Hoàng Trường Diệp (Hwang Jang-yop), cựu Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên. (Miền công cộng)
Bài viết này sẽ tìm hiểu về lịch sử của triều đại họ Kim ở Bắc Triều Tiên. Làm thế nào họ Kim xa xỉ, dâm đãng đến vậy, lại đồng thời có thể khiến những người dân nghèo khổ cùng cực cảm thấy biết ơn họ đến như thế?
Một buổi sáng tháng 10 năm 2010, một đội xe cảnh sát hú còi inh ỏi lao tới tòa nhà cao tầng ở quận Gangnam, thành phố Seoul và bao vây tòa nhà. Cảnh sát ngay lập tức phong tỏa các dãy nhà xung quanh tòa nhà.
Vài phút sau, xe cấp cứu đến. Người đứng xung quanh xem, nhìn thấy các nhân viên y tế khiêng một ông già gầy gò vào xe cứu thương. Không biết ông là nhân vật tầm cỡ thế nào mà được hưởng sự đãi ngộ như vậy?
Ngày hôm sau, các kênh truyền thông của Hàn Quốc đồng loạt đăng tin: Người đào tẩu cấp cao nhất trong lịch sử Triều Tiên, Hoàng Trường Diệp (Hwang Jang-yop), cựu Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên, đã qua đời một cách bí ẩn trong bồn tắm tại nhà riêng ở quận Gangnam, Seoul.
Cùng ngày hôm đó, tất cả các tờ báo ở Triều Tiên đều tràn ngập tiếng reo hò, nói rằng những kẻ phản bội ‘thái dương và thượng thiên’ sớm muộn gì cũng sẽ bị trừng phạt. Cái chết của Hoàng Trường Diệp là sự trừng phạt của thiên thượng dành cho ông ta.
Nhân vật Hoàng Trường Diệp này là ai, và tại sao ông lại có thể cùng lúc gây ra chấn động lớn như vậy ở cả Bắc và Nam Triều Tiên?
Chủ đề đề cập tới trong bài viết này về sự xa hoa, dâm ô và lịch sử lên ngôi của triều đại nhà họ Kim, không thể tách rời khỏi mối quan hệ với Hoàng Trường Diệp.
Người đào thoát Bắc Triều Tiên Hoàng Trường Diệp
Hoàng Trường Diệp sinh ra ở Bình Nhưỡng trong một gia đình bình thường. Cha ông là một nông dân, đồng thời là một thầy giáo tư thục, dạy các sách giáo khoa trẻ em truyền thống Á Đông nổi tiếng như “Tam Tự Kinh”, “Thiên Tự Văn”. Vì vậy, từ bé Hoàng Trường Diệp đã học một số văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, ông thích hơn nữa là nghiên cứu triết học và suy nghĩ về xã hội cộng sản được Marx mô tả. Thời trẻ, Hoàng Trường Diệp đã du học ở Nhật Bản và Liên Xô cũ. Sau khi du học và trở về Triều Tiên, ông trở thành chủ nhiệm khoa triết học của Đại học Kim Nhật Thành.
Đây là trường đại học tổng hợp đầu tiên của Triều Tiên, được thành lập vào năm 1946. Hiệu trưởng lúc đó do Liên Xô cũ chỉ định. Liên Xô cũ không những có quyền bổ nhiệm hiệu trưởng các trường đại học của Triều Tiên mà ngay cả lãnh tụ tối cao Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) cũng được Liên Xô nâng đỡ.
Nhắc tới Hoàng Trường Diệp thì trước hết cần nói về mối liên hệ giữa ông và Kim Nhật Thành. Tên thật của Kim Nhật Thành là Kim Thành Trụ, sinh ra ở Bình Nhưỡng vào năm 1912, khi đó Bắc Triều Tiên còn nằm dưới sự cai trị của Nhật Bản. Năm 13 tuổi, Kim Thành Trụ cùng cha trốn sang tỉnh Cát Lâm, thuộc Trung Quốc, và ở đây đã hoàn thành xong tiểu học và trung học.
Năm 1932, Kim Thành Trụ gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông được Ủy ban đặc biệt Đông Mãn của đảng Cộng sản Trung Quốc phái đến huyện An Đồ để thành lập lực lượng du kích An Đồ. Sau đó đơn vị của ông được sáp nhập vào Quân đội Cách mạng Nhân dân Đông Bắc và Quân đội Đồng minh chống Nhật Đông Bắc.
Năm 1938, Kim Thành Trụ đổi tên thành Kim Nhất Tinh sau này được gọi là Kim Nhật Thành; trong tiếng Triều Tiên, hai cái tên có cách phát âm giống nhau.
Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, ngày 14/10/1945, lễ chào mừng quân đội Liên Xô được tổ chức tại Bình Nhưỡng, Kim Nhật Thành đứng trên bục với huân chương cờ đỏ, lúc này được sự hỗ trợ của Liên Xô, ông đã được coi là một ngôi sao chống Nhật, trở về Bắc Triều Tiên và trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên.
Đảng Công nhân Triều Tiên vào thời điểm này là một tổ hợp gồm những người cộng sản và những người theo chủ nghĩa dân tộc thuộc các phe phái khác nhau. Hai phe phái lớn nhất có: một là phe Moscow, do Liên Xô kiểm soát; và một là phe Diên An, bao gồm những cán bộ trốn sang Trung Quốc vào những năm 1930 và được Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giáo dục ở Diên An.
Tuy nhiên, vào thời điểm này, nhiệm vụ đầu tiên của Kim Nhật Thành không phải là tham gia vào cuộc đấu tranh bè phái mà là dựa vào sự hỗ trợ của Liên Xô xâm lược Hàn Quốc và thống nhất bán đảo Triều Tiên. Chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào tháng 6 năm 1950.
Năm 1953, tình hình chung của cuộc chiến đã được quyết định trong năm này, hai miền Triều Tiên và Hàn Quốc trở lại trạng thái như trước chiến tranh, bị chia cắt dọc theo vĩ tuyến 38. Giấc mơ thống nhất của Kim Nhật Thành đã tan vỡ. Mục tiêu giành uy tín thông qua thống nhất của ông ta trở nên vô ích.
Vì vậy, làm thế nào để ổn định sự cai trị của ông ta ở Triều Tiên đòi hỏi phải suy nghĩ rất nhiều. Ông ta đã phát động hàng loạt cuộc đấu tranh nhằm thanh trừng cả phe Moscow và phe Diên An, nhằm xác lập vị thế thống trị của mình trong đảng.
Đảng cộng sản Nga và ĐCSTQ không chỉ có ảnh hưởng vật chất đáng kể đối với Triều Tiên mà còn là một chuẩn mực về ý thức hệ. Trong mắt một số đảng viên đảng công nhân Triều Tiên, Moscow là Bắc Đẩu, còn trong tâm một số người thì Diên An như là núi Thái Sơn. Làm thế nào các đảng viên có thể rời khỏi cả Nga và Trung Quốc, thiết lập địa vị độc tôn của bản thân? Đây là vấn đề khiến Kim Nhật Thành phải đau đầu suy nghĩ.
Năm 1953, Stalin qua đời đã tạo nên bước ngoặt lớn cho Liên Xô. Sau khi Nikita Khrushchev lên nắm quyền, ông đã chỉ trích việc sùng bái cá nhân của Stalin. Vì vậy, Stalin, vốn được xem là cha đỡ đầu của Kim Nhật Thành, vì vị trí lãnh đạo của Kim Nhật Thành đến từ sự ủng hộ của Stalin. Kim Nhật Thành cảm thấy rằng nếu xu hướng chống lại Stalin bành trướng sang Triều Tiên, địa vị của ông ta sẽ bị lung lay nghiêm trọng. Nếu như không thể thay đổi được Liên Xô, thì chỉ có cách thay đổi Triều Tiên.
Kim Nhật Thành nhanh chóng thoát khỏi ảnh hưởng của Liên Xô và thành lập nhóm riêng của mình. Lúc này, xuất hiện Hoàng Trường Diệp. Khi đó, Hoàng Trường Diệp, mới ngoài 30 tuổi, sau khi trở về từ Liên Xô, ông là một tài năng trẻ giảng dạy tại Đại học Kim Nhật Thành, và đã lọt vào tầm ngắm của Kim Nhật Thành. Dù còn trẻ nhưng Hoàng Trường Diệp là một trong số ít nhà lý luận theo chủ nghĩa Mác-Lênin ở Bắc Triều Tiên. Ông là nhân tài mà người lãnh đạo đang rất cần lúc này, Kim Nhật Thành lập tức điều động Hoàng Trường Diệp về Trung ương và trở thành bí thư lý luận trong Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Kim Nhật Thành có tổng cộng 4 bí thư lý luận, họ đều là trong số những học giả hàng đầu của giới học thuật Triều Tiên lúc bấy giờ. Dù là thư ký nhưng họ không chỉ được tham dự các cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng công nhânTriều Tiên mà thậm chí còn có thể tháp tùng Kim Nhật Thành trong mọi chuyến đi, mọi cuộc họp. Theo lời của Kim Nhật Thành, các thư ký không chỉ phải hiểu lời nói của lãnh đạo mà còn phải hiểu suy nghĩ của lãnh đạo, nghĩa là họ không những phải hiểu lãnh đạo đang nghĩ gì mà trước khi người lãnh đạo suy nghĩ thì phải hiểu người lãnh đạo muốn gì, mới có thể viết được những bài đáp ứng được yêu cầu của người lãnh đạo.
Tất cả các tuyên bố đối ngoại, bài phát biểu, sách của Kim Nhật Thành đều do các thư ký này viết và đăng trên các tờ báo, tạp chí lớn ở Triều Tiên. Trong số các thư ký đó, Hoàng Trường Diệp ngày càng được Kim Nhật Thành đánh giá cao và dần vượt qua các thư ký khác bởi vì ông không chỉ có thể hiểu được suy nghĩ của Kim Nhật Thành mà còn có thể viết chúng bằng ngôn ngữ triết học đặc biệt để làm cho tư tưởng của vị lãnh tụ vĩ đại trở nên sâu sắc hơn.
Vào thời điểm đó, không thể nói Hoàng Trường Diệp nịnh Kim Nhật Thành, mà ông ấy thực sự rất sùng bái Kim Nhật Thành, và biết ơn Kim Nhật Thành. Những thư ký này cũng nhận được những đại ngộ hơn hẳn hầu hết mọi quan chức cấp cao. Họ sở hữu những ngôi nhà rộng rãi trong khu dân cư cao cấp ở Bình Nhưỡng, mỗi người đều có xe riêng. Tất cả các quan chức cấp cao đều kính trọng họ. Gia đình họ không phải lo về đồ ăn thức uống, người nhà đều được sắp xếp những công việc tốt. Ngay khi Hoàng Trường Diệp đang nhiệt tình cống hiến tuổi trẻ của mình và nghĩ cách đặt thêm vầng hào quang Marx Lenin cho Kim Nhật Thành, thì một sự việc đã xảy ra khiến ông dao động trước chủ nghĩa Marx.
Năm 1958, Hoàng Trường Diệp và một số bí thư khác theo Kim Nhật Thành sang thăm Trung Quốc. Mao Trạch Đông nói với họ một cách chắc chắn rằng đại nhảy vọt của Trung Quốc đã đạt được kết quả nhanh chóng, một hecta ruộng lúa mì có thể sản xuất được 70 tấn lúa mì, đất nước có thể sản xuất được 70 tấn lúa mì. Trong một năm, cả nước sản xuất được 500 triệu tấn ngũ cốc. Trung Quốc có thể giảm 1/3 diện tích đất canh tác, giải phóng thêm đất đai và lực lượng lao động để phát triển công nghiệp.
Con số này khiến Kim Nhật Thành vô cùng hâm mộ, nhưng Hoàng Trường Diệp lại bối rối vì ông viết bài quanh năm, và đều nắm rõ tất cả các số liệu kinh tế trong nước. Ông nhớ rõ rằng ngay cả trong một năm thu hoạch bội thu ở Triều Tiên, một hecta lúa mì chỉ có thể sản xuất được 3 tấn lúa mì, trong khi một hecta ở Trung Quốc có thể sản xuất được 70 tấn lúa mì. Sự chênh lệch tỷ lệ 70/3 này quá lớn này khiến Hoàng Trường Diệp không thể tin được, nhưng khi đó ông không dám đặt câu hỏi về kết quả của đại nhảy vọt. Suy nghĩ duy nhất của ông là lẽ nào các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã học hỏi chủ nghĩa Marx tốt hơn nên họ thậm chí có thể sản xuất lượng lương thực nhiều gấp 20 lần Triều Tiên.
Ngay khi trở về nước, Kim Nhật Thành đã ngay lập tức ra lệnh chọn một cánh đồng thí nghiệm rộng gần 6 hecta ở ngoại ô Bình Nhưỡng và bắt chước “người anh lớn Trung Quốc”, sử dụng toàn bộ cơ giới hóa canh tác. Trong một năm, sản lượng lúa mì thu hoạch thậm chí không được 400 tấn, ngay cả tới 4 tấn/héc ta cũng không đạt được. Điều này khiến mọi người đều thất vọng.
Lúc này, Hoàng Trường Diệp lại nhận được một tin bí mật khác: Năm 1958, sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc không phải là 500 triệu tấn mà thực tế là 180 triệu tấn. Trong hai năm sau đó, hàng chục triệu người ở Trung Quốc đã chết đói. Con số này khiến Hoàng Trường Diệp phải ớn lạnh toát mồ hôi vì biết rằng vào năm 1930, ở Liên Xô cũng xảy ra nạn đói. Ukraine, nơi được mệnh danh là thiên đường của châu Âu, đã có từ 3 đến 7 triệu người chết đói. Người anh cả Liên Xô và anh hai Trung Quốc đều đức hạnh như vậy, lẽ nào chủ nghĩa cộng sản ngang hàng với chủ nghĩa đói khát?
Hoàng Trường Diệp nghĩ mãi vẫn không hiểu được vấn đề này và cũng không có thời gian để tìm câu trả lời, bởi vì sự phát triển của chính trị Triều Tiên đã vượt quá sức tưởng tượng ban đầu của ông. Trong 10 năm đầu cầm quyền của Kim Nhật Thành, Hoàng Trường Diệp là một người hâm mộ Kim. Ông hoàn toàn tin vào câu chuyện vẻ vang của tướng Kim dẫn quân du kích đến chiến đấu chống lại Nhật Bản.
Vào thời điểm đó, Kim Nhật Thành vẫn chưa sống trong biệt thự xa hoa. Khi đi thị sát, ông luôn ăn và ở cùng các thư ký của mình, lối sống giản dị. Ông cũng rất chú trọng đến sự phát triển kinh tế và công nghiệp của Triều Tiên. Những năm 1960, nền kinh tế Triều Tiên từng vượt qua Hàn Quốc, thậm chí có một bộ phận người Hàn Quốc cùng gia đình trốn sang Triều Tiên. Khi đó, không chỉ người Triều Tiên mà nhiều người Hàn Quốc cũng tin rằng tướng Kim là người toàn năng và có thể dẫn dắt Triều Tiên đi theo con đường chủ nghĩa xã hội. Tất nhiên, vài năm sau, những người Hàn Quốc chuyển đến Triều Tiên này, đều vô cùng hối hận.
Tình hình dần dần vượt quá dự tưởng của mọi người. Sau khi cả phe Moscow và phe Diên An đều bị thanh trừng, những ai dám lên tiếng không đồng ý, nếu không bị bỏ tù thì sẽ bị bịt miệng vĩnh viễn. Khi Kim Nhật Thành ngồi vững vào vị trí lãnh đạo, ông ta bắt đầu xây biệt thự khắp nơi, hưởng thụ cuộc sống, ra sức bồi dưỡng anh em và con cái của mình.
Kim Nhật Thành có tổng cộng 3 người vợ. Người vợ đầu tiên tên là Hàn Thánh Cơ. Năm 1940, bà bị quân cảnh Nhật Bản bắt giữ và từ đó hai vợ chồng mất liên lạc. Bà cũng không có con. Người vợ thứ hai của tên là Cao Dung Cơ (Ko Yong-hui). Bà sinh cho Kim Nhật Thành hai cậu con trai và một cô con gái. Sau đó, bà qua đời vì bệnh đẻ khó. Các con trai của bà là Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) và Kim Vạn Nhất; con gái là Kim Khánh Hỉ. Chồng của con gái tên là Trương Thành Trạch. Sau khi hỗ trợ thế hệ lãnh đạo Triều Tiên hiện tại Kim Chính Ân (Kim Jong Un), ông đã bị Kim Chính Ân xử tử vì tội phản quốc.
Về việc người chú của Kim Chính Ân chết như thế nào có hai tin đồn lan truyền. Một là “chó tấn công”, cho rằng ông đã bị hơn 100 con chó đói ăn sống. Giả thuyết thứ hai là bị “hành quyết bằng pháo”, ông bị bắn thành từng mảnh bởi pháo phòng không 37mm. Tuy nhiên, các nguồn tin này đều không có bất kỳ xác nhận nào.
Người vợ thứ ba của Kim Nhật Thành tên là Kim Thánh Ái. Bà là thư ký của ông, đã sinh cho ông hai con trai (Kim Anh Nhất và Kim Bình Nhất) và hai con gái (Kim Kính Thục và Kim Kinh Tiến). Đồng thời, Kim Nhật Thành cũng có một người em trai tên là Kim Anh Trụ. Khi con cái nhà Kim bắt đầu học đại học, Hoàng Trường Diệp được bổ nhiệm làm hiệu trưởng của Đại học Kim Nhật Thành.
Kim Nhật Thành muốn giao cho Hoàng Trường Diệp trách nhiệm giáo dục con cái của mình, như vậy ông ta mới yên tâm. Vì vậy, Hoàng Trường Diệp đã trở thành Thái sư của triều đại nhà Kim. Kim Nhật Thành cũng rất trọng dụng em trai mình là Kim Anh Trụ và đặc biệt cử anh ta sang Liên Xô để huấn luyện quân sự. Trong tất cả những người con, Kim Nhật Thành thích Kim Chính Nhật và Kim Bình Nhất, tuy nhiên Kim Chính Nhật lại giỏi làm vừa lòng cha hơn Kim Bình Nhất; rất kính trọng cha và sẽ không bao giờ đi ngược lại lời nói của cha. Đồng thời, để giảm bớt ảnh hưởng của mẹ kế Kim Thánh Ái đối với Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật còn dùng thủ đoạn độc ác.
Đội mua vui
Mọi người có thể đã nghe nói tới danh từ “đội mua vui”, nó là một tổ chức vừa có chức năng giải trí và hậu cung. Người ta rằng nó bắt nguồn vào cuối những năm 1970. Từ thời điểm này, Kim Chính Nhật bắt đầu tuyển chọn những mỹ nữ ở khắp Triều Tiên để thành lập “đội mua vui”, và liên tục đưa đến biệt thự của Kim Nhật Thành. Kim Nhật Thành đắm mình nơi biệt phủ, và đúng như dự đoán, ông ta ngày càng trở nên xa lánh người vợ Kim Thánh Ái.
Quá trình tuyển chọn “đội mua vui” ban đầu không có nhiều quy định, nhưng dần dần trở thành một cuộc tuyển chọn quy mô lớn, có tổ chức và tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Và Phòng số 5 của ban chỉ đạo tổ chức Trung ương Đảng đã được ra đời. Nhiệm vụ chính của Phòng này là tuyển chọn các thành viên cho “đội mua vui”. Thân Anh Cơ, một người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên năm 1995, từng là thành viên của đội này. Cô đã xác nhận với ngoại giới về sự tồn tại của đội mua vui.
Từ năm 1970, bốn chữ “xa hoa, dâm đãng” đã trở thành danh tính gắn với vương triều họ Kim. Yêu cầu để trở thành thành viên của “đội mua vui” là: những nữ sinh học trường nghệ thuật, khoảng 18 tuổi phải khỏe mạnh, xinh đẹp, còn việc có năng khiếu nghệ thuật hay không cũng không quan trọng. Khi những cô gái trong “đội mua vui” đến 25 tuổi, sẽ bị sa thải. Từ đó họ sẽ mai danh ẩn tích, hoặc được lãnh đạo coi như phần thưởng ban cho một quan chức hoặc vệ sĩ, trở thành vợ của họ.
Thành viên của “đội mua vui” phải trải qua 3 đợt kiểm tra. Đợt 1 sẽ chọn khoảng 200 đến 300 người tại các học viện nghệ thuật trên cả nước. Đợt thứ hai là chọn 100 cô gái trong số đó, rồi đưa họ đến Bệnh viện Nam Sơn ở Bình Nhưỡng để khám sức khỏe toàn diện. Đợt thứ ba là khoảng 50 cô gái sẽ được đích thân Kim Chính Nhật tuyển chọn. Những cô gái này sẽ được chia thành ba nhóm: nhóm ca vũ, nhóm hạnh phúc và nhóm hài lòng.
Những cô gái thuộc nhóm ca vũ sẽ được đưa đến Úc, Vienna và những nơi khác để học các kỹ năng nhảy của phương Tây như tango, waltz. Như thế, các cô gái này sẽ có khả năng biểu diễn những điệu nhảy nước ngoài trong các buổi chiêu đãi hàng tuần của Kim Chính Nhật. Nhóm hạnh phúc chủ yếu học các kỹ thuật vật lý trị liệu và xoa bóp. Họ là những chuyên gia về kỹ thuật mát-xa. Còn nhóm hài lòng có nghĩa đen là họ cần làm cho người lãnh đạo hài lòng, và họ cũng phải theo lệnh của lãnh đạo mà chiều lòng những đối tượng mà lãnh đạo muốn. Điều quan trọng nhất mà các cô gái này phải học là cách chăm sóc khách trong các bữa tiệc, họ phải học đủ loại mánh khóe mới trên giường.
Bắt đầu từ cuối những năm 1970, Kim Chính Nhật bắt đầu tổ chức các buổi chiêu đãi tiệc rượu bí mật. Cha con nhà họ Kim và các quan chức cấp cao uống những loại rượu nổi tiếng và đắt tiền như Johnnie Walker, whisky Scotch, Hennessy XO. Các cô gái trong nhóm vũ đạo nhảy múa say mê. Các cô gái trong nhóm hài lòng thì mang theo trứng cá muối mua từ khắp nơi trên thế giới và các món ăn cao quý khác đi phục vụ. Khi uống tới lúc vui vẻ, cha con nhà Kim ra lệnh cho các cô gái trong nhóm hạnh phúc cởi bỏ y phục, khiến buổi tiệc trở nên rất khó coi. Thói xa hoa dâm dật của cha con, ông cháu nhà họ Kim ngày càng tăng theo thời đại.
Lối chơi của Kim Chính Ân còn vượt xa cha và ông nội. Một số kênh truyền thông Hàn Quốc đã đề cập tới lối chơi của ông ta, cái gọi là bữa tiệc biển trời và tiệc khoả thân của Kim Chính Ân đều được tổ chức trên con tàu chống đạn của ông ta. Nguyên soái Kim ngồi trên con tàu đặc biệt, trên đường đi thị sát, hàng đêm đều ca hát. Ngoài việc thích các loại rượu nổi tiếng, Kim Chính Ân còn nghiện thuốc lá và xì gà khổng lồ. Nhiệm vụ quan trọng của các nhà ngoại giao Triều Tiên là giúp ông ta buôn lậu xì gà.
Danh từ duy nhất mà Hoàng Trường Diệp dùng để chỉ loại tiệc rượu này chính là “hồ rượu rừng thịt”. Trong “Sử ký” có ghi chép rằng, vị vua cuối cùng của triều đại nhà Ân là Trụ Vương đã cho tu sửa một hồ bơi lớn, rồi chứa đầy rượu hảo hạng trong đó, ngoài ra còn dựng nhiều cọc gỗ bên cạnh hồ và treo đủ loại những loại thịt nướng thơm ngon. Sau đó, ông ta cho những cung nam và cung nữ khỏa thân chạy nhảy nô đùa trong đó, cho họ muốn làm gì thì làm.
Hồ rượu và rừng thịt này có thể nói là cảnh hoang dâm nhất trong số các đế vương Trung Quốc cổ đại. Đó là một bài học phụ diện mà tất cả các hoàng đế đều cần phải lấy làm giới cấm. Tiệc rượu của Kim Chính Nhật cũng được coi như phiên bản hiện đại của “hồ rượu, rừng thịt”, cũng giống như bữa tiệc “thác loạn” mà những người giàu có, nổi tiếng của Trung Quốc sau này tổ chức.
Là một học giả nội các và được coi là một quan chức trong Đảng Công nhân Triều Tiên, trong hồi ký sau này của mình, Hoàng Trường Diệp đã mô tả sự vô cùng chán ghét trước kiểu hưởng thụ dâm ô này. Theo ông, nó không phù hợp với nguyên tắc ban đầu của cách mạng. Kim Chính Nhật, cũng giống như những ông hoàng dâm đãng trong lịch sử, nhìn thấy ánh mắt không mấy thiện cảm của thầy giáo trước những bữa tiệc xa hoa và dâm đãng này, nên ông ta dần dần tránh mặt thầy. Nhưng Hoàng Trường Diệp lại có thể biết được chi tiết của những bữa tiệc này qua những nguồn thông tin khác. Rạn nứt và hiềm khích giữa Kim Chính Nhật và Hoàng Trường Diệp bắt đầu. Đây cũng là nguyên nhân khiến cuộc đời Hoàng Trường Diệp đảo lộn và ông kiên quyết rời xa Kim Chính Nhật.
Năm 1974, Kim Chính Nhật đánh bại người chú Kim Anh Trụ và em trai Kim Bình Nhất. Ông ta trở thành người kế nhiệm. Kim Chính Nhật có thể đảm bảo được vị trí ổn định của mình ở Đông Cung, ngoài việc rất biết hầu hạ, làm vui lòng cha với tiệc xa hoa dâm đãng ra, ông ta còn có những mánh khoé đấu tranh chính trị rất độc ác, khiến cha ông ta đánh giá rất cao. Đây cũng là lý do mấu chốt.
Khi Hoàng Trường Diệp còn là hiệu trưởng trường Đại học Kim, ngoài vai trò là giáo viên cho các con nhà họ Kim, ông còn có một công việc rất quan trọng đó là sáng tạo ra tư tưởng chủ thể của họ Kim. Chủ thể tư tưởng là kết hợp lý thuyết Marxist-Leninist về đấu tranh giai cấp, triết học cổ xưa và lịch sử, văn hóa Triều Tiên vào một cái nồi, chứng tỏ nhân dân Triều Tiên là người làm chủ vận mệnh và kiến thiết cách mạng của chính mình. Nói cách khác, đó là chứng minh rằng Kim Nhật Thành không cần phải thừa nhận Stalin hay Mao Trạch Đông là cha đỡ đầu, ông ta là người đứng đầu đất nước Bắc Triều Tiên. Người Triều Tiên chỉ cần có mặt trời như vậy là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Sau khi tư tưởng “chủ thể” hoàn thành, Kim Nhật Thành vui mừng vô cùng, đã lập tức thưởng cho Hoàng Trường Diệp một chiếc đồng hồ vàng lớn. Còn khi đó, Kim Chính Nhật là “thái tử” lúc bấy giờ, đã nghĩ đến một mức độ sâu hơn. Trong những năm cuối với tư cách là hoàng tử, Kim Chính Nhật bắt đầu phát huy toàn diện tư tưởng chủ thể trong giáo dục, để mọi người hiểu được tư tưởng vẻ vang của lãnh tụ.
Đồng thời, trên khắp đất nước dựng lên các bức tượng của cha con Kim Chính Nhật. Sau đó, ông ta cho viết lại lịch sử, tạo dựng nên Kim Chính Nhật, một người chưa có mấy trận đánh với quân Nhật, lại trở thành vị Thần chiến tranh, biến ông ta thành một anh hùng chống Nhật. Đồng thời, các cây bút thực sự rất bay bổng và tưởng tượng, đã kết hợp với thần thoại của Triều Tiên cổ đại, viết rằng núi Bạch Đầu, chính là núi Trường Bạch ở biên giới Trung Quốc và Triều Tiên, là ngọn núi thiêng của gia tộc nhà Kim. Nhà họ Kim từng bước trở thành dòng họ được lựa chọn, có mang dòng máu thần thánh.
Dưới sự vận động tạo Thần từng bước, Kim Nhật Thành đã thành công trở thành người cha Kim trong lòng người dân Triều Tiên, trở thành Kim “mặt trời” dẫn dắt tất cả người dân Triều Tiên đi đến hạnh phúc. Còn người kế nhiệm ông cũng trở thành niềm hy vọng của toàn thể người dân Triều Tiên. Vì vậy, trong đám tang của Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật, người dân Triều Tiên đã cất tiếng khóc rất đau lòng, thậm chí nhiều người đã khóc đến ngất xỉu.
Tuy nhiên, Hoàng Trường Diệp, người từng là ngòi bút của tư tưởng chủ thể, ngày càng kinh sợ. Ông tận mắt chứng kiến Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật từng bước loại bỏ những người bất đồng chính kiến, và bước tới lễ đài thành thần. Hoàng Trường Diệp cũng từ một người hâm mộ trung thành của Kim Nhật Thành, đã âm thầm có những thay đổi, nhưng trong nhiều năm ông không dám tỏ ra bất kỳ sự khác thường nào.
Vào thời điểm này, Hoàng Trường Diệp đã được chuyển đến Ban Chấp hành Trung ương Đảng Công nhân với tư cách là Thư ký Ban Đối ngoại để thúc đẩy mạnh mẽ tư tưởng chủ thể và ông trở thành Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao Bắc Triều Tiên. Tới cuối những năm 90, nạn đói hoành hành ở Triều Tiên, khiến hơn 3 triệu người chết đói. Sau này, trong hồi ký của mình, Hoàng Trường Diệp kể lại rằng chỉ cần đi bộ trên đường phố Bình Nhưỡng, ông có thể nhìn thấy những thi thể gầy trơ xương.
Nhưng điều đó cũng không ngăn cản được những bữa tiệc rượu vui vẻ hàng tuần của Kim Chính Nhật. Tất cả các quan chức cấp cao đều ăn uống đẫy bụng, uống rượu say bí tỉ, vẫn tiếp tục xa hoa và phóng túng. Còn những người xung quanh Hoàng Trường Diệp nếu còn có chút lên tiếng nghi vấn về gia đình cha con họ Kim, sẽ bị bắt đi, hoặc sẽ bị đi đày hoặc bị hành quyết. Trong văn phòng bị lắp những máy nghe lén và camera ngầm. Trong môi trường ngột ngạt như vậy, ngay cả người giỏi thích ứng như Hoàng Trường Diệp cũng cảm thấy mình không thể tiếp tục nữa giả vờ nữa.
Ông cảm thấy mối bất hòa ngầm giữa thời làm thầy và Thái tử Kim Chính Nhật đang từng bước trở thành nguy hiểm hiện thực. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, ông đã đưa ra một lựa chọn lớn.
Vào ngày 12 tháng 2 năm 1997, một chiếc ô tô lao vào Đại sứ quán Hàn Quốc ở Bắc Kinh rồi dừng lại, cửa sau xe mở ra và có hai người bước ra, đó là Hoàng Trường Diệp và trợ lý Kim Đức Hoằng. Trước đó, Hoàng Trường Diệp đã tới Bắc Kinh du lịch, với sứ mệnh thúc đẩy hệ tư tưởng chủ thể. Ông lấy lý do đi mua sắm, cùng Kim Đức Hoằng bỏ lại nhân viên Đại sứ quán Triều Tiên tại Bắc Kinh và đã liên lạc với nhân viên chính phủ Hàn Quốc.
Sau đó, với sự giúp đỡ của Hàn Quốc, anh ta cùng Kim Đức Hoằng trốn vào Đại sứ quán Hàn Quốc tại Bắc Kinh vào ngày 12 tháng 2. Chiều hôm đó, chính phủ Hàn Quốc ra thông báo tiếp nhận đơn xin lưu vong của Hoàng Trường Diệp và Kim Đức Hoằng.
Sau khi nhận được tin này, Kim Chính Nhật tức giận đến phát điên và lập tức cáo buộc Hàn Quốc bắt cóc Hoàng Trường Diệp, rồi chỉ thị cho Đại sứ quán Triều Tiên tại Bắc Kinh phái hàng trăm nhân sự đột nhập mạng lưới an ninh của Đại sứ quán Hàn Quốc, và trực tiếp vào ám sát Hoàng Trường Diệp và Kim Đức Hoằng. May mắn Hoàng Trường Diệp vốn nổi tiếng và có chức vụ cao cấp, hơn nữa phía Trung Quốc không muốn đổ máu xảy ra trên lãnh thổ của mình, nên phái hơn 1.000 cảnh sát vũ trang bảo vệ Đại sứ quán Hàn Quốc.
Để ngăn chặn các vụ ám sát, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Bắc Kinh đã dùng sắt bọc toàn bộ cửa sổ trong căn phòng nơi Hoàng Trường Diệp đang ở. Trong căn phòng tối tăm này, điều duy nhất Hoàng Trường Diệp có thể làm là sám hối với gia đình từ trong sâu thẳm trái tim mình. Ông biết rằng mình làm bước này, vợ con ở Triều Tiên sẽ lành ít dữ nhiều.
Sau một tháng đối đầu căng thẳng, dưới sự hoà giải của chính phủ Trung Quốc, Hoàng Trường Diệp và Kim Đức Hoằng đã được bí mật đưa đến Philippines, sau đó chuyển từ Philippines đến Seoul.
Khoảng khắc khi xuống máy bay ở Seoul, Hoàng Trường Diệp đã rơi nước mắt. Nơi này cách quê hương Triều Tiên của ông rất gần trong gang tấc, nhưng lại rất xa tận chân trời.
Sau khi Hoàng Trường Diệp đến Seoul, vợ ông bị Kim Chính Nhật ban ân cho phải tự sát. Con gái lớn của ông rơi khỏi xe tải và ngã chết một cách bí ẩn. Con trai và con gái của ông cũng như tất cả các cháu của ông đều bị đưa đến các trại lao động. Tại Hàn Quốc, Hoàng Trường Diệp đã viết trải nghiệm của bản thân thành một cuốn hồi ký, biên soạn thành sách, và đã xuất bản nó với tựa đề “Ý nghĩa thực sự của lịch sử mà tôi đã thấy”, đồng thời, ông hy vọng sẽ thành lập một chính phủ Triều Tiên lưu vong chống Kim. Nhưng ý tưởng này đã không thành công.
Liệu cái chết của Hoàng Trường Diệp có liên quan đến triều đại nhà Kim ở Triều Tiên? Phải chăng, nó lại là một “kiệt tác” khác của điệp viên Triều Tiên?
Kết quả điều tra của cảnh sát Hàn Quốc cho rằng ông Hoàng Trường Diệp 88 tuổi chết vì trụy tim, tưởng chừng như là nguyên nhân tự nhiên nhưng thật trùng hợp, ngày ông qua đời lại chính là ngày diễn ra lễ duyệt binh đánh dấu kỷ niệm 65 năm thành lập Đảng lao động Triều Tiên. Những trải nghiệm của Hoàng Trường Diệp và mối nhân duyên của ông với triều đại nhà Kim không thể không khiến người ta cảm thán, dù con người không thể chọn được ngày sinh của mình nhưng họ có thể chọn cuộc sống cho mình.
Theo Wenzhao
Minh An biên dịch
NTD Việt Nam