Tác giả: Học viên Đại Lục
[ChanhKien.org]
Vào năm Trinh Quán thứ 15 (năm 641), Đường Thái Tông Lý Thế Dân dẫn theo các quần thần của mình đến núi Miên Sơn bái kiến hoà thượng đại đức Chí Siêu (để biết thêm chi tiết xin đọc bài viết Câu chuyện Phật gia: Hòa thượng Chí Siêu). Em gái của Thái Tông là công chúa Trường Chiêu cũng theo đoàn tuỳ tùng đến lễ Phật.
Nhưng khi Đường Thái Tông đến được Miên Sơn thì không may cao tăng Chí Siêu hòa thượng đã viên tịch, Thái Tông vẫn chưa được thỏa nguyện nên trong lòng thấy buồn bã, ông ngẩng mặt lên trời than rằng: “Chuyến đi này không được thấy Phật rồi”, đúng lúc ấy đột nhiên trên không trung xuất hiện hình ảnh hòa thượng Chí Siêu và bốn chữ lớn “Không Vương Cổ Phật”, do đó Đường Thái Tông đã sắc phong cho hòa thượng Chí Siêu làm “Không Vương Phật”. Công chúa Trường Chiêu tận mắt chứng kiến thần tích Phật Pháp, lại thấy vùng Miên Sơn non nước xinh đẹp nên trong tâm bất giác nảy sinh chính tín và lòng kính ngưỡng đối với Phật Pháp, công chúa phát nguyện muốn xuất gia tu luyện tại núi này.
Đường Thái Tông hành hương đến núi Miên Sơn, thấy ở vùng Miên Sơn có một nơi trông giống như hai con rồng giao hội, lại có rất nhiều những hang động tu luyện lớn nhỏ mà những người tu luyện trong quá khứ lưu lại, có cái thì nằm trên đỉnh núi, có cái trên vách đá, có cái ở trong rừng rậm. Đường Thái Tông nhìn thấy vậy trong tâm vô cùng ngưỡng mộ nên đã đặt tên cho nơi ấy là “Long Tích Lĩnh”.
Sau khi công chúa Trường Chiêu xuất gia ở Miên Sơn đã chọn Long Tích Lĩnh, nơi mà hoàng huynh cô đích thân đặt tên, để dựng nhà tu luyện. Năm Trinh Quán thứ 16 (năm 642) Đường Thái Tông đã hạ lệnh xây dựng một ngôi miếu cho hoàng muội của mình tại Long Tích Lĩnh, lại hạ chỉ ban tên cho nơi tu hành của công chúa là “Lý cô nham”, từ đó người ta cũng thường gọi công chúa là “Lý cô”.
Tuy được Thái Tông nhiều lần chiếu cố nhưng về phương diện tu luyện thì công chúa vô cùng tinh tấn, không hề có chút kiêu ngạo về thân phận công chúa Đại Đường hay ngự muội của Thái Tông. Bình thường ngoài lúc đả toạ ra cô thường hay lên núi hái thuốc về chữa bệnh cho người dân. Sau khi công chúa xuất gia ở Miên Sơn, mỗi khi trong vùng xảy ra hạn hán cô đều thắp hương cầu mưa cho dân chúng, nghe nói rằng rất nhiều lần công chúa cầu khẩn đều linh nghiệm và muôn dân đều đã được nhận ơn huệ từ cô. Người dân của cả vùng Miên Sơn tôn kính gọi cô là “Quan Âm sống”.
Một hôm khi công chúa đang hái thuốc trên núi bỗng có hai tên côn đồ từ trong rừng rậm đi ra, tay cầm rìu sắc, chúng muốn có hành động khiếm nhã với cô. Đúng vào lúc này chợt có 16 cao tăng hiện ra khiến bọn côn đồ ôm đầu bỏ chạy. Công chúa ngộ ra đây chính là 16 vị La Hán đến cứu nguy cho mình. Từ đây có thể thấy rằng những người tu Phật chân chính đều có sư phụ, chính Thần và các Thần hộ Pháp bảo hộ.
Sau khi xuất gia, Trường Chiêu công chúa cũng có hai lần trở về kinh thành thăm hoàng huynh. Lần thứ nhất là vào năm Trinh Quán thứ 18 (năm 644), Đường Thái Tông nhớ nhung công chúa Trường Chiêu, muốn công chúa hồi cung để ôn lại tình huynh muội. Đêm đó ở Miên Sơn công chúa chợt nhìn thấy dưới ánh trăng Bồ Tát Quán Âm từ trên trời giáng xuống, Bồ Tát hoá ra hình tượng nghìn mắt nghìn tay nói với cô rằng: “Hôm nay thánh thượng vì lo chuyện quốc sự mà long thể bất an, đang mong cô hồi cung thăm người một chuyến, cũng là để cảm thấy an lòng”. Công chúa muốn nhìn lại lần nữa thì Bồ Tát đã hoá thành làn gió mát bay mất. Công chúa làm theo lời Bồ Tát dạy trở về hoàng cung thăm hỏi hoàng huynh. Sau cuộc hàn huyên công chúa kể cho Thái Tông nghe chuyện Bồ Tát hiển linh. Thái Tông nói: “Quán Âm Bồ Tát mang tâm từ bi, có thể thấu hiểu lòng người. Hiền muội sau khi về núi hãy dựng miếu thờ phụng Bồ Tát, cũng tiện để ban phúc cho muôn dân”. Công chúa sau khi về núi đã theo lời Thái Tông dựng lên một điện thờ để thờ phụng Quán Âm Bồ Tát.
Lần thứ hai cô hồi kinh là vào mùa thu năm Trinh Quán thứ 20 (năm 646). Một hôm, công chúa đang ngồi đả toạ ở Miên Sơn thì cảm thấy mình bay đến núi Linh Thứu, chợt nghe trên không trung có tiếng nói rằng: “Hôm nay thánh thượng phái cao tăng Huyền Trang sang Tây phương thỉnh kinh, còn hạ sắc lệnh cho xây dựng tháp Phật Đại Nhạn và tự tay soạn bài Thánh giáo tự, điều này cũng đủ để thấy thánh thượng rất sùng kính Phật giáo, đây quả thực là hồng phúc của bách tính thiên hạ”. Sau khi xuất định công chúa không khỏi sinh lòng nhung nhớ chốn xưa, liền chuẩn bị hành trang lên đường về kinh thành, sau khi hồi cung và bái kiến hoàng huynh, cô đã kể cho hoàng huynh nghe về việc Thần Phật hiển linh. Đường Thái Tông hết sức vui mừng, đem việc Huyền Trang lấy kinh và bài tự đích thân mình ngự bút kể hết lại cho công chúa nghe, lại còn ra sắc lệnh xây dựng Phật điện tại nơi công chúa tu luyện để thờ phụng đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Thuận theo việc tu luyện của công chúa Trường Chiêu thì những thần tích Phật Pháp phát sinh trên thân cô cũng được lan truyền, khiến một số người sùng bái vì mộ danh mà tìm đến. Nhưng những người sùng bái này rất hiếm khi gặp được công chúa: tương truyền rằng khi họ lên núi Bắc tìm thì cô ở núi Nam trả lời; họ ở ngòi Đông thì cô ở ngòi Tây; họ ở trên đỉnh núi thì cô ở dưới chân bờ đá trả lời. Tuy cô như chim trời cá nước, khó tìm được tung tích nhưng với những người có cơ duyên thực sự chín muồi thì họ sẽ tìm gặp được, hơn nữa còn được công chúa hoá độ. Nghe nói rằng sau khi công chúa tu thành đắc chính quả, cô đã hóa độ được rất nhiều đệ tử, có thuyết rằng Miên Bách Tiên tử thời Đường, Đan Lĩnh Tiên tử thời Tống, Linh Thảo Tiên tử thời Minh v.v… đều là đệ tử của công chúa Trường Chiêu.
(Theo các nguồn tư liệu như: Tu Lý cô nham ký v.v…)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/50689
Ngày đăng: 07-08-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org