Chân dung hòa thượng Bất Không. (Miền công cộng)
Một hôm, khi Quốc vương đang vui đùa với một đàn voi, thì gặp nguy hiểm, không ai dám vào cứu. Lúc này Bất Không ngồi xuống, hai tay kết ấn, miệng niệm chân ngôn, tiến nhập thiền định. Con voi dữ kia lập tức quỳ xuống trước mặt ông, trông rất thuần phục, chúng thần đều thấy kinh ngạc.
Thời kỳ Đường Huyền Tông, kinh đô Trường An có ba vị cao tăng phái Mật Tông là Thiện Vô Úy, Kim Cang Trí và Bất Không, họ được mệnh danh là ‘Khai Nguyên Tam Đại Sĩ’(ba Giác giả thời Khai Nguyên), họ đều có thần tích lưu truyền nhân thế. Trong ba vị cao tăng ấy, chỉ có hòa thượng Bất Không là trải qua cả ba triều đại: Huyền Tông, Túc Tông và Đại Tông.
Bất Không tên tiếng Phạn là A-Nguyệt-Khư-Bạt-Chiết-La, phiên âm sang tiếng Hán là Bất Không Kim Cang, gọi tắt là Bất Không, ông là người Sư Tử quốc (nay là Srilanka), xuất gia từ nhỏ. Năm 14 tuổi, Bất Không gặp cao tăng Kim Cang Trí ở Trảo Oa quốc đang dự định đi Đông Thổ Đại Đường, nên xin làm môn hạ, bái sư. Khi truyền thụ yếu lĩnh Phật Pháp, Kim Cang Trí phát hiện Bất Không vô cùng thông tuệ, nên lập tức cho ông thụ Bồ Tát giới, cũng dự đoán rằng sau này ông sẽ làm Phật Pháp hưng thịnh.
Sau này, khi Kim Cang Trí phiên dịch kinh Phật, Bất Không luôn ở bên trợ giúp.
Năm Khai Nguyên 719, Kim Cang Trí cùng Bất Không tới Quảng Châu, sau đó đến Đông Đô Lạc Dương, được Đường Huyền Tông đón tiếp long trọng. Bất Không luôn theo bên sư phụ Kim Cang Trí cho đến tận khi ông viên tịch. Lo liệu xong hậu sự cho sư phụ, Bất Không tuân theo lời dặn của sư phụ đi tới Sư Tử quốc (nay là Sri Lanka) và Ấn Độ.
Vừa tới quận Nam Hải triều Đường, vị quan đón tiếp là Lưu Cự Lân đã tới nhờ ông quán đỉnh, Bất Không liền dừng chân ở chùa Pháp Tính, dẫn dắt nhiều người đến cửa Phật. Bất Không còn hướng đến tượng Phật cầu đảo hơn mười ngày, cảm thụ được Văn Thù Bồ Tát hiện thân, làm cho tín chúng càng thêm kính ngưỡng Phật Pháp.
Sau đó, Bất Không dẫn theo 37 đệ tử cùng nhiều thương nhân trong và ngoài nước lên thuyền đi Sư Tử quốc. Trên hành trình, biển bỗng nổi sóng dữ, thuyền tròng trành chực lật, các thương nhân run sợ, mang các pháp thuật của nước mình ra làm phép cầu an, nhưng không thấy hiệu nghiệm. Cuối cùng họ cùng khẩn cầu Bất Không cứu giúp. Bất Không nói: “Bần tăng đã có Phật Pháp gia trì, các vị không cần lo lắng.”
Nói xong tay phải ông nắm 5 hạt Bồ Đề, tay trái cầm kinh Phật, miệng niệm chú ‘Đại tùy cầu’ một lượt, lập tức sóng yên bể lặng, chúng nhân ai nấy đều cảm phục.
Lần khác lại gặp kình ngư khổng lồ, miệng phun sóng lớn như quả núi, còn lớn hơn lần trước rất nhiều, thương nhân sợ hãi tưởng chết đến nơi rồi, chỉ thấy Bất Không cùng đệ tử bình tĩnh làm phép, tụng kinh, lúc sau trời yên biển lặng. Nhờ có cao tăng Bất Không mà thuyền thuận lợi cập bờ Sư Tử quốc. Quốc vương Sư Tử quốc sùng thượng Phật Pháp, cử quan binh ra đón tận nơi. Bất Không vào thành, thấy hai bên đường binh mã nghiêm trang, Quốc vương lấy lễ nghi cao nhất của Ấn Độ cổ là ‘Tiếp túc lễ’ nghênh đón. ‘Tiếp túc lễ’ là quỳ xuống, dùng hai tay chạm vào hai chân, cúi đầu chạm nhẹ vào chân người nhận lễ. Để biểu đạt lòng sùng kính đối với Bất Không, Quốc vương mời thầy trò ông vào cung cư trú, cúng dường 7 ngày, nước thơm dùng tắm gội hàng ngày đều đựng trong âu vàng. Quốc vương còn đích thân tắm gội cho Bất Không.
Các thái tử, phi tần, đại thần đều như Quốc vương, cung kính đối đãi với Bất Không. Tại đây, Bất Không không chỉ khai đàn giảng pháp mà còn sưu tầm được hơn 500 cuốn Tạng Mật và kinh luận, nhằm gia cường thêm cho việc tu hành.
Một hôm, khi Quốc vương đang vui đùa với một đàn voi, thì gặp nguy hiểm, không ai dám vào cứu. Lúc này Bất Không ngồi xuống, hai tay kết ấn, miệng niệm chân ngôn, tiến nhập thiền định. Con voi dữ kia lập tức quỳ xuống trước mặt ông, trông rất thuần phục, chúng thần đều thấy kinh ngạc. Sau này khi vân du Ấn Độ, ông cũng lưu lại nhiều Thần tích.
Năm thứ 5 Thiên Bảo đời Đường Huyền Tông (năm 746), Bất Không về đến kinh đô Trường An, Đại Đường, dâng lên Huyền Tông lễ vật trân quý từ Sư Tử quốc, sau đó ông ở lại chùa Tịnh Ảnh.
Mùa hạ năm ấy bị hạn hán lớn, Huyền Tông hạ chiếu mời Bất Không cầu mưa, đồng thời nói: “Thời gian không được kéo dài quá, mưa xuống không được lớn quá”.
Bất Không lập đàn cầu mưa, chưa đầy ba ngày, mưa rơi đẫm đất. Huyền Tông cả mừng, tự tay bưng hòm ngọc đựng Cà-sa tím ban cho Bất Không, đích thân khoác áo cho ông, còn ban thêm hai trăm súc lụa.
Ngày nọ, cuồng phong đột khởi, Huyền Tông lại hạ chiếu mời Bất Không hóa giải. Bất Không lấy bình vàng ra làm pháp sự, trong khoảnh khắc mây dừng gió lặng. Bỗng có một con thiên nga làm đổ cái bình, cuồng phong lại nổi, còn mạnh hơn lúc trước. Bất Không lại làm phép, cuồng phong bặt tăm. Do chuyện này mà Huyền Tông ban cho ông danh xưng là ‘Trí Tàng’ (Ẩn tàng trí huệ).
Năm Thiên Bảo thứ 8, Bất Không xin được quay về cố quốc, Huyền Tông chuẩn tấu, nhưng khi ông vừa mới tới quận Nam Hải, thì bị Huyền Tông phái người mời quay lại. Ông đành ở lại Đại Đường tiếp tục truyền Phật Pháp.
Năm đầu Chí Đức, Đường Túc Tông (năm 756), An Lộc Sơn công hãm Trường An, Túc Tông chạy tới Linh Vũ, Phụng Tường. Túc Tông bí mật liên hệ với Bất Không để tìm cầu pháp thuật bí mật. Sau khi thu phục Trường An, những dự liệu của Bất Không đều ứng nghiệm. Túc Tông vời Bất Không vào cung để làm quán đỉnh cho ông.
Năm cuối Thượng Nguyên (năm 761), Túc Tông bệnh lâu không khỏi, Bất Không tụng niệm chân ngôn trục bệnh, bảy ngày sau, long thể phục hồi, Túc Tông lại càng thêm trọng vọng.
Sau khi Túc Tông băng hà, Đại Tông lên ngôi, đối đãi với Bất Không càng thêm kính phục. Mùa hạ năm thứ 5 Đại Lịch, sao chổi xuất hiện, Đại Tông hạ chiếu mời Bất Không tới Ngũ Đài Sơn làm Pháp sự, làm xong Pháp sự, sao chổi biến mất. Ngày thu năm ấy, khi Bất Không trở về từ Ngũ Đài Sơn, Đại Tông phái đại thần mang hốt ngọc cùng yên cương của nhà vua ra ngoài thành nghênh tiếp.
Năm Đại Lịch thứ 6, kinh thành lại gặp đại hạn hán, suốt xuân hạ không có giọt mưa. Đại Tông hạ chiếu mời Bất Không cầu mưa, còn nói: “Nếu trong vòng ba ngày mà mưa xuống, thì đó là do Pháp lực, nếu có mưa sau ba ngày thì không phải Pháp lực”.
Bất Không lập đàn, đến ngày thứ hai mưa như trút nước. Đại Tông rất đỗi vui mừng, tặng ngay áo tím, 7 bộ y phục cho đệ tử, thiết đãi cơm chay cho nghìn tăng nhân, để báo đáp công đức.
Một ngày năm Đại Lịch thứ 7, Bất Không lấy lý do ốm bệnh xin về cố quốc. Đại Tông hạ chiếu hỏi thăm, còn ban cho thuốc quý, tặng chức ‘Tư không’, phong ‘Túc Quốc Công’ cùng thực ấp ba nghìn hộ, Bất Không từ chối mãi không được. Bất Không nói: “Người xuất gia chỉ cầu công đức viên mãn, ngày dương thế đang trôi, sao có thể dùng chút thời gian cuối đời này mà hưởng danh với lợi?”
Ngày 15 tháng 6 năm ấy, sau khi tắm gội, đầu nằm dựa hướng đông, mặt hướng về cung đình, nhập định viên tịch, hưởng thọ 70 tuổi.
Bất Không viên tịch làm Đại Tông rất bi thương, ba ngày không thiết triều, ban cho các đệ tử của Bất Không 40 vạn tiền cùng nhiều vải lụa, còn ban hơn 200 vạn tiền để xây tháp.
Trước khi Bất Không viên tịch, xuất hiện rất nhiều dị tượng, chư tăng mộng thấy đài cao ngàn trượng chôn vùi, lầu các Văn Thù đổ sụp, chùy kim cương bay lên không. Sau đó nước ao chùa Hưng Thiện bỗng dưng khô cạn, trúc ra hoa đậu quả, hoa trong vườn héo tàn.
Di thể hòa thượng Bất Không sau khi hỏa hóa, thu được vài trăm viên Xá Lợi, trong đó có 80 hạt được cất giữ tại bảo tàng Cố Cung, xương đỉnh đầu lửa đốt không tan, lại có một viên Xá Lợi ở đó, nửa ẩn nửa hiện. Đường Đại Tông hạ chiếu cho dựng tháp lập bia, ban thụy hiệu là: “Đại Biện Quảng Chính Trí Không Tạng”
Nguồn tư liệu: “Tống cao tăng truyện”
Theo Aboluowang
Thái Bình biên dịch
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam