Tại vùng tiếp giáp hai huyện Ngu Hương và Vĩnh Lạc (thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc ngày nay) người ta vẫn thường tình cờ gặp được những người tu Đạo ở đây. Có một người tên gọi Lữ Sinh sống ở vùng tiếp giáp này. Lúc còn nhỏ Lữ Sinh không thích ngửi mùi vị của cơm và thức ăn nên đã tự mình lên núi đào một ít hoàng tinh về nấu ăn. 10 năm sau Lữ Sinh đã không còn ăn hoàng tinh nấu chín nữa mà chỉ ăn hoàng tinh sống, và vẫn không đụng đến đồ ăn của nhân gian như cũ. Ông bắt đầu thấy thân thể mình dần nhẹ hơn mỗi ngày, cường tráng mạnh khoẻ, không sợ phong hàn, đi bộ nhẹ nhàng như đi trên gió vậy. Với bất cứ chữ nào ông chỉ cần nhìn qua là nhớ được, với lời người khác nói cũng chỉ cần nghe qua đã có thể ghi nhớ.
Khi được mẹ cho đi học, Lữ Sinh liền muốn tham gia kỳ thi minh kinh (một kỳ thi Nho học thời Tuỳ, Đường). Mỗi ngày Lữ Sinh đọc được mấy quyển sách, thực ra không phải là nhờ bỏ công phu học tập mà bởi ông vừa xem qua đã hiểu. Sau đó mẹ ông ép ông ăn cơm nhưng ông không chịu. Mẹ và em gái từ sáng đến tối khuyên Lữ Sinh ăn cơm ông vẫn không nghe. Mẹ ông bèn nghĩ ra một cách, bà đem mỡ heo trộn chung với rượu rồi tự mình mang đến cho ông uống và nói: “Mẹ già rồi, huống chi Đạo gia cũng không cấm uống rượu”. Lữ Sinh nói: “Con từ nhỏ đã không biết mùi vị đồ ăn rồi, thực sự là con không ăn được những thức ăn như vậy”. Mẹ ông bèn đem cơm rượu lại dưới mũi ép ông phải ngửi, trong nháy mắt khi ông vừa hít vào thì có một vật thể từ trong lỗ mũi rơi ra, dài khoảng hai thốn. Mọi người nhìn thì thấy đó là một đứa bé tí hon bằng vàng kim. Trong phút chốc Lữ Sinh ngã xuống không dậy nổi, chỉ nói mình cảm thấy rất mệt. Người em gái dùng nước thơm rửa sạch đứa bé tí hon bằng vàng kim ấy và buộc nó vào thắt lưng Lữ Sinh. Một lúc sau ông mới tỉnh lại. Trước đó Lữ Sinh dù đã gần 60 tuổi nhưng râu tóc hãy còn đen nhánh rất đẹp. Giờ đây sau khi trải qua cú sốc này, đầu ông đã bạc trắng. Mẹ của Lữ Sinh lúc này mới vô cùng hối hận, vội đem đứa bé tí hon bằng vàng kim nhét lại chỗ cũ nhưng nó đã biến mất từ khi nào. Lữ Sinh nuối tiếc công phu tu luyện của mình bị huỷ, cứ khóc mãi không thôi.
Rồi Lữ Sinh từ biệt mẫu thân, bỏ nhà ra đi, có người nói rằng ông đã đi đến núi Mao Sơn, nhưng từ đó trở đi không ai thấy ông đâu nữa.
Từ câu chuyện của Lữ Sinh chúng ta có thể thấy sự gian nan của một người tu Đạo. Lữ Sinh không ăn thức ăn chín của nhân gian, tu hành đã đạt đến một tầng thứ nhất định. Nhưng khi bị người nhà thúc ép bản thân ông đã do dự, trong phút chốc đã huỷ đi nỗ lực tu hành của cả một đời. Người tí hon bằng vàng kim có thể là nguyên anh mà Lữ Sinh trải qua bao nhiêu năm mới tu luyện xuất ra được. Theo Đạo gia nhìn nhận, tu được nguyên anh thì chính là đã có thể thành Thần Tiên rồi. Còn đối với người tu luyện mà nói, mất đi nguyên anh cũng giống như mất đi sinh mệnh vậy. Con người có được bao nhiêu lần 60 năm để tu hành!
(Nguồn: “Thái Bình quảng ký”)
chanhkien.org / zhengjian.org