Trong lịch sử có khá nhiều người không biết chữ nhưng lại thành tựu đại trí huệ, mà Lục tổ Thiền tông Huệ Năng là một trong số đó. (Ảnh: Tổng hợp)
Tự cổ chí kim, phàm là những vị làm lên đại sự thì đều có đặc tính: Có tâm đại nhẫn, chịu nhẫn nhục mà ôm chí lớn trong lòng.
Mạnh Tử nói: “Thiên tương giáng đại nhiệm ư thị nhân dã, tất tiên khổ kỳ tâm trí, lao kỳ cân cốt, ngạ kỳ thể phu, không phạt kỳ thân hành, hành phất loạn kỳ sở vi, sở dĩ động tâm nhẫn tính, tăng ích kỳ sở bất năng.”
Tạm dịch: Trời muốn giao việc trọng đại cho ai đó, thì trước tiên phải làm cho người ấy lao khổ tâm trí, mệt nhọc gân cốt, thân thể thiếu đói, không chốn nương thân, làm các việc loạn lên, để tăng thêm tính nhẫn, từ đó trui rèn bổ sung chỗ còn thiếu sót.
Tự cổ chí kim, phàm là những vị làm lên đại sự thì đều có đặc tính: Có tâm đại nhẫn, chịu nhẫn nhục mà ôm chí lớn trong lòng.
Huệ Năng nguyên là con nhà quan ở Hà Bắc, nhưng do cha bị biếm chức chuyển đến Quảng Đông. Khi ba tuổi thì cha qua đời, gia cảnh nghèo khó dần, đành di dời đến huyện Nam Hải, Quảng Đông. Khi lớn, Huệ Năng chặt củi mưu sinh, do điều kiện gia đình eo hẹp, nên không được học hành, không biết một chữ. Năm 24 tuổi, một mình Huệ Năng đi đến chùa Đông Sơn ở Hoàng Mai, Hồ Bắc cầu pháp, do chùa đông người, nên nhà chùa thu xếp cho Huệ Năng giã gạo dưới bếp.
Nhẫn nhục gánh vác việc nặng
Huệ Năng chịu khổ nhọc rất nhiều, nhà chùa mỗi ngày đều cần một lượng lớn lương thực, nên ông phải giã gạo liên tục. Do thân thể gày gò, khí lực yếu ớt, nên khi giã gạo ông phải đeo một cục đá vào eo lưng để tăng trọng lượng. Nhưng sau thời gian lâu, da lưng bị mòn rách, ông vẫn y như trước, cứ thế giã gạo. Trụ trì nhà chùa thấy vậy, thốt lời ngợi khen: “Người cầu đạo, vì pháp quên mình, nên là như thế.”
Khi ấy còn có hai người khác cùng giã gạo, họ coi thường người mới đến, cố ý lừa việc khó cho ông. Khi quản sự đến thì chăm chỉ làm việc, khi quản sự đi thì lười biếng qua loa. Tệ hơn nữa là họ đổ gạo mà Huệ Năng đã giã xong vào thúng của họ, để hiển thị rằng họ đã hoàn thành công việc, còn Huệ Năng thì luôn không hoàn thành. Họ thậm chí còn mách với quản sự rằng, Huệ Năng lười nhác trốn việc.
Quản sự nghe vậy liền trách mắng Huệ Năng thậm tệ, đồng thời quy định cho ông phải giã xong mỗi ngày một lượng lớn gạo. Nhưng đối với hai người kia cùng những lời gièm pha đó, Huệ Năng vẫn không hề để ý. Đối với trách mắng của quản sự, ông cũng chẳng lưu tâm, ông nhẫn chịu ra sức làm lụng, giã đủ gạo cho chùa dùng.
Về sau quản sự biết được hai người kia gian trá, dám lừa mình, nên nổi giận trách mắng một hồi. Hai vị này lại cho là bị Huệ Năng tố giác, nên lại càng thù hận ông, chỉ thẳng vào mặt ông mà mắng chửi, nhưng ông hoàn toàn không để tâm tới sự sỉ nhục này, vẫn cắm cúi cần khổ giã gạo suốt ngày. Họ nghĩ gã này thật có khả năng chịu đựng khổ nhục, nên đố kỵ với ông mà sinh ác niệm, tìm cơ hội hại ông.
Từ bi cảm hóa kẻ xấu ác
Một hôm, hai người thấy việc của mình chưa xong, sẽ bị trách mắng, nên càng căm ghét Huệ Năng. Họ lấy nước bẩn đổ lên giường của Huệ Năng, vẫn chưa hả giận, họ thừa lúc ông đang giã gạo đẩy ông ngã xuống. Do đeo cục đá to nên lực quán tính rất lớn, khi ngã xuống làm trật khớp hông bên trái, đau đớn vô cùng, mồ hôi tuôn như tắm.
Hai người kia thấy thế còn bảo: “Này đừng vờ nằm đó, mau mau đứng lên đi.”
“Xương hông tôi đau lắm, không đứng dậy được đâu.”
Hai người vội đi đến, một người nắm cánh tay nâng ông dậy, nhưng thấy chân trái ông không chấm đất, nên biết là không hay rồi, họ bảo: “Chịu khó nhẫn nại chút, chúng tôi dìu lên giường.”
Lúc này, vừa vặn có sư phó phòng bếp tới lấy gạo thổi cơm, thấy ông mặt tái xanh, mồ hôi tuôn ướt trán, trông rất đau đớn, liền hỏi: “Cậu bị sao vậy? chỗ nào bị đau, hay có ai bắt nạt?”
Huệ Năng thưa: “Cảm ơn thầy đã quan tâm, con vừa rồi giã gạo, không cẩn thận nên sảy chân ngã xuống, hông trái đau quá, có lẽ bị thương rồi. Con thật vô dụng, may nhờ có hai vị đây dìu lên giường.”
Hai người kia nghe thấy vậy, bị tâm từ bi của Huệ Năng cảm hóa, lương tâm khai mở, họ cùng quỳ ngay xuống dưới chân sư phó, nghẹn ngào thổ lộ: “Thưa sư phó, không phải như cậu ấy nói đâu, chính là do chúng con đây đã đẩy cậu ta ngã xuống, xin sư phó hãy trừng phạt chúng con thật nặng.”
Sau khi rõ sự tình sư phó rất giận, nhưng do hai người kia rất thành khẩn, thành tâm sám hối, lại thêm Huệ Năng bên cạnh cầu xin, nên ông tha cho. Hai người nâng Huệ Năng đang đau đớn lên giường, quỳ xuống tự vả vào miệng rồi nói: “Chúng tôi xin lỗi cậu, do chúng tôi vô tri nên đã làm cậu thảm hại thế này.”
Sau đó được sự giúp đỡ của tăng nhân trong chùa, thân thể ông nhanh chóng phục hồi.
Đại sư
Một lần, hòa thượng trụ trì muốn tìm người kế thừa y bát, yêu cầu mọi người viết ra những lý giải của mình về Phật Pháp. Ông không biết viết chữ, nhưng lại ngộ đạo, nên nhờ người viết hộ ra một bài kệ nổi tiếng trong lịch sử:
“Bồ Đề bản vô thụ, minh kính diệc phi đài, bản lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai.”
Tạm dịch:
Bồ-đề vốn không cây, gương sáng cũng không đài, bản lai không một vật, nơi nào bám trần ai.
Sau đó, ông trở thành đại sư một thời của Phật giáo Trung Quốc, danh xưng là Lục Tổ Thiền Tông Huệ Năng. Trong quảng trường của thư viện quốc gia Anh ở Luân Đôn, có dựng tượng của mười nhà tư tưởng lớn của nhân loại, trong đó đại biểu cho tư tưởng phương đông có ba vị tiên triết là Khổng Tử, Lão Tử và Lục Tổ Huệ Năng, được gọi là “Đông phương tam Thánh nhân” (Ba vị Thánh nhân của phương Đông).
Năm Tiên Thiên thứ hai Đường Huyền Tông (năm 713), vào canh ba ngày mùng ba tháng tám, Đại sư Huệ Năng viên tịch tại chùa Quốc Ân, nay ở huyện Tân Hưng, thành phố Vân Phù, Quảng Đông, hưởng dương 76 tuổi. Điều kỳ diệu là thân thể của Đại sư Huệ Năng đặt tại chùa Thiều Quang Nam Hoa, Quảng Đông đến nay đã gần một nghìn ba trăm năm mà không hề mục nát, thế nhân coi đó là Kim Thân Bất Diệt, và vẫn luôn lễ bái phụng thờ.
Theo Lý Vân – Epochtimes
Thái Bình biên dịch
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam