Tác giả: Đệ tử Đại Pháp
[ChanhKien.org]
Vào triều Đường có một vị tăng nhân có pháp danh là Thích Phổ Minh, vốn là nhân sĩ Tế Xuyên, họ Triệu. Ban đầu ông xuống tóc xuất gia vào chùa Linh Nham ở núi Thái Sơn, sau nghe ở Ngũ Đài Sơn thường có điềm lành xuất hiện nên quyết định vân du đến Ngũ Đài Sơn tu luyện. Sau khi đến nơi, ông mỗi ngày ở phía Bắc của Nam Đài – Ngũ Đài Sơn kiên trì đục đá tạc đá, sau bao khó khăn vất vả cuối cùng cũng tạc ra được một ngôi nhà nhỏ bằng đá làm nơi chuyên tâm tu luyện Phật Pháp trong Phật giáo.
Một hôm Thích Phổ Minh bất ngờ gặp được vị tăng nhân có cốt cách phi phàm, cảm thấy đây là một người rất đặc biệt nên từ đó thường cùng vị tăng nhân đàm luận Phật Pháp trong Phật giáo. Khi nói đến việc chúng sinh có chấp trước khó bỏ, muốn giải thoát sinh tử quả thật chẳng dễ dàng gì, vị tăng nhân đã đem những đạo lý trong Phật giáo có liên quan ra giải thích rõ ràng minh bạch, lời lẽ khẩn khoản mà chân thành. Thích Phổ Minh và vị kỳ tăng kết thân đã được một thời gian, ông ấy luôn mong Thích Phổ Minh nỗ lực tinh tấn tu luyện Phật Pháp trong Phật giáo. Cũng từ đấy vị kỳ tăng thường đến thăm Thích Phổ Minh.
Lần kia có một nhóm cường đạo bất ngờ đến cướp lấy của cải tùy thân của Thích Phổ Minh. Đối diện với bọn cướp ngang ngược không nói đạo lý ấy, Thích Phổ Minh không hề có chút sợ hãi, cũng không chút tiếc nuối số tài vật bị mất. Khi vị kỳ tăng ghé qua, Thích Phổ Minh đã đem những suy nghĩ và cảm thụ của mình về vụ việc nói cho ông ấy nghe. Vị kỳ tăng nghe xong đã hết lời ngợi khen, còn bảo Phổ Minh nhất định phải đặt công phu vào việc tu luyện hơn nữa.
Không lâu sau bỗng đâu xuất hiện hai con mãnh hổ gầm rống không ngừng, chúng chạy đến ngôi nhà đá chỗ Thích Phổ Minh đang ở, thậm chí còn xông thẳng vào nhà; nếu là một người bình thường thì đã kinh hãi đến rụng rời nhưng lúc bấy giờ điều mà trong tâm Thích Phổ Minh nghĩ đến là Phật Pháp trong Phật giáo, nên ông không hề sợ hãi, vẫn thản nhiên ngồi đả toạ bất động. Khi vị kỳ tăng ghé thăm, Thích Phổ Minh đã kể lại câu chuyện về hai con mãnh hổ, ông ấy nghe xong cảm thấy rất vui mừng và lại khuyến khích Phổ Minh nỗ lực tu luyện Phật Pháp.
Qua một tháng sau, một hôm thời tiết đột ngột thay đổi, có cơn bão tuyết từ đâu giáng xuống, tuyết bay đầy trời, lớp tuyết trên mặt đất dày đến mấy thước, nhiệt độ giảm mạnh, năm nay trời rét đậm hơn nhiều so với những năm trước. Tối hôm ấy có một cô gái dung nhan mỹ lệ đến bên ngoài căn nhà đá của Thích Phổ Minh, nói rằng vì cơn bão tuyết bất ngờ nên bị kẹt trên núi, xin Phổ Minh cho cô ấy vào nhà tránh tuyết, nếu không sẽ chết cóng mất. Thích Phổ Minh đã đắn đo về tình huống đặc biệt này, một người tu hành không thể thấy chết không cứu, đành để cô gái vào nhà rồi một mình ngồi trên sập thiền đả tọa.
Đêm dần về khuya, nhiệt độ càng giảm thấp, không khí bên trong căn nhà đá không đỡ hơn bên ngoài bao nhiêu, cũng rất lạnh. Cô gái không chịu được đã lăn qua lăn lại và rên rỉ vì cái rét căm căm, xin Thích Phổ Minh cho cô được lên sập thiền để sưởi ấm. Ban đầu Thích Phổ Minh không đồng ý, về sau thấy cô gái rên rỉ càng bi thảm hơn, Thích Phổ Minh chạm thử lên người cô ấy, thấy cô quả thật bị lạnh đến mức cóng buốt cả người, nghĩ đến câu chuyện Liễu Hạ Huệ tọa hoài bất loạn (1) liền cho cô gái lên sập thiền và ngồi lên thân mình, lại còn cởi áo khoác ngoài ra phủ lên thân cô, dùng hơi ấm của chính mình để ủ ấm cho cô gái.
Lúc này Thích Phổ Minh chợt cảm thấy rất mệt mỏi, cứ ngồi như thế rồi bị mê mờ đi mất. Qua một lúc sau, Thích Phổ Minh vừa tỉnh sau cơn nửa mê nửa toạ đã chạm tay vào da thịt cô gái, bởi vì trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh nên chính niệm không đủ mạnh, cảm thấy việc tiếp xúc với người khác giới quả thật rất dễ chịu. Trong phút chốc Thích Phổ Minh đã động tà niệm sắc dục, định đưa bàn tay đầy dục vọng của mình chạm vào cô gái lần nữa, khi ấy cô gái trong vòng tay Thích Phổ Minh bỗng bước xuống khỏi sập thiền rồi mất hút không thấy đâu.
Đến lúc này Thích Phổ Minh mới hiểu được cô gái kia chính là Thần Phật diễn hoá ra để khảo nghiệm mình, trong lòng vô cùng hối hận nhưng chuyện đã muộn rồi. Ngày hôm sau nhiều chỗ trên người Thích Phổ Minh bỗng dưng lở loét rồi chảy mủ, đau đớn khôn cùng, cái đau ấy thật là khoan tim xẻo xương. Thích Phổ Minh gào khóc rất bi thương, cứ mãi sám hối về tà niệm sắc dục của mình, cũng không ngừng phát thệ rằng lần sau sẽ nhất định làm được tốt.
Hai tháng sau, một ngày kia từ trên không trung có âm thanh vọng xuống nói với Phổ Minh rằng: “Nếu ngươi không thiền định tu hành thì không thể nào giải thoát và viên mãn được. Ta ban cho ngươi một cây thông dài, dùng nó rồi thì có thể thành Thần Tiên ở tầng thấp”. Tiếng nói của Thần đã khiến một người tu luyện thất bại như Thích Phổ Minh được an ủi đôi phần, nhưng cây thông dài hiện đang ở đâu thì Thần không có chỉ rõ.
Thích Phổ Minh liên tục khấn nguyện trong bảy ngày. Từ trên không trung lại có âm thanh bảo với ông: “Cây thông dài đang ở trước ngôi nhà đá của ngươi”. Thần còn miêu tả về màu sắc và hình dáng của cây thông, cũng như cách dùng làm thức ăn như thế nào. Thích Phổ Minh cứ y theo lời dạy, ba ngày sau những vết thương trên thân ông đều lành hẳn, dung mạo dần trở nên khác hẳn người thường, thần sắc tươi nhuận sáng sủa. Không lâu sau thì hóa thành Tiên bay mất.
Xem xong câu chuyện này tôi cảm thấy việc Thích Phổ Minh tu luyện thất bại thật sự rất đáng tiếc. Khi Thích Phổ Minh đối mặt với cường đạo, mãnh hổ đều không động tâm, cuối cùng chỉ vì động tà niệm sắc dục, ôm giữ tâm sắc dục mà muốn tiếp xúc với người khác giới nên không vượt qua được khảo nghiệm, đánh mất cơ duyên viên mãn. Từ đó thấy rằng: Người tu luyện nhất định phải trừ bỏ tâm sắc dục, không chỉ tuyệt đối không để phát sinh quan hệ giới tính phi đạo đức, mà ngay cả trong mơ hay trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh cũng cần yêu cầu bản thân cố gắng hết sức trừ bỏ sắc dục.
Nguồn tư liệu: Cổ thanh lương truyện
Chú thích của người dịch:
(1) Tọa hoài bất loạn: có nghĩa là ngồi trong lòng mà tâm vẫn không loạn, ý chỉ người nam đoan chính, dù ở cạnh người nữ mà trong tâm không nảy sinh ý đồ xấu. Tham khảo Câu chuyện thành ngữ “Tọa hoài bất loạn”
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/55061
ChanhKien.org