Trương Quả Lão nói: “Một cuộc chiến hỗn loạn với kiếm và đao, nó không phải là loạn thật sự, bởi vì con người vẫn là người. Tới thời đại khi nhân tâm đều chết, con người hoá thành quỷ, đó mới là đại loạn thực sự. Cái đó gọi là loạn ở nhân tâm, chứ không phải ở sự việc con người” (Ảnh chụp màn hình)
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu từ những lời tiên tri kinh ngạc của Trương Quả Lão, một đạo sĩ thời Đường, cho đến Thiên cơ được tiết lộ từ hàng thế kỷ trước trong bài thơ tuyệt mệnh của đệ tử nổi tiếng của Tăng Quốc Phiên vào cuối thời nhà Thanh. Chúng sẽ giúp chúng ta hiểu được khung cảnh khác về ngày tận thế trong mắt các bậc cao nhân.
Xung đột Israel-Palestine ngày càng trở nên căng thẳng, và có nhiều quốc gia tham gia vào cuộc chiến này. Nhiều người lo lắng, liệu điều này có dẫn đến bùng nổ Thế chiến thứ III? Kể từ khi xảy ra xung đột Israel-Palestine ở Trung Đông, những người nghiên cứu Kinh Thánh đều cho rằng, Kinh Thánh nói rằng Trung Đông là vũ đài của tận thế, phải chăng ngày tận thế mà Thần nhân đoán chính là vào thời hiện nay?
Khi nhắc đến chủ đề ngày tận thế, quả thực có rất nhiều ghi chép trong các lời tiên tri phương Đông và phương Tây. Vì vậy, nhiều người có rất nhiều nghi vấn: Liệu ngày tận thế có phải là nói về việc thế giới bị hủy diệt? Tất cả con người và vạn vật trên trái đất sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, vậy rốt cuộc con người chúng ta sống để làm gì? Vì vậy, mỗi khi nghe nhắc đến “ngày tận thế”, nhiều người sẽ trở nên sợ hãi và bất an.
Vậy ngày tận thế trong dự đoán của các cao nhân ám chỉ điều gì?
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu từ những lời tiên tri kinh ngạc của Trương Quả Lão, một Đạo sĩ thời Đường, cho đến Thiên cơ được tiết lộ từ hàng thế kỷ trước trong bài thơ tuyệt mệnh của đệ tử nổi tiếng của Tăng Quốc Phiên vào cuối thời nhà Thanh. Chúng sẽ giúp chúng ta hiểu được khung cảnh khác về ngày tận thế trong mắt các bậc cao nhân.
“Tu thành kim cốt luyện quy chân, động toả di tông bất kế xuân
Dã thảo mạn tuỳ thanh lĩnh tú, nhàn hoa trường đối bạch vân tân
Phong dao thuý tiểu xao hàn ngọc, thuỷ kích đan sa tẩu tố lân
Tự thị Thần Tiên đa biến dị, khẳng giáo tung tích yểm hồng trần”
Tạm dịch:
Tu xương cốt vàng luyện quy chân, bế quan trong động chẳng kể xuân
Cỏ kiêu xanh tươi cùng núi biếc, hoa nhàn luôn mới với bạch vân
Gió lay khóm trúc khua ngọc lạnh, nước bắn đan sa cá bạc bơi
Thần Tiên vốn có nhiều biến ảo, muốn đem tung tích giấu hồng trần
Cùng với giọng ngâm thơ du dương, một ông lão với khuôn mặt đầy nếp nhăn, cưỡi một con lừa lông trắng vô cùng thần thánh đang tiến tới. Nhưng nếu bạn đứng trước con lừa, thì chỉ nhìn thấy cái lưng lớn của ông lão này, quan sát kỹ, hoá ra là ông đang quay lưng lại, đang cưỡi lừa ngược. Nhân vật này không phải ai khác chính là một trong Bát Tiên – Trương Quả Lão.
Trường sinh bất lão, nhưng nói chết là chết
Trương Quả Lão là một nhân vật có thực, bài thơ trên chính là kiệt tác của ông được lưu lại trong “Toàn Đường Thi”. Tuy nhiên, từ trước tới nay chưa có ai biết rõ được thời đại mà ông sinh ra. Theo sử sách ghi lại, có lúc ông tự xưng mình đã vài trăm tuổi, có lúc ông nói rằng mình là người thời vua Nghiêu. Tóm lại, vào thời nhà Đường, ông sống ở Trung Điều Sơn, thuộc Hằng Châu.
Người thời đó đều nói rằng ông có phép trường sinh bất lão. Danh tiếng của ông truyền tới tai hoàng đế. Từ Đường Thái Tông tới Đường Huyền Tông đều muốn thân cận với Trương Quả Lão để học thuật trường sinh bất lão của ông. Nhưng Thần Tiên vốn không như người phàm, hoàng đế quan tướng cũng chỉ đều là phàm phu tục tử, muốn gặp được Thần Tiên không phải việc dễ dàng. Ngoài ra, ông còn có một kỹ năng rất đặc biệt, chính là ông nói chết liền sẽ chết!
Đường Thái Tông, Đường Cao Tông mời ông xuất sơn, ông đều từ chối. Khi Võ Tắc Thiên phái người tới triệu ông xuất sơn, Trương Quả Lão biết người phụ nữ này lòng dạ rất hiểm ác, vì nghĩ tới người sứ giả có thể bị gặp nguy hiểm nếu ông từ chối, nên ông đã đồng ý lên đường. Khi đi qua miếu Đố Nữ, ông nấc lên một tiếng, rồi chết. Lúc đó đúng vào hôm trời nắng to, chỉ một lúc sau thi thể ông đã thối rữa và bốc mùi. Võ Tắc Thiên chẳng còn cách nào, đành phải bỏ cuộc. Nhưng sau này có người lại nhìn thấy ông ở trong núi.
Đến năm Khai Nguyên thứ hai mươi ba (năm 725), Đường Huyền Tông lại phái người tới mời Trương Quả Lão, ông vẫn không hề muốn đi, và kịch bản tương tự lại diễn ra, trước mặt sứ giả Bùi Ngộ, ông đã tắt thở và chết. Bùi Ngộ sợ hãi, vội thắp hương và cầu nguyện, bày tỏ thành ý của Thiên tử muốn gặp ông để cầu Đạo. Trương Quả Lão nghe vậy cảm động và một chốc sau khoan thai chuyển mình, tỉnh dậy.
Nhưng Bùi Ngộ không dám cưỡng ép ông đi vào cung, mà cưỡi ngựa về bẩm báo với Hoàng thượng. Huyền Tông bèn để Từ Kiệu, người của Trung thư xá mang theo thư có dấu ấn ngọc tỉ của Hoàng đế tới mời Trương Quả Lão. Trước thành ý hết lần này tới lần khác của Hoàng đế, Trương Quả Lão đã cùng với Từ Kiệu đến Trường An. Ông được rước bằng kiệu lớn vào cung.
Thất vọng và hy vọng của Hoàng đế
Thế nhưng, khi Đường Huyền Tông nhìn thấy Trương Quả Lão, đã không tránh khỏi có chút thất vọng trước một ông lão mặt đầy nếp nhăn, với hàm răng rụng, tóc lưa thưa.
Hoàng đề liền hỏi: “Ngài là cao nhân đắc Đạo, tại sao vẫn tóc thưa răng rụng, suy yếu già cỗi?”
Trương Quả Lão trả lời: “Ôi, thần đã sống rất lâu rồi, chẳng có thể dựa vào Đạo thuật nào cả, nên mới thành ra bộ dạng này, thật là hổ thẹn. Hôm nay thần sẽ nhổ tóc và răng này đi, biết đâu lại mọc ra cái mới?”.
Ông vừa nói dứt lời, liền lập tức nhổ tóc và răng trước mặt Đường Huyền Tông, miệng đầy máu. Hoàng đế thấy vậy thất kinh, vội nói: “Tiên sinh hãy nghỉ ngơi một chút, lát nữa chúng ta nói chuyện tiếp”.
Một lát sau khi Đường Huyền Tông gặp lại Trương Quả Lão đã thấy ông với bộ răng trắng ngần, tóc đen nhánh, hơn cả người tráng niên. Sự thay đổi diện mạo sống động ngay trước mắt này đã khiến Hoàng đế như được khai sáng.
Kết hôn với công chúa
Khi đó quần thần biết tin về sự thay đổi kỳ diệu của Trương Quả Lão cũng vội đến bái kiến, mong có được bí mật để cải lão hoàn đồng. Thế nhưng Trương Quả Lão không nói gì. Một hôm, có hai vị đại thần tới bái kiến Trương Quả Lão, ông bất chợt nói với họ: “Nếu cưới một công chúa làm vợ, đó sẽ là một việc rất đáng sợ”.
Hai vị đại thần nhìn nhau, bối rối không hiểu ý Trương Quả Lão muốn nói gì.
Lát sau người của Đường Huyền Tông phái đến, nói với Trương Quả Lão: “Ngọc Trân công chúa từ bé đã thích tu Đạo. Hoàng thượng muốn gả công chúa cho Tiên sinh”.
Trương Quả Lão cười lớn, nhất định từ chối. Lúc này, hai đại thần mới hiểu ra, vốn vị cao nhân này có thể đoán biết trước được tương lai.
Tiểu Đạo sĩ khiến Huyền Tông thích thú
Huyền Tông rất hậu đãi Trương Quả Lão. Một lần, Huyền Tông giữ ông lại nội điện uống rượu. Trương Quả Lão thoái thác, nói rằng tửu lượng bản thân kém, chỉ uống được 2 thăng, nhưng có một đệ tử uống rất tốt, có thể uống một đấu (mười thăng). Hoàng đế rất vui mừng, bảo Trương Quả Lão mời người đệ tử đó tới. Ngay lập tức, có một tiểu Đạo sĩ từ mái hiên bay xuống, trông chỉ như khoảng 16-17 tuổi. Bề ngoài tiểu Đạo sĩ trông anh tú, tư chất ưu nhã, khi bái kiến Huyền Tông thì ngôn từ rõ ràng, rất lễ nghĩa.
Đường Huyền Tông cho phép Đạo sĩ ngồi. Trương Quả Lão nói: “Làm đệ tử thì phải đứng sang bên chờ đợi, không nên cho ngồi”.
Đường Huyền Tông càng nhìn càng ưng ý, nên không màng tới việc đó, ban cho Đạo sĩ ngự tửu, để anh ta uống hết một đấu. Trương Quả Lão thấy Huyền Tông vẫn ra sức mời rượu, nên thay cho đệ tử can ngăn: “Ôi, không thể uống nữa, uống nhiều quá nhất định sẽ xảy ra sai sót, sẽ khiến Hoàng thượng chê cười”.
Đường Huyền Tông không nghe, vẫn tiếp tục ép tiểu Đạo sĩ uống rượu. Đột nhiên rượu từ trên đỉnh đầu tiểu Đạo sĩ tuôn ra, mũ trên đầu Đạo sĩ rơi xuống đất phát ra tiếng cạch. Đường Huyền Tông và các phi tần thấy, hoá ra là nắp bầu bằng vàng, tất cả kinh ngạc bật cười. Họ nhìn lại, không thấy tiểu Đạo sĩ đâu, chỉ có một cái bầu rượu vàng ở trước mặt. Vị tiểu Đạo sĩ vốn là cái bầu rượu bằng vàng có thể chứa được đúng một đấu rượu.
Sự cố
Những Tiên thuật như trên có rất nhiều. Một pháp sư tên Dạ Quang rất giỏi phát hiện ma. Đường Huyền Tông mời ông ta tới xem Trương Quả Lão. Dạ Quang tới trước Huyền Tông tấu rằng: “Trương Quả Lão ở đâu? Thần sẵn sàng kiểm tra”.
Trong khi đó Trương Quả Lão đã đứng trước mặt ông ta từ lâu, nhưng Dạ Quang vẫn không hề nhìn thấy.
Còn có người tinh thông toán mệnh, khi nhìn người sẽ bày thẻ tính ra, và rất nhanh có thể tính ra được họ tên, giàu nghèo, thiện ác, thọ mệnh của đối phương. Người này đã từng bói toán trên ngàn lần, và chưa có lần nào sai lệch. Đường Huyền Tông gọi anh ta tới bói toán về Trương Quả Lão. Nhưng kỳ lạ, người này tính đi tính lại tới mệt nhoài mà vẫn không bói tính ra được gì. Quả thực là, sự việc của Thần Tiên, tiểu Đạo thế gian không thể nào được phép biết.
Con hươu của Hán Vũ Đế
Một lần, Đường Huyền Tông đi săn, bắt được một con hươu to. Con hươu này có phần khác với những con hươu bình thường, nhưng nếu không nhìn kỹ sẽ không nhận ra. Khi đầu bếp nhấc con dao bếp lên chuẩn bị giết mổ con hươu, Trương Quả Lão nhanh chóng tiến tới ngăn cản, ông nói: “Không được, không được giết. Đây là hươu Tiên, đã sống hơn ngàn năm. Khi Hán Vũ Đế săn bắt, tôi đã đi theo sau. Hán Vũ Đế đã bắt được nó, nhưng sau đó đã thả nó ra”.
Huyền Tông tò mò hỏi: “Thiên hạ rộng lớn, hươu nhiều như vậy, hơn nữa, thời gian lại lâu dài như thế, làm sao Ngài biết được nó là con hươu năm đó?”.
Trương Quả Lão đáp lời: “Khi Vũ Đế phóng sinh, ở chân trái của con hươu đó đã đóng thẻ bài bằng đồng làm ký hiệu”.
Huyền Tông sai người kiểm tra con hươu, quả nhiên là có miếng thẻ đồng khoảng hai tấc ở chân trái con hươu, chỉ có điều chữ viết trên đó đã bị phai mờ đi và không còn nhìn rõ được. Huyền Tông lại băn khoăn hỏi: “Hán Vũ Đế đi săn vào năm nào, tới nay đã bao nhiêu năm rồi?”
Trương Quả Lão nói: “Tới nay đã 852 năm rồi”.
Huyền Tông lại sai người lật lại sử sách đối chiếu, quả nhiên không sai điểm nào.
Đường Huyền Tông cởi giày mũ, xin lỗi
Tương truyền, khi đó còn có một Đạo sĩ vô cùng nổi tiếng, tên là Diệp Pháp Thiện. Huyền Tông hỏi Đạo sĩ này có biết rõ về Trương Quả Lão không. Ông đáp rằng: “Dĩ nhiên thần biết, nhưng nếu thần nói ra sẽ phải chết, bởi thế nên không dám nói. Nếu như Bệ hạ dám cởi bỏ giày mũ cứu thần thì thần mới có thể sống”.
Xem ra Huyền Tông đang hết mực tò mò về Trương Quả Lão, và cũng không tin Đạo sĩ sẽ phải chết, nên lập tức đồng ý.
Diệp Pháp Thiện bèn lên tiếng: “Trương Quả Lão vốn là một con dơi trắng sinh ra từ thuở hỗn nguyên”. Vừa dứt lời, ông thực sự bị thất khướu chảy máu, ngã gục xuống đất.
Huyền Tông thấy việc không hay xảy ra, vội triệu mời Trương Quả Lão, rồi Hoàng đế cởi bỏ giày mũ, tạ tội. Trương Quả Lão chậm rãi nói: “Tên tiểu tử này đã nói ra nhiều điều không nên nói, không trừng phạt hắn, e rằng sẽ làm hỏng đại sự trong trời đất!”
Huyền Tông cầu khẩn hồi lâu. Trương Quả Lão nhổ miếng nước trong miệng vào mặt Diệp Pháp Thiện, lúc này vị Đạo sĩ mới được hồi sinh. Đường Huyền Tông hạ chỉ ban cho Trương Quả Lão tước vị “Ngân Thanh quang lộc đại phu”, hiệu Thông Huyền tiên sinh.
Sau này, Trương Quả Lão kiên quyết quay trở về Sơn Trung, Hàng Châu. Tới thời đầu Thiên Bảo, Đường Huyền Tông lại triệu mời Trương Quả Lão, nghe vậy Trương Quả Lão lại chết. Các đệ tử chôn cất ông, nhưng sau đó mở quan tài ra thì chỉ thấy trống không. Vậy là Trương Quả Lão lại tự do.
Con lừa của ông tiên tiến thế nào?
Thường thường, Trương Quả Lão hay cưỡi ngược trên con lừa màu trắng. Chú lừa này không ăn cỏ, không uống nước, một ngày có thể đi vạn dặm, tới tối vỗ vào đầu nó lập tức thở phì phò rồi lăn xuống đất, biến thành giống như mảnh giấy mỏng rồi Trương Quả Lão gấp nó lại và cất đi. Ngày hôm sau tỉnh dậy, ông mang con lừa giấy ra, thổi nhẹ một cái, chú lừa sống động lại hiện ra trước mặt. Phương tiện đi lại này của ông thực sự rất tiên tiến, lại không lãng phí nhiên liệu.
Một lần Huyền Tông nhìn thấy Trương Quả Lão cưỡi chú lừa đẹp quá, bèn ban thưởng một bát rượu cho con lừa uống, chỉ thấy con lừa vừa uống rượu thì mắt trợn trắng lên, nằm thẳng xuống và chết. Một lúc sau nó biến thành con lừa giấy. Huyền Tông sợ thất kinh, Trương Quả Lão vội bẩm tấu: “Con lừa của thần vốn là một con lừa bằng giấy, chỉ vì thần dùng chút mẹo nhỏ, cải trang thành con lừa. Một khi bệ hạ chuốc nó say, thì chân tướng sẽ lộ ra! Vì vậy việc trong thiên hạ chỉ có chân thực mới đáng quý, những sự việc hư giả thì không đáng nói”.
Huyền Tông nghe vậy, cười nói: “Ái khanh quả là hài hước!”.
Tại sao Trương Quả Lão lại cưỡi lừa ngược? Trong dân gian có lưu truyền nhiều cách giải thích khác nhau. Mới đầu nghe cưỡi lừa ngược, có thể mọi người cảm thấy ông có chút kỳ quặc. Nhưng sau khi nói về tiên tri của ông, chúng ta sẽ hiểu tại sao ông làm như vậy.
Dự ngôn mạt thế
Trong hồi thứ 18 tác phẩm “Bát tiên đắc đạo truyện” của đạo nhân Vô Cấu thời mạt Thanh, đã viết rằng:
“Một ngày của những năm cuối nhà Đường, Trương Quả Lão tới thăm Trương Thiên Sư, chưởng môn Long Hổ giáo của Đạo giáo, tình cờ trên bầu trời nghe thấy cuộc trò chuyện của Trương Thiên Sư với hai vị quan hộ pháp họ Vương, họ Hoàng, nói rằng nhân gian tương lai sẽ “lũ quỷ rợp trời, con người học theo quỷ, thiên hạ đại loạn”.
Trương Quả Lão hiện thân và cười nói: “Vừa rồi tôi nghe thấy thảo luận tuyệt vời trên trời, dù nói là đáng sợ, nhưng tương lai cuối cùng sẽ có ngày như thế, nhưng vẫn phải là ngàn năm sau. Kể từ đó, mọi thứ trên thế giới đều hèn hạ, bẩn thỉu, xảo quyệt, trộm cắp. Quan thì không lo việc công, chỉ biết hối lộ; dân thường thì vứt bỏ hiếu đạo, dâm loạn lại chiếm thượng phong, chỉ cầu lợi cho bản thân, bất chấp liêm sỉ, lễ nghĩa. Vì vậy, người quỷ không khác nhau, người quỷ cùng loại. Và thế giới rộng lớn thực sự là thế giới của quỷ!”
Thiên sư nghe xong, cười nói: “Bạn cũ từ phương xa tới thăm, vốn là tôi chỉ hay than vãn”.
Trương Quả Lão cũng cười lớn. Sau đó, ông thực sự đã bàn luận về chữ “loạn”. Ông nói: “Một cuộc chiến hỗn loạn với kiếm và đao, nó không phải là loạn thật sự, bởi vì con người vẫn là người. Tới thời đại khi nhân tâm đều chết, con người hoá thành quỷ, đó mới là đại loạn thực sự. Cái đó gọi là loạn ở nhân tâm, chứ không phải ở sự việc con người”.
Vì vậy, Trương Quả Lão cưỡi lừa ngược không phải cho vui hay để thu hút sự chú ý, mà vì ông nhận ra rằng con người nơi trần thế, đạo đức ngày càng tuột dốc, ngày càng xa rời “Đạo”. Con người cho rằng xã hội phát triển, tiến bộ, nhưng đạo đức của nhân loại lại thoái hoá, ngày càng xa rời Thiên Đạo, ngày càng tiến gần tới loạn thế của ma quỷ, thực sự hết sức nguy hiểm.
Do đó, ông quay lại cưỡi lừa ngược để cảnh báo thế nhân. Có người có thể hỏi, nếu nhân loại cứ như thế, thì khi nào sẽ kết thúc? Trong cuộc đối thoại với Trương Thiên Sư, Trương Quả Lão đã ngầm cho biết: “Từ đó trở đi, trời đất sẽ hoà làm một, nó cũng cần phải bỏ ra nỗ lực, lại nhập vào thời đại con người hồ đồ để sắp đặt lại từ đầu”. “Thời đại con người hồ đồ” mà Trương Quả Lão nhắc tới cũng chính là thời kỳ nguyên thủy của loài người.
Con người hiện đại cho rằng người nguyên thuỷ chỉ biết ăn thịt sống, không biết dùng lửa, kỳ thực lại mỹ hảo như vườn địa đàng Eden. Con người hiện nay trầm mê trong công danh lợi lộc, lại còn cho rằng cho thế là tốt, kỳ thực là đang tiến tới vực thẳm. Vậy nên Trương Quả Lão mới cưỡi lừa ngược du hí nhân gian, để lại rất nhiều câu chuyện lưu truyền thiên cổ, đồng thời cũng chỉ ra hy vọng:“Sau khi tất cả những thứ hủ bại bị đào thải, những ai có thể bước trên con đường phản bổn quy chân, quay trở về văn hoá truyền thống, nâng cao đạo đức, sẽ có thể bước vào kỷ nguyên mới của lịch sử. Vật cực tất phản, bĩ cực thái lai, thời đại này cuối cùng sẽ tới”.
Ngàn năm sau thời Đường chính là thời đại của chúng ta ngày nay.
“Bình sinh vi thử nhất danh tính,
Phí tận tinh thần bát thập niên
Thử hậu độc tương chân ngã khứ
Nhân tha ma diệt dữ lưu truyền”
Tạm dịch:
Cả đời sống vì tên tuổi này
Hao phí tinh thần tám mươi năm
Từ đây chỉ một mình chân ngã
Người ta hoại diệt với lưu truyền
Những câu thơ trong bài “Biệt Du Việt” là lời cáo biệt với chính mình của học giả Du Việt thời mạt Thanh. Trước khi lâm chung, Du Việt đã lưu lại 9 bài thơ dự ngôn về những thay đổi của hình thế thế giới và Trung Quốc cận đại, và còn liên quan tới bí ẩn về Thánh nhân phương Đông, cũng như tiên tri tới ngày nay.
Vào thời khắc cuối cùng cuộc đời, ông đã lưu lại thiên cơ gì cho thế nhân?
Quan trường không như ý
Nhắc tới tên Du Việt có thể nhiều người thấy xa lạ. Nhưng nếu nói ông là học trò của Tăng Quốc Phiên – đại thần nổi danh triều nhà Thanh, là thầy của quốc học đại sư Chương Thái Viêm và đại sư y thuật Ngô Xương Thạc, thì ắt mọi người sẽ hiểu ông là một nhân vật có tiếng thế nào.
Du Việt sinh năm 1821, ông là đại sư Nho giáo cuối thời nhà Thanh, là nhà văn, nhà giáo dục và thư pháp. Năm 24 tuổi đỗ kỳ thi, năm 30 tuổi ông là 19 trong số 20 tiến sĩ hàng đầu. Năm đó đề thi tiến sĩ vòng hai là sáng tác một bài thơ ca ngợi cảnh khói nhẹ, mưa thưa và hoa rơi. Du Việt hùng hồn viết một bài thơ ngũ ngôn.
Câu thơ trong bài đó của ông là:
“Hoa lạc xuân nhưng tại
Thiên thời thượng diễm dương”
Tạm dịch:
Hoa rụng xuân còn lại
Thiên thời vẫn sáng tươi
Bài thơ khiến cho quan giám khảo Tăng Quốc Phiên vui mừng khôn xiết: “Lời thơ tả cảnh hoa rơi lại không có ý suy tàn, thực là có thể sánh với nhà văn Tống Kỳ thời Bắc Tống. Đúng là hậu sinh khả uý, tiền đồ rộng mở”.
Được quan chủ khảo khen ngợi, Du Việt đương nhiên đạt được nhiều thành công sau khi đỗ khoa thi. Sau này Tăng Quốc Phiên còn ra sức tiến cử Du Việt với Hoàng đế Hàm Phong vừa lên ngôi. Hoàng đế thăng chức cho Du Việt làm Tổng biên tập Bảo tàng Lịch sử Quốc gia của Hàn Lâm viện. Năm Hàm Phong thứ năm (năm 1855), Du Việt được bổ nhiệm làm quản lý học thuật tỉnh Hà Nam. Bởi vì được hoàng đế đích thân bổ nhiệm nên rất nổi tiếng.
Về lý mà xét, Du Việt tài hoa như vậy, lại được Tăng Quốc Phiên đánh giá cao, nên ắt phát triển tốt nơi quan trường. Nhưng đáng tiếc, Du Việt có tài làm văn thơ tuyệt kỹ, nhưng lại quá thư sinh, cộng thêm người nổi tiếng thì thị phi nhiều, có không ít kẻ đố kỵ với ông. Chẳng lâu sau, tai họa giáng xuống ông. Có một lần, ông vừa đưa một câu hỏi thi, quan ngự sử đã tấu lên hoàng đế để cáo trạng. Ông bị tố cáo rất nặng, như là đề thi này có vấn đề nghiêm trọng, làm mất đi sự tôn trọng đối với kinh điển, ngoài ra còn có nghi vấn về âm mưu phản loạn.
Hoàng đế Hàm Phong nghe xong nổi giận, lập tức cách chức Du Việt, hơn nữa không bao giờ trọng dụng. Du Việt cũng đành bất lực, từ thời khắc chức vị cao trọng vọng, tới lúc tăm tối, sao mà diễn ra nhanh đến vậy. Sau khi thay đổi góc nhìn, ông nghĩ dù sao bản thân cũng không có tố chất làm quan, nên quay về nhà, chuyên tâm làm về học vấn. Vậy là Du Việt quay về quê hương Giang Nam, dạy học và trải qua ngày tháng tiêu diêu tự tại.
Nhà Nho lớn của thời đại
Dù Du Việt không làm quan, nhưng vẫn có mối quan hệ rất tốt với vị ân sư Tăng Quốc Phiên. Còn Lý Hồng Chương, người sinh ra để làm quan, cũng là học trò của Tăng Quốc Phiên. Hai người họ có thể nói là huynh đệ đồng môn thân thiết. Tăng Quốc Phiên đã từng đánh giá rằng: “Lý Hồng Chương dốc sức làm quan, Du Việt dốc sức viết sách”.
Sau khi Du Việt trở về quê nhà, Lý Hồng Chương mời Du Việt làm phụ trách Học viện Tô Châu Tử Dương. Ngày khai trương học viện, các quan chức lớn nhỏ ở Giang Tô đều đến bày tỏ lời chúc mừng. Từ đó đã mở ra con đường hàn lâm ở nửa đời về sau của Du Việt. Sau này ông giữ chức người đứng đầu Sơn Trường – tinh xá cổ kinh nổi tiếng Hàng Châu, và đã giảng dạy ở đây tới hơn 30 năm. Các học sinh Trung Quốc và những học sinh từ các nước phương xa như Nhật Bản, Triều Tiên đều cùng tôn ông làm thầy.
Cả đời Du Việt có ba ngàn đệ tử, quả là “minh sư xuất cao đồ, cao đồ mãn thiên hạ”. Bản thân Du Việt cũng đã hoàn thành ngã rẽ tuyệt vời, từ viên quan bình thường tới học giả nổi tiếng. Trong 40 năm, ngày nào cũng như ngày nào, ông đều đọc sách, sáng tác. Kiến thức mà ông trau dồi có thể được mô tả là bác đại tinh thâm, được hậu thế tôn làm “Vãn Thanh phác học chi tông” (Ông tổ của phái sống chất phác thời Vãn Thanh), cả đời viết 500 kiệt tác huy hoàng.
Người xưa nói rằng nghiên cứu học vấn nằm ở sự cô đơn, nếu như năm đó ở nơi quan trường Du Việt phát triển, e rằng sẽ không có được những thành tựu học thuật phi phàm sau này. Ông từng tự giễu rằng, học vấn cả đời của ông là sản phẩm của ba vô: vô tiền, vô quan, vô năng. Lời tự giễu này có sự cay đắng bất lực, nhưng nó cũng nói lên đạo lý về hoạ phúc trong đời đều nương dựa vào nhau.
Thơ, sách truyền gia
Truyền thống gia đình Du Việt coi trọng việc truyền lại thơ và sách từ thế hệ này sang thế hệ khác, chứ không xem trọng công danh lợi lộc. Cách ông giáo dục các thế hệ con cháu không hề hàm hồ. Ông từng biên soạn giáo trình “Khúc viên giáo tôn thảo” cho cháu trai Du Bệ Vân, dạy cháu bắt đầu sáng tác.
Du Bệ Vân không phụ sự kỳ vọng của ông nội, đã đỗ thám hoa, vị trí thứ 3 trong kỳ thi tiến sĩ năm 1898. Thứ hạng này cao hơn nhiều so với ông nội thời đó, điều này cũng đánh dấu khoảnh khắc nổi bật khác trong cuộc đời của Du Việt ở tuổi 70. Trong sự vui mừng không kìm nén được, nhưng ông vẫn không quên viết cho cháu trai một câu đối vừa bình tĩnh vừa tỉnh táo:
“Hồ sơn luyến ngã
Ngã luyến hồ sơn
Nhiên lão phu mạo hĩ
Khoa đệ trọng nhân
Nhân trọng khoa đệ
Nguyện ngô tôn miễn chi”
Tạm dịch:
Núi – hồ yêu ta
Ta yêu núi – hồ
Nhưng lão phu đã già
Khoa cử trọng người
Người trọng khoa cử
Mong cháu ta cố gắng
Bài thơ để nhắc nhở rằng, người khác đều coi trọng thứ bậc đỗ đạt, ham mê công danh lợi lộc, cháu trai của ta không nên như thế.
Du Việt mang tới một bầu không khí văn hóa bình đẳng cho con gái trong nhà và thường đưa ra những chỉ bảo. Con gái út của ông từng viết bài thơ “Kim Lũ Hoa” hát về hoa rơi, trong đó có một câu viết rằng: “Thán niên hoa, ngã diệc sầu trung lão” (Than ôi tuổi hoa, ta già đi trong ưu sầu). Du Việt đọc xong rất không vui, cũng chấp bút viết một bài “Kim Lũ Khúc”:
“Ngã diệc phù sinh sa đà thậm
Toạ hoa âm, vị giác tà dương mộ”
Tạm dịch:
Cũng cõi phù sinh tuế nguyệt qua
Dưới hoa chẳng thấy bóng chiều tà
Ý nghĩa là: Ta cũng đã già thế này rồi, ngồi lâu dưới hoa, còn cảm thấy ngày thật rất dài. Con tuổi còn trẻ, nào đến lượt than thở về thời gian trôi qua?
Hòa giải với Đông y
Mặc dù cả đời Du Việt học thức uyên bác, nhưng liên tục gặp phải những bi kịch trong gia đình. Anh cả của ông mất vì bệnh tật, ái thê cũng ra đi quá sớm, con trai cả chết sớm, con trai thứ bị bệnh nặng thành như người tàn phế, đến cô con gái út ông yêu thương nhất cũng mất trước ông. Du Việt vốn tinh thông Đông y, có thể kê đơn trị bệnh, nhưng ông không thể cứu sống được người thân.
Phải chứng kiến những người thân yêu nhất của mình lần lượt rời ông ra đi, trong thống khổ tới tê dại, ông đem những cảm xúc tức giận trút vào Đông y. Ông bất chấp phản đối và trở thành người đầu tiên ở Trung Quốc cận đại đề xuất bãi bỏ y học cổ truyền. Vào những năm cuối đời, ông đã kiềm chế sự tức giận của mình đối với Đông y, cũng nguôi ngoai nỗi đau trước sinh tử của người nhà. Ông cảm thán trước hành trình của sinh mệnh giống như một kịch bản, trong đó những kết cục đã được viết sẵn từ lâu. Qua tụng kinh, lễ Phật, ông đã tìm thấy sự an tĩnh nội tâm. Những thăng trầm và gánh nặng của cuộc đời đều được lắng đọng trong sự tĩnh lặng này.
Tiên tri cho tương lai
Du Việt qua đời vào ngày 2 tháng 5 năm 1907, lúc đó cách mạng Tân Hợi mới đang nhen nhóm. Theo “Đào Lô lão nhân tuỳ niên lục” ghi chép lại, tình hình khi Du Việt qua đời vô cùng đặc biệt. Trước khi lâm chung, ông đột nhiên gọi con trai mau mang bút, mực, giấy và nghiên mực; sau đó ông hạ bút viết chín bài thơ thất ngôn tuyệt cú. Đại cục của đất nước và thế giới trong hai trăm năm sau đều ở trong những bài thơ này. Trước khi cuộc kháng chiến bùng nổ, bài thơ tiên tri của ông đã từng được lưu truyền rộng khắp.
Năm 1932, cháu chắt trai của ông – học giả cách mạng đỏ nổi tiếng – Du Bình Bá, đã đưa thêm chú giải cho bài thơ, và mời người bạn Trần Dần Khác thêm lời tái bút. Sau đó do tình hình biến động, chúng đã biết mất khỏi Trung Quốc, không mấy ai còn biết đến.
Ngày nay, mấy bài thơ đầu của ông đã trở thành hiện thực, còn các bài sau rốt cuộc sẽ đối ứng với sự việc nào, và sẽ xảy ra vào lúc nào?
“Lịch đại thành bại dữ hưng suy
Hoạ hữu căn miêu phúc hữu cơ
Bất quá tuần hoàn nhất giáp tử
Nhưỡng thành đại địa mãn sang di”
Diễn nghĩa:
Xưa này thành bại và hưng suy
Hoạ có mầm mống, phúc có căn nguyên
Bất quá tuần hoàn 60 năm
Dưỡng thành hoạ khắp đất trời
Điều này được giải thích ở phần đầu: thành, bại, hưng, suy, họa, phúc đều có nguyên nhân. Vạn sự vạn vật đều ở trong một tuần hoàn nhất định, nhân gian tương lai sẽ xuất hiện tai họa lớn.
“Vô đoan hoành nghị khởi bình dân
Tòng thử nhân gian sự thực tân
Tam ngũ cương thường thu đầu khởi
Nhất thiết đô tố tự do nhân”
(無端橫議起平民
從此人間事實新
三五綱常收投起
一切都做自由人)
Diễn nghĩa:
Những cuộc biểu tình của người dân nổi lên
Từ nay trở đi, thực tế của thế giới sẽ mới
Tam cương Ngũ thường đều vứt bỏ
Tất cả đều làm người tự do
Năm 1915, vận động văn hoá mới hưng thịnh, quan điểm tiến hoá luận và tư tưởng giải phóng cá nhân được đề xuất. Những tam cương của quan hệ luân lý giữa phu thê, phu tử, quân thần hơn 2.000 năm của Trung Quốc dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức truyền thống với tiêu chuẩn làm người ngũ thường như nhân, lễ, nghĩa, trí, tín bị chỉ trích dữ dội. Dường như chỉ có cái gọi là mới mới được coi là tốt, vứt bỏ truyền thống mới là tự do.
“Tài thuyết bình quyền tiện tự do
Thuỳ tri thế giới khởi qua mâu
Nhược giả chi nhục cường giả thực
Cao huyết thành hà mãn địa lưu”
Diễn nghĩa:
Nói rằng quyền bình đẳng có nghĩa là tự do
Ai biết thế giới đang có chiến tranh?
Thịt kẻ yếu bị kẻ mạnh ăn
Máu chảy như sông khắp mặt đất
Đoạn này nói về đại chiến thế giới thứ I và thứ II, Hoa Hạ xưa không có được lợi ích của chủ nghĩa tự do, nhưng đầu tiên phải chịu lễ rửa tội của chiến tranh. Hai lần thế chiến lần lượt tới, quan điểm kẻ mạnh ăn kẻ yếu của tiến hoá luận và sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã gây ra sự hủy diệt hàng loạt lớn nhất về sự sống trong lịch sử loài người.
“Anh hùng cánh sính các đồ cường
Các tự phân phong các tự phòng
Đạo lộ bất thông thương cổ tuyệt
Phân phân hải khách chỉnh quy trang”
Diễn nghĩa:
Anh hùng ai nấy thể hiện sức mạnh của mình
Tự tách biệt và tự bảo vệ
Đường không thông và không có người buôn bán
Khách biển lũ lượt mặc quần áo
Thế chiến II kết thúc, Trung Quốc trở thành một thành viên của phe cộng sản. Thế giới hình thành Cuộc đối đầu lớn giữa hai phe cộng sản và dân chủ, và chiến tranh lạnh bắt đầu nổ ra. Các thương gia và khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới trở về đất nước của họ. Mỹ và Liên Xô phát động chạy đua vũ trang.
“Đại bang Tề Sở tiểu bang Đằng
Bách lý đề phong xứ xứ tăng
Quận huyện cùng thời phong kiến khởi
Thuỷ hoàng phế liễu hựu trọng hưng”
大邦齊楚小邦滕
百里提封處處增
郡縣窮時封建起
始皇廢了又重興
Tạm dịch:
Nước lớn Tề Sở nước nhỏ Đằng
Trăm làng đều phong nơi nơi tăng
Quận huyện hết thời phong kiến nổi
Thủy Hoàng phế rồi lại dựng xây
Dù là nước lớn như Tề Sở, hay nước nhỏ như Đằng, người dân trên vùng đất Hoa Hạ này dù là phong kiến hay quận huyện, dưới sự thống trị của chính quyền đỏ (cộng sản), đều phải chịu đựng kiểm soát nghiêm ngặt nhất. Hai câu thơ sau nói về. Hoa Hạ từ sau khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất sáu nước, đã xóa bỏ chế độ phong kiến cổ xưa của nhà Thương và nhà Chu, đổi thành hệ thống quận huyện. Nó đã được các hoàng đế kế tiếp kế thừa trong hai nghìn năm.
Có nhà lịch sử học cho rằng sau khi Mao Trạch Đông cướp đoạt chính quyền, thực hiện vùng hành chính lớn, hệ thống quân khu rộng lớn, mức độ quyền lợi cao hơn chế độ phong kiến tương tự cấp tỉnh. Tự do mà con người theo đuổi trở thành bong bóng, hệ thống đã trở lại trạng thái hạn chế cao. Trong khi đó văn hoá truyền thống của dân tộc Hoa Hạ đã bị bóp méo, phá hoại.
“Kỷ gia ngọc bách kỷ gia nhung
Hựu kiến xuân thu chiến quốc phong
Thán tức đương thì vô quản trọng
Mang mang kiếp vận kỷ thì chung”
Tạm dịch:
Mấy nhà ngọc trắng mấy nhà nhung
Xuân Thu Chiến Quốc lại quần hùng
Than rằng nhưng không có Quản Trọng
Vận kiếp mênh mang chẳng tận cùng
Đoạn thơ này dường như nói tới khắp thế giới có quốc gia duy trì hoà bình, có nước thì khói lửa chiến tranh, có phần giống tình hình hỗn loạn thời Xuân Thu chiến quốc. Tuy nhiên, thế gian đã không còn anh hùng như Quản Trọng – sùng kính vua, trừ sạch giặc. Điều này có hàm ý rằng trên thế giới đã thiếu đi sự quyền uy. Hoa Kỳ cùng dần dần mất đi khả năng duy trì trật tự thế giới. Những câu thơ này dường như tiên tri chính về thời nay. Hỗn loạn thế này xem ra không có hy vọng, và không có kết thúc. Du Việt chỉ có thể thở dài trước viễn cảnh tương lai này.
“Oa xúc man tranh niên phục niê
Thiên tâm nhân ái diệc thuỳ liên
Lục long nhất xuất càn khôn định
Bát bách chư hầu bái điện tiền”
Tạm dịch:
Tranh giành lợi nhỏ biết bao năm
Lòng Trời nhân ái thấy xót thương
Sáu rồng xuất hiện càn khôn định
Tám trăm chư hầu bái trước thềm
“Xúc man” là chỉ hai xúc tu của ốc sên, nhân loại vẫn cứ năm này qua năm khác phô trương tranh đấu, nhưng Thiên thượng có đức hiếu sinh. Tạo Vật Chủ từ bi, thương xót vạn vật, muốn giải cứu chúng sinh.
“Lục long” xuất phát từ “Quẻ càn – Kinh dịch”. Tương truyền, quân vương thời cổ đại dùng sáu con ngựa tượng trưng cho rồng, có thể chế ngự thiên hạ. Câu thơ này ẩn ý là khi Thánh nhân xuất hiện, thế giới sẽ được ổn định.
Bài thơ thứ 8 rất có ý nghĩa:
“Nhân gian tòng sự hựu Hoa Tư
Yển vũ tu văn lạc hữu dư
Bích thuỷ viên kiều quan phế lễ
Sơn nham ốc bích phóng di thư”
Tạm dịch:
Nhân gian trở lại thuở Hoa Tư
Dẹp võ tu văn hạnh phúc dư
Nước biếc cầu tròn xem lễ cũ
Vách núi tường nhà ngắm chữ xưa
“Hoa Tư” là chỉ văn minh thượng cổ. Nhân gian sẽ quay trở về thời đại Thần thoại thượng cổ. Nhân loại sẽ trở về trong vòng tay của Thần. “Yển vũ tu văn” nghĩa là vứt bỏ vũ lực, sửa chữa văn minh. Cả bài thơ này mô tả văn hoá chính thống cổ xưa của Trung Hoa trải qua bao thăng trầm, tương lai cuối cùng sẽ được hồi sinh trên toàn thế giới.
Bài thơ thứ 9 là tổng kết của toàn bộ tiên tri.
“Thiên địa nguyên lai trương thỉ cung
Lược tương sổ ngữ ngữ nhi đồng
Du du lưỡng bách dư niên sự
Đô phó suy ông nhất mộng trung”
Tạm dịch:
Trời đất vốn là chiếc cung tên
Đem mấy lời này nói cháu con
Hơn hai trăm năm bao nhiêu chuyện
Chỉ trong giấc mộng của lão ông
Bài thơ này nói với con người rằng có cương có trùng, sự việc nơi thế gian như giấc mộng, được mất nhân gian không đáng ưu tư, chỉ có kiên trì chính nghĩa mới có thể có khởi đầu và kết thúc tốt đẹp.
Sau 9 bài thơ, có người có thể đặt câu hỏi vậy sự phục hưng của văn hoá Trung Hoa, đại đồng của văn hoá thế giới rốt cuộc là khi nào tới?
Bản thân tiên tri của Du Việt là tương lai 200 năm sau ông ra đi, nên nó ắt hẳn là từ năm 1907 tới năm 2107. Tuy nhiên có nhiều quan điểm khác nhau về giải thích thời gian, bởi vì nhiều tiên tri đều không nói thẳng, mà bên trong chúng ẩn chứa huyền cơ. Do đó, có cách giải thích rằng, tiên tri của Du Việt nói về những sự việc 120 năm sau khi ông ra đi. Bởi vì “lưỡng bách niên” (200 năm) đảo ngược lại sẽ là “bách lưỡng niên” (120 năm), cũng chính là từ năm 1907 tới năm 2027. Theo cách giải thích này, vài bài thơ cuối trong 9 bài thơ tiên tri mà Du Việt trước khi lâm chung chẳng phải đang ứng nghiệm với thời đại chúng ta ngày nay sao.
Nếu như bậc Thánh nhân được nhắc tới trong tiên tri đã ở nhân gian, truyền thống và văn hoá phục hưng toàn diện, vậy thì chúng ta cuối cùng sẽ đón mừng hy vọng cuối cùng.
Theo Wenshidaguanyuan
Minh An biên dịch
NTD Việt Nam