tác nhân trung gian tạo ra ảnh hưởng đó, thứ chuyển các yếu tố gây căng thẳng bên ngoài thành những thay đổi bên trong gen, thường là hệ vi sinh vật của chúng ta. “Chúng tôi biết mình phải chú ý đến vi khuẩn đường ruột vì vi khuẩn đường ruột đang ảnh hưởng đến mọi thứ.”
Cơ thể chứa một lượng DNA lớn đáng kinh ngạc, tuy nhiên không phải tất cả đều thuộc về bạn. DNA trong tế bào thì khá ổn định, nhưng có tới 99% DNA lại thực sự thuộc về vi khuẩn. Những vi khuẩn đó thay đổi và thích nghi rất nhanh, kéo theo những thay đổi tương ứng DNA của cơ thể.
Và những thay đổi đó có thể gây ra hàng loạt vấn đề, ảnh hưởng đến tận não bộ.
Nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng hệ vi sinh vật đường ruột có liên quan đến nhiều tình trạng bệnh bao gồm chứng tự kỷ, lo âu, béo phì, tâm thần phân liệt, bệnh Parkinson, trầm cảm và bệnh Alzheimer.
Căng thẳng gây phá hủy hệ vi sinh vật đường ruột như thế nào
Một đánh giá năm 2019 về các nghiên cứu trước đó, có tên “Trục vi sinh vật-ruột-não”, đã xem xét kỹ lưỡng các cơ chế qua đó não giao tiếp với hệ vi sinh vật. Bài đánh giá được công bố trên tạp chí Physiological Reviews này đã tóm tắt một mối quan hệ phức tạp.
Các tác giả lưu ý rằng “Hệ vi sinh vật và não giao tiếp với nhau thông qua nhiều con đường, bao gồm hệ miễn dịch, chuyển hóa tryptophan, dây thần kinh Phế vị và hệ thần kinh ruột, kéo theo sự tham gia của các chất chuyển hóa của vi sinh vật như axit béo chuỗi ngắn, axit amin chuỗi nhánh và peptidoglycan”.
Và vì bất cứ điều gì ảnh hưởng đến sức khỏe của hệ vi sinh vật chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ phần còn lại của cơ thể, nên mối quan hệ đó đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các nhà nghiên cứu.
Bài báo này cũng lưu ý rằng “Một khi người ta biết rằng những người bạn hội sinh trong ruột có thể giao tiếp hiệu quả với não bộ, một loạt các nghiên cứu đã đổ xô đi tìm hiểu các quá trình phức tạp đó”.
Nhiều tài liệu đã ghi nhận việc ruột và não bộ có lượng giao tiếp rất lớn, nhờ phát hiện ra hệ thần kinh ruột, vốn được mệnh danh là “bộ não thứ hai”. Được đặt tên như vậy bởi vì nó là một phần gần như tự chủ của hệ thần kinh với những trách nhiệm lớn lao và một số lượng to lớn các tế bào thần kinh.
Các nhà khoa học hiện đang phát hiện ra rằng vi khuẩn của chúng ta có vai trò lớn trong sự tương tác đó, một phần vì chúng tạo ra nhiều chất chuyển hóa quan trọng mà cơ thể chúng ta sử dụng cho bất kỳ chức năng nào. Vi khuẩn, cũng giống như các tế bào, là những nhà máy nhỏ, sản xuất ra các hóa chất và hợp chất khác nhau.
Bài báo trên Physiological Reviews lưu ý: “Trong những thập kỷ gần đây, các lĩnh vực vi sinh và khoa học thần kinh đã trở nên gắn bó hơn bao giờ hết’’.
Vi khuẩn trong ruột tạo ra nhiều hormone quan trọng và cũng có vai trò trong việc tạo ra các chất dẫn truyền thần kinh.
Một bài báo năm 2017 trên tạp chí Trị liệu thần kinh cho biết: “Đường tiêu hóa là cơ quan nội tiết lớn nhất ở động vật có vú, tiết ra hàng tá phân tử truyền tin khác nhau”.
Hiện nay chúng ta cũng biết rằng các chất dẫn truyền thần kinh và hormone, chẳng hạn như serotonin, norepinephrine, epinephrine và dopamine, đều hoạt động cả trong não cũng như trong ruột.
Một đánh giá nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Sinh lý học Tế bào năm 2016 cho biết: “Những chất dẫn truyền thần kinh này có thể điều chỉnh và kiểm soát không chỉ lưu lượng máu mà còn ảnh hưởng đến nhu động ruột, sự hấp thụ chất dinh dưỡng, hệ thống miễn dịch bẩm sinh đường tiêu hóa và hệ vi sinh vật”.
Một phần trong những chức năng sinh hóa quan trọng của hệ vi sinh vật đường ruột là tạo ra nguồn cung cấp axit béo chuỗi ngắn (SCFA) chính cho cơ thể.
Nghiên cứu đã liên kết căng thẳng mãn tính với mức SCFA thấp. SCFA là chất chuyển hóa do vi khuẩn đường ruột trong ruột kết tạo ra khi tiêu hóa chất xơ.
Theo một bài báo năm 2020 trên tạp chí Frontiers in Endocrinology, cả SCFA và dây thần kinh phế vị đều đóng vai trò trong các kênh truyền tin tiềm năng ảnh hưởng đến trục ruột-não.
Một cách gián tiếp, SCFA tương tác với não bằng cách kích thích ruột tiết các hormone, bao gồm axit gamma-aminobutyric (GABA) và serotonin. GABA là một axit amin có vai trò tăng cường trạng thái an tĩnh và serotonin là chất dẫn truyền thần kinh giúp ổn định tâm trạng trong cảm giác hạnh phúc.
Chúng ta sẽ gặp những rắc rối nếu vi khuẩn không tạo ra SCFA. Các axit béo này có tác động tới tình trạng viêm của hệ thần kinh trung ương, có vai trò trong sinh mô thần kinh, góp phần sản xuất serotonin, cải thiện chức năng và cân bằng nội môi thần kinh.
Tổng hợp lại, ảnh hưởng của SCFA lên não có thể tác động đến cảm xúc, nhận thức cũng như những thay đổi liên quan đến bệnh tật và tổn thương.
Mà căng thẳng lại có thể làm suy giảm sự tạo thành SCFA.
Ưu tiên các hoạt động giảm căng thẳng
Một hoạt động giảm căng thẳng mà có thể ảnh hưởng đến thành phần của hệ vi sinh vật là thực hành chánh niệm, đặc biệt là thiền định, điều này dường như được hầu hết các bác sĩ chức năng đồng thuận.
“Tôi là một người rất yêu thích thiền. Thiền là một công cụ rất đơn giản nhưng mạnh mẽ”, bác sĩ tích hợp, Tiến sĩ Akil Palanisamy nói với The Epoch Times.
Wilson cho biết, việc mỗi ngày lựa chọn các hoạt động, mà cô gọi tên là hoạt động “chống căng thẳng”, sẽ giúp cơ thể trở lại trạng thái cân bằng sau khi phát sinh những căng thẳng, cải thiện hệ vi sinh vật và thậm chí thuận lợi cho giảm cân. Cô sử dụng từ viết tắt CARE— ăn uống sạch sẽ (Clean eating), ngủ đủ giấc (Adequate sleep), phục hồi (Recovery) và tập thể dục (Exercise) — như một lời nhắc nhở hãy chọn cách tự chăm sóc bản thân hàng ngày.
Cô nói: “Đối với rất nhiều người, khi họ bị căng thẳng, cân nặng không thể giảm. Khi chúng ta thực hiện các hoạt động chống căng thẳng hàng ngày, tất cả các tín hiệu phù hợp được gửi tới cơ thể. Chúng ta cần phải tích hợp các hoạt động chống căng thẳng vào hoạt động hàng ngày tốt hơn nữa”.
Các phương pháp giảm căng thẳng
Tiến sĩ William Li đã đưa ra những lời khuyên như sau trong cuốn sách của mình, nhằm mục đích giảm căng thẳng “Ăn để đánh bại chế độ ăn kiêng của bạn: Đốt chất béo, chữa lành trao đổi chất của bạn, và sống lâu hơn”.
Nhận hỗ trợ: hãy nói chuyện với một người bạn đáng tin cậy về những khó khăn của mình và cân nhắc trao đổi với một nhà trị liệu chuyên nghiệp nếu cần được hỗ trợ nhiều hơn.
Thiền: Các phương pháp thực hành chánh niệm ví dụ như thiền giúp rèn luyện bộ não tập trung vào hiện tại thay vì nghĩ về quá khứ và tương lai, vốn là những điều có thể gây ra nỗi sợ hãi, trầm cảm và lo lắng.
Uống trà: Một số loại trà như trà xanh và trà hoa cúc có thể giúp giảm căng thẳng và bồn chồn.
Cải thiện giấc ngủ: Chất lượng giấc ngủ có liên quan đến trạng thái của hệ vi sinh vật.
Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất có thể giúp giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ, cải thiện cơn đau mãn tính và điều chỉnh hệ vi sinh vật.
Ủy quyền: Hãy bỏ qua một số việc không cần bạn phải trực tiếp thực hiện—tập trung vào nhiệm vụ ưu tiên hoặc giao việc cho người khác.
Hít thở: Các bài tập thở có thể làm giảm cortisol, loại hormone gắn liền với căng thẳng có thể gây ức chế hệ miễn dịch.
Kiềm chế tức giận: Nếu được, hãy tránh những điều dễ gây tức giận. Giải quyết cơn giận bằng sự hài hước, tập thể dục hoặc sự trợ giúp chuyên nghiệp.
Thực hành Tự chăm sóc bản thân thường xuyên: Thực hiện những việc giúp giảm bản thân bớt căng thẳng và ưu tiên dành thời gian mỗi ngày quan tâm tới nhu cầu của bản thân.
Hồ sơ một loại vi khuẩn nổi bật
Bifidobacteria dường như có vai trò trong trục ruột-não. Một số chủng Bifidobacteria nhất định—đã xác định được hơn 250 subtypes—dường như có tác động có lợi đối với chứng trầm cảm và bồn chồn. Các nghiên cứu cũng cho thấy dùng Bifidobacteria như một chế phẩm men vi sinh (probiotic) có thể làm giảm tình trạng viêm ở bệnh tiểu đường, bệnh celiac, bệnh viêm ruột, bệnh đa xơ cứng và bệnh vẩy nến.
Bifidobacteria nằm trong số năm loài đầu tiên tới sống trong ruột trẻ sơ sinh. Chúng có thể chiếm tới 90% hệ vi sinh vật của trẻ thậm chí nhiều hơn. Khi trẻ được 3 tuổi nó giảm dần cho tới khi giống với hệ vi sinh vật trưởng thành, với tỷ lệ khoảng 5%.
Bifidobacteria đóng vai trò to lớn trong sự phát triển hệ thống miễn dịch giai đoạn sớm, bảo vệ chống lại mầm bệnh, giúp tổng hợp vitamin B và các chất chống oxy hóa. Chúng cũng giúp duy trì tốt tính thấm của ruột và giảm mức độ viêm, một phần là nhờ vào sản xuất các axit béo chuỗi ngắn acetate và lactate.
Facebook Instant Articles
Thông tin phỏng theo cuốn sách “The T.I.G.E.R. Protocol” của Akil Palanisamy, M.D. Bản quyền 2023. Với sự cho phép của Balance, một chi nhánh của Grand Central Publishing. Đã đăng ký Bản quyền.
Theo The Epoch Times
Quân Dương biên dịch
Tác giả: Amy Denney
NTD Việt Nam