Từ thời xa xưa, việc nhìn rõ một người không phải là điều dễ dàng. Về cách nhận biết con người, các bậc hiền triết xưa cũng để lại cho chúng ta vô số kinh nghiệm quý báu.
Khổng Tử nói: “Thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kỳ sở an, nhân yên sưu tai? Nhân yên sưu tai?”, nghĩa là: “Xem mục đích việc anh ta làm, xem những việc và cách thức anh ta đã làm, xem những việc làm anh ta yên vui thích thú, thì sẽ biết anh ta là người như thế nào. Là người như thế nào làm sao mà giấu được? Làm sao mà giấu được?”
Để hiểu chính xác một người, cách tốt nhất là xem lời nói, việc làm của anh ta, nó thể hiện tâm trí anh ta có trong sạch lương thiện hay không. Quan sát cách thức thực hiện của anh ta, từ đó có thể thấy phương thức làm việc của anh ta có thỏa đáng hay không. Xem xét anh ta an tâm vui thích về điều gì, từ đó có thể thấy giới hạn chuẩn mực nguyên tắc của anh ta. Nếu bạn thấy rõ cả 3 điểm này thì không ai có thể lừa dối che giấu bạn được.
Ở thời hiện đại, chỉ cần bạn chú ý quan sát “bốn điểm” của một người, về cơ bản bạn có thể nhìn thấy bản chất của người đó.
1. Đứng trước lợi ích họ lựa chọn thế nào
Trước lợi ích, nhiều người sẽ bỏ đi sự ngụy trang của chính mình. Đây thường là thời điểm tốt nhất để phân biệt và nhận ra một người.
Nếu một người bỏ qua lương tâm của chính mình, không coi trọng tình cảm gia đình mà chỉ muốn thỏa mãn lợi ích riêng của mình thì bạn còn dám tin người như vậy hay không? Tốt hơn hết là nên tránh xa người như vậy càng sớm càng tốt. Bằng không, một khi cùng người như vậy có xung đột lợi ích, nhất định bạn sẽ là người chịu thiệt thòi.
Còn nếu một người có thể giữ vững những nguyên tắc nội tâm của mình, vẫn kiên định niềm tin vào đạo đức, có thể đặt mối quan hệ giữa con người và gia đình lên hàng đầu, thì người này nhất định sẽ có sự lựa chọn lương thiện và đúng đắn trong những thời điểm quan trọng.
Khổng tử từng nói: “Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi”, nghĩa là: Người quân tử hiểu rõ điều nghĩa, tiểu nhân hiểu rõ điều lợi. Hàm nghĩa cụ thể là giá trị quan của quân tử và tiểu nhân là khác biệt. Nghĩa là cái chính đáng của Thiên lý; còn lợi là cái ham mê của nhân dục. Người quân tử hiểu sâu việc nghĩa nên dốc lòng làm việc nghĩa, kẻ tiểu nhân hiểu sâu điều lợi nên dốc lòng làm việc lợi mà quên việc nghĩa là trái lẽ.
2. Hãy xem cách họ đối xử với những người có địa vị thấp hơn mình
Nếu một người có thể không xu nịnh đối với người có địa vị cao và không kiêu ngạo với người địa vị thấp hơn mình thì đây là dấu hiệu của một người có học thức và nhân cách tốt.
Trong bài thơ “Mộng du Thiên Mụ ngâm lưu biệt”, Lý Bạch từng viết: “An năng tồi mi chiết yêu sự quyền quý. Sử ngã bất đắc khai tâm nhan”, nghĩa là: Sao có thể cụp mắt khom lưng phụng quyền quý. Khiến ta chẳng được vui vẻ tươi cười.
Nói chung, con người tự nhiên có cảm giác ưu việt hơn khi đối mặt với những người có địa vị thấp hơn mình. Nhưng nếu một người có thể không đề cao cảm giác vượt trội của bản thân để hạ bệ người khác, mà thay vào đó đối xử với họ bằng sự tôn trọng, thì người đó phải có thiện chí, chính trực và là một người đáng tin cậy.
3. Thái độ của họ đối với cha mẹ như thế nào
Chúng ta thường để lại những ấn tượng tốt đẹp trong mắt người khác, nhưng lại dễ nổi nóng với những người thân trong gia đình mình. Tuy nhiên, nếu một người luôn có thể kiềm soát tốt cảm xúc và đối xử ôn hòa với những người thân thiết nhất của mình, thì người này có sự tu dưỡng tuyệt vời và thật đáng ngưỡng mộ.
Có một chương trong cuốn Luận ngữ của Khổng Tử. Tử Hạ hỏi về đạo Hiếu. Khổng Tử nói: “Sắc nan. Hữu sự, đệ tử phục kỳ lao; hữu tửu thực, tiên sinh soạn, tằng thị dĩ vi hiếu hồ?”, nghĩa là: Khó nhất là con cái có giữ được vẻ hòa vui thường xuyên lúc phụng dưỡng cha mẹ hay không. Khi có việc cực nhọc, con cái chủ động làm thay, có gì ngon mang cho cha mẹ ăn…Như thế chắc gì đã là có hiếu?.
Khi đối xử với cha mẹ, điều quan trọng nhất là thái độ, nếu thái độ không vui vẻ hòa ái thì dù có dâng của ngon vật lạ cũng làm cha mẹ buồn lòng, vậy nên chúng ta phải chú ý tu dưỡng tâm tính của mình.
Người xưa vẫn nói: “Nhân sinh nhược chích như sơ kiến, hà sự thu phong bi họa phiến”, nghĩa là: Nhân sinh nếu chỉ như lần đầu gặp gỡ, thì sao có chuyện gió thu làm chiếc quạt đau lòng.
Đối với những người thân thiết, nếu một người có thể luôn khiêm tốn và lịch sự thì hầu hết họ đều được gia đình giáo dục tốt, có trách nhiệm và dễ được người khác tin tưởng, quý mến.
4. Khi phải đối mặt với một lời hứa
Trước những lời hứa hẹn thường rất dễ dàng nhìn ra được tính cách của một người. Nếu một người đưa ra một lời hứa rất lớn và quyết tâm thực hiện nó đến cùng thì những người như vậy rất đáng tin cậy.
Còn nếu một người không thể giữ lời hứa và lại thường xuyên tùy tiện hứa hẹn thì người này không đáng tin cậy và là người không có trách nhiệm.
Trong “Luận ngữ” có câu: “Nhân nhi vô tín, bất tri kì khả dã. Đại xa vô khẩu, tiểu xa vô khẩu, kì hà dĩ hành chi tai”, đại ý là nếu con người không giữ chữ tín, cũng giống như một cỗ xe lớn không có đoạn gỗ chốt nối giữa càng xe và ách xe, xe sẽ không thể chạy được.
Đức tin là sự liêm chính đạo đức cơ bản nhất của một người. Quả thực, để nhìn rõ một người không phải là điều dễ dàng. Nhưng chỉ cần bạn nắm rõ được bốn điểm trên, bạn có thể phân biệt rõ đúng sai và có những tình bạn chân chính.
Khổng Tử nói: “Chi lan sinh ư thâm lâm, bất dĩ vô nhân nhi bất phương. Quân tử tu đạo lập đức, bất vị cùng khốn nhi cải tiết, nghĩa là: Cỏ chi và hoa lan mọc trong rừng sâu, không vì không có người biết đến mà không thơm. Người quân tử tu đạo lập đức, không vì gặp cảnh khốn cùng mà thay đổi tiết tháo.
Thùy Dung biên dịch
Nguồn: aboluowang (Triệu Li)
Vạn Điều Hay